Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 1.

Ngày đó, cha cô Sa Rôn - từng là nhà sư dạy tiếng Khmer - đưa con gái từ nhỏ vào chùa học tiếng dân tộc. Theo thời gian, chính cha là người khơi mở trong tâm hồn cô tình yêu mãnh liệt với tiếng nói của đồng bào, cũng như truyền cho cô ngọn lửa đam mê được đứng trên bục giảng…

20 năm qua, cô Đào Thị Sa Rôn miệt mài dạy tiếng Khmer

Ngày đó, con đường đến trường xa hơn 10 cây số còn lầy lội, đò ngang trắc trở như muốn làm nản lòng người. Số tiền ít ỏi chắt chiu những năm sinh viên đủ cho cô sắm một chiếc xe đạp làm vốn liếng trên con đường gieo con chữ. Trời nắng đã mệt, những ngày mưa còn khó khăn hơn nhiều lần. 

Ngày đó, đồng lương ít ỏi không thấm vào đâu để no ấm cả gia đình. Dạy môn "kén" người học như tiếng dân tộc càng vất vả, khiến không dưới 3 lần cô đã có ý định bỏ việc…

Thế nhưng, cô kể, trong những ngày nản chí nhất, hình ảnh nụ cười của những đứa trẻ trong tiết học "ê a" tiếng Khmer như thôi thúc cô về niềm khao khát mãnh liệt: con em người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng của cha ông. 

"Gương mặt trong sáng với tiếng cười thơ ngây của các em đã níu tôi lại bục giảng. Tôi tự nhắc mình không thể để các em mất tiếng nói, mất cội nguồn bởi các em rồi sẽ là người giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc mình sau này" - cô Sa Rôn nói.

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 3.


Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 4.

Năm 2019, cô Sa Rôn là một trong 63 giáo viên được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ GD-ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Vừa trở về từ đêm trao giải tại Hà Nội, cô chia sẻ rất hạnh phúc khi có dịp lắng nghe những câu chuyện từ giáo viên khắp mọi miền, nơi đó có những người thầy còn gặp khó khăn hơn cô gấp bội, nhưng vẫn quyết bám lấy bảng đen phấn trắng. Ở đó, không ít thầy cô đang nặng lòng với nơi chôn rau cắt rốn, với truyền thống văn hóa của đồng bào mình.

Năm 2019 cũng là lần thứ 5 "Chia sẻ cùng thầy cô" diễn ra. Mỗi năm, chương trình hướng đến tri ân một đối tượng giáo viên khác nhau, như thầy cô "cắm bản" (2015), thầy cô vùng biển đảo (2016), thầy cô mang quân hàm xanh (2017), thầy cô chuyên dạy trẻ khuyết tật (2018). Năm nào, chương trình cũng tìm được những gương mặt mang lại nguồn cảm hứng to lớn.

Đó là cô Vàng Thị Ghếnh (1985) - Trường mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) - với bảng thành tích gói gọn trong một dòng "đã có công vận động 100% trẻ đến lớp trong gần 10 năm trời".

Cô Vàng Thị Ghếnh dành hết tình yêu cho học trò vùng cao

Đó là cô Nguyễn Thị Hợi (1966) - giáo viên gần 30 năm gắn bó với Trường phổ thông cơ sở Bản Sen, xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Mỗi năm, gia đình cô Hợi chỉ sum họp đông đủ vào những dịp lễ Tết vì cô thường xuyên phải công tác xa nhà. Vượt qua tất cả, cô Hợi đã để lại nhiều đóng góp cho ngôi trường ở đảo tiền tiêu này, trong đó nổi bật từng bồi dưỡng nhiều học sinh cho đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 6.
Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 7.

Đó là thầy giáo "hàng hiếm" Nguyễn Xuân Việt (1985) ở Đà Nẵng. Với tình yêu trẻ tha thiết, thầy Việt là một trong những giáo viên nam ít ỏi nghiệp vụ vững vàng có thể can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. 

Đa số trẻ dưới 6 tuổi ở đây mắc các chứng tự kỷ, thiểu năng, tăng động khác nhau, nhưng thầy luôn biết cách chủ động điều chỉnh, sáng tạo bài giảng cho phù hợp với các em bằng cái tâm của một người làm cha.

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 8.

Các thầy cô trên, cùng nhiều giáo viên khác, như những đóa hoa đẹp, nét đẹp bình dị nhưng tô điểm cho mọi miền Tổ quốc. Những đóa hoa ấy có cùng một điểm chung: dù trên đất cằn cỗi nơi rẻo cao Tây Bắc, trên vùng nhiễm mặn miền Tây, hay trên bãi cát trắng nơi đầu sóng ngọn gió, hạt giống của chúng có thể vượt khó mà nảy nở và phát triển tốt chính là nhờ… nụ cười của những cô cậu học trò nhỏ.

Thật vậy, nụ cười vô tư của học sinh lại mang sức mạnh lớn lao, khắc sâu vào trái tim của thầy cô, như tiếp thêm sức mạnh cho họ mỗi khi chùn bước. Nụ cười đó giúp các giáo viên vùng khó khăn thêm tin vào tương lai, vào tình yêu thương và củng cố hy vọng vào sự nghiệp trồng người, về một thế hệ tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Và nụ cười đó đã cùng thầy cô vững vàng những tháng ngày công tác trên hành trình gieo con chữ ở những vùng đất xa xôi…

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 9.


Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 10.

Trong 5 năm nay, anh Giang Chí Thuận - quản lý truyền thông Tập đoàn Thiên Long - đều lặn lội đến chia sẻ với một vài trường hợp đặc biệt trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", cho anh kỷ niệm không thể quên…

Anh kể, mình nhớ hoài hình ảnh một người thầy ở đảo xa, thường canh giờ tàu thuyền ra khơi đến "bắt" học trò mình về lớp để các em không phải dở dang quá sớm con đường học hành đi biển mưu sinh.

Hay những lần lặn lội lên miền núi, nơi một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm hun hút, nhiều người trong đoàn dù chuẩn bị kỹ lưỡng vẫn không chịu nổi những cơn nhức đầu, nôn ói,… vậy mà nhiều thầy cô từ bỏ thị thành về nơi đây "cắm bản" dạy chữ. "Đó là cả một kỳ tích mà những lời tri ân thông thường là không thể đủ bởi các thầy cô có sức mạnh thật không thể diễn tả" - anh Thuận nói.

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 11.

Trong khi đó, thầy Lê Xuân Quyết (1990) - từng 5 năm dạy học tại đảo Song Tử Tây - vẫn nhớ như in lúc mình vinh dự là người duy nhất đại diện xã đảo tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2016. Lần đầu đến thủ đô, thầy Quyết được chương trình tạo cơ hội gặp gỡ các lãnh đạo đầu ngành và trao đổi những tâm tư nguyện vọng để được hỗ trợ công tác tốt hơn.

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 12.
Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 13.

Thầy nhớ lại, mình từng chia sẻ với các lãnh đạo Bộ GD-ĐT về đề xuất các giáo viên trên xã đảo Song Tử Tây có thể sử dụng Internet để cập nhật thông tin, các chương trình, tra cứu tài liệu.

Thầy cũng muốn được tăng cường quạt máy cho các lớp học, nhất là những tháng nóng. "3 năm đầu khi tôi công tác, xã đảo thiếu điện và hầu như lớp học không có quạt. Mùa nóng, đảo nóng, các em đứa nào cũng mồ hôi ướt đầu, nhưng vẫn cặm cụi viết bài chăm chỉ, tôi nhìn mà rất xúc động." - thầy nói.

Rồi thầy kể về những ngày tháng 11 ngoài đảo xa, tuy bình dị nhưng rất sâu đậm.  Có lần, thầy nhận được rất nhiều cây bàng vuông con do phụ huynh tìm kiếm và gieo trồng. Khi ấy, bàng vuông còn khá ít, đa số hộ dân thường muốn giữ lại để làm quà cho những khách thăm đảo, thế mà dịp 20-11 họ lại giành phần tốt này cho một thầy giáo ở phương xa.

"Một cậu học sinh đem đến tôi những trái bàng vuông đã phơi khô và rồi cười nói: con đã tìm nhiều ngày liền, làm tôi như muốn rơi nước mắt. Tình cảm của các em đã cho tôi thêm nghị lực trên con đường giảng dạy của mình" - thầy Quyết nói.

Những nụ cười nuôi hoa khoe sắc - Ảnh 14.
TRỌNG NHÂN
ĐÌNH CHIẾN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp