12h trưa, anh Lâm lúi húi kê lại cho vững mấy cái lò được đặt trước nhà, rồi nhóm lửa. Khi lò than cháy đượm, anh đặt lên 3 chiếc nồi inox cỡ lớn chứa gạo đã được vo sạch. Trước đó, anh phải bỏ cả buổi sáng chuẩn bị mọi thứ như đi mua nguyên liệu, gia vị, rồi ướp thịt, sửa soạn bếp núc...
1. Như thường lệ, hôm nay anh Lâm nấu 500 phần cháo để tặng một số bệnh viện, những người nghèo, người vô gia cư và cả nhiều ông bà cụ neo đơn.
Mới đó mà đã 8 năm kể từ ngày anh gắn bó bếp cháo từ thiện này. Công việc chính của anh là cho thuê các thiết bị âm thanh nên thường phải đi sớm về khuya. Để rồi tận mắt chứng kiến những người già thất thểu, lang thang trong đêm tối đã khiến anh phải làm điều gì đó giúp họ. Anh quyết định cứ đến cuối tuần nấu cháo để tặng người già neo đơn. Một người hàng xóm biết chuyện đã hỗ trợ thêm kinh phí và cùng anh đi phát những phần cháo đến nhiều nơi hơn.
Khi được hỏi về bếp cháo của mình, anh Lâm giải thích: "Tôi chọn cháo vì món này phù hợp với nhiều người, nhất là những người bệnh, người cao tuổi. Hơn nữa, các nhóm từ thiện thường phát cơm từ thứ hai đến thứ sáu nên tôi nấu cháo vào thứ bảy để những người khó khăn cũng được ấm lòng ngày cuối tuần".
Để cháo ngon, đủ dinh dưỡng, anh Lâm chủ động chọn mua thịt đùi heo tươi tại lò mổ. Tôm khô, gạo cũng được anh chọn loại ngon nhất. Ngoài nguyên liệu, anh cũng chú trọng kỹ thuật nấu để có được nồi cháo thơm ngon. Anh nói về bí quyết: "Để cháo thơm ngon, ngoài việc tự tay chuẩn bị nguyên liệu sạch, tôi chọn nấu bằng than củi thay vì dùng gas, phải giữ lửa cháy đều, khuấy liên tục để cháo được thơm ngon".
2. Có tận mắt chứng kiến hoạt động của bếp cháo mới hiểu cách làm từ thiện của anh Lâm là đặt cả tâm huyết của mình vào đó chứ không phải làm cho vui hay đánh bóng tên tuổi. Nơi đặt bếp cháo hiện tại chính là địa điểm kinh doanh quán ăn của gia đình anh trước đây.
Tuy nhiên cũng có những bất tiện nhất định khi mỗi lần tổ chức làm từ thiện. Vậy là anh bàn với gia đình chuyển hẳn việc kinh doanh về một nơi khác, còn căn nhà này chỉ để tổ chức nấu cháo phục vụ người già cả, bệnh tật, khó khăn.
Đã thành thói quen suốt chừng ấy năm, anh Lâm luôn tận tay nêm nếm từng nồi cháo đến 2, 3 lần từ khi đang nấu cho đến lúc chuẩn bị múc ra hộp, vì theo anh phải nấu cho ngon, cho vừa miệng các cụ chớ không thể làm qua loa.
Với anh, nồi cháo chỉ đạt chất lượng khi gạo, thịt, tôm khô nhừ, hòa lẫn vào nhau và dậy mùi thơm hấp dẫn. Những hôm nấu cháo là anh giao việc nhà cho vợ lo liệu. Ngay cả chuyện đưa đón con đi học, anh cũng sắp xếp để đứa lớn thay anh lo đứa nhỏ, còn anh thì túc trực bên bếp cho đến lúc những phần cháo cuối cùng được mang đi rồi tự tay chà rửa mấy cái nồi to, dọn dẹp lửa củi, lau chùi nhà cửa...
3. Thời gian đầu kinh phí còn hạn hẹp, mỗi lần anh Lâm chỉ nấu vài chục phần cháo chứ chưa nhiều như bây giờ. Khoảng hai năm sau, hầu hết bạn bè, người thân anh Lâm đều biết việc anh nấu cháo từ thiện nên đã ủng hộ.
Có nhiều người muốn trực tiếp phụ nấu cháo, nhưng ban đầu anh Lâm chỉ nhận sự hỗ trợ của cánh đàn ông, do nấu cháo đòi hỏi phải có sức khỏe để khuấy đảo, bưng bê những nồi cháo nặng hàng chục ký.
"Tôi chỉ nhận các bạn nam đến giúp nấu cháo vì công việc này khá vất vả. Không như nấu cơm, nấu cháo rất cực, đặc biệt là nấu với số lượng lớn. Khi nấu, chúng tôi phải đứng khuấy cháo liên tục trong 3 giờ đồng hồ để cháo không bị lắng và khét ở đáy nồi. Nồi cháo bị khét xem như hỏng. Khi sôi, cháo hay bắn văng ra ngoài. Việc này khiến người đứng khuấy cháo có thể bị bỏng...", anh kể.
Đã hoạt động nhiều năm nhưng nhóm "Cháo từ thiện anh em" của anh Lâm không cố định số thành viên đứng nấu. Ngoài anh luôn thường trực, các thành viên khác có thể thay đổi. Bởi ai có thời gian thì đến hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đã tham gia, mỗi thành viên phải chịu trách nhiệm với công đoạn mình được phân công chứ không thể làm nửa chừng rồi bỏ ngang hay đùn đẩy cho người khác.
"Nhiều lúc đôi tay như rã rời không còn cảm giác do đứng khuấy cháo hàng giờ đồng hồ, rồi bị bỏng cả tay chân nhưng cứ nghĩ đến những nụ cười của những người bệnh tật, nghèo khó khi nhận cháo thì bao nhiêu mệt nhọc như tan biến. Nên dù bận cách mấy tôi cũng thu xếp để có mặt mỗi lần bếp cháo của anh Lâm hoạt động" - anh Quốc Hưng (ngụ quận 4), người hàng xóm với anh Lâm, đang nhễ nhại mồ hôi bên bếp than đỏ rực, tâm sự.
Còn với anh Hồ Văn Tài (ngụ quận 7), cơ trưởng một hãng hàng không, dù lịch bay dày đặc với những hành trình trong và ngoài nước vẫn tranh thủ tham gia trực tiếp đứng bếp. Anh tâm sự: "Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, công việc của mình tạm dừng. Cũng từ đó, mình biết đến bếp cháo miễn phí và đến phụ việc cho đến tận bây giờ. Ở đây, mình làm tất cả các khâu, đặc biệt là đứng nấu cháo và bưng bê chiếc nồi lớn từ trên bếp xuống vì phần việc này đòi hỏi người có thể lực".
Khi cháo sánh đặc, dậy mùi thơm, được nhấc xuống bếp chờ nguội thì các chị, các cô đã bày sẵn hộp đựng.
Hôm nay có cô Muôn, cô Thúy (cùng ngụ quận 4), chị Hòa, chị Phụng (quận 8) đến hỗ trợ múc cháo, đóng hộp, vô bao. Hành, gừng xắt nhuyễn cùng tiêu xay được bỏ dưới đáy hộp rồi mới đến lớp cháo nóng bên trên. Anh Lâm chu đáo giải thích việc bỏ gia vị phía dưới để ai thích thì có thể trộn đều lên trước khi dùng, còn những ai không ăn hành, tiêu thì có thể múc từ trên xuống dưới mà vẫn không mất ngon.
4. Hơn 16h, 500 suất cháo đã được hoàn thiện. Tất cả đã sẵn sàng cho chuyến rong ruổi mọi nẻo đường để tặng miễn phí cho những người khó khăn. Lúc này, những tình nguyện viên thay phiên nhau đến nhận những phần cháo đã được đóng hộp, bỏ vào túi đi phát.
Những người ở gần thì ghé tận bếp để nhận phần cháo của mình. Không chỉ rong ruổi trên mọi nẻo đường phát cháo miễn phí cho những người lang thang, cơ nhỡ, các thành viên trong nhóm còn chủ động tìm đến tận nhà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Một tình nguyện viên chia sẻ: "Tôi thấy việc anh Lâm làm rất ý nghĩa nên xin tham gia. Từ lúc nấu cháo, nhận cháo đi phát, tôi nhận về nhiều niềm vui. Cảm giác mình cho đi được điều gì đó, giúp được ai đó khiến tôi hạnh phúc".
Để có thể duy trì bếp cháo miễn phí, anh Lâm trải lòng mình rất biết ơn những người luôn bên cạnh, cùng mình gánh vác mọi khó khăn, thiếu thốn. "Từ các cô chú ở nhiều nơi đến hàng xóm, các bạn trẻ làm đủ ngành nghề, tất cả họ có thể khác nhau về lứa tuổi, công việc nhưng chung nhau một tấm lòng cảm thông với phận nghèo", anh Lâm cảm kích.
TP.HCM chiều cuối tuần, giữa tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, chợt thấy ấm lòng với những suất cháo đong đầy yêu thương.
Người múc vô hộp, người chuyền vô trong, người đậy nắp, người cho vào bao cột lại, người xếp thành từng chục... Tất cả đều nhuần nhuyễn, nhịp nhàng chẳng khác nào một dây chuyền đóng gói chuyên nghiệp. Và họ đều làm với tấm lòng thiện nguyện, yêu thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận