Bị cáo Hùng nghe tòa tuyên án tử hình - Ảnh: T.L. |
Từ sáng sớm 28-10, hàng ngàn người dân đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện Văn Yên, nơi phiên tòa lưu động diễn ra. Khoảng sân rộng trước sân trung tâm văn hóa đã không còn chỗ trống vì lượng người đổ về càng lúc càng đông.
Đứng trước vành móng ngựa và đối diện với hàng ngàn người, Đặng Văn Hùng (26 tuổi, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái) tỏ ra khá bình tĩnh.
Hùng là người dân tộc Dao, mới học hết lớp 1, không biết chữ nên suốt cả phiên tòa, nhiều lần vị chủ tọa phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi nhưng Hùng vẫn trả lời không đúng trọng tâm.
Khi thấy người dân cười vì sự ngờ nghệch của mình, Hùng cũng cười theo.
Mâu thuẫn nhỏ, tội ác lớn
Đứng trước vành móng ngựa, Hùng thuật lại hành vi phạm tội: Chiều 12-8-2015, khi lên nương thấy cháu họ là vợ chồng anh Trần Văn Long (32 tuổi) và chị Phàn Thị Hoa đang phát nương, Hùng nói: “Cậu bảo đừng phát nương của cậu, sao cháu vẫn cứ phát?”.
Sau khi vợ chồng anh Long nói: “Đây là nương của bố mẹ cháu để lại”, Hùng rút con dao quắm mang theo chém anh Long nhiều nhát. Anh Long chạy xuống lòng suối gần đó, Hùng tiếp tục dùng dao chém vào cổ khiến anh Long tử vong.
Sau khi thấy anh Long đã chết, Hùng quay lại chỗ chị Hoa và dùng dao chém liên tiếp 3 - 4 nhát vào cổ làm chị ngã xuống đất. Hùng tiếp tục đi xuống lán nương của gia đình anh Long thì gặp Phàn Thị Hà (15 tuổi, em vợ anh Long), Hùng dùng dao chém 3 - 4 nhát vào cổ làm Hà ngã xuống.
Sau đó, Hùng tiếp tục chém chết cháu Phàn Văn Tuyền (2 tuổi, con trai chị Hoa) khi thấy bé đang đứng ở đầu giường.
“Tại sao không có mâu thuẫn gì với gia đình anh Long mà bị cáo nỡ ra tay giết chết cả bốn người?”, “Tại sao cháu Hà mới hỏi một câu rất nhẹ nhàng “có chuyện gì vậy cậu” mà bị cáo nỡ giết luôn cả cháu?”, “Tại sao cháu Tuyền mới có 2 tuổi, chưa biết gì mà bị cáo nỡ tâm đâm chết cháu, vết đâm nào cũng nhằm vào cổ?”...
Lần lượt các vị trong hội đồng xét xử đã nhắc đi nhắc lại các câu hỏi để mong một câu trả lời thỏa đáng cho hành vi phạm tội của bị cáo, nhưng lần nào Hùng cũng lý giải bằng những lý do ngắn:
“Vì lúc đó nói xong giận quá nên đâm, giết cháu Hà vì trước đó cháu đã nói đất này không phải đất của cậu”, giết cháu Tuyền vì “đã lỡ giết bố mẹ cháu rồi”...
Nói lời sau cùng trước tòa, Hùng chỉ xin tòa cho mình được hưởng mức án nhẹ nhất.
Hiểu biết pháp luật hạn chế
Khi tòa tuyên án tử hình, Hùng vẫn không thay đổi nét mặt. Mất bốn mạng người nhưng gia đình bị hại không một lời nặng nhẹ với bị cáo và gia đình bị cáo. Họ lặng lẽ đến tòa và lặng lẽ ra về.
Nhà cách tòa 40km nhưng bố mẹ bị cáo có mặt tại tòa từ rất sớm. Sau khi con trai bị dẫn đi, ông Đặng Văn Mìu (bố Hùng) ngồi thừ ra ở sân vận động. Ông bảo dù biết tội ác tày trời của con nhưng vẫn mong tòa cho con ông cơ hội được sống.
Hùng là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Chị em của Hùng có người học đến lớp 9, có người học hết lớp 5. Riêng Hùng đã học hai năm lớp 1 nhưng vẫn không biết đọc biết viết nên gia đình đã cho nghỉ học. Bây giờ bị cáo không biết chữ, giấy tờ gì cũng phải điểm chỉ.
Ông Phan Trọng Khang (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Yên Bái, nguyên phó chánh án TAND tỉnh Yên Bái - người bào chữa cho bị cáo Hùng) kể mặc dù đã gây nên tội ác tày trời như vậy nhưng những lần tiếp xúc với luật sư trong tù, Hùng vẫn nhờ ông về nhắn với chị Nguyễn Thị Hán (bạn gái Hùng, người bị Hùng ép bỏ trốn cùng) rằng chị Hán hãy cố gắng đợi Hùng về.
Hùng nghĩ mình chỉ bị đi tù mấy năm thôi. Số điện thoại của gia đình và chị Hán, Hùng đều không nhớ nổi. Thế nên suốt thời gian bị tạm giam, bị cáo không liên lạc hay nhắn gửi được điều gì với gia đình.
Hơn 20 năm làm thẩm phán, từng giữ chức phó chánh án TAND tỉnh Yên Bái, từng tuyên rất nhiều án tử hình và là chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình rất nhiều vụ việc, thế nhưng khi tham dự một phiên tòa mà cả bị cáo và người liên quan đều có trình độ thấp như phiên tòa xét xử Đặng Văn Hùng, ông Khang cho biết bản thân không khỏi cảm thấy xót xa.
Vị đại diện Viện KSND tỉnh Yên Bái khi phát biểu quan điểm luận tội đã cho rằng “hành động của Hùng gợi nhớ đến hình ảnh của những kẻ diệt chủng, đồ tể ngày xưa hoặc trên phim ảnh”.
Có lẽ vì vậy mà trong bản luận tội của mình, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đối với người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa vì cuộc sống đồng bào còn rất nhiều khó khăn.
Cán bộ địa phương phải thường xuyên sâu sát tình hình, kịp thời hòa giải mâu thuẫn của đồng bào để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc...
Tính nguy hiểm của người phạm tội gia tăng Trong những vụ thảm sát gần đây (như vụ ở Yên Bái và Bình Phước) có thể nhận thấy thái độ, tâm lý bình thản, thậm chí là lạnh lùng của người phạm tội khi thực hiện hành vi giết người hoặc kể cả khi nghe tuyên hình phạt nghiêm khắc nhất. Điều này đã cho thấy sự gia tăng tính nguy hiểm của tình hình tội phạm giết người và gia tăng tính nguy hiểm của người phạm tội. Để ngăn ngừa những vụ phạm tội tương tự, cần thiết tiến hành đồng thời nhiều biện pháp. Song song với biện pháp kịp thời phát hiện, xử lý sau khi tội phạm xảy ra, theo tôi, cần tiến hành những biện pháp ngăn ngừa trước không để cho tội phạm có cơ hội xảy ra - đặc biệt là những người có nguy cơ trở thành nạn nhân giữ vai trò quan trọng. Không đẩy mối quan hệ giữa các bên vào tình trạng căng thẳng, bất hòa sâu sắc, mang tính kích động người phạm tội. Về lâu dài, các chủ thể phòng ngừa tội phạm cần áp dụng các biện pháp mang tính xã hội: một mặt nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân, một mặt cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức, nhân cách, pháp luật cho thế hệ trẻ. Đây là những biện pháp cần có sự đầu tư nghiêm túc của Nhà nước, toàn xã hội trong thời gian dài. |
Bị cáo quá ngô nghê Phiên tòa xét xử vụ án giết người với nhiều tình tiết đau lòng nhưng lại có rất nhiều tiếng cười rộ lên từ phía người dự khán. Người dự khán cười vì câu trả lời của Hùng và người liên quan quá ngô nghê. Khi tòa hỏi bố Hùng thường trú ở đâu, Hùng đáp “bố đang ở tòa”. Tòa hỏi “giết người từ mấy giờ đến mấy giờ?” thì bị cáo lại trả lời “bỏ trốn được ba ngày”. Tòa hỏi hai lần “tại sao đang học lớp 1 lại nghỉ?” thì bị cáo lại đáp “bây giờ đã nhận và thức được mình sai, xin tòa giảm cho tí tội”. Người vợ cũ đã ly hôn của anh Long khi được tòa hỏi có yêu cầu bị cáo cấp dưỡng nuôi con thay anh Long không, chị đã vội vàng lắc đầu lo lắng: “Tôi không muốn dính dáng gì đến bị cáo và vụ án này”. Tòa giải thích ba lần thì chị mới hiểu và đồng ý để bị cáo cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000 đồng. Trước những tiếng cười của người dự khán, vị chủ tọa phải nhắc nhở: “Bị cáo và người liên quan là người dân tộc Dao, trình độ văn hóa hạn chế. Có những câu hỏi của tòa họ chưa hiểu nên trả lời không đúng trọng tâm, đề nghị người dân thông cảm, không cười và giữ trật tự”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận