Phóng to |
Những ngày cuối năm chợ thường ngập trong rác. Nhìn những người công nhân vệ sinh làm việc cật lực, tôi nghĩ giá mà mọi người cùng có ý thức giữ gìn vệ sinh một chút thì những người lao công kia sẽ đỡ khổ phần nào. Hoặc giá như chợ tăng cường nhiều thùng rác sẽ góp phần giảm khối lượng rác thải vứt bừa bãi.
Một giải pháp khác là treo khẩu hiệu, băngrôn tuyên truyền quanh các sạp hàng, kết hợp với loa phóng thanh để nhắc nhở ý thức vệ sinh của mọi người. Không vứt rác bừa bãi cũng là cách sẻ chia công việc và thời gian với những người làm công việc vệ sinh đường phố, có thể được nghỉ ngơi sớm hơn trong những giờ phút cuối năm - thời điểm mà ai cũng muốn được sum họp gia đình.
Chợ hoa chiều cuối năm luôn đầy sắc màu với cúc, vạn thọ, hướng dương… Những loại hoa thời vụ này thường bị ế do tâm lý người mua ai cũng chờ đến ngày cuối cùng để mua hoa giá rẻ, nên hầu như năm nào hoa cũng bị ế dồn dập. Người bán phải thuê xe mang đi đổ bỏ để trả mặt bằng, hoặc để bừa lại trên hè phố cho những nhân viên vệ sinh xử lý. Hoa ế đã lỗ vốn lại còn phải bỏ tiền thuê xe mang đi đổ thì thật xót xa!
Những giỏ hoa được cho là xấu với những người khá giả nhưng lại là thứ xa xỉ với những người lao động nghèo, những người không có điều kiện về quê ăn tết luôn mong có được chậu hoa để có chút không khí ngày xuân.
Tôi nghĩ giá mà có một đoàn thể hay nhóm thanh niên tình nguyện nào đó lên kế hoạch cụ thể từ trước để cùng chia sẻ chút khó khăn với những người trồng hoa bị thua lỗ những ngày cuối năm. Những cách có thể làm như quyên góp hoặc trích quỹ mua lại số hoa tồn đọng với giá rẻ và mang đi biếu những người dân lao động nghèo, những công nhân ở trọ xa quê.
Tôi từng chứng kiến hình ảnh những người nông dân bán hoa buồn bã, thất thểu quay những chiếc ghe trống trơn trở về mà không dám ghé qua chợ mua một món quà tết ở phố về cho bọn trẻ. Vất vả trồng hoa, rồi lại vất vả những đêm hôm, cuộn chăn ngủ giữa trời, trên những tấm chiếu trải tạm...
Tôi có thói quen mua hoa không mặc cả. Dẫu đắt một tí nhưng tôi nghĩ đó là cách chia sẻ niềm vui nho nhỏ với những người nông dân đã không quản cực nhọc, đường xa mang hoa về làm đẹp phố chợ.
Một cái tết thân thiện với môi trường và qua đó cùng nhau xây dựng ý thức bảo vệ môi trường là thông điệp mà chương trình Online cùng Tết Việt của Tuổi Trẻ Online đã liên tục chia sẻ, gửi gắm đến bạn đọc suốt những năm qua. Bạn đã, đang và sẽ đón một cái tết xanh như thế nào? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những câu chuyện, sáng kiến của cá nhân bạn, của cộng đồng nơi bạn đang ở, làm việc. Bạn có thể gửi hình ảnh, bài viết (không quá 800 chữ) hoặc những đoạn clip về tết xanh của bạn, ghi rõ các thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, điện thoại, email nếu có). Các tác phẩm nếu được sử dụng sẽ có nhuận bút. Hình ảnh, bài viết, clip xin gửi về [email protected] tiêu đề vui lòng ghi Tết xanh. Thời gian gửi từ hôm nay đến hết ngày 1-2-2012. 10 bài viết hay nhất sẽ được chấm nhuận bút đặc biệt và được triển lãm trong lễ trao giải các cuộc thi Online cùng Tết Việt 2012 do Tuổi Trẻ Online tổ chức, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank tài trợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận