Phóng to |
Nói thế cũng đúng. Vì có dịch thì phải có sai. Bác sĩ, làm việc trên tính mạng con người, nhiều ông giỏi vãi chầy ra còn khám sai, mổ sai. Thế nên mới có lời khuyên là bị bệnh nặng thì phải khám mấy chỗ khác nhau. Còn mổ xẻ thì có cả một ca mổ hỗ trợ cái ông cầm dao. Tất cả chỉ là để giảm thiểu (tối đa) sai sót.
Thế nên dịch mới có biên tập. Biên tập giỏi và cứng tay, dịch lại bản dịch của dịch giả đến cả nửa cuốn là bình thường.
Thế nhưng, ở VN, dịch giả không biết vì nguyên cớ gì thì nổi cứ như ngôi sao nhạc pop, cứ như học giả, còn biên tập viên thì cứ lọ mọ, cứ... hèn hèn. Dịch giả ngồi lên đầu biên tập là bình thường. Dịch giả dịch một cuốn, còn biên tập viên thì cùng lúc ôm mấy cuốn. Thấy sai mà sửa cho đúng đã ong cả não lên, lại gặp phải dịch giả ngôi sao suốt ngày cự nự: không được sửa chỗ này, không được sửa chỗ kia. Cãi nhau mất thời gian, cho nên thôi kệ ông. Sai cũng kệ ông.
Đâm ra biên tập viên cứ yếu dần, rồi lương biên tập viên cũng bèo, việc thì ngày càng nhiều. Dần dà, đâm ra cứ làm quấy quá cho xong.
Rồi thì biên tập viên và dịch giả lại cùng một ổ, do một nhà trả lương, làm cùng nhau cùng một cơ quan. Có khi biên tập viên lại là nhân viên cấp dưới, hoặc là bạn của dịch giả. Nên lại càng dễ bỏ qua chỗ sai. Hoặc là tặc lưỡi, sếp là dịch giả nổi thế, chắc chả sai mấy đâu.
Lẽ ra, nếu dịch giả là người nhà của nhà xuất bản thì bản dịch ấy phải thuê biên tập ngoài. Và ngược lại, nếu dịch giả ở ngoài thì dùng biên tập viên ruột của mình. Làm thế thì hai bên mới thẳng tưng ra mà mổ nhau, mới mong có ít sai sót. Ấy là nói biên tập viên có trình độ. Chứ biên tập viên yếu cả về trình độ, yếu cả bản lĩnh cũng khó mà mổ được dịch giả. Cứ lâu dần, càng ngày biên tập càng lép vế. Đúng ra, lẽ ra, thì ngày qua ngày, năm qua năm, càng ngày biên tập viên càng phải có vai trò lớn hơn, oách hơn.
Cho nên dịch sai lúc đầu là do dịch giả. Bản thảo vẫn sai là do biên tập viên: không đủ bản lĩnh và trình độ để vặc dịch giả, dưới cơ dịch giả nên bị đè. Xuất bản phẩm vẫn sai là do nhà xuất bản: không rạch ròi biên tập và dịch giả, cả hai cùng là quân nhà.
Có những dịch giả lớn tuổi, trước 1975 vừa làm giáo sư ngôn ngữ trường đại học vừa dịch sách. Sau 1975 mỗi người một nơi, danh tiếng mờ nhạt, thua danh các dịch giả trong nước cả trăm lần, mà đẳng cấp trình độ thì có khi ngược lại. Nhưng nói chuyện với họ về chất lượng các bản dịch gần đây, các dịch giả lớn tuổi đều tránh phê bình chất lượng (dù lúc trà dư tửu hậu, họ vạch ra toàn cái sai chết người). Họ bảo mình làm nghề dịch, tránh phê bình đồng nghiệp. Việc đấy dành cho các vị phê bình dịch thuật.
Những dịch giả sau này quên mất dịch giả cũng là một nghề như bác sĩ, kỹ sư, cái quan trọng là làm tốt nghề của mình và sống bằng nghề đấy. Cái danh của mình cũng nên khoanh trong cái cộng đồng trong nghề biết, không phải là cái danh chìa ra đám đông mà ưỡn ngực. Đâm ra hay chê bản dịch người khác. Suốt ngày chê cuốn này cuốn kia dịch kém, dịch tồi, dịch hỏng. Quên mất rằng mình cũng làm nghề dịch, và cái sai nó không tránh một ai...
Còn với công chúng, đã bỏ tiền ra mua sách, không trách họ thấy cái sai là “ném đá”. Nhưng đúng hơn là chỉ ném vào cái chỗ sai thôi, để nhà xuất bản họ cải thiện chất lượng sản phẩm. Chứ không phải ném để đóng cửa nhà xuất bản. Cái sai của một cuốn sách dịch, so với cái sai của Vinashin chẳng hạn, chỉ bằng cái trôn kim. Làm gì mà suốt ngày thảm họa với chả thảm họa. Sốt cả ruột. Sai thì bảo các ông sai rồi, xin lỗi độc giả đi, dịch lại cho đàng hoàng đi, không thì không mua sách nữa.
Mà có khi đừng mua sách, đừng đọc sách nữa. Đọc sách chỉ mà để lên mạng chửi nhau (như tôi đang làm đây) thì thà mù sách còn hơn. Sáng giờ lẽ ra đi xe ôm hay quay nước mía kiếm được ít tiền, thì ngồi nhà viết bài như vầy. Cứ bảo sao nước mình mãi nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận