24/12/2024 20:06 GMT+7

Những rủi ro khi du lịch làm đẹp tại Hàn Quốc

Hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Hàn Quốc mỗi năm để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, những rủi ro từ thông tin sai lệch và các hoạt động trái phép đang khiến ngành này đối mặt với nhiều thách thức.

Quảng cáo cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ xếp dọc hai bên cầu thang dẫn vào ga tàu điện ngầm ở quận Gangnam, Seoul - Ảnh: npr.org

Alex (tên nhân vật đã được thay đổi), một nghệ sĩ tại Mỹ, từng nghĩ rằng việc bay tới Hàn Quốc để phẫu thuật nâng mũi là một quyết định dễ dàng. Chi phí chỉ khoảng 6.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức giá 30.000 USD tại Mỹ.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau ca phẫu thuật, Alex phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng. Miếng độn trong mũi của cô lộ ra khỏi da, buộc phải phẫu thuật khẩn cấp tại Mỹ. "Nếu biết trước những điều này, tôi sẽ không bao giờ làm như vậy", cô chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh những tổn thương lâu dài và cuộc phẫu thuật chỉnh sửa tiếp theo.

Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về tỉ lệ phẫu thuật thẩm mỹ tính theo đầu người, với giá trị thị trường đạt 1,7 tỉ USD vào năm 2023. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi làn sóng văn hóa Hàn Quốc (hallyu), đưa các tiêu chuẩn sắc đẹp của nước này trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Khu vực Gangnam tại Seoul là trung tâm của ngành thẩm mỹ, nơi tập trung hàng trăm phòng khám cung cấp các dịch vụ như cắt mí, tạo hình khuôn mặt, hút mỡ và nâng ngực.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, năm 2022, có hơn 114.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ dành cho bệnh nhân quốc tế, chiếm gần 17% tổng số bệnh nhân nước ngoài.

Dưới lớp vỏ hào nhoáng của ngành du lịch y tế là vô số rủi ro. Một trong những thách thức lớn nhất đối với bệnh nhân quốc tế là rào cản ngôn ngữ. Nhiều người tìm kiếm thông tin từ các diễn đàn trực tuyến không được kiểm soát, nơi chứa đầy lời khuyên không chính xác, quảng cáo trá hình và các nhà môi giới trái phép.

Tại Hàn Quốc, hoạt động môi giới với bệnh nhân quốc tế yêu cầu phải có giấy phép của chính phủ. Tuy nhiên, nhiều nhà môi giới không đáp ứng tiêu chuẩn này vẫn hoạt động, kiếm hoa hồng lớn từ việc giới thiệu bệnh nhân.

Năm 2020, vụ việc của Bonnie Evita Law, người thừa kế tập đoàn thời trang tại Hong Kong (Trung Quốc), đã gây xôn xao dư luận. Cô qua đời trong quá trình hút mỡ tại một phòng khám ở Seoul, nơi bác sĩ phẫu thuật là chuyên gia chỉnh hình, không phải bác sĩ thẩm mỹ.

Tại Hàn Quốc, bất kỳ bác sĩ nào có giấy phép cũng có thể thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng một số bác sĩ không đủ chuyên môn thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp.

Thậm chí, quảng cáo sai lệch cũng là vấn đề phổ biến. Nhiều phòng khám trả tiền cho các nhân vật có ảnh hưởng để quảng bá dịch vụ, bất chấp luật pháp cấm việc sử dụng lời chứng thực trong quảng cáo y tế.

Số vụ báo cáo liên quan đến môi giới trái phép đã tăng lên đáng kể, từ 11 vụ năm 2021 lên 59 vụ năm 2023. Tuy nhiên, số trường hợp thực sự được xử lý vẫn còn rất thấp.

Một trung tâm du lịch y tế công cộng tại Gangnam đang cố gắng nâng cao độ an toàn cho bệnh nhân quốc tế bằng cách cung cấp danh sách các cơ sở y tế được kiểm duyệt và dịch vụ phiên dịch chuyên nghiệp.

"Chi phí không nên là yếu tố duy nhất khi lựa chọn dịch vụ y tế", một quan chức tại trung tâm này cho biết.

Jeet Dhindsa, giám đốc một công ty du lịch y tế, nhấn mạnh: "Quan trọng là phải kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về cơ sở y tế và các bên trung gian".

Alex, người đã trải qua trải nghiệm đau lòng, cảnh báo: "Hãy chắc chắn rằng bạn có người hỗ trợ nếu có điều gì không suôn sẻ".

Du lịch làm đẹp tại Hàn Quốc mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng kể. Để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn, việc tìm hiểu kỹ lưỡng và lựa chọn cơ sở y tế uy tín là điều không thể xem nhẹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: làm đẹp
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp