Phóng to |
Huỳnh Thị Như Loan (phải) và các thành viên lớp 8A6 khóc tiễn đưa tại nhà lớp trưởng Nguyễn Phan Thành Lâm - Ảnh: Bá Sơn |
Như vậy, sau hơn 18 giờ kể từ lúc xảy ra vụ chết đuối thương tâm, tất cả bảy thi thể đã được đưa lên bờ và bàn giao về cho các gia đình nạn nhân để tổ chức chôn cất.
Mất con thật rồi!
Sáng 30-12, Bệnh viện huyện Cần Giờ bao trùm không khí tang tóc. Những tiếng khóc xé lòng của những người cha, người mẹ mất con, của những người anh, người chị mất em...
Khi tấm vải trắng che mặt được giở lên, người thân của em Võ Tấn Tài như chết điếng, họ ôm lấy nhau òa khóc rồi ngã quỵ xuống sân bệnh viện vật vã trong đau đớn.
Bà Thanh, cô ruột của em Tài, cho biết khi nhận được hung tin, hầu hết mọi người tập trung lên xe để đi thẳng đến bãi biển Cần Giờ.
Khi đến nơi, kiểm tra túi đựng quần áo của Tài thấy còn nguyên hai chiếc quần cụt mà trước khi đi Tài mang theo nên mọi người vẫn hi vọng Tài chỉ đi lạc đâu đó chứ không phải bị sóng cuốn mất. Do đó, trong suốt đêm chờ đợi, mọi người vừa lo sợ vừa hồi hộp và xen lẫn chút hi vọng.
“Khi lực lượng cứu hộ kêu đến nhận mặt, mọi hi vọng bị dập tắt. Tụi tui đã mất thằng Tài thật rồi...” - bà Thanh nghẹn giọng.
Anh Hiền (cha của nạn nhân Lê Công Hậu) cho biết khi nhận được tin Hậu mất tích, anh vẫn không nghĩ con mình bị chết đuối vì trước đó Hậu có xin đi chơi nhưng anh Hiền không cho đi.
Tuy vậy, theo yêu cầu của phía nhà trường, anh Hiền vẫn mang theo giấy tờ tức tốc chạy đến Cần Giờ. Trên đường đi, anh gọi vào số điện thoại của con để kiểm tra, một người lạ nghe máy trả lời “Vẫn chưa tìm được Hậu”.
Kể cả khi đứng trước biển Cần Giờ, hàng chục người xung quanh gào khóc thảm thiết thì anh Hiền vẫn tin rằng con mình chỉ đi lạc đâu đó và sẽ quay về với anh.
“Thế mà sáng nay, lực lượng cứu hộ đã chính thức thông báo tìm thấy xác nó. Tôi không nghĩ nó lại bỏ tôi đi sớm như vậy” - anh Hiền mắt đỏ hoe ngồi bên thi thể con khóc than.
Ông Lê Văn Thơm, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, kể lại trong màn đêm mịt mùng và cái lạnh thấu xương, lực lượng cứu hộ mò tìm từng thước vuông trên bãi biển 30-4, đến khoảng 2g ngày 30-12, lực lượng cứu hộ vớt được thi thể của em Lê Công Hậu và Lê Trường Duy.
Thêm ba giờ quần thảo trên biển với quân số gần 180 người, đến 5g cùng ngày lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể hai em Nguyễn Phan Thành Lâm và Đoàn Minh Tâm.
Sau khi vớt được thi thể của sáu em học sinh, lực lượng cứu hộ quyết tâm tìm bằng được em Võ Tấn Tài, học sinh cuối cùng với hi vọng em Tài còn sống.
Đến 6g30 cùng ngày, trong dáng vẻ mệt mỏi, đôi mắt hoe đỏ, ông Thơm chính thức thông báo đã vớt được thi thể em Võ Tấn Tài trong khu vực rừng đước (thuộc khu vực biển 30-4), cách mép bờ kè khoảng 1km.
Phóng to |
Nạn nhân cuối cùng được tìm thấy sáng 30-12 - Ảnh: Khoa Định |
Cứu hộ chậm vì sóng lớn?
Theo quan sát, từ điểm chốt bảo vệ - cứu hộ đến địa điểm các em học sinh tắm chỉ cách khoảng 500m.
Nhưng vì sao khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ lại chỉ cứu được một số em (nhiều thông tin cho biết cứu được ba em, nguồn tin từ UBND huyện Cần Giờ cho biết cứu được năm em), ông Đinh Quang Tuấn, đội trưởng bảo vệ khu du lịch 30-4 (Ban quản lý khu du lịch 30-4), cho biết thời điểm các học sinh xuống tắm có sóng biển cao hơn 1m nên nhân viên bảo vệ đã nhắc nhở các em không được bơi ra xa và không được lội vào khu vực nguy hiểm, thậm chí bảo vệ đã đuổi một số em không cho đến bãi biển gần công trình đang thi công gần đó.
Bảo vệ cũng nhắc nhở thầy cô đi cùng đoàn với các học sinh phải nhắc nhở các em. Lúc này có khoảng 500 khách vui đùa trên bãi biển, trong khi lực lượng bảo vệ - cứu hộ chỉ có bốn người nên không thể quản lý hết được.
Khi nhận được tin có người chết đuối, lực lượng cứu hộ đã điều canô ra hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ nhưng do sóng đánh mạnh, khó tiếp cận hiện trường nên công tác cứu hộ chậm hơn bình thường.
Hơn nữa, những ngày thường canô được để sẵn dưới nước nên sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai cứu hộ. Theo ông Tuấn, do sóng quá lớn nên hôm xảy ra vụ việc, canô cũng không được để sẵn dưới nước.
Ông Tuấn cho biết thêm vì sóng đánh quá mạnh nên khi vớt được một số em học sinh lên bờ thì lực lượng cứu hộ cũng gần xỉu.
Canô khi chạy đến gần hiện trường thì chỉ sau hai đợt sóng đánh làm canô gần chìm. Nếu không quay vô kịp thì lực lượng cứu hộ cũng chết hết (?).
Theo ông Tuấn, công tác cứu hộ đã được tổ chức tốt sau khi nhận được tin báo. Sự việc đau lòng xảy ra khiến nhiều người chết chủ yếu là do yếu tố bất ngờ, nước biển khoét sâu tạo dòng chảy, lạch sâu cộng với việc sóng đánh mạnh và các em học sinh có thể bị hút chân khi đi vào chỗ nước sâu.
Ông Lê Văn Thơm cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, trước mắt có thể do các em học sinh đã ra khu vực nước sâu để bơi, khi có sóng lớn nên đã cuốn các em trôi xa bờ.
Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, phó trưởng Công an huyện Cần Giờ, cho biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an huyện đã mời các hướng dẫn viên du lịch, thầy cô của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đi chung đoàn với các em học sinh bị nạn để lấy lời khai ban đầu nhằm phục vụ công tác điều tra. Đồng thời công an huyện sẽ làm việc với lực lượng cứu hộ để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc này.
Thêm một học sinh chết đuối khi đi tham quan Ngày 30-12, thượng tá Phan Văn Máy, đồn trưởng Đồn biên phòng Cổ Chiên (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), cho biết lúc 14g ngày 30-12 đã tìm được thi thể của em Hồ Kim Trọng (11 tuổi, học lớp 6 Trường THCS Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trên biển Thạnh Hải. Trọng gặp nạn khi đi tham quan cùng đoàn của Trường THCS Thới Lai, bao gồm 151 học sinh và 29 thầy cô. Theo thượng tá Máy, Trọng bị mất tích vào trưa 29-12 trong lúc đang tắm bãi tắm Hàng Dương, biển Thạnh Hải. Lúc đó, thầy cô đang tập hợp các em để ăn cơm trưa. Tuy nhiên Trọng cùng năm bạn khác ra biển tắm trước. Sau khi năm bạn trở vào bờ thì phát hiện Trọng mất tích trên biển. |
Sẽ bồi thường cho các gia đình nạn nhân Ông Trần Quốc Gia, giám đốc Công ty du lịch Hưng Phát, đơn vị phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức cho các em học sinh đi chơi, cho biết đây là sự cố đáng tiếc. Trước mắt công ty đã hỗ trợ các gia đình nạn nhân 5 triệu đồng/em để lo chi phí đám tang. Chờ xong việc ma chay, công ty sẽ phối hợp với nhà trường và các gia đình nạn nhân tổ chức họp để thỏa thuận mức bồi thường và giải quyết các khoản bảo hiểm du lịch. Ngày 30-12, lãnh đạo Sở GD-ĐT, UBND tỉnh Bình Dương và một số sở, ngành chức năng của tỉnh và huyện Dầu Tiếng đã tới thăm gia đình bảy học sinh bị nạn. Bước đầu Sở GD-ĐT hỗ trợ 5 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình mỗi học sinh bị nạn. Đoàn thăm hỏi đã không nén được xúc động khi chứng kiến nhiều giọt nước mắt vương trên những gương mặt học trò có mặt tại đám tang để chia tay người bạn của mình. Đối với cô giáo chủ nhiệm và tập thể lớp 8A6 thì những ngày này là những ngày thật buồn khi phải chia tay cùng lúc ba người bạn trong lớp. Lớp 8A6 có ba em tham gia chuyến đi (Nguyễn Phan Thành Lâm, Lê Công Hậu, Nguyễn Hoàng Long) thì cả ba đều tử vong. Tại nhà Nguyễn Phan Thành Lâm (khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng), nhiều bạn học sinh lớp 8A6 nấc nghẹn khi chia tay cậu bạn lớp trưởng học giỏi của mình. “Lớp em có ba bạn đi thì một bạn học rất giỏi, hai bạn học khá và các bạn đều rất ngoan” - Võ Hoài Nam, thành viên lớp 8A6, buồn rầu chia sẻ. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận