24/12/2018 11:33 GMT+7

Những 'quả đắng' mang tên phim Việt của năm 2018

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Trong những ngày cuối năm 2018, bên cạnh những niềm vui, bạn đọc hãy cùng Tuổi Trẻ Online nhìn lại những 'bài học đắng' mà điện ảnh Việt đã phải chứng kiến trong năm 2018.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 1.

Một năm điện ảnh nhiều buồn hơn vui, không chỉ bởi doanh số, số lượng phim phát hành đều sụt giảm so với năm 2017, mà còn bởi nhiều "chuyện bên lề" đáng quên.

Lằng nhằng phim giả tình thật - coi thường khán giả

Nếu có một danh hiệu, dự án "vô duyên" nhất màn ảnh Việt năm 2018 thì Chú ơi đừng lấy mẹ con của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ sẽ giữ vững danh hiệu đầu bảng!

Vấn đề nằm ở chỗ, không phải đây là một bộ phim quá thảm họa về chuyên môn, nhưng dường như chẳng ai còn nhớ bộ phim này có nội dung như thế nào? Diễn xuất ra sao? Mà chỉ có thể nhớ (hay bực mình?) vì chuyện lùm xùm phim giả tình thật như một trò đùa của dàn diễn viên tham gia.

Xem trailer Chú ơi đừng lấy mẹ con

Trước khi bộ phim ra mắt, cặp diễn viên chính Kiều Minh Tuấn - An Nguy gây xôn xao dư luận khi công bố đã phải lòng nhau, đã "không thể thoát vai" sau khi tham gia đóng phim cùng nhau.

Khán giả còn đang chưa hết tội nghiệp cho người đầu ấp tay gối với Kiều Minh Tuấn bao năm qua là Cát Phượng thì bỗng lộ ra những "bằng chứng" cho thấy Cát Phượng là người đứng sau dàn dựng "vở kịch" yêu đương này nhằm thu hút sự chú ý của khán giả dành cho bộ phim?

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 3.

Phim giả tình thật và những lùm xùm của Kiều Minh Tuấn - An Nguy - Cát Phượng đã đẩy Chú ơi đừng lấy mẹ con vào "hố đen"

Đây đã là năm 2018, thời của "PR bẩn" đã đi vào ngõ cụt, thế nên không ngạc nhiên khi bộ phim này sau đó phải hứng chịu sự ghẻ lạnh của người xem. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, nhà sản xuất Dung Bình Dương của bộ phim đăng đàn tố cáo, đòi kiện hai diễn viên chính đến cùng vì cho rằng bà không yêu cầu họ PR cho phim.

Trong khi đó, Kiều Minh Tuấn sau một hồi nhận yêu An Nguy là thật, thì cho rằng đó chỉ là "phút cảm nắng" và đăng đàn cùng Cát Phượng xin lỗi khán giả. An Nguy sau một hồi im lặng cũng lên tiếng kêu vô tội, tung tin nhắn cho thấy Cát Phượng đã "dắt mũi dư luận" để "dọn đường" cho bộ phim Mẹ Tuệ có Kiều Minh Tuấn - Cát Phượng đóng vai chính trong năm sau như thế nào…

Thật giả đến đâu chắc chỉ có trời và lương tâm của những người-tham-gia mới biết! Khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho những nghi án PR lố đến phản cảm như vậy.

Dán nhãn phim vô tội vạ, lỗi của ai?

Dán nhãn phim - phân loại độ tuổi khán giả đến rạp phim - là sự mong muốn của những nhà sản xuất, nhà phát hành và cả khán giả sau một thời gian dài chờ đợi, đề xuất, kiến nghị lên Cục điện ảnh.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 4.

Nam diễn viên Huỳnh Đông và diễn viên nhí Bảo Bảo được yêu thích khi Mặt trời, con ở đâu ra mắt

Tuy nhiên khi đưa vào áp dụng, việc dán nhãn phim lại tỏ ra thiếu hợp lý khi nhiều bộ phim bị giới hạn đối tượng người xem một cách khó hiểu!

Cụ thể và gần nhất là trường hợp của bộ phim Mặt trời, con ở đâu do đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn thực hiện.

Đây là bộ phim dành cho thiếu nhi với dàn diễn viên nhí, xoáy sâu vào tình cảm gia đình, tình phụ tử, thế nhưng không hiểu vì lí do gì, Mặt trời con ở đâu ra rạp với nhãn NC13 - nghĩa là chỉ dành cho khán giả từ 13 tuổi trở lên được xem phim.

Xem trailer Mặt trời, con ở đâu

Nhà sản xuất của bộ phim đã có công văn gửi Cục Điện ảnh với mong muốn có câu trả lời xác đáng. Đáng buồn là, những cái nhãn "trời ơi" như thế không phải là thiểu số.

Thiên đường: Nửa đường gẫy gánh

Bộ phim hợp tác Việt - Hàn mang tên Thiên đường với sự góp mặt của đạo diễn Park Hee Jun, đồng đạo diễn Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân; nam diễn viên Han Jae Suk, Lý Nhã Kỳ… là một dự án, khi mới ra mắt đã được nhà sản xuất tiết lộ là bộ phim đầu tư khủng nhất từ trước đến nay của Nam.

Bộ phim có sự góp mặt của ekip Hàn Quốc, mà nổi bật là nam diễn viên chính Han Jae Suk (từng quen mặt với khán giả Việt qua bộ phim Giày thủy tinh) sẽ đến Việt Nam đóng phim cùng nữ chính Lý Nhã Kỳ.

Nhưng khi bộ phim đang trong quá trình quay thì mọi chuyện lại "đứt gánh giữa đường", đoàn làm phim tuyên bố phá sản và phải rã đoàn ngay lập tức!

Theo thông tin được phía Hàn Quốc gửi đi cũng như tâm thư của đạo diễn Park Hee Jun, Công ty TNHH phim Ivonk - đơn vị sản xuất Việt Nam do bà Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân là giám đốc, đã có những hành vi vi phạm hợp đồng.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 6.

Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ trong ngày giới thiệu dự án phim Thiên đường tại TP.HCM hồi tháng 10-2018

Vi phạm cụ thể được nêu ra là khả năng yếu kém cả về năng lực tài chính và khả năng quản lý vận hành dự án làm phim. Đó là lý do dẫn đến thiếu hụt tài chính và thất bại trong việc điều hành sản xuất khiến phim không còn cách nào khác là phải thông báo rã đoàn hôm 25-11.

Trước khi đoàn Hàn Quốc có thể trở về nước, họ đã bị khách sạn nơi cư trú tịch thu hộ chiếu với lý do NSX Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân nợ tiền khách sạn tại Đà Lạt gần 500 triệu đồng.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 7.

Bà Hạnh Nhân và đạo diễn người Hàn Park Hee Jun của dự án phim Thiên đường

Nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ cũng lên tiếng cho rằng cô là nạn nhân của bộ phim này, khi ban đầu cô cùng góp vốn đầu tư làm phim và thực hiện đúng các điều khoản theo hợp đồng với Ivonk của bà Hạnh Nhân với tư cách đồng chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên việc Ivonk liên tục nợ tiền các diễn viên, các đơn vị tham gia hợp tác… đã khiến Lý Nhã Kỳ quyết định tạm dừng đóng phim và gửi đơn kiện bà Hạnh Nhân vì vi phạm hợp đồng.

Đến nay phía Ivonk của bà Hạnh Nhân vẫn giữ im lặng! Còn ekip Hàn Quốc thì đã về nước trong vô vàn bức xúc, ủy quyền cho Luật sư tiếp tục theo kiện và chắc chắn khó lòng để hợp tác lần sau.

Thiếu chuyên nghiệp, thích "nổ"… sẽ khiến những nhà sản xuất Việt nhận nhiều bài học đắt giá, mà đắt nhất chắc có lẽ là việc khán giả không còn tin vào những điều họ nói.

"Đụng độ" với phim ngoại: Tổn thất và đau đớn

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 8.

Lật mặt Ba chàng khuyết có cú thoát hiểm trong gang tấc khi đụng độ với bộ phim Avengers: Infinity War vào tháng 4-2018

Cú va chạm không hề nhẹ giữa phim Việt và phim ngoại trong tháng 4-2018 hẳn sẽ còn làm hai nhà sản xuất của hai bộ phim Lật mặt: Ba chàng khuyết100 ngày bên em "nhói đau" khi nhắc lại.

Đây không phải lần đầu câu chuyện "giải cứu phim Việt" trên sân nhà được đề cập, nhưng có lẽ nó vẫn nóng, vẫn thời sự bởi cạnh tranh là việc không thể tránh được trong một nền kinh tế mở, trong đó có điện ảnh.

Nếu tránh đụng độ, sẽ phải "trốn" đi đâu khi hầu hết 12 tháng trong năm, tháng nào phim ngoại cũng phải có một blockbuster - phim bom tấn đầu tư hoành tráng ra rạp.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 9.

Phim 100 ngày bên em của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng

100 ngày bên em chết yểu từ khi vừa ra rạp. Lật mặt Ba chàng khuyết khá khẩm hơn khi lai rai kiếm tiền rồi may mắn thoát hiểm trong gang tấc!

Câu chuyện "châu chấu đá voi" vẫn không có hồi kết. Vậy nên chuyện phát hành phim Việt ở rạp Việt, thời điểm nào, ra mắt khi nào…- tất cả vẫn chỉ là một canh bạc may rủi. Hên thì "bỗng dưng có tiền", còn xui thì….

Doanh thu phòng vé giảm, phim khác biệt càng "chết non"

Nhìn lại số lượng phim Việt ra mắt trong năm 2018: hơn 40 bộ phim, nhưng doanh thu phòng vé lại sụt giảm nghiêm trọng.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 10.

Siêu sao siêu ngố - một bộ phim hài Tết không quá ấn tượng bất ngờ trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất trong năm 2018 với 109 tỉ đồng thu về từ phòng vé - Ảnh: ĐPCC

Bộ phim dẫn đầu phòng vé năm nay bất ngờ "gọi tên" Siêu sao siêu ngố, một bộ phim chiếu Tết thường thường bậc trung nhưng mang về đến 109 tỉ đồng cho đạo diễn Đức Thịnh và nhà phát hành CGV với diễn xuất "đong đưa" sở trường của danh hài Trường Giang.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 11.

Người bất tử là bộ phim được đầu tư mạnh tay nhất của đạo diễn Victor Vũ từ trước đến nay. Tuy vậy doanh thu của bộ phim này không mấy khả quan

Chàng vợ của em - một bộ phim được chờ đợi rất nhiều của nhà sản xuất Charlie Nguyễn, có dàn diễn viên tốt, kịch bản không tệ, thế mà vẫn "lê lết" mãi vẫn không thể góp mặt vào câu lạc bộ "Phim 100 tỉ". 85 tỉ là con số cuối cùng mà bộ phim này mang về!

Được đánh giá là "bom tấn" của điện ảnh Việt trong năm 2018, nhưng doanh thu của Người bất tử - bộ phim lớn nhất từ trước đến nay của đạo diễn Victor Vũ làm không phải là một con số khả quan khi không đem về nổi doanh thu đủ... hòa vốn!

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 12.

Chàng vợ của em chật vật lắm mới thu về 85 tỉ doanh thu phòng vé

Và rất nhiều những dự án khác, "im thin thít lặn mất tăm" khi không muốn công bố doanh thu chỉ bởi vì doanh thu chỉ từ lỗ đến lỗ nặng.

Cùng xem lại trailer Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ

Phim chiều theo thị hiếu của khán giả, bám sát tiêu chí: vui, buồn, có cười có khóc, có tí tình cảm, có tí giật gân còn thế, nên số phận của những bộ phim không chiều thị hiếu đám đông còn đáng buồn hơn.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 14.

Song Lang với hai diễn viên Liên Bỉnh Phát và Isaac nhận được nhiều tình cảm của người xem

Năm nay, điện ảnh Việt chứng kiến sự độ bổ của lớp đạo diễn mới, trẻ, có tay nghề, đầy triển vọng. Những bộ Việt của họ (dù vẫn là những bộ phim thị trường muốn nhận được sự đồng cảm của số đông) nhưng được đánh giá tốt từ giới chuyên môn với cách làm phim, cách khai thác đề tài khác hẳn như Song Lang của đạo diễn Leon Lê, Nhắm mắt thấy mùa hè của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi… ngậm ngùi với những suất chiếu ít ỏi, những cụm rạp thưa thớt vắng người.

Những bộ phim này chưa đủ "nặng" để gọi là một bộ phim nghệ thuật đúng nghĩa, nhưng ít ra, nó là những tiếng nói dũng cảm, mạnh dạn đi theo con đường riêng của mình.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 15.

Phim Nhắm mắt thấy mùa hè của Cao Thúy Nhi

Phim remake vẫn thống lĩnh thị trường

So với những sự kiện đáng quên ở trên thì việc phim remake vẫn thống lĩnh thị trường phim chiếu rạp Việt trong năm 2018 không phải là một điều quá đáng xấu hổ. Thế nhưng, nếu hỏi có buồn không, thì 10 người làm phim 9 người sẽ gật đầu: buồn chứ!

Rõ ràng việc làm phim từ nguồn kịch bản thuần Việt để thay thế cho những dự án remake đã được nhiều đơn vị sản xuất, phát hành quan tâm. Bằng chứng là trong hai năm gần đây các cuộc thi về sáng tác kịch bản cho phim Việt nở rộ.

Những quả đắng mang tên phim Việt của năm 2018 - Ảnh 16.

Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là bộ phim remake thành công nhất của điện ảnh Việt trong năm 2018

Nhà nhà tìm biên kịch, người người viết kịch bản. Cuộc thi nào cũng công bố những cái tên "sáng giá" có thể làm nên chuyện. Nhưng vì sao vẫn không thể có một "ngân hàng" kịch bản Việt dài hơi, đáng tin cậy?

Năm nay, các bộ phim remake gồm Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp, Kế hoạch đổi chồng, Tìm vợ cho bà... ra đều đặn, tuy nhiên ngoài Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra, các bộ phim còn lại đều "trôi tuột" không để lại bất kì dấu ấn nào đối với người xem.

Remake có hết thời không? Thôi thì cứ làm rồi để khán giả và thời gian trả lời hộ!

Phim Việt nửa đầu 2018: Có phim trăm tỉ nhưng phần đông là dở!

TTO - 17 phim Việt đã lần lượt ra mắt trong khoảng nửa đầu năm 2018. Không có nhiều phim hay, thậm chí phim được xếp vào hàng thảm họa ngày một dày khiến khán giả phải dè chừng.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp