01/01/2021 16:36 GMT+7

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đại dịch COVID-19 choán hết tâm trí của gần như tất cả nhân loại, làm mờ nhạt các sự kiện quốc tế đáng chú ý trong năm 2020. Có thể kể ra như thỏa thuận hòa bình Trung Đông, phong trào biểu tình chống hoàng gia ở Thái Lan...

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 1.

Trong cái bóng bao trùm của COVID-19, đã có những sự kiện như ngọn lửa bùng lên rồi lại nhanh chóng tắt ngúm hoặc le lói. Dù nhìn ở phương diện nào, những sự kiện này xứng đáng được ghi nhớ đã từng xảy ra trong năm 2020 vì ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của chúng có thể làm thay đổi cục diện khu vực.

Dưới đây là các sự kiện đã bị COVID-19 làm lu mờ (xếp theo thứ tự thời gian)

Mỹ không kích tiêu diệt tướng Iran

Vụ không kích của Mỹ nhắm vào tướng Qasem Soleimani của Iran hồi tháng 1-2020 đã đẩy khu vực tới bờ vực một cuộc xung đột nguy hiểm. Căng thẳng bùng phát trở lại vào cuối tháng 11 vừa qua sau vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh, bị ám sát. Iran cáo buộc Israel là thủ phạm vụ ám sát tinh vi được thực hiện bằng súng máy điều khiển từ xa.

Để trả đũa cho vụ sát hại tướng Soleimani, Iran đã phát động cuộc tấn công bằng rocket vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ trong khu vực.

Tâm lý thù hận "nợ máu phải trả bằng máu" rốt cuộc đã dẫn tới thảm kịch. Ngày 8-1, tức 5 ngày sau khi tướng Soleimani bị ám sát, phòng không Iran bắn nhầm một máy bay chở khách dân sự của Ukraine trên không phận Tehran khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.

Đến ngày 30-12, theo Hãng thông tấn chính thức của Iran (IRNA), chính phủ nước này đã nhất trí với khoản bồi thường 150.000 USD cho gia đình mỗi nạn nhân trong vụ việc trên.

Vụ bắn nhầm được ví như sự kiện MH17 thứ hai, song việc đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ sau đó đã khiến thế giới gần như quên lãng sự kiện này và lò lửa Trung Đông.

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 2.

Thi thể và di vật của các nạn nhân trong vụ bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine - Ảnh: AFP

Anh chính thức rời Liên minh châu Âu

Ngày 1-2-2020, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm gắn bó, đánh dấu lần đầu tiên một nước thành viên rời khỏi tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất thế giới. Cuộc "chia tay", vốn ồn ào từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đã làm đảo lộn mọi thứ ổn định suốt hàng chục năm, từ việc đi lại giữa Anh và phần còn lại của châu Âu đến việc kinh doanh, đầu tư, đánh bắt hải sản... 

Một loạt câu hỏi được đặt ra trong sự hoang mang xen lẫn phẫn uất của một bộ phận người dân xứ sương mù.

Ngày 24-12, sau hơn 9 tháng đàm phán căng thẳng, Anh và EU cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận định hình quan hệ thương mại, đi lại và kinh doanh giữa hai bên. Thỏa thuận đạt được chỉ 7 ngày trước thời hạn chót khiến nhiều người thở phào. Dù nội dung cụ thể không được công bố, thỏa thuận được kỳ vọng sẽ đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại cho hai phía và giữ vững những thứ đã ổn định từ lâu.

Với tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu", các nền kinh tế châu Á và Mỹ được dự báo sẽ trở thành bến đỗ mới cho Anh sau khi rời EU. Những thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam, Singapore hoặc đã hoàn tất đàm phán hoặc được ký kết trong năm 2020.

Thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Mỹ và Taliban

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 3.

Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) bắt tay với đại diện Taliban sau lễ ký thỏa thuận hòa bình lịch sử tại Doha - Ảnh: AFP

Ngày 29-2, trong một buổi lễ trang trọng tại Doha (Qatar), đại diện Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận hòa bình lịch sử, mở đường cho việc Washington chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan sau gần 20 năm can thiệp.

Theo thỏa thuận hòa bình Doha, Mỹ cùng đồng minh sẽ rút hết binh lính, cố vấn và thiết bị quân sự khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng. Đổi lại, Taliban cam kết sẽ phóng thích tù binh và không hợp tác với các lực lượng khác để đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Thỏa thuận Doha được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử, không chỉ tạo điều kiện cho Mỹ rút quân mà còn đặt nền móng cho tiến trình hòa giải giữa Taliban và chính phủ Afghanistan hiện tại. Taliban, lực lượng từng kiểm soát Afghanistan trước khi bị Mỹ lật đổ, tuyên bố sẽ không hòa giải với chính phủ hiện hữu của Afghanistan nếu Washington cùng đồng minh vẫn còn đóng quân tại nước này.

Luật an ninh mới ở Hong Kong có hiệu lực

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 4.

Hai người Hong Kong lớn tuổi lo lắng trước cảnh đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chiều 1-7-2020, ngày đầu tiên luật an ninh Hong Kong có hiệu lực - Ảnh: AFP

Ngày 30-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua "Luật đảm bảo an ninh quốc gia của CHND Trung Hoa tại Hong Kong" (gọi tắt là luật an ninh Hong Kong) bất chấp sự phản đối và cảnh báo từ nước ngoài.

Luật này chính thức có hiệu lực vào ngày 1-7, trong đó cấm các hành vi ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài gây đe dọa cho an ninh quốc gia. Các lực lượng tình báo, an ninh đại lục được phép hoạt động tại Hong Kong và phối hợp với cảnh sát đặc khu theo luật mới.

Ngay sau khi luật được thông qua, Mỹ và Anh cùng một số nước phương Tây tuyên bố chấm dứt các ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong. Đạo luật cũng mở màn cho làn sóng bắt giữ và tháo chạy của những người đòi quyền tự chủ và tự do nhiều hơn cho Hong Kong. Theo báo South China Morning Post, ít nhất 40 người đã bị bắt và truy tố theo luật mới.

"Thỏa thuận Abraham" lịch sử giữa Israel và các nước Ả rập

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 5.

Lễ ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE, Bahrain ngày 15-9-2020 tại Nhà Trắng thông qua trung gian là Mỹ - Ảnh: REUTERS

Ngày 15-9-2020, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Israel đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain.

Sự kiện được biết đến với tên gọi "Thỏa thuận Abraham" đánh dấu hiệp ước hòa bình đầu tiên giữa Israel và khối Ả Rập sau hàng chục năm. Israel ký hiệp ước hòa bình với nước đầu tiên trong khối Ả Rập là Ai Cập vào năm 1979 và phải mất tới 15 năm sau để làm điều tương tự với nước thứ hai là Jordan.

Giai đoạn cuối tháng 11, xuất hiện nhiều đồn đoán Saudi Arabia - quốc gia dẫn đầu Liên đoàn Ả Rập - sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel. Thông tin này bị cả hai phía bác bỏ nhưng làm dấy lên hi vọng viễn cảnh Israel và khối Ả Rập chung sống hòa bình không còn xa.

Biểu tình phản đối chế độ quân chủ ở Thái Lan

Âm ỉ từ đầu tháng 7, các cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bùng phát thành biểu tình phản đối chế độ quân chủ gây ngạc nhiên cho nhiều người. Theo Hãng tin Reuters, đây là phong trào biểu tình chống hoàng gia lớn nhất kể từ năm 1932 - thời điểm diễn ra cuộc cách mạng dẫn tới sự chấm dứt của chế độ quân chủ chuyên chế và thay bằng chế độ quân chủ lập hiến như hiện tại.

Người biểu tình đưa ra 3 yêu sách: (i) Thủ tướng Prayut phải từ chức, (ii) Hiến pháp có lợi cho quân đội phải được viết lại và (iii) Hạn chế quyền lực của nhà vua cùng hoàng gia. 

Quy mô các cuộc biểu tình có lúc lên tới hàng chục ngàn người, diễn ra tại nhiều tỉnh thành của Thái Lan.

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 6.

Người biểu tình Thái Lan giơ biểu ngữ thể hiện sự phản đối chế độ quân chủ - Ảnh: REUTERS

Chính phủ Thái Lan đáp lại bằng việc kêu gọi đối thoại trước khi sử dụng luật khi quân để bắt giữ và truy tố người biểu tình. Những người ủng hộ hoàng gia cũng xuống đường phản đối phe biểu tình dẫn tới một số vụ đụng độ. Phong trào chỉ tạm lắng khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào giữa tháng 12.

Quan hệ Úc - Trung Quốc "rơi tự do"

Căng thẳng Úc - Trung Quốc bắt đầu trượt dốc không phanh vào tháng 5 sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc virus gây bệnh COVID-19, ám chỉ sự thiếu minh bạch của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả lại ngay lập tức bằng việc việc cấm nhập khẩu hoặc tăng thuế quan lên các mặt hàng Úc xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.

Quan hệ giữa hai bên tiếp tục lao dốc trong những tháng sau đó khi Trung Quốc bắt giữ các công dân Úc để trả đũa chiến dịch phản gián của Canberra nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Úc đã nhận được sự ủng hộ của một số nước phương Tây đồng thời nhận ra cái giá của việc quá phụ thuộc vào nền kinh tế số 2 thế giới.

Xung đột đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 7.

Một người đàn ông Armenia an ủi người khác khi đi thăm nghĩa trang dành cho các binh sĩ Armenia thiệt mạng trong cuộc xung đột với Azerbaijan năm 2020 - Ảnh: REUTERS

Đụng độ quân sự giữa Armenia và Azerbaijan, hai nước từng thuộc Liên Xô cũ, bất ngờ bùng phát tại khu vực Nagorno-Karabakh vào tháng 9 sau 26 năm im ắng. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng chịu sự kiểm soát trên thực tế của một thực thể được chính quyền Armenia hậu thuẫn.

Gần 6.000 binh sĩ, hàng trăm thường dân của hai bên đã thiệt mạng, hàng trăm ngàn người khác phải tha hương trong cuộc chiến ngắn ngày nhưng khốc liệt. Ngày 10-11, thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, Armenia và Azerbaijan đồng ý để Nga làm người giám sát việc thực thi. Cũng theo thỏa thuận, Armenia phải trả lại các vùng đất đã chiếm đóng cho Azerbaijan.

Thỏa thuận có phần nhượng bộ Azerbaijan đã khiến người dân Armenia tức giận và xuống đường biểu tình, yêu cầu chính quyền thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức. Các cuộc biểu tình tiếp diễn đến cuối tháng 12 với gần 400 người bị bắt giữ.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực được ký kết

Ngày 15-11-2020 sẽ trở thành cột mốc đáng nhớ khi 10 nước thành viên ASEAN cùng 5 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán. Đối với Việt Nam, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng vì diễn ra trong năm Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN.

Với dân số hơn 2,2 tỉ người và GDP khoảng 27 ngàn tỉ USD, RCEP đã tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, chiếm 30% tổng GDP của thế giới. Sự hình thành của RCEP, dù thiếu vắng một số nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Ấn Độ, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong các động lực hồi sinh nền kinh tế thế giới đang suy thoái trầm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ II, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Những sự kiện đáng nhớ bị COVID làm lu mờ trong năm 2020 - Ảnh 8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết Hiệp định RCEP ngày 15-11-2020 - Ảnh: AFP

Năm hạn của các công ty công nghệ Trung Quốc

Báo South China Morning Post gọi 2020 là một năm "tổ trác" với các công ty công nghệ Trung Quốc khi phải đối mặt với các biện pháp chèn ép từ Mỹ và các rào cản mới từ những nước khác. Huawei, gã khổng lồ trong ngành viễn thông thế giới, tiếp tục hứng chịu làn sóng tẩy chay thiết bị 5G từ các nước phương Tây và buộc phải bán thương hiệu điện thoại Honor vào tháng 12.

Sau Huawei, Mỹ nhắm tiếp vào SMIC - nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc - và các công ty khác như TikTok, WeChat. Chính quyền Washington ban hành các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cho các công ty Trung Quốc, đánh vào chính sách tự chủ phát triển và chế tạo chip của chính quyền Bắc Kinh.

Căng thẳng chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng khiến các công ty công nghệ Trung Quốc bị vạ lây. Sau cuộc đụng độ đổ máu ở biên giới tranh chấp Trung - Ấn, New Delhi đưa gần 100 công ty Trung Quốc vào danh sách đen với lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Ngay ở trong nước, sự giám sát của chính phủ đối với Alibaba và các công ty công nghệ khác, bao gồm Tập đoàn Tencent (chuyên kinh doanh mảng sách điện tử) và “gã khổng lồ” giao hàng thực phẩm Meituan, đã tác động lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư, làm giảm giá trị thị trường của các công ty này và các công ty con của họ.

Người giàu nhất Trung Quốc, đồng sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia hàng đầu Trung Quốc Alibaba là tỉ phú Jack Ma, đã mất gần 11 tỉ USD trong 2 tháng, kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt quản lý các công ty của ông và những “gã khổng lồ công nghệ” khác ở nước này.

Những kỷ lục Những kỷ lục 'độc lạ' của thế giới tự nhiên năm 2020 Toàn cảnh thế giới qua 107 bức ảnh năm 2020 của Reuters Toàn cảnh thế giới qua 107 bức ảnh năm 2020 của Reuters Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp