Michael với “con” tinh thần của mình trong căn chung cư ở Bình Thạnh - Ảnh: NGỌC HIỂN
Hơn 30 năm nay, ông đã chụp cả triệu bức hình về Việt Nam, mà chủ yếu là phụ nữ Việt trong tà áo dài thướt tha.
Tên thật của ông là Michael Abadie (66 tuổi), ông luôn nói đùa với mọi người mình người Hoa, nhưng là... Hoa Kỳ.
Cuộc gặp định mệnh
Sẽ khó ai hình dung một chàng trai dân New York (Mỹ) chính cống lại quyết định rời thị thành hiện đại bậc nhất thế giới sang Sài Gòn định cư theo một cô gái Việt, thời điểm đất nước còn gian khó những năm đầu thập niên 1990.
Michael tâm sự bằng tình yêu với người vợ Việt và mến nước Việt, ông có thể làm tất, kể cả thay đổi cuộc đời.
Cơ duyên bắt đầu từ tháng 4-1976, chàng trai Mỹ gặp một cô gái Việt có nước da ngăm đen trong tà áo dài trắng giữa mùa đông New York. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, chàng trai 22 tuổi này đã "thương liền" thiếu nữ vóc dáng Á Đông nhỏ nhắn có tên Tuyết Lê.
Thời điểm đó, ông đã chụp ngay bức hình thiếu nữ này mặc áo dài trắng ở Mỹ bên khu vườn đầy hoa và lưu lại đến bây giờ. Cô gái ấy không lâu sau trở thành vợ của Michael.
Năm 1985, nhiều người thân của vợ ông sang Mỹ, bắt đầu kể rất nhiều về Việt Nam, về Sài Gòn khiến ông tò mò muốn sang quê hương vợ.
Thời đó Mỹ cấm vận, chẳng mấy người được cấp visa. May mắn thay, New York là nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc, hai vợ chồng đã tiếp cận đại sứ Việt Nam ở đó để "xin về quê".
Cũng là một cái duyên, vị đại sứ đã mời hai vợ chồng về nhà trò chuyện, hiểu được tấm lòng Michael và "bày đường" cho vợ chồng bay sang Bangkok (Thái Lan) chờ đợi theo hướng dẫn. Bốn ngày sau, Michael đã có visa để cùng vợ đáp phi cơ xuống Tân Sơn Nhất.
Ông nhớ như in đó là buổi sáng 11-2-1988, Sài Gòn vắng lặng, đường phố chủ yếu xe đạp. Những khoảnh khắc ấy đã được ông lưu lại bằng chiếc máy phim của mình.
"Đi từ Mỹ đến Thái Lan rồi tới Việt Nam, mức độ nhộn nhịp cứ giảm xuống, khi bước chân đến Sài Gòn mình như lạc vào một thế giới khác rồi, yên bình đến lạ thường và mình thực sự thích" - Michael nói.
Điều khiến chàng trai Mỹ ấn tượng lúc đó là những cô gái mặc áo dài cùng nụ cười thân thiện ngoài đường phố.
Đó chính là lý do mà từ năm 1988 đến 1995, năm nào ông và vợ cũng dành 1 tháng về Việt Nam vào dịp tết. Nhờ vậy, những bộ ảnh đại lộ Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, những nụ cười Việt Nam, những tà áo dài thiếu nữ Việt... các năm đó qua góc nhìn Michael tăng lên mỗi năm.
Thời điểm đấy, ông cũng là du khách Mỹ hiếm hoi xuất hiện trên đường phố Sài Gòn. Đến năm 1995, ngay khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Michael xin làm cố vấn rủi ro trong ngành dầu khí ở Việt Nam và chuyển hẳn về đây định cư cùng vợ.
Michael chụp hình thiếu nữ áo dài trên đường phố Sài Gòn - Ảnh: NGỌC HIỂN
"Báu vật" của Michael
Trong căn chung cư ở quận Bình Thạnh, Michael cùng vợ ngồi giữa phòng khách bật nhạc du dương và ngắm những bức hình mà mình chụp hơn 30 năm qua được chạy slide ngẫu nhiên.
Với Michael, đây là những giây phút thư thái nhất cuộc đời bởi mỗi tấm ảnh gắn với một khoảnh khắc, một kỷ niệm của ông với Việt Nam.
Đó là những bức hình các thiếu nữ mặc áo dài tím Huế, những sơn nữ dân tộc Mông ở Tây Bắc, những cô "hàng xén răng đen" ngoài Bắc hay những tà áo dài thướt tha của nữ sinh thị thành Sài Gòn...
Có cả triệu bức hình như thế đã được ông chụp liên tục ngẫu nhiên theo phong cách ảnh đường phố (street life).
Từ khi sang Việt Nam đến nay, ông đã thay cả chục máy ảnh chỉ để thỏa mãn đam mê chụp con người Việt, phong cảnh Việt, nhất là những cô gái mặc áo dài. Do đó, tài sản lớn nhất của ông bây giờ chính là kho ảnh đồ sộ.
Chỉ một số ít ông đưa lên trang chia sẻ ảnh, còn lại ông giữ cho riêng mình như một "kho báu" lưu lại ký ức Việt Nam, mà những khoảnh khắc này không bao giờ lặp lại.
Là người làm quản lý rủi ro nên Michael hiểu hơn ai hết các rủi ro, mất mát có thể đến với "báu vật" hình ảnh của mình. Do đó, ông đã chia kho ảnh quý này sang đến 5 cái ổ cứng và đặt ở 5 nơi cách nhau cả nửa vòng Trái đất để phòng... rủi ro.
"Tôi để 2 ổ cứng 2 nơi ở Mỹ và 3 ổ cứng 3 nơi ở Việt Nam phòng khi cháy nổ, trộm cắp thì vẫn còn. Chẳng thà mất chiếc máy ảnh, chứ mất đi một tấm ảnh mình đã chụp thì tiếc lắm" - Michael nói.
Mấy mùa tết vừa qua, năm nào chúng tôi cũng gặp Michael đi "săn" ảnh áo dài ở đường hoa Nguyễn Huệ, phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch hay thỉnh thoảng những ngày cuối tuần lại gặp ông lang thang đường sách Nguyễn Văn Bình.
Cứ chụp ai, ông lại đến trò chuyện bằng tiếng Việt khiến các "cô mẫu" đều bất ngờ. Cứ ai cần ảnh, ông lại xin email và chuyển ảnh để "ai muốn làm gì thì làm" qua email có cái tên rất lạ mà cũng rất dễ thương... loveaodai (yêu áo dài).
Đặc biệt, ông chỉ khoái chụp ảnh các cô gái với tà áo dài, vì đơn giản ông quá mê áo dài Việt. Từ chiếc áo dài trắng tinh của Trường nữ trung học Gia Long (nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai) mà vợ mang sang Mỹ đến chiếc áo dài nữ tiếp viên hàng không trên chuyến bay đầu tiên về Việt Nam đã khiến ông có ấn tượng đặc biệt.
Do đó, ông chọn cách thể hiện đam mê bằng cách chụp những cô gái trong tà áo dài suốt 3 thập niên qua. Nhìn lại những bức hình thuở ban đầu, Michael nói đó là một sự đổi thay kỳ diệu của Việt Nam. Tuy vậy, có một thứ không thay đổi, đó là nụ cười trong các bức ảnh.
"Những bức hình cận cảnh mà mình chụp suốt mấy chục năm qua không thay đổi, vẫn là nụ cười thân thiện" - ông nói. Có lẽ vì thế mà đất Việt níu giữ ông ở lại đến bây giờ, mà chính ông luôn nở nụ cười với người đối diện.
Trên một chuyến xe buýt đi ra quận 1 chụp hình như thường lệ, Michael gặp một người Úc. Khi biết ông đã ở Việt Nam hơn 30 năm, người Úc hỏi: "Ông có thích Việt Nam không?". Michael đáp gọn lỏn như một câu khẳng định của ông với Việt Nam: "Không thích thì về Mỹ lâu lắm rồi!".
"Lấy vợ Việt còn hên hơn trúng số"
Ông chụp nhiều hình phụ nữ, lại còn giữ liên lạc, chuyện trò với những "mẫu" ảnh của mình suốt hàng chục năm, nhưng vợ Michael nói với chúng tôi rằng "không ghen".
Michael kể rằng thích chụp bên ngoài hơn chụp... vợ. Song nếu chụp riêng một người phụ nữ, vợ ông là người được ông chụp nhiều nhất.
Với những bức hình được ông chụp mỗi ngày, vợ chồng thường ngắm chung, nghe chung những câu chuyện và nếu có nữ nhân vật trong ảnh nào gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, ông đều chia sẻ với vợ.
Michael nói rằng "lấy vợ Việt còn hên hơn trúng số" và để sống được với nhau, điều quan trọng là phải hiểu và tin tưởng nhau.
Trong căn nhà mình, Michael có nuôi 2 đứa "con", đó là 2 chú chó được ông coi như con của mình. Với ông, có vợ đi bên cạnh cuộc đời, có sức khỏe để thỏa mãn đam mê chụp ảnh đã là hạnh phúc trọn vẹn.
Buổi chiều rảnh rỗi, Nam bước ra trước nhà, đợi người bán trái cây quen đẩy xe ngang. "Chuối nay ngon không anh, mai mang thêm nữa nhé" - Nam nói với người bán bằng tiếng Việt rành rọt.
Kỳ tới: Xin chào, tôi là Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận