Theo Luật tổ chức TAND, hệ thống tòa án sẽ gồm bốn cấp - Ảnh: một phiên tòa xét xử tại TAND TP.HCM |
Hệ thống tòa án nhân dân tổ chức theo 4 cấp
Theo quy định cũ, hệ thống tòa án nhân dân (TAND) chỉ gồm ba cấp, nhưng kể từ ngày 1-6-2015 khi Luật tổ chức TAND 2014 có hiệu lực thì các TAND được tổ chức theo bốn cấp gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và TAND quận huyện.
Bên cạnh đó là các tòa án quân sự.
Luật mới cũng quy định TAND có cả quyền xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong các vụ án hình sự. Khoản 3 điều 2 Luật tổ chức TAND quy định khi xét xử các vụ án hình sự:
“… Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.
Theo quy định cũ, thời gian bổ nhiệm thẩm phán chỉ có nhiệm kỳ năm năm nhưng sắp tới nhiệm kỳ bổ nhiệm thẩm phán có thể tới 10 năm: nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Kiểm sát viên không được tiếp xúc bị can, bị cáo ngoài nơi quy định
Cũng từ ngày 1-6-2015, Luật tổ chức Viện KSND sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Luật gồm 6 chương, 101 điều với nhiều sửa đổi nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp.
Luật đã cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện KSND như nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, nhờ người bào chữa, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp…
Luật định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện KSND trong phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp; trách nhiệm quyết định việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân…
Luật quy định cụ thể những điều kiểm sát viên không được làm, trong đó cấm kiểm sát viên tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Về hệ thống tổ chức Viện KSND và VKS quân sự cũng tương tự hệ thống TAND, theo điều 40 của Luật tổ chức Viện KSND thì hệ thống Viện KSND cũng gồm bốn cấp: Viện KSND tối cao; Viện KSND cấp cao; Viện KSND tỉnh, TP trực thuộc trung ương; Viện KSND cấp huyện. Bên cạnh là hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Cấm cảnh sát môi trường lợi dụng gây phiền hà, sách nhiễu
Theo pháp lệnh cảnh sát môi trường (có hiệu lực từ ngày 5-6-2015), trong trường hợp cần thiết, cấp bách, cảnh sát môi trường được quyền huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
Được quyền thu giữ mẫu vật, tài liệu, vật chứng liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính để kiểm định hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, giám định;
Cảnh sát môi trường được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan…
Pháp lệnh nghiêm cấm cảnh sát môi trường cố ý bỏ lọt tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát môi trường để gây phiền hà, sách nhiễu…
Miễn, giảm tiền sử dụng đất trên địa bàn đặc biệt khó khăn
Theo quyết định số 11/11/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-6-2015, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15-10-1993 tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Bỏ quy định liên thông phải thi chung kỳ thi ĐH, cao đẳng
Theo thông tư 08/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo, từ ngày 4-6-2015 bỏ quy định liên thông phải thi chung kỳ thi ĐH, CĐ chính quy đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi liên thông.
Từ ngày 4-6, các trường tuyển sinh liên thông CĐ, ĐH có thể tự chọn hình thức tuyển sinh hoặc thi tuyển hoặc xét tuyển.
Nếu tổ chức thi tuyển, các trường phải tổ chức đảm bảo thi đủ ba môn gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề)
Phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách được hỗ trợ 2 triệu đồng
Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-6-2015.
Theo đó, phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận