02/08/2014 16:33 GMT+7

Những "ông vua hổ vồ"

NGUYÊN LINH thực hiện
NGUYÊN LINH thực hiện

TT - Đây là đoàn xe Howo (thường gọi xe “hổ vồ”) chở vật liệu quá tải đang tung hoành trên quốc lộ 1 đoạn Thừa Thiên - Huế.

ausqyQ5N.jpg
Xe “hổ vồ” chở vật liệu cho dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế trưa 30-7 - Ảnh: Nguyên Linh

Theo số liệu của Cục Quản lý đường bộ 2 ngày 24-7, hiện lượng xe phục vụ các công trình dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thừa Thiên - Huế có khoảng 100 xe với kích thước thùng siêu tải (gồm xe “hổ vồ” và Hyundai 3-4 trục), vận chuyển bình quân 35-55 tấn, tức quá tải 200-400%. Cụ thể, khoảng 30 xe của doanh nghiệp Tuyết Liêm và Xuân Long cung cấp vật liệu cho dự án BOT Trùng Phương; khoảng 50 xe của nhà đầu tư trực tiếp thi công và doanh nghiệp Long Phụng, cung cấp vật liệu cho dự án mở rộng quốc lộ 1 do Ban quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư.

Bất chấp cam kết

Các chủ đầu tư công trình mở rộng quốc lộ 1 tại Thừa Thiên - Huế có ký cam kết với Cục Quản lý đường bộ 2 là không cho xe quá tải đổ vật liệu tại công trường từ ngày 24-7. Nhưng trong những ngày qua, đoàn xe “hổ vồ” quá tải vẫn chở vật liệu phục vụ công trình, bất chấp cam kết.

Trưa 30-7, tại đoạn quốc lộ 1 đang thi công thuộc địa phận xã Phong An, huyện Phong Điền, nhiều xe “hổ vồ” chở bêtông nhựa đường liên tục đến đổ hàng. Khác với những ngày trước khi có cam kết, đoàn xe “hổ vồ” chỉ chở bêtông nhựa thấp hơn thùng xe nhưng vẫn có thể vượt tải 50-100%. Cùng lúc đó, nhiều xe “hổ vồ” chở đầy đá dăm cũng chạy liên tục phục vụ công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khoảng 11g cùng ngày, một chiếc xe “hổ vồ” của HTX Xuân Long (trụ sở tại TP Huế) chở đá dăm cao hơn thùng xe chạy trên quốc lộ 1 đoạn tránh TP Huế từ phía nam hướng ra phía bắc. Qua chốt kiểm soát cảnh sát giao thông ở thị trấn Phong Điền khoảng 5km thì xe tấp vào lề đường bên phải, nhanh chóng đổ hàng rồi quay đầu trở vào. Với lộ trình này, trong ngày 30-7 nhiều chiếc xe “hổ vồ” của HTX Xuân Long và doanh nghiệp Tuyết Liêm liên tục chở đá dăm đưa vào công trình.

Trước đó ngày 29-7, cũng có rất nhiều xe “hổ vồ” ngang nhiên chở bêtông nhựa, vật liệu xây dựng, xuất phát từ giữa đoạn tránh TP Huế của quốc lộ 1 (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) rồi theo con đường này chạy ra phía bắc, đến công trình mở rộng quốc lộ 1 do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư. Trong số này rất nhiều xe có kích thước thùng “siêu tải”, chở vật liệu xây dựng chất cao vượt thùng, chạy bạt mạng và không gặp bất cứ sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng.

Trả lời về việc xe quá tải vận chuyển vật liệu xây dựng vào các công trường thi công quốc lộ 1, ông Trần Văn Thịnh - giám đốc Ban quản lý dự án mở rộng quốc lộ 1 chi nhánh Huế của Công ty TNHH Trùng Phương - cho biết có buộc các nhà thầu cung cấp vật liệu ký cam kết không chở quá tải nhưng không quản lý hết, vẫn còn một số xe chở quá tải. Khi được cung cấp hình ảnh, clip về việc rất nhiều xe quá tải hoạt động trên công trường, ông Thịnh lập tức gọi điện kiểm tra cấp dưới, sau đó nói: “Các anh thông cảm, tôi mới ra nhận công tác từ ngày 1-7 nên đang gút dần lại. Tôi mà làm căng thì bể, công trình sẽ chậm tiến độ, phải du di, chấp nhận xe chở vượt tải năm ba tấn”. Ông Thịnh còn cho rằng bêtông nhựa nóng mà chở ít thì ảnh hưởng đến nhiệt độ, nhựa dễ bị nguội nên chấp nhận chở vượt tải. Về việc xe “hổ vồ”, xe quá tải chở vật liệu vào công trường không bị xử lý, ông Thịnh nói: “Trạm cân nằm chình ình đó mà không xử lý thì chúng tôi chịu”. Tương tự, ông Nguyễn Đức Thế Thảo, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty TNHH Trùng Phương, thừa nhận do quản lý chưa chặt chẽ nên để lọt một số xe quá tải vào đổ vật liệu ở công trường. “Ngày mai tôi đi kiểm tra, nếu phát hiện nhà thầu nào còn chở vật liệu quá tải sẽ cắt hợp đồng, dẹp luôn” - ông Thảo nhấn mạnh.

Trả lời về việc xe “hổ vồ” chở hàng quá tải, ông Võ Văn Thắng, phó chủ nhiệm HTX Xuân Long, cho rằng xe có tải trọng 15 tấn mà chỉ cho phép chở 9-10 tấn thì doanh nghiệp không sống nổi. Ông Thắng thừa nhận trước khi xe rời mỏ đá, HTX cân xe và biết được xe vượt quá trọng tải. “Trước đây chúng tôi hợp đồng với chủ đầu tư vận chuyển vật liệu với giá thấp bởi xe chở quá tải rất lớn. Giờ bắt chở đúng tải là chúng tôi chết” - ông Thắng nói.

wMTyveFV.jpg
Đoàn xe “hổ vồ” chở quá tải cung cấp vật liệu cho công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) vẫn hoạt động bất chấp lệnh cấm - Ảnh: Nguyên Linh

Có nhiều thông tin về “xe vua”

Ông Ngô Văn Tuân, giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, cho biết có nghe nhiều thông tin về chuyện “xe vua” ở Huế, nhưng chưa xác định cụ thể là “sân sau” của ông nào. Ông Tuân thừa nhận trong thời gian qua trạm cân hoạt động không hiệu quả, để lọt nhiều xe quá tải, đặc biệt là không xử lý xe quá tải ở địa phương. “Chúng tôi bị tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ phê bình trong việc xử lý xe quá tải. Với cá nhân tôi, bất kể xe ông nào, bà nào, nếu vi phạm đều bị xử lý. Mới đây tôi cũng nhận được thông tin xe của doanh nghiệp Hùng Đạt (chuyên chở clinker từ Nhà máy ximăng Luks đi cảng Chân Mây) là “sân sau” của ông nào đó nên không bị kiểm tra. Nói thật, một số anh em ngại không dám chặn xe, xử lý, công an lại không thấy làm. Tôi đang chỉ đạo anh em ở trạm cân phải kiểm tra tải trọng xe của doanh nghiệp này. Nếu làm rát, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc quyết liệt thì xe vua, xe chúa gì cũng không có đất sống” - ông Tuân nói.

Ông Tuân nói do chưa triển khai cân xách tay nên tuyến quốc lộ 1 đoạn tránh TP Huế gần như đang bị bỏ ngỏ, để lọt nhiều xe quá tải tung hoành. Nói về đoàn xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động trên các công trình giao thông, ông Tuân cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải cương quyết với chủ thầu cung cấp vật liệu xây dựng, nếu vi phạm phải chấm dứt hợp đồng. “Chúng tôi sẽ báo cáo bộ trưởng tình trạng này để kịp thời xử lý” - ông Tuân nói.

Đề cập về việc xe quá tải hoạt động trên quốc lộ 1, ông Phạm Văn Thái, trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng quốc lộ 1 đang thi công trên toàn tuyến nên việc chặn và kiểm tra xe quá tải gặp khó khăn. Các tài xế đều là người trong tỉnh, rất rành đường sá, cố tình né tránh lực lượng tuần tra kiểm soát. Về việc trạm cân Phú Bài chỉ cân xe một chiều Nam - Bắc, để lọt nhiều xe quá tải, ông Thái nói trạm chỉ có một bàn cân, việc chặn và kiểm tra trọng tải xe hai chiều là rất khó khăn. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh trạm cân để kiểm tra trọng tải xe cả hai chiều. Chúng tôi không bảo kê, không chấp nhận chuyện xe vua, xe chúa. Tất cả xe vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh” - ông Thái nhấn mạnh.

Liên quan tới dư luận cho rằng ở Thừa Thiên - Huế có “xe vua”, ông Thái nói: “Chúng tôi khẳng định ở Thừa Thiên - Huế không có “xe vua”, không có chuyện cảnh sát giao thông bảo kê cho các doanh nghiệp vận tải. Dư luận nghi ngờ bởi có thể doanh nghiệp có các mối quan hệ làm ăn, quan hệ thân tình với một số cán bộ nào đó. Tất cả xe vi phạm bị phát hiện đều bị chúng tôi xử lý, không có bất cứ vùng cấm nào”.

Trạm cân né xe chở đất?

Những ngày qua, tại Đà Nẵng, từng đoàn xe chở đất ầm ầm lao từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến đường Trường Sơn (trên tuyến quốc lộ 14B, thuộc quận Cẩm Lệ). Áp lực san lấp mặt bằng tuy có phần giảm so với trước, nhưng với khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (Sun Group, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) thì nhu cầu san lấp là gần như vô hạn. Điều đáng nói, dù chính quyền TP Đà Nẵng đưa trạm cân xe di động số 25 vào hoạt động trên tuyến đường này để ngăn chặn xe quá tải, nhưng gần như toàn bộ số xe chở đất lại nằm ngoài tầm kiểm soát.

Sáng 30-7, đoàn xe ben chừng 20 chiếc chở đất từ trường bắn 327 về dự án san lấp tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân bắt đầu nhập vào làn giao thông trên đường Trường Sơn, rồ ga lao về hướng trung tâm quận Cẩm Lệ. Từng xe nối đuôi băng qua dốc Võng - một trong những điểm “đen” tai nạn giao thông, rồi băng qua cầu vượt Hòa Cầm trước khi lao lên cầu Nguyễn Tri Phương dẫn vào khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Cũng nằm trên tuyến quốc lộ 14B là mỏ đất thuộc thôn Phước Thuận và Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) từng nổi tiếng là điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Vào cao điểm, nơi đây có cả nghìn lượt xe ben vào “ăn” đất và đá, khiến tuyến đường hơn 5km từ nút giao thông cầu Nguyễn Tri Phương (đường Cách Mạng Tháng 8) đến vòng xoay đầu đường tránh Túy Loan - Nam Hải Vân (đường Trường Sơn) luôn trong tình trạng “nóng” bởi bụi bay mù mịt.

Qua tìm hiểu cho thấy trạm cân 25 được đặt gần số nhà 309 Trường Sơn (trước khu tập thể điện lực, bên trái tuyến). Vị trí này lại nằm phía trên đường dẫn vào trường bắn 327. Vì vậy toàn bộ xe ben chở đất ra vào khu mỏ trường bắn 327 hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của trạm cân. Như vậy trong số hai mỏ đất, chỉ còn lại xe ben chở hàng từ mỏ đất ở thôn Phước Thuận và Thạch Nham Tây là phải đi qua trạm cân 25. Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa - chánh Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng: “Chọn mãi mới được vị trí đẹp này”. Ông Nghĩa còn cho biết kế hoạch đặt trạm cân di động 25 tại vị trí này là 10 ngày, bắt đầu từ ngày 21-7, đến 31-7 trạm cân 25 sẽ di chuyển sang một nơi khác. Nhưng trạm cân 25 chỉ hoạt động tới ngày 27-7 thì bị sự cố sét đánh, buộc phải ngưng hoàn toàn.

Đối chiếu qua sổ sách lưu lại tại văn phòng Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng cho thấy nhiều xe tải ngoại tỉnh khi đi qua tuyến đường này bị gọi vào trạm cân 25 để kiểm tra tải trọng. Ngược lại, rất hiếm các xe biển số Đà Nẵng bị kiểm tra. Một cán bộ thuộc Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng than thở: “Đụng vào xe đất này là hơi khó”.

ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYÊN LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp