Trước khoảnh khắc tai nạn xảy ra, tất nhiên còn có nhiều hành vi của tài xế không phù hợp với cao tốc như đi ngược chiều, vô ý dừng xe...
Vì vậy trước khi bàn về hạ tầng đường cao tốc, việc nhắc nhở nhau "cao tốc không phải đường làng" để hình thành dần phản xạ tự nhiên khi lưu thông, xử lý tình huống trên cao tốc là chuyện cần thiết, trong bối cảnh loại hình đường bộ này đang ngày một nối dài trên cả nước.
Tai nạn thương tâm từ thói quen đường làng
Điểm qua một vài vụ tai nạn thương tâm dưới đây, chắc ai cũng ước những bác tài lái xe trên cao tốc có một cách xử lý đúng hơn khi "cao tốc không phải đường làng".
Vụ tai nạn mới xảy ra vào sáng 11-7 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay thời điểm trên, một xe bán tải đi chậm để tránh chướng ngại vật thì bị một ô tô 16 chỗ va chạm nhẹ từ phía sau.
Sau đó ba người đàn ông trên hai xe này dừng lại tranh cãi ngay giữa đường cao tốc, phía trước chiếc xe 16 chỗ. Làn đường này có tốc độ xe chạy tối đa 120km/h. Họ tranh cãi được trên 3 phút thì một ô tô khác lao tới với tốc độ nhanh, tông mạnh vào đuôi xe 16 chỗ và nhóm người này.
Vụ tai nạn làm 2 người tử vong tại chỗ - là 2 trong số 3 người đàn ông đứng cãi nhau sau vụ va chạm nhẹ trước đó và 6 nạn nhân bị thương. Dù lúc này ai cũng có thể thấy phần lỗi của xe cuối cùng cũng có nhưng rõ ràng, khởi đầu của vụ tai nạn lớn là từ một va chạm nhỏ nhưng chưa có cách xử lý đúng đã để sự việc đáng tiếc xảy ra.
"Đây là một hành vi quá thiếu hiểu biết", TS Phan Lê Bình, trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản (đơn vị tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực xây dựng, nghiên cứu khả thi, quản lý dự án giao thông...), nói với Tuổi Trẻ khi nhận định về vụ việc.
Cũng trên đoạn cao tốc qua huyện Gia Lộc (Hải Dương), hôm 2-7, một chiếc xe tải gặp sự cố, dừng trên làn xe chạy, tài xế đứng trước đầu xe, có cảnh báo bằng cành cây, nhưng điều đó là chưa đủ.
Một chiếc xe bồn chở xăng sau đó đã lao tới, tông trúng xe tải, xăng trào ra mặt đường, ngọn lửa bùng lên rất mạnh, bốc cao hàng chục mét, lan sang cả phía ngoài hộ lan đường cao tốc. Cảnh sát sau đó đã phát hiện một thi thể, người này nghi là tài xế xe tải.
Vào tháng 3, một xe khách chạy trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã tông vào một xe tải đang dừng đỗ ven đường khiến 2 người tử vong tại chỗ, 7 người bị thương. Xe tải này đã không đặt báo hiệu cảnh báo nguy hiểm theo quy định.
Vụ tai nạn rúng động và gây nhiều tranh cãi nhất là vụ liên quan tài xế đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cuối năm 2016, thời điểm chưa có nhiều cao tốc như lúc này.
Sau gần 8 năm, việc thi thoảng có xe đi ngược chiều trên cao tốc vẫn là... chuyện mới. Khi đó, xe Innova từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên đã lùi trên cao tốc do đi quá lối ra khu vực nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên).
Một xe đầu kéo đang chạy phía sau ở tốc độ khoảng 60 - 65km/h, cách khoảng 70m, tài xế có ý vượt lên để tránh nhưng phát hiện có xe đầu kéo khác cũng đang đến nên không thể vượt. Khi còn cách xe Innova khoảng 10m, tài xế xe đầu kéo đạp thắng và đánh lái về bên phải đường.
Do khoảng cách quá gần, xe đầu kéo đã đâm vào đuôi xe Innova khiến 3 người lớn và 1 bé trai tử vong, 6 người còn lại bị thương.
Giữ khoảng cách: dễ nói khó làm
Ngày 11-7, phóng viên Tuổi Trẻ đi dọc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ trạm thu phí Long Phước về nút giao An Phú, TP Thủ Đức) quan sát hầu hết xe trên đường không hề giữ khoảng cách an toàn, chỉ cách nhau 10 - 20m.
Với tốc độ 80 - 120km/h trên đường cao tốc (tùy biển báo) thì khoảng cách này không đủ đảm bảo an toàn.
Tầm 17h, đoạn vào đường dẫn cao tốc xuống nút giao An Phú đông nghẹt xe, dòng xe cứ thế nhích từng chút một. Lúc này khoảng cách chỉ còn không quá 1 - 2m. Một số tài xế còn liên tục bấm còi, cố gắng bám vào đuôi xe trước "chờ thời cơ" lấn qua làn bên cạnh để vượt.
Mất tầm 15 phút, xe chúng tôi nhích dần qua nút giao An Phú rồi chạy vào đường Lương Định Của thì gặp tình trạng tương tự. Khi chúng tôi hỏi một người đi đường, anh này nói đường sá quá nhỏ hẹp, kẹt xe nên chuyện giữ khoảng cách an toàn là rất khó khăn.
"Nếu cứ khư khư giữ khoảng cách an toàn thì sẽ bị tụt lại phía sau hoặc bị những xe khác "húc" vào. Thậm chí có lần tôi còn bị lái xe tải chửi vì chạy không theo số đông, cản trở xe đằng sau tới", anh này kể.
Còn anh Nguyễn Thành Duy (một người dân ở TP Thủ Đức) cho rằng một số người lý giải họ không giữ khoảng cách an toàn do hạ tầng bất cập là chưa phù hợp. "Tôi từng đến Úc, Thụy Sĩ..., họ cũng có đường nhỏ, nhưng người dân lái xe vẫn rất chú ý tới khoảng cách phù hợp", anh Duy nói.
Muốn an toàn phải giữ khoảng cách an toàn
Để đảm bảo an toàn khi lái xe trên đường cao tốc, TS Phan Lê Bình cho rằng có 2 yếu tố quan trọng hàng đầu là: lái xe luôn giữ tỉnh táo và duy trì khoảng cách an toàn. "Xe đạt tới tốc độ cao, chỉ cần một phút xao nhãng, không kịp chú ý để đưa ra phản xạ sẽ dễ dẫn tới những cú tông rất mạnh", ông Bình nói.
Đồng quan điểm, thượng tá Đoàn Văn Quới (phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM) cũng nhấn mạnh việc giữ khoảng cách giữa các phương tiện lưu thông.
Theo ông Quới: "Việc chạy nối đuôi nhau, giành đường dẫn đến khi xảy ra tình huống bất ngờ, tài xế không có đủ thời gian nhận biết, phán đoán và đưa ra các quyết định phù hợp; đồng thời việc không giữ khoảng cách an toàn cũng làm cho tài xế không đủ quãng đường để thực hiện việc phanh (thắng) và dừng xe an toàn".
Dẫn chứng quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, ông Quới cho biết với tuyến đường có tốc độ 80 - 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m, còn cao tốc cho phép chạy 100 - 120km/h, các xe cần cách nhau 100m.
Ghi nhận tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 có 48 vụ tai nạn mà nguyên nhân điều tra do không giữ khoảng cách an toàn.
Do đó cảnh sát giao thông TP.HCM khuyến cáo khi tham gia giao thông, lái xe phải giữ khoảng cách an toàn ở nơi có biển báo (tốc độ nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo).
Bên cạnh đó, việc giữ khoảng cách còn phụ thuộc điều kiện mặt đường, thời tiết (mưa, sương mù), đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế. Việc giữ khoảng cách còn căn cứ vào tình hình mật độ phương tiện, điều kiện giao thông thực tế mà điều chỉnh khoảng cách an toàn phù hợp.
Xử lý sao khi gặp sự cố trên đường cao tốc?
Thông tin với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo lái xe khi gặp sự cố trên cao tốc cần chú ý quan sát, bật xi nhan, cố gắng từ từ di chuyển từng làn một đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy cho đến khi vào sát bên phải đường hoặc làn dừng xe khẩn cấp.
Sau đó, tài xế được khuyến cáo tiếp tục bật xi nhan cảnh báo; xuống xe (mặc áo phản quang vào ban đêm) và đặt ngay 3 chóp nón hoặc biển tam giác phản quang phía sau xe để cảnh báo với khoảng cách 100m trên cao tốc.
"Lái xe không được tự ý đi bộ trên đường cao tốc, phải đứng ngoài dải tôn hộ lan để đảm bảo an toàn. Sau đó gọi điện thoại tới lực lượng chức năng để được hỗ trợ", đại diện Cục Cảnh sát giao thông lưu ý.
Trong khi đó, khi gặp tai nạn, tài xế bình tĩnh xử lý, đặt cảnh báo và liên hệ với lực lượng chức năng để được hỗ trợ, xử lý theo quy định. Cục Cảnh sát giao thông nhắc lại việc tuyệt đối không được đi bộ trên cao tốc, không được tập trung đông người để tranh cãi.
Về trang bị, nên có dán giấy phản quang vào phía sau xe; trang bị tối thiểu 3 chóp nón hoặc 3 biển tam giác phản quang; áo phản quang để mặc khi gặp sự cố trên đường vào thời điểm trời tối, sương mù và ban đêm.
Cần có kỹ năng lái xe trên đường cao tốc
Tài xế Đào Minh Trung (39 tuổi), nhiều năm kinh nghiệm chạy xe tuyến Lào Cai - Hà Nội, nói không đâu dễ bắt gặp cảnh lái xe "tùy tiện" như tuyến cao tốc này. "Vượt xe trái phép ở đoạn đường 2 làn, vô tư đón trả khách, các xe nối đuôi nhau thành hàng không đảm bảo khoảng cách... đủ cả. Đi trên cao tốc mà như đường làng", anh Trung miêu tả.
Còn chị Đào Thị Yến (28 tuổi) thì luôn thường trực nỗi lo lái xe đi ngược chiều, đi lùi trên đường cao tốc.
Lấy dẫn chứng, chị kể về hành trình trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cách đây 3 tháng, một chiếc xe con đi ngược chiều trong đêm tối nên chị chỉ có thể phát hiện ở khoảng cách chưa đầy 100m. "Tôi đang ở tốc độ gần 90km/h nên phải phanh dúi dụi để định thần lại, quá nguy hiểm cho hành vi này", chị Yến nói.
Ngoài những vi phạm mang tính chủ quan, cố ý, đại diện Cục Cảnh sát giao thông lại nhấn mạnh việc xử lý khi xe gặp sự cố, tai nạn giao thông trên cao tốc của một bộ phận tài xế còn yếu, dẫn đến nguy hiểm cho chính họ và người tham gia giao thông.
Nhận định trên được nêu ra sau 2 vụ tai nạn liên tiếp trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hôm 2-7 và 11-7.
Theo TS Phan Lê Bình, trong bối cảnh mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam được mở rộng rất nhanh, lượng người sở hữu ô tô ngày một nhiều thì việc hiểu biết đầy đủ về lái xe an toàn trên đường cao tốc đối với các tài xế chưa tăng lên tương xứng.
"Nhiều người vẫn giữ quan niệm đi trên đường cao tốc chỉ đơn giản là lái xe với tốc độ nhanh hơn", ông Bình nói.
Ít xử phạt lỗi không giữ khoảng cách an toàn
Theo anh Nguyễn Thành Duy (một người dân ở TP Thủ Đức), phần lớn tài xế không tuân thủ các quy định về khoảng cách an toàn xe vì ít bị xử phạt, mà phạt chủ yếu là các lỗi chạy quá tốc độ, sai làn đường. Vì thế, cơ quan chức năng nên tăng cường xử lý, có thể áp dụng phạt nguội xe không giữ khoảng cách an toàn...
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, một cán bộ cảnh sát giao thông thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM (PC08) cho rằng cảnh sát giao thông cũng khó xử phạt trong những trường hợp này do không có máy hay thiết bị đo khoảng cách. Trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn thì lực lượng mới phong tỏa hiện trường, ghi nhận khoảng cách các xe để xác định nguyên nhân và xử phạt nếu có vi phạm về khoảng cách.
Theo điều 11 thông tư 31/2019/TT-BGTVT, trong điều kiện mặt đường khô ráo, nếu vận tốc bằng 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m; vận tốc trên 60 - 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m; vận tốc từ trên 80 - 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m; vận tốc từ trên 100 - 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.
Đối với trường hợp xe đi trên cao tốc, khoảng cách an toàn tối thiểu cũng dựa vào tốc độ của xe khi tham gia giao thông theo như quy định trên. Việc không giữ khoảng cách an toàn đúng quy định còn có thể bị cảnh sát giao thông xử phạt rất nặng theo nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Mức phạt cao nhất có thể lên tới 12 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Về phía đào tạo, ông Phan Trung Phong (giám đốc Trung tâm đào tạo Trường cao đẳng Giao thông vận tải) cho rằng đã có đào tạo những kiến thức, kỹ năng về việc giữ khoảng cách an toàn. Đặc biệt các tình huống mô phỏng dạy cho học viên kiến thức, ý thức chấp hành luật, rèn khả năng phản xạ tình huống rất tốt. "Sắp tới, đơn vị sẽ tính toán để bổ túc thêm cho học viên về ý thức chấp hành quy định pháp luật", ông Phong cho biết.
Bạn đọc nhắc đến quy định "giữ nguyên hiện trường"
Trong hôm qua 12-7, khi bình luận về vụ tai nạn ngày 11-7, bên cạnh việc chỉ ra cách xử lý đáng tiếc "xem cao tốc như đường làng" bấy lâu nay của không ít tài xế, bạn đọc Tuổi Trẻ Online có nhắc đến quy định "giữ nguyên hiện trường" để điều tra, bồi thường bảo hiểm. Có thể cũng từ những băn khoăn này mà đã có vụ dừng xe, đứng trên đường cao tốc cự cãi với nhau giữa các nạn nhân. Cụ thể:
- Bạn đọc hp: Ông bảo hiểm yêu cầu giữ nguyên hiện trường khi tai nạn nhưng trên cao tốc mà giữ nguyên hiện trường thì có khi mạng mình không còn mà còn hại thêm mạng người khác.
- Bạn đọc Linh: Cho mình hỏi bảo hiểm luôn bắt giữ nguyên hiện trường tai nạn mới bồi thường. Vậy gặp tai nạn trên cao tốc, xe vẫn còn có thể di chuyển vào làn dừng khẩn cấp được thì cách giải quyết đúng nhất để bảo hiểm vẫn bồi thường, không gây mất an toàn cho bản thân và xe khác là gì? Vì xuống xe đi vòng vòng quay, chụp hiện trường cũng gây mất an toàn.
- Bạn đọc Chóe: Nếu dời xe vào lề thì bảo hiểm nói dời hiện trường không bồi thường, còn giữ nguyên hiện trường thì tai nạn xảy ra vậy thì sao? Cái quy định của bảo hiểm có lỗi trong vụ này.
- Bạn đọc Ngoc Do Huynh Dang: Lỗi này thuộc về các bên luôn nhấn mạnh rằng khi xảy ra tai nạn, nguyên tắc đầu tiên là phải giữ nguyên hiện trường...
- Bạn đọc Nguyễn Chí Công: Đây không phải là dừng xe giữa đường mà là đã xảy ra va chạm giữa hai xe. Có tranh cãi hay không thì xe vẫn phải đậu giữa đường để giữ hiện trường. Chỉ tiếc một điều do bất cẩn nên đã xảy ra việc đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận