Trao đổi về vấn đề này với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Phạm Thế Hiển cho biết:
Ngoài dinh dưỡng, tập luyện cũng là một yếu tố có lợi trong việc phát triển thể chất, vóc dáng và chiều cao. Việc phát triển chiều cao liên quan đến hormone tăng trưởng. Việc tập thể dục sẽ kích thích hormone tăng trưởng tiết ra, tăng sự đồng hóa trong cơ thể, ngoài ra còn giúp co giãn cơ, khớp, làm phì đại các nhóm cơ, chống lại sự teo cơ.
Vậy tập thế nào cho đúng? Đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh câu hỏi này, bắt đầu từ quá trình mang thai của người mẹ.
Việc tập luyện của người mẹ thực sự không giúp ích gì cho việc phát triển chiều cao sau này của em bé, chỉ giúp ích cho người mẹ giảm cân.
Mặt khác nếu người mẹ tập quá sức, cụ thể là vận động trên 2.000kcal/tuần sẽ gây ảnh hưởng đến sự cung cấp oxy cho thai nhi, làm giảm cân nặng của em bé. Có nhiều phụ nữ khi mang thai vì muốn con mình được khỏe mạnh mà tập luyện quá mức, dễ gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm.
Nói vậy không có nghĩa là không tập, phụ nữ tập thể dục khi mang thai sẽ mang đến nhiều lợi ích, nhưng không nên tập quá sức.
Với giai đoạn trẻ từ khi mới sinh cho đến trước lúc dậy thì, chưa có nghiên cứu cho thấy bài tập như thế nào sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển chiều cao của trẻ. Có nhiều khảo sát cho thấy trẻ tập luyện thể dục thể thao nhiều sẽ có chỉ số BMI, chiều cao, độ tăng trưởng của xương tốt hơn so với những trẻ không tập.
Nhưng những nghiên cứu cũng cho thấy điều ngược lại, những trẻ tập quá chuyên nghiệp, quá nhiều ngay từ khi còn nhỏ lại gặp phải tác dụng phụ ngược, khiến quá trình trưởng thành xương khớp, dậy thì bị muộn.
Thống kê cho thấy rõ những trường hợp thường gặp phải là các VĐV thể dục dụng cụ, múa ba lê. Vì trong giai đoạn này, năng lượng còn phải được dành cho sự phát triển cơ thể, hoàn thiện về cấu trúc, phát triển về tầm vóc.
Một số trẻ sẽ bị lùn khi bị ép tập quá nhiều. Vì tập quá nhiều sẽ gây phá hủy sụn tăng trưởng - vốn có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao. Nếu tập quá mức và lại không có dinh dưỡng hợp lý lại càng gây ra tác dụng ngược. Ngoài ra, các chấn thương cũng gây cản trở đến việc phát triển chiều cao.
Lời khuyên là nên cho trẻ chơi thể thao vừa phải, theo ý thích của trẻ và cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để phát triển chiều cao, trẻ nên chơi những môn thể thao có sức rướn nhiều như bóng rổ, bóng đá, bơi lội, thể dục dụng cụ. Nhưng vẫn không nên ép trẻ tập luyện quá nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận