Phóng to |
Ảnh: msn.com |
Sai lầm 1: Không tạo mối quan hệ tốt đẹp với cấp dưới
Kevin Eikenberry, đồng tác giả cuốn sách Bí quyết thăng tiến thành công, cho rằng giao tiếp rõ ràng là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ với nhân viên, đặc biệt khi bạn từ đồng nghiệp trở thành sếp của họ.
Ông nói: “Cả hai bên cần phải nói chuyện về những vấn đề họ có thể và không thể thảo luận trong giờ làm việc, cách thức liên lạc cụ thể và những kỳ vọng về đối phương”.
Chuyên gia tâm lý Jant Civitelli của trang VocationalVillage.com bổ sung rằng một sai lầm phổ biến của những sếp thiếu kinh nghiệm là cách quản lý chung chung. “Một người quản lý giỏi phải làm quen và thân thiết với từng nhân viên chứ không chỉ động viên mọi người một cách chung chung”, Civitelli nói.
Sai lầm 2: Không có sự chuẩn bị
Michael Woodward, tác giả Kế hoạch của bạn, nói rằng nhiều người được thăng tiến bởi họ là những nhân viên “ngôi sao”, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ có kỹ năng quản lý. Mọi quá trình chuyển đổi đều cần có sự chuẩn bị.
Trước khi chấp nhận chức vị mới, hãy đảm bảo rằng bạn có sự ủng hộ của ban lãnh đạo, phòng nhân sự. Từ đó làm quen với những quy tắc về quản lý con người của công ty. Nếu bạn nghĩ mình cần được đào tạo thêm, hãy thẳng thắn đề nghị với sếp hoặc tự học.
Sai lầm 3: Cố gắng thay đổi mọi thứ trong phòng ngay lập tức
Sếp mới thường háo hức thay đổi mọi thứ mình muốn ngay khi lên nắm quyền. Và kết quả là họ sẽ mắc sai lầm. Do đó, hãy bình tĩnh và khiến nhân viên đồng tình trước khi thực hiện bất cứ thay đổi nào.
Sai lầm 4: Không tìm hiểu mục tiêu dài hạn của nhân viên
Là sếp, bạn cần hiểu mục tiêu dài hạn của nhân viên mình dẫn dắt. Giúp đỡ cấp dưới đạt được mục tiêu của họ là cách xây dựng mối quan hệ nghề nghiệp vững mạnh hiệu quả.
Sai lầm 5: Quá suồng sã
Phát triển tình bạn với nhân viên có thể dẫn tới rắc rối. Bạn là cấp trên của họ nên cần có một khoảng cách nhất định. Đôi khi bạn phải thông báo những tin xấu cho họ, phải cứng rắn, thậm chí sa thải họ. Do đó, bạn có thể phát triển mối quan hệ chân thành, thân thiết với cấp dưới nhưng không được suồng sã như bạn bè với họ.
Sai lầm 6: Quá chuyên quyền
Jim Hornickel, giám đốc đào tạo của Công ty tư vấn Bold New Directions, cảnh báo rằng những sếp mới rất dễ lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, chỉ ngồi một chỗ và sai nhân viên làm hết việc này tới việc khác sẽ khiến bạn trở thành “vị sếp đáng ghét” đối với nhân viên. Bạn cần là một người quản lý gương mẫu và có khả năng khiến nhân viên nể phục.
Sai lầm 7: Không góp ý chân thành cho nhân viên
Ở vị trí mới, bạn không muốn làm mất lòng ai nên hiếm khi đưa ra lời phê bình nhân viên, kể cả khi họ làm việc không tốt. Tuy nhiên, nếu nhân viên tiếp tục như vậy, chắc chắn công ty và cả bạn sẽ gặp rắc rối lớn.
Ngược lại, khi nhân viên làm tốt, bạn cũng không muốn công nhận thành tích của anh/ cô ấy mà cho rằng đó là thành quả của cả tập thể. Nhân viên sẽ cảm thấy mình không được coi trọng và phản ứng tiêu cực. Do đó, hãy đối xử công bằng với nhân viên, thẳng thắn khi họ mắc lỗi và khen ngợi khi họ làm tốt.
Sai lầm 8: Tỏ ra phòng thủ quá mức
Sếp trẻ thường có tâm lý bất an với quyền lực của mình và cảm thấy bị đe dọa khi có những ý kiến bất đồng, từ đó hành động một cách phòng thủ quá mức như to tiếng với người không có cùng quan điểm với mình, tìm cách chơi xấu họ… Làm như vậy chỉ khiến chiếc ghế quyền lực của bạn thêm lung lay.
Mời xem thêm: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận