Thượng nghị sĩ Patrick Leahy giao lưu với trẻ em khuyết tật tại lễ ký bản ghi nhận ý định về quan hệ đối tác mới để hỗ trợ người khuyết tật giữa USAID và Văn phòng 701 ở Đồng Nai ngày 20-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên tất cả và quan trọng để nhấn mạnh rằng những điều này là vì con người. Chúng ta cần phải làm sạch dioxin Biên Hòa, nhưng mục tiêu của chúng ta là cải thiện cuộc sống người dân.
Thượng nghị sĩ Leahy
Đó là thượng nghị sĩ (TNS) Patrick Leahy, phó chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, người đã dành trọn 30 năm cống hiến cho công tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước.
Đoàn TNS này được xem là thế hệ tiếp nối ông John McCain (đã mất) và John Kerry (rời xa chính trường) trong việc vun đắp quan hệ Việt - Mỹ.
Cột mốc hợp tác đỉnh cao
Đoàn TNS Mỹ đến sân bay Biên Hòa để tham gia khởi động dự án xử lý dioxin tại đây, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - không quân Việt Nam phối hợp tổ chức.
Trả lời báo chí, TNS Patrick Leahy xúc động chia sẻ: "Dự án chung này là cột mốc đỉnh cao trong nhiều năm hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, bắt đầu từ những năm 1980, khi Chính phủ Việt Nam cung cấp sự hỗ trợ vô giá đối với Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh".
Tham gia cùng TNS Leahy lần này là 8 TNS Mỹ khác đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ. Điều này thể hiện sự cam kết cao từ lưỡng viện Mỹ trong việc phối hợp cùng Việt Nam khắc phục nỗi đau còn lại sau chiến tranh.
Dự án xử lý dioxin tại Biên Hòa chính là thành tựu từ nỗ lực không mệt mỏi của cả hai phía Mỹ và Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - lưu ý rằng sự kiện này cho thấy Chính phủ Mỹ đã công nhận các thiệt hại và nỗi đau do chất độc dioxin gây ra tại Việt Nam.
Ông nhấn mạnh: "Từ trước tới nay, khi Mỹ hỗ trợ chúng ta về hậu quả của dioxin đối với con người, tất cả đều qua các tổ chức phi chính phủ mà không phải Chính phủ Mỹ. Nhưng lần này trực tiếp Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho chúng ta 50 triệu USD để khắc phục hậu quả dioxin đối với con người".
Từng làm việc cùng cố TNS John McCain trong nhiều năm, TNS Debbie Stabenow chắc chắn rằng những nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh sẽ được các thế hệ nghị sĩ Mỹ tiếp nối.
Bà Stabenow nói với Tuổi Trẻ: "Tôi tin rằng các nghị sĩ ở lưỡng viện sẽ duy trì cam kết và sự quan tâm đối với vấn đề này. Chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi làm vậy để thể hiện sự cam kết của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc hết mình để duy trì điều đó".
Từ trái tim đến trái tim
Trong số các nghị sĩ Mỹ có mặt tại Đồng Nai vừa qua, TNS Leahy có thể là người vui nhất với thành tựu trong các nỗ lực xử lý hậu quả chiến tranh.
Ở tuổi 79 và phải làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt ở sân bay Biên Hòa, ông Leahy chia sẻ: "Đây là lần thăm Việt Nam thứ ba của tôi, và mỗi lần như thế tôi đều ước rằng chúng ta có thể thay đổi quá khứ. Chúng ta không thể thoát khỏi sự thật rằng chiến tranh là một thảm họa cho nhiều thế hệ người Việt Nam và người Mỹ".
Chia sẻ riêng cùng Tuổi Trẻ bên lề sự kiện, TNS Stabenow nói: "Bản thân tôi cũng là một người mẹ và một công dân Mỹ, tôi cảm thấy thực sự tồi tệ về những gì đã diễn ra và tôi cho rằng chúng tôi có một nghĩa vụ về đạo đức để sát cánh cùng Việt Nam sửa chữa sai lầm, đảm bảo tương lai của trẻ em, đảm bảo rằng những người cha, người mẹ cũng không còn phải lo lắng về con em mình nữa".
Hỗ trợ người khuyết tật
Cũng trong ngày 20-4, USAID và Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) đã ký bản ghi nhận ý định về quan hệ đối tác mới để hỗ trợ người khuyết tật.
Đây là biên bản đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh tại Việt Nam là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận