Phiên tòa xét xử tội cố ý làm trái và tham ô ở PVN và PVC bắt đầu mở từ ngày 8-1 và kết thúc để nghị án vào ngày 17-1-2018 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đối chất nảy lửa!
Với số lượng 22 bị cáo, hai nhóm tội danh "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản", trong đó 2 bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí - PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC) bị xét xử cả hai tội danh, phiên tòa chứng kiến những cuộc đối chất gay gắt giữa các bị cáo.
Nổi bật là việc bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2) khẳng định các lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều đã được báo có việc hợp đồng 33 sai. Nhưng đối chất trực tiếp, cả bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN) đều phủ nhận.
Người chịu trách nhiệm cao nhất của PVN lúc đó là ông Đinh La Thăng cũng nhất mực nói không hề biết những vấn đề hợp đồng 33.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVN) thì nói có biết hợp đồng này chưa đủ điều kiện, nhưng vẫn ứng tiền cho PVC do "sức ép" từ cấp trên.
Chuyện "làm theo mệnh lệnh" cũng là nội dung dẫn đến nhiều lời khai của các bị cáo khác bất lợi cho ông Đinh La Thăng, nhưng trong phần đối chất, bị cáo này phản ứng bằng cách "tôn trọng lời khai của các bị cáo khác".
Một trong những phần đối chất tại phiên tòa, giữa bị cáo Vũ Hồng Chương (trái) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Chuyện này ở PVC cũng không khác mấy, từ đó mới dẫn đến phần đối chất đáng nhớ giữa bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên phó tổng giám đốc PVC) - người khẳng định "cấp trên chỉ đạo miệng cũng phải tuân thủ".
Khi ông Trịnh Xuân Thanh lấy "chuyện tình cảm" ra để nói với ông Minh: "Anh quý em như em ruột, vậy em trả lời anh đi, anh có chỉ đạo lập quỹ bao giờ không?", ông Minh đã rất bức xúc: "Anh Thanh cứ nói anh coi em như em trong nhà, bản thân em cũng rất yêu quý bị cáo Thanh và gia đình bị cáo Thanh và trân trọng tình cảm gia đình cũng như luôn thân thiết với gia đình bị cáo khác. Nhưng không thể lấy tình cảm anh em để nói về công việc như vậy. Công việc là công việc".
Tranh luận viện kiểm sát - luật sư - bị cáo
Các cuộc tranh luận giữa đại diện Viện kiểm sát với các bị cáo và các luật sư cũng không kém phần nóng bỏng.
Điển hình là khi đại diện Viện kiểm sát nhận định có yếu tố "lợi ích nhóm" trong sai phạm ở PVN: Bị cáo Đinh La Thăng cất nhắc và bổ nhiệm các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận vào các vị trí lãnh đạo của PVC rồi chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 dù PVC không đủ năng lực, sau đó cấp tiền tạm ứng để các bị cáo trên sử dụng trái mục đích.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) ngay khi có thể đã nói luận điểm này của Viện kiểm sát là "quy kết, chủ quan và thiếu căn cứ pháp lý".
"Việc bổ nhiệm này có lợi ích gì? Cho ai? Cuối cùng cả 3 ông đều ngồi đây à?", luật sư đặt câu hỏi.
Bản thân ông Thăng cũng tranh luận quyết liệt với cáo buộc này: "Không thể cứ bổ nhiệm cán bộ thì coi là lợi ích nhóm. Bản thân bị cáo cũng được cấp trên bổ nhiệm".
Vị trí ngồi của luật sư bào chữa tại phiên tòa được đặt ngang bằng với vị trí của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa
Những lời tự bào chữa nghẹn ngào
Cùng với những màn đối đáp, phiên tòa này còn gây chú ý với những lời tự bào chữa của các bị cáo.
Ông Đinh La Thăng trước sau đều khẳng định có thúc ép việc chỉ định thầu và ứng tiền cho PVC cũng đều vì sốt ruột với tiến độ chứ không vì tư lợi. Ông cũng hơn một lần dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc xử lý cán bộ vi phạm.
Đáng nhớ nhất trong phần tự bào chữa của ông Đinh La Thăng là câu nói: "Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù".
Bị cáo Đinh La Thăng nhắc lại lời của Tổng bí thư khi tự bào chữa ngày 13-1 - Video: HOÀNG ĐIỆP - DƯƠNG LIỄU - NGUYỄN HIỀN
Nước mắt cũng thấm ướt trong lời tự bào chữa của các bị cáo khác, trong đó có bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).
Trong nhóm tội "Tham ô tài sản", các bị cáo nhiều lần khai rằng việc lập quỹ và rút tiền tiêu xài cá nhân đều từ chủ trương của hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận. Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh năm lần bảy lượt phủ nhận, còn nói "các bị cáo khác buộc tội cho mình".
Có cơ hội tự bào chữa, ông Hòa đã không giấu giếm nỗi lòng: "Ở đây là phiên tòa công khai có gia đình bị cáo và gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đề nghị bị cáo Thanh không buộc tội bị cáo hay các bị cáo khác khi bào chữa cho mình vì liên quan đến con người. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, anh Thanh có bao giờ nghĩ vì ai mà bao nhiêu con người phải có mặt ở đây chưa?".
Những lời sau cùng đẫm nước mắt
Phiên tòa không những dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa, mà cơ hội nói lời sau cùng cũng rộng dài.
Ông Đinh La Thăng đã tận dụng cơ hội này để nhắc lại những món nợ, những lời hứa mà chính ông chưa thực hiện được: đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc, đưa TP.HCM trở lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông… Bị cáo này cũng nhắc đến gia đình, đến con cháu và thân phụ.
Trong lời sau cùng trước tòa ngày 17-1, ông Đinh La Thăng nói mình còn nợ người dân nhiều lời hứa chưa thực hiện được - Video: HOÀNG ĐIỆP - DƯƠNG LIỄU - NGUYỄN HIỀN
Gia đình cũng là điều các bị cáo khác đau đáu khi nói lời sau cùng. Thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại hoặc giảm nhẹ hình phạt để sớm được đoàn tụ với gia đình là nguyện vọng của hầu hết bị cáo.
Xúc động hơn cả có lẽ là lời của bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN) - người mà nếu không có sai phạm dẫn đến việc phải hầu tòa thì tháng sau đã có thể nghỉ hưu như lẽ thường sau 37 năm công tác trong ngành dầu khí.
Và lời của bị cáo Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc PVC) gửi đến mẹ: "16 tháng qua [tạm giam], con trưởng thành nhiều, biết giặt quần áo, nấu cơm và đã đón cái tết đầu tiên trong trại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận