29/08/2020 12:58 GMT+7

Những nữ 'siêu anh hùng' và tôi

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, John Hùng Trần - người từng có tác phẩm được đưa vào đề thi đại học ở Việt Nam - nuôi một tình yêu cháy bỏng kỳ lạ với vùng đất tổ tiên. Gia đình Hùng vừa chào đón cùng lúc 3 quý tử.

Những nữ siêu anh hùng và tôi - Ảnh 1.

”Ba chàng ngự lâm” của gia đình John Hùng Trần - Ảnh: H.TRẦN

Bí quyết nào khiến chàng trai 31 tuổi thành công, hạnh phúc vun đầy? Hùng trải lòng cùng Tuổi Trẻ về hành trình từ ngày đặt chân về đất mẹ với đầy những thăng trầm.

Những đêm trắng "chiến đấu" cùng con

* Chúc mừng bạn vì cùng lúc chào đón ba quý tử. Cảm xúc trong những khoảnh khắc đầu tiên của bạn là gì?

- Chúng tôi rất sốc và không tin được khoảnh khắc bác sĩ chúc mừng sẽ sinh ba. Theo tôi được biết thì tỉ lệ ca sinh ba trên thế giới là cực hiếm. 

Sau đó là sự vui mừng lẫn lo lắng, vì nếu có một con thôi cũng phải dành nhiều công sức để chăm lo con thật tốt, đằng này đến ba con. Tôi không muốn con của mình bị thiếu hụt tình thương hoặc thiếu sự chăm sóc của bố mẹ.

* Và sau đó là những đêm trắng?

- Ngay từ những ngày đầu, các bác sĩ bảo nên bỏ một, thậm chí hai đứa vì vợ tôi còn có u xơ lớn. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định không bỏ bất kỳ đứa nào vì nhiều lý do.

Nối tiếp là khoảng thời gian dài vô cùng căng thẳng, dù chúng tôi luôn tìm cách để vợ thấy vui vẻ vì không muốn ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhưng phải đến lúc ba đứa con chào đời thì mọi thứ mới gọi là chạm đáy. Bác sĩ báo một bé bị vấn đề về tim, thiếu máu đẩy xuống cơ thể... và có khả năng khuyết tật nếu không xử lý sớm. 

Nhưng đồng thời các bác sĩ cũng khuyên phải đợi vài tuần để cơ thể con đủ cứng cáp, trái tim đủ lớn do thời điểm đó bé chỉ nặng 1,2kg, quá yếu ớt để chịu được việc mổ. 

Cuối cùng chúng tôi không có lựa chọn, chấp nhận phải để con vào phòng mổ sớm với tỉ lệ thành công lạc quan nhất là "50-50".

Trong đời tôi chưa bao giờ cảm thấy vô vọng đến thế, khóc nhiều đến thế. Phần vì các con đứa nào cũng đều là "tình yêu sét đánh", hớp hồn tôi từ cái nhìn trong veo đầu tiên. Phần vì biết rằng con trai tôi là bệnh nhân mổ tim trẻ nhất Việt Nam. 

Thật lòng, lúc đó điều chúng tôi bấu víu nhiều nhất về mặt tinh thần chính là hai đứa con còn lại.

* Và cảm xúc khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công?

- Như một phép màu! Chúng tôi nghẹn lời, lại khóc thêm một chập nữa.

* Ba đứa bé ở thời điểm hiện tại?

- Rất may là cả ba bé đều phát triển bình thường và khỏe mạnh. Dù tôi đang ở vị trí điều hành ở hai công ty, rất áp lực nhưng làm việc xong là tôi về nhà lo cho con ngay. 

Tôi cũng luôn dành thời gian tắm cho con dù mẹ chúng có thể làm được và làm tốt hơn. Tôi muốn trò chuyện, quan sát con và nghĩ rằng đó là điều rất quan trọng. 

Chỉ có điều hiện mỗi ngày vợ chồng chúng tôi ngủ khoảng 3-4 tiếng, cũng không thẳng một giấc được, vì một đứa vô tình khóc thì hai đứa kia cũng khóc theo... mà dỗ cả ba đứa một lúc chưa bao giờ là điều dễ dàng (cười lớn).

Bí quyết để được hạnh phúc

* Hãy nói về chuyên ngành tâm lý mà bạn theo đuổi thời đại học?

- Tâm lý đầu tiên giúp tôi có được vợ (cười lớn). Thật sự lúc tôi mới về Việt Nam, vợ vẫn nghĩ tôi thuộc dạng "bad guy" (trai hư) vì tôi "rất Mỹ", nhưng có lẽ nhờ các kiến thức tâm lý tôi học được mà em dần có thiện cảm rồi bị tôi "chinh phục" lúc nào chẳng biết. 

Bên cạnh đó là lợi ích khác mà tôi đã đề cập bên trên. Nhưng thực ra, hầu hết những người chọn học tâm lý đều có những khúc mắc gì đó trong cuộc sống của mình, có người chọn đây như một cách giải tỏa sự tổn thương.

* Bạn đang nhắc về nỗi đau tinh thần thời thơ ấu?

- Mẹ sinh tôi ở Mỹ khi bà chỉ mới 18 tuổi, không lâu sau đó bà làm mẹ đơn thân. Bà quyết định ly dị khi tôi lên 10 tuổi dù biết mọi thứ sẽ rất vất vả. Thời điểm đó, quyết định này khiến hầu hết mọi người đều sốc và phản đối. Bố tôi phát điên và thậm chí đòi giết, bố vẫn quan điểm vợ không phải là đối tác mà là tài sản. Nhưng tôi tin mọi thứ đã vượt khả năng chịu đựng của bà.

Chính vì quá vất vả nên mẹ sớm luyện tôi và em trai phải độc lập "để nếu mẹ mất đi thì các con cũng tự lo cho bản thân được". Chúng tôi được trui rèn từ đó, cũng có thể nói đó là điều ít nhiều giúp tôi hoàn thành chuyến đi bộ xuyên Việt. 

Quả thật việc sống thiếu vắng hoàn toàn sự quan tâm của bố ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của tôi, thậm chí đến giờ vẫn còn. Trong suốt 15 năm từ ngày bố mẹ ly dị, tôi chỉ gặp bố đúng một lần.

Cái mất mát khi sống thiếu vắng tình thương của bố thì tôi có thể kể cả ngày. Các nghiên cứu trên thế giới đều chứng minh vai trò của bố vô cùng quan trọng cho sự phát triển nhiều mặt ở đứa trẻ.

* Và bạn mở lòng để được hạnh phúc?

- Tôi suy nghĩ rất nhiều trước quyết định đặt tên con có bóng dáng của bố. Bố của tôi sau này đã xin lỗi, và chúng tôi đã tha thứ, mở lòng với nhau. Vì thứ nhất, những điều nặng nề có giữ mãi trong lòng thì cũng chẳng được gì. 

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng cuộc sống của bất kỳ ai cũng không hoàn hảo, ai cũng có câu chuyện và nỗi khổ của mình. Bố tôi không là ngoại lệ. 

Chưa kể, việc tôi làm bố mà giữ lại những vết hằn, ký ức không tươi đẹp cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cách mình quan tâm con sau này. Và tôi tin rằng khi nhìn mọi thứ bằng con mắt bao dung, tích cực hơn thì cuộc sống từ đó cũng trở nên trọn vẹn, tươi đẹp hơn.

Người chồng kiên định

hungtran va vo

Gia đình nhỏ của vợ chồng John Hùng Trần - Ảnh: CÔNG NHẬT

* Được biết hình ảnh của Hùng trong mắt chị những ngày đầu "không được đẹp lắm"?

- Chị Nguyễn Thùy Linh (vợ của John Hùng Trần) nói: Chúng tôi đã bên nhau 10 năm, nhưng thật lòng lúc đầu tôi không có thiện cảm với Hùng, Hùng rủ đi đâu tôi cũng từ chối. Nhưng một lần trong lớp có tiết hoạt động cộng đồng, chúng tôi cùng nhau đến thăm trại trẻ mồ côi. Khoảnh khắc chứng kiến ánh mắt chan chứa tình cảm khi Hùng vui chơi cùng các em, tôi tin rằng "một người yêu trẻ con như thế thì không thể là người xấu". Và tôi quyết định dành thời gian để hai đứa tìm hiểu thêm.

Thời điểm Hùng quyết định đi bộ xuyên Việt thì tôi khá lo vì anh chưa nói sõi tiếng Việt. Tôi viết vài mẫu câu căn bản để anh học và cầm theo cho yên tâm. Tôi không ngăn cản vì biết anh rất kiên định, và điều sâu xa hơn là việc Hùng sẽ được gặp các thành viên gia đình bên nội lần đầu tiên khi vào tới miền Nam.

* Khi biết con trai mình không có sự lựa chọn khác ngoài phải mổ, chị đã có những suy nghĩ gì?

- Giai đoạn cảm xúc chạm đáy nhất là khoảnh khắc tôi nhìn theo chiếc xe đẩy con mình vào phòng mổ. Mọi thứ xung quanh chao đảo, tối sầm và tôi không thể đứng vững được nữa. Lúc đó có Hùng ở bên cạnh, tôi biết anh rất buồn nhưng vẫn tỏ ra rất mạnh mẽ để tôi có nơi dựa vào. Ca mổ hơn hai tiếng mà tôi thấy sao đằng đẵng. Khi biết ca mổ thành công thì tôi vỡ òa, khóc nức nở.

Thời điểm đó tôi đang rất đau, kiệt quệ vì mới sinh vài ngày mà phải chạy đi chạy lại làm giấy khai sinh để con được mổ, chạy về chăm sóc hai đứa nhỏ... Nhiều khi nghĩ lại tôi không biết sao lúc đó bản thân lại có thể mạnh mẽ đến như vậy. Nhưng ngẫm lại, có lẽ người mẹ nào cũng sẽ như vậy thôi.

John đi tìm Hùng John đi tìm Hùng

TTO - Tác giả Trần Hùng John cho biết sẽ trích 25% tiền bán sách John đi tìm Hùng để quyên góp cho những dự án vì cộng đồng của Việt Nam trong buổi ra mắt sách tại TP.HCM sáng 1-6.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp