
Bộ đội Việt Nam cùng các lực lượng cứu hộ Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ đưa nạn nhân 26 tuổi còn sống ra khỏi hiện trường - Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trận động đất kinh hoàng ngày 28-3 đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng, hơn 4.600 người bị thương và gần 400 nạn nhân vẫn đang mất tích (tính đến ngày 2-4). Đây là thảm họa kép đối với quốc gia đang chìm trong nội chiến khiến hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Các tổ chức cứu trợ đang chạy đua với thời gian để hỗ trợ người dân trước khi mùa mưa đến.
Chặng đường gian nan
Công tác cứu trợ đang gặp vô vàn khó khăn. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi một đoàn xe cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc bị quân đội Myanmar bắn cảnh cáo vào tối 1-4. Phía quân đội cho rằng đoàn xe đã đi vào vùng xung đột mà không thông báo trước và không dừng lại khi được yêu cầu.
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Myanmar, bà Julie Bishop, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tạo thuận lợi cho tiếp cận nhân đạo và đảm bảo an toàn cho nhân viên cứu trợ. LHQ cho biết có hơn 28 triệu người ở 6 khu vực bị ảnh hưởng động đất, tổ chức này đã phân bổ 12 triệu USD tài trợ khẩn cấp.
Quân đội Myanmar tuyên bố ngừng các hoạt động tấn công đến 22-4
Nỗ lực cứu trợ còn gặp khó khăn do hệ thống liên lạc gián đoạn và đường sá hư hỏng, đặc biệt là ở Sagaing - khu vực do các nhóm vũ trang kiểm soát. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cảnh báo: "Chúng ta phải hành động nhanh chóng trước khi mùa mưa đến, nếu không, thảm họa nhân đạo sẽ càng trầm trọng hơn".
Theo bà Julia Rees - phó đại diện UNICEF, các nhóm cứu trợ cũng đang phải đối diện nhiều khó khăn khi làm việc trong tình trạng không có điện, vệ sinh không được đảm bảo, phải ngủ ngoài trời như chính cộng đồng họ đang hỗ trợ.
Các tổ chức quyền con người cũng cảnh báo các tòa nhà có kết cấu yếu vẫn đang tiếp tục sụp đổ khi xảy ra dư chấn, đe dọa đến công tác cứu hộ.
Nỗi đau trẻ thơ
Thiên tai đã cướp đi sinh mạng và đẩy tương lai của trẻ em ở Myanmar vào bất định. Ở vùng tâm chấn Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar, 50 trẻ em và 2 giáo viên đã thiệt mạng tại một trường mầm non bị sập.
Cách đó khoảng 40km, tại thị trấn Kyaukse, một trường mẫu giáo đã sập hoàn toàn, cướp đi sinh mạng của ít nhất 12 trẻ em và 1 giáo viên. Tuy nhiên, người dân địa phương tin rằng số nạn nhân thực tế có thể lên đến 40.
Cuối tuần qua, cả thị trấn đã đổ về khu vực trường học bị sập để hỗ trợ công tác cứu hộ. Họ tìm thấy những chiếc ba lô rách nát, đồ chơi và bảng chữ cái vương vãi giữa đống đổ nát. Ông Kywe Nyein, 71 tuổi, kể rằng gia đình đang chuẩn bị tổ chức tang lễ cho cháu gái 5 tuổi Thet Hter San. Thi thể em được tìm thấy khoảng 3 giờ sau khi trận động đất xảy ra.
Ông Unni Krishnan, đại diện của Plan International, cho biết tổ chức này đang tập trung cung cấp lương thực, nước sạch và nơi trú ẩn, đồng thời lên kế hoạch hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân, đặc biệt là những trẻ em đang hoảng loạn vì lo sợ các đợt dư chấn.
"Hàng trăm nghìn trẻ em sẽ phải ngủ ngoài trời. Mỗi ngày trôi qua, nỗi lo âu sẽ ngày càng trở nên mất kiểm soát. Ngay cả nỗi sợ về một dư chấn cũng có thể khuếch đại sự lo lắng của các em", ông nói.
Giữa thảm họa, những tia hy vọng vẫn lóe lên. Vào sáng 1-4, tại thủ đô Naypyidaw, một phụ nữ 63 tuổi được giải cứu sau 91 giờ mắc kẹt. Ngày 2-4, tức 5 ngày sau trận động đất, 1 nhân viên 26 tuổi đã được cứu sống từ đống đổ nát của một khách sạn ở thủ đô Naypyidaw.
Những câu chuyện sinh tồn kỳ diệu này tiếp thêm động lực cho các đội cứu hộ đang ngày đêm tìm kiếm nạn nhân dưới những tòa nhà đổ nát.
Đội cứu hộ Việt Nam tại Myanmar: phép màu đã lại xuất hiện
Lực lượng cứu hộ của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu thành công một thanh niên bị mắc kẹt bên trong khách sạn Aye Chan Thar ở thủ đô Naypyidaw vào lúc 14h chiều 2-4 (giờ địa phương).
Người được giải cứu là anh Htet Maung Maung - 26 tuổi, làm đầu bếp tại khách sạn. Hiện sức khỏe của nạn nhân khá tốt do trước đó đã được truyền nước. Có mặt tại hiện trường, ông U Myint Lin, cha của nạn nhân, cho biết gần một tuần qua gia đình không nhận được tin con, chỉ đến sáng nay mới được thông báo anh vẫn còn sống. Sau khi được giải cứu, anh Htet đã được đưa lên xe cứu thương chuyển tới bệnh viện trong tiếng hò reo của mọi người.
Trước đó vào trưa cùng ngày, khi đang cứu hộ tại Bệnh viện Ottara Thiri, đoàn Việt Nam nhận được thông tin một nạn nhân mắc kẹt vẫn còn sống. Ngay lập tức, đoàn cử đội công binh gồm 6 người đến phối hợp cứu hộ. Khi tiếp cận, nạn nhân vẫn nói được và cho biết anh vẫn khỏe, chỉ thiếu đồ ăn và nước uống.
Lực lượng công binh cho biết các dầm, nền bệnh viện có kết cấu bê tông cốt thép rất cứng nên phải dùng máy đục, cắt bê tông và máy cắt sắt để tạo lối đi. Đồng thời các huấn luyện viên đội chó nghiệp vụ tiếp tục trinh sát các vị trí khác để tìm kiếm thêm nạn nhân.
Ngay tại khu vực, đoàn của Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã thiết lập một đội y tế cứu trợ với đầy đủ dụng cụ cấp cứu, khám chữa bệnh chuyên ngành để cấp thuốc miễn phí cho người dân và lực lượng cứu hộ sở tại.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, phó cục trưởng Cục Cứu hộ và Cứu nạn, cho biết sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp với quyết tâm cao nhất để sớm tìm thấy các nạn nhân mất tích và giảm bớt nỗi đau cho người dân địa phương. "Đây cũng là tình cảm và trách nhiệm của đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam với đất nước và nhân dân Myanmar".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận