Phạm Văn Thành cùng cô giáo Võ Thị Hoài Ân mỗi ngày rèn luyện tám giờ, luyện từng chi tiết bulông, ốc vít để làm sao thời gian làm bài thi nhanh nhất - Ảnh: HÀ THANH |
Nhận kết quả đậu vào Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhưng quyết định nộp đơn vào trường nghề học nghề lắp đặt đường ống nước, ba năm sau Phạm Văn Thành (22 tuổi, quê Ninh Bình) đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Tay nghề ASEAN lần 11.
Những cải tiến nhỏ, tính trên mỗi sản phẩm chẳng đáng là bao, nhưng nếu nghĩ đến lợi ích là làm cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn, áp cho cả một chuyền sản xuất mấy chục, mấy trăm con người thì giá trị sẽ rất lớn |
“Thợ ống nước” trẻ ra sân chơi quốc tế
Giành huy chương bạc nghề lắp đặt đường ống nước tại kỳ thi này, Thành cũng là một trong 60 gương mặt nhận giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2017. Giờ đây anh thợ ống nước đang gấp rút để chuẩn bị kỳ thi tay nghề thế giới sắp tới.
Xuất phát điểm đến với nghề ống nước của Thành là vì... nhà nghèo. Thành kể năm 2013, thương cha mẹ vất vả, Thành nộp đơn đăng ký học cấp thoát nước tại Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị (thuộc Bộ Xây dựng) để tiết kiệm.
Lúc đó, Thành chỉ nghĩ ra trường sẽ xin đi làm công nhân hoặc vào làm việc tại một nhà máy cấp thoát nước nào đó.
Nhưng năm 2016, thấy tay nghề của Thành tốt, trường đã cử đi tham dự các kỳ thi tay nghề.
Vượt qua các kỳ thi cấp bộ, cấp quốc gia, năm ngoái Thành xuất sắc được lựa chọn tham dự thi nghề lắp đặt đường ống nước tại kỳ thi Tay nghề ASEAN lần 11 tổ chức tại Malaysia và mang về tấm huy chương bạc.
Thành kể lúc đi thi anh làm một mạch xong trước hai giờ. “Thí sinh tham dự ai cũng có tay nghề giỏi, quan trọng là phải tự tin xử lý tình huống” - Thành tự tin chia sẻ.
Giành huy chương bạc, Thành chính thức trở thành đại diện quốc gia tham dự kỳ thi Tay nghề thế giới lần 44 tại Abu Dhabi năm 2017.
Trở về từ kỳ thi, để “ôn luyện” cho sân chơi lớn, Thành xin vào làm việc tại một công ty về nước sạch, vừa có kinh nghiệm thực tế vừa có thêm thu nhập.
Nhưng từ tháng 3-2017, Thành nhận được giấy thông báo trở về Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị để tập trung rèn luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
Cô giáo Vũ Thị Hoài Ân - giảng viên trực tiếp hướng dẫn của Thành - cùng bạn rèn luyện tám giờ/ngày ở trường.
Về nhà Thành còn tự mày mò đọc bản vẽ, tiên lượng các tình huống có thể xảy ra trong đề thi và tìm cách giải quyết.
Cô trò cũng thường tìm tòi các đề thi tay nghề của ASEAN, của thế giới rồi nhờ tư vấn của các chuyên gia, chủ yếu lên khung bài, sau đó thay đổi, đánh giá các chi tiết nhỏ từ bulông, ốc vít và xử lý các tình huống có thể xảy ra trong bài thi.
Giờ không còn trực tiếp đứng máy nhưng khi các bạn công nhân có sáng kiến, anh Nguyễn Sỹ Hân là người giúp họ trình bày lên ban giám đốc - Ảnh: V.T. |
Sáng kiến nhỏ của chàng thợ may
Ngại ngùng khi được hỏi về sáng kiến, Nguyễn Sỹ Hân (sinh năm 1984, quê Hải Dương) - công nhân Công ty TNHH may Việt Vương (Q.12, TP.HCM) - tự nhận xét: “Làm lâu, có kinh nghiệm thì thấy được thôi”.
Anh Hân đã nghĩ ra cách để cải tiến, rút ngắn công đoạn ép dán sản phẩm từ 120 giây còn 90 giây bằng cách thay đổi số lần dừng lại bỏ dây câu.
Với sáng kiến tưởng chừng nhỏ bé ấy, anh đã được tôn vinh danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc 2017.
Gặp anh trong giờ giải lao giữa trưa từ xưởng đi ra mồ hôi đầm đìa lưng áo, anh bảo nghe tin được bình chọn thợ trẻ giỏi anh cảm thấy bất ngờ và vỡ òa niềm vui vì “chưa bao giờ nghĩ sẽ được một giải thưởng như thế này”.
Học xong cấp II, Sỹ Hân năm đó 15 tuổi nghỉ học, lăn lộn đi làm kiếm tiền. Năm 2000, anh vào làm thợ may ở Việt Vương và gắn bó đến tận bây giờ.
Từ vị trí thợ may, anh chuyển qua làm công đoạn ép dán và gần đây đã trở thành công nhân quản lý chất lượng công đoạn ép seam, điều chỉnh máy móc, hướng dẫn thao tác...
Anh kể khách hàng của công ty từ rất nhiều nước, đặt yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là công đoạn ép seam để ráp các chi tiết, bộ phận của một sản phẩm, là công nghệ cao không sử dụng đường may...
“Trước kia để lồng hai lớp của áo gió, áo khoác phải dừng năm lần bỏ dây câu, bây giờ thì làm liên tiếp chỉ dừng một lần thôi, tiết kiệm được thời gian hoàn thành sản phẩm, chất lượng sẽ tốt hơn” - anh Hân giải thích.
Một sáng kiến đơn giản nhưng không phải công nhân nào cũng sẵn sàng đề xuất. Anh Nguyễn Cao Phong - chủ tịch công đoàn Công ty Việt Vương - chia sẻ với mỗi sản phẩm đặt gia công, khách hàng sẽ chuyển cả phương thức, hướng dẫn quy trình sản xuất cụ thể.
“Những cải tiến nhỏ, tính trên mỗi sản phẩm chẳng đáng là bao, nhưng nếu nghĩ đến lợi ích là làm cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn, áp cho cả một chuyền sản xuất mấy chục, mấy trăm con người thì giá trị sẽ rất lớn và làm lợi cho công ty” - anh Phong cho biết.
Vinh danh 60 thợ trẻ giỏi toàn quốc Liên hoan “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã nhận được 181 hồ sơ đề cử từ 48 tỉnh, thành đoàn và Đoàn trực thuộc. Hội đồng bình chọn là những chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong các lĩnh vực đã lựa chọn 60 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc để tôn vinh, trao giải “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 8. Đây là những điển hình xuất sắc đại diện cho hơn 4,5 triệu thanh niên công nhân, kỹ sư, nghệ nhân trẻ, học sinh các trường dạy nghề trong cả nước đang nỗ lực học tập, lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lễ tuyên dương diễn ra tối 13-5 tại nhà hát Bến Thành (TP.HCM). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận