Ben Mawdsey với xe máy và túi đồ sơ cứu khi ra đường - Ảnh: THANH YẾN
Có những lúc anh không thể làm gì được nữa. Nhưng bạn hiểu không, con người ta, ngay cả lúc đó, vẫn mong có được một cái ôm, đó là sự quan tâm, chứ không phải muốn bị người khác chỉ đứng nhìn.
Tôi không quên ấn tượng của cuộc nói chuyện với Ben Mawdsey trong một buổi trưa bên quán cóc đầu hẻm nhỏ ven đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM).
Anh vừa xong lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nhỏ vào sáng chủ nhật hằng tuần. Vui vẻ, sảng khoái và rất cởi mở.
"Đó là số phận của tôi"
Vừa ngồi nói chuyện, anh vừa vất vả dùng cả hai tay đẩy con chó lai rất to của bà chủ hàng nước (hẳn đã rất thân với "ông Tây" này) cứ chực sấn leo lên lòng anh ngồi. Cách anh "xua đuổi" con chó quá trìu mến khiến người đối diện bật cười, vì hiểu với cách đó sẽ không bao giờ chú khuyển chịu "buông tha" anh.
Ben bảo anh thực sự có duyên nợ với TP.HCM từ hơn 4 năm trước. Khi ấy, lần đầu tới thành phố này, anh chỉ định ở 6 tuần để dạy tiếng Anh và thi TEFL, chứng chỉ buộc phải có với một người muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ nước ngoài.
Lúc đó, anh đã có một công việc khác chờ sẵn ở Nhật và muốn tới TP.HCM để lấy chứng chỉ TEFL trước khi sang Nhật nhận việc. Nhưng chỉ sau 6 tháng ở Sài Gòn, Ben thấy đây mới chính là nơi anh muốn ở lại làm việc và gắn bó lâu dài. Hủy kế hoạch sang Nhật, anh bảo: "Đó là số phận của tôi rồi".
Ben thích không gian sống trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi. Một trong những từ Việt đầu tiên anh học và cũng thích nói nhiều về nó là "hẻm". Anh say sưa nói về những con hẻm Sài Gòn mà đã rất nhiều lần được lang thang "thưởng ngoạn" một mình, trải nghiệm sự ấm áp, gần gũi của cuộc sống bình dân giữa đô thị náo nhiệt.
Ben thích thức ăn đường phố, uống bia vỉa hè và lê la khắp ngõ nhỏ, phố nhỏ bình dân của Sài Gòn. Anh thích những người địa phương cởi mở, thân thiện.
Trong gác trọ nhỏ bé của Ben, cũng ở một con hẻm nhỏ, anh treo trang trọng hai quốc kỳ Việt Nam và Canada song song trên tường. Tôi tự hỏi không biết anh bạn này đã trót yêu Sài Gòn, yêu Việt Nam giống như yêu quê hương Canada từ khi nào?
Tính Ben là vậy, anh ngại những nơi "sang chảnh", những nơi theo anh "không có bóng dáng những người bình thường nhất". Đó là lý do hơn 3 năm trước, sau thời gian làm giảng viên cho một trung tâm Anh ngữ lớn, anh quyết định nghỉ vì thấy ở đó thu học phí quá đắt, không phải dành cho đa số học sinh có thu nhập trung bình hoặc thấp.
Sau đó, Ben cùng một số bạn bè thành lập Audium, tổ chức thiện nguyện chuyên hỗ trợ những người thiệt thòi tại TP.HCM và huyện Cần Giờ. Họ đã tặng đồ dùng, thiết bị học tập cho trẻ bị khuyết tật cả về thể chất lẫn tâm thần.
Ben và Audium cũng tổ chức dạy miễn phí tiếng Anh theo tuần cho nhiều người không có tiền đi học tại các trung tâm.
Để có tiền trang trải cuộc sống tại TP.HCM, Ben chọn công việc kinh doanh riêng và dạy tư cho một số gia đình. Thời gian còn lại, anh làm thiện nguyện. Mỗi tuần một lớp tiếng Anh miễn phí vào chủ nhật. Mỗi tháng một lớp dạy kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị nạn.
Với Ben, những việc vì cộng đồng như vậy luôn hấp dẫn. Anh thường xuyên tặng học sinh những vật dụng sơ cứu và chỉ cách dùng.
Anh bảo một trong những kỷ niệm khiến anh thực sự hạnh phúc nhất là cách đây gần một năm, trong lần vô tình đi sau học trò, anh đã chứng kiến cảnh em ấy dừng xe, mở cốp lấy đồ cấp cứu do anh tặng để cứu người bị nạn.
Chuyện dạy kỹ năng cứu thương cho học sinh của Ben lại liên quan tới một "mảng" quan tâm đặc biệt của "ông Tây" này.
Ben Mawdsey giới thiệu những đồ y tế phải có trong túi sơ cấp cứu của anh - Ảnh: THANH YẾN
Chiếc túi cứu người của Ben
Với đa số người Việt, ai đó luôn mang theo vật dụng cấp cứu khi ra đường là điều khá lạ. Nhưng với Ben Mawdsey - thanh niên 31 tuổi người Canada, chuyện này là điều không cần phải bàn. Nó đương nhiên là vật bất ly thân mỗi khi ra đường.
Là quốc gia có diện tích rộng với nhiều đảo, sông, hồ, rừng núi, thời gian để người dân tới được bệnh viện trong tình huống khẩn cấp không phải lúc nào cũng nhanh chóng, do đó Chính phủ Canada rất chú trọng đào tạo kỹ năng sơ/cấp cứu cho người bị nạn.
Từ những ngày còn ở Toronto - nơi sinh trưởng của mình, Ben đã luôn mang theo những thứ đó khi ra đường.
Trong chiếc túi nhỏ gọn của Ben có những gì cần để sơ/cấp cứu người bị nạn như bông, băng, gạc, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, bơm kim tiêm (thường dùng bơm insulin cho người bị đái tháo đường), tấm màng có thiết kế chuyên biệt giúp hô hấp nhân tạo, găng tay cao su, cồn sát trùng...
Anh đã theo học các khóa trang bị kiến thức sơ cấp cứu tại Hội Chữ thập đỏ Canada và nhận chứng chỉ First Aid & CP xác nhận hoàn thành khóa học cung cấp các kiến thức và kỹ năng có thể cứu giúp người bị nạn.
Tới khi sang Việt Nam từ hơn 4 năm trước, Ben vẫn tiếp tục thói quen này. Và không biết có phải vì thế mà anh cứ luôn tình cờ "gặp" những vụ tai nạn trên đường. Thấy người bị nạn, anh dừng xe, làm tất cả những gì có thể cấp cứu nạn nhân.
"Đó là đạo đức, tôi không thể làm khác" - Ben nói. Trách nhiệm đạo đức đó không chỉ là một cảm giác tự thân. Nó còn là một lời hứa, một cam kết mà tất cả những người như anh từng phải ký xác nhận khi hoàn tất khóa học sơ cứu, cam đoan sẽ làm tất cả để cứu người trong mọi tình huống.
Thời gian chưa lâu ở Sài Gòn, nhưng anh không nhớ hết đã cứu bao người bị tai nạn, con số ước tính của anh là khoảng 50. Nhưng vụ tai nạn đầu tiên xảy ra hồi tháng 6-2016 thì anh không thể quên bởi nó có quá nhiều tình tiết đặc biệt.
Đó là tối anh đang trên đường tới buổi tiệc sinh nhật bạn. Tới giao lộ giữa Điện Biên Phủ và Pasteur, anh gặp một vụ tai nạn.
Hai cô gái đi xe máy va chạm xe ôtô, bị thương rất nặng. Cô người Mỹ bị gãy chân. Cô người Việt, tên Hiền, bị thương rất nặng, gãy tay, mặt đầy máu và đã ngưng thở.
Ben nhớ lại khi đó rất đông người xúm lại xem nhưng không ai làm gì cả. Ben khẩn trương sơ cứu, cô gái thở lại được. Mừng quá, anh gọi xe cứu thương đưa tới bệnh viện gần đó.
Nhờ Ben cấp cứu kịp thời, cô gái đã vượt qua cửa tử và sau khoảng 3 tuần điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Hiền đã được xuất viện. Kể từ sau lần cứu mạng, họ đã là bạn thân thiết của nhau.
Miền Tây Nam đang oằn mình trước hạn, mặn khốc liệt. Toàn cảnh hiện trạng đang diễn biến thế nào? Có thể nghiên cứu những giải pháp mang tính căn cơ, chiến lược cho vùng đất bảo đảm an ninh lương thực của VN?
Phóng viên Tuổi Trẻ đã đi thực tế nhiều ngày để có cái nhìn cận cảnh và đầy đủ.
MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ: Qua miền khô cháy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận