Hơn 11h trưa 21-1, sau một buổi sáng đạp xe rong ruổi các con phố để bán vé số, bà Nguyễn Thị Hạnh, quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), vẻ mệt mỏi.
Bà Hạnh rà đôi dép lê dưới mặt đường, tìm tiệm cà phê nào đó còn mở cửa dọc trục Hồ Nghinh, Vương Thừa Vũ (Sơn Trà, Đà Nẵng) để mong bán thêm vài tờ vé số.
Người Đà Nẵng chia Tết cho bà con nghèo
Chiếc xe đạp xơ xác, cũ kỹ và đôi nón cời rẽ vào đường Trần Duy Chiến thu hút sự chú ý.
Từ bên vỉa hè, nhóm bạn trẻ là các kiến trúc sư của một doanh nghiệp thiết kế xây dựng chạy tới trước xe đạp mời bà Hạnh vào nhận suất cơm nóng.
Quá bất ngờ, bà Hạnh một tay tháo khẩu trang ra khỏi mặt, tay kia đón lấy hộp cơm.
"Mấy nay hàng quán vắng hoe, người ta đi sắm Tết nên vé số bán kém hẳn. Bình quân tui bán ngày được 200-300 tờ nhưng hai bữa nay chưa tới trăm tờ một ngày. Có suất cơm ghém bụng lúc này mừng gì đâu" - bà Hạnh nói.
Sau khi trao suất cơm ấm nóng, bà Hạnh được mời đứng giữa, vây quanh bà là các kiến trúc sư trẻ để cùng chụp ảnh lưu niệm.
Càng cuối giờ trưa, người lao động nghèo trên đường rảo qua trục đường Trần Duy Chiến - Vương Thừa Vũ (Sơn Trà) đông hơn. Nhiều người vội vã, tất bật chạy về nhà trọ ăn tạm thứ gì đó rồi lại lao ra phố tiếp tục công việc.
Trên đường về, họ bất ngờ được kéo lại ở đâu đó trên đường và được đặt vào lòng bàn tay những phần cơm nóng sốt. Có người sau khi nhận cơm thì tìm ra một góc gần đó rồi mở ăn ngon lành.
San sẻ yêu thương dịp cuối năm
Kiến trúc sư Hồ Khuê, giám đốc Công ty kiến trúc Alpes, một trong những quầy cơm 0 đồng được dọn ra phát cho người nghèo khó ở Đà Nẵng, nói rằng ông đã chuẩn bị 200 phần cơm để tặng người khó khăn vào ngày công ty mở cửa cuối cùng của năm cũ.
"Chúng tôi phát cơm cho người nghèo trước trụ sở công ty được một số lần rồi nên sáng nay khi thấy tấm bảng cơm 0 đồng được căng ra thì người lao động thông báo cho nhau.
Người nhận cơm đa phần là bà con bán vé số, thu mua đồng nát, một số là học sinh, sinh viên… Bất cứ ai đói bụng cũng có thể tới nhận.
Năm 2024 bản thân tôi và công ty có nhiều thành công nên ngày cuối năm chúng tôi muốn làm điều gì đó ý nghĩa để chia sẻ niềm vui tới mọi người" - ông Khuê nói.
Xúc động hơn, theo ông Khuê, khi thấy ông tổ chức bữa cơm 0 đồng thì bạn bè ông người mang sữa đến tặng để góp thêm trong mỗi suất cơm, người thì góp bánh mì, có người nói sẽ tài trợ tiền cho bữa hôm sau. Cuối năm khiến cho mọi người muốn san sẻ tình yêu thương, tiễn năm cũ qua đi trong vòng tay rộng mở.
Trên trục đường Điện Biên Phủ, Cao Sơn Pháo, Hà Huy Tập… ở Đà Nẵng những ngày qua cũng thỉnh thoảng có những bữa cơm 0 đồng được các doanh nghiệp, gia đình ở Đà Nẵng tổ chức để trao tới tay người khó khăn.
Bà Trương Thị Thuận, chủ doanh nghiệp xe khách ở bến xe Đà Nẵng, nói bà phát 200 suất cơm từ ngày 20 tới 25-1 để tặng bà con bán vé số, đồng nát, người khó khăn.
"Một năm làm ăn tất bật, vui buồn có đủ nên chúng tôi coi đây là dịp chia sẻ những gì mình có được cho mọi người để tất cả cùng vui" - bà Thuận nói.
Hy vọng bán thêm vé số để về quê đón Tết đủ đầy
Quê ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán vé số, ông Nguyễn Thuận cho biết ông cùng 12 người cùng xã thuê một căn nhà cũ ở Ngũ Hành Sơn để đi bán vé số. Mỗi tháng mỗi người sẽ đóng 300.000 đồng góp trả tiền thuê nhà, khoản dư dả gửi về quê.
Ông Thuận cho biết vợ ông bị tàn tật nhiều năm, hai đứa con đang học cấp 3, gánh nặng gia đình chỉ trông vào xấp vé số của ông.
Những ngày cận Tết, không khí ở nhà trọ nơi ông ở chộn rộn, nôn nóng hơn. Đêm về điện thoại từng người nóng ran vì những cuộc gọi từ người thân. Họ hẹn nhau ngày đó sẽ về quê, dặn dò mua những gì, gói bao nhiêu cái bánh, sắm sửa gì trong nhà, rồi người thân ở xa có ai về dịp này không...
"Giờ đi ra đường cả Đà Nẵng đang đổ xô sắm Tết. Chỉ những người bán vé số như chúng tôi mới lọ mọ rảo bước để mong bán thêm được đôi tờ vé số. Ai cũng hy vọng bán thêm được nhiều vé số để tầm 26, 27 Tết đón xe đò về quê có thêm khoản sắm Tết, mua bộ quần áo mới cho con" - ông Thuận nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận