23/12/2014 10:32 GMT+7

​Những nốt lặng không trầm giữa đời

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Hôm nay 23-12, hội đồng bình chọn của Thành đoàn TP.HCM sẽ họp và bỏ phiếu chọn ra gương mặt “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” 2014.

Từ hơn 90 đề cử được các cơ sở gửi về, 10 cái tên cuối cùng đã được lựa chọn trước khi hội đồng bỏ lá phiếu quyết định. Mỗi ứng viên như những nốt lặng nhưng không trầm lắng mà âm thầm góp thành quả của mình trong bức tranh đa sắc của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác.

Những người trẻ đam mê

Ra đi để trở về

Về nước ngay khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đồng nghĩa với việc Trần Hữu Lộc khước từ không ít cơ hội làm việc ở nước ngoài.

“Những nghiên cứu về bệnh lý của tôm trong đề tài tiến sĩ của tôi dĩ nhiên ở Mỹ cũng cần nhưng nhiều nhà nông VN còn cần hơn và tôi muốn được giúp họ một tay”, Lộc nói lý do nhất quyết trở về của mình. Chỉ mất ba năm để học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mỹ, nhà khoa học trẻ khoa thủy sản ĐH Nông lâm TP.HCM ấy được bà con nông dân ưu ái gọi bằng cái tên “tiến sĩ tôm”.

Và người ta không chỉ thấy “tiến sĩ tôm” trên bục giảng. Có khi anh đang ngụp lặn ở vùng sông nước miền Tây giải đáp thắc mắc cho bà con bất cứ điều gì về tôm, có khi lại thấy anh trên truyền hình nói chuyện nuôi tôm làm giàu, lúc lại chỉn chu vest trong hội thảo khoa học. Và lịch xuất ngoại của anh cũng không ít để chia sẻ với các nhà khoa học nhiều nước khác nhau nhưng anh vẫn tự nhận “mình chỉ là một nhà nghiên cứu bệnh lý về con tôm”.

Cũng vậy, sau nhiều năm du học ngành múa tại Trung Quốc, Tạ Thùy Chi quyết định về đầu quân cho Trường trung cấp Múa TP.HCM với ước mong có thể chia sẻ điều mình có với những ai yêu bộ môn nghệ thuật múa. Có mặt trong nhiều chương trình biểu diễn, vừa giới thiệu những thành quả của tháng ngày khổ luyện mà có lúc đã đổ máu trên sàn tập, vừa là lúc Thùy Chi dùng môn nghệ thuật ấy để kết nối những trái tim lại gần nhau. Và những chương trình kêu gọi mọi người giúp đỡ những cuộc đời kém may mắn, khơi gợi tình yêu Tổ quốc sẵn có trong lòng mỗi người cho đến lúc này chưa khi nào thiếu tên Tạ Thùy Chi.

Nhận tin mình trở thành một trong 10 ứng viên của danh hiệu này năm nay, Phạm Nguyễn Tuấn Anh nói rất bất ngờ bởi “mình chỉ có một vài kết quả học tập, chưa có đóng góp gì nhiều cho xã hội”.

Nói vậy chứ trước khi được tuyển thẳng làm tân sinh viên khoa vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), chàng học sinh Trường phổ thông Năng khiếu ấy đã mang về cho TP.HCM hai chiếc huy chương bạc Olympic vật lý châu Á và quốc tế.

“Với mỗi kết quả đạt được tôi lại tự nhắc phải cố gắng nhiều hơn, đặt ra mục tiêu cao hơn để cuộc sống mình luôn tiến về phía trước” - Tuấn Anh chia sẻ.

Cùng trường đại học với Tuấn Anh, cái tên Lê Yên Thanh - sinh viên năm thứ ba chương trình tiên tiến khoa công nghệ thông tin - vốn không còn xa lạ trong cộng đồng sinh viên công nghệ thông tin.

Phần mềm Bus map giúp hành khách có thể tìm kiếm nhanh chóng thông tin về các tuyến xe buýt tại TP.HCM được Thanh viết và tặng miễn phí cho người dùng.

Công trình này đem về cho chàng trai ấy giải nhất sáng tạo ứng dụng trên di động (trị giá 100 triệu đồng) do Bộ Giáo dục - đào tạo và một thương hiệu điện thoại tổ chức mới đây.

Yên Thanh vừa trở về từ hội nghị quốc tế robot, điều khiển tự động và thị giác máy tính tổ chức tại Singapore, là tác giả của một trong 100 bài báo khoa học được chọn báo cáo trước các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khác với hai đàn anh nói trên, cậu em út trong 10 ứng viên năm nay Nguyễn Trương Thế Thanh (Trường THCS Bình Chánh) lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi dành tình yêu đặc biệt cho nghệ thuật đờn ca tài tử, bộ môn nghệ thuật vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới có sức hút kỳ lạ với cậu học trò lớp 7 ấy.

Gia đình không trọn vẹn, niềm vui của Thế Thanh là đến trường, được hát, được sinh hoạt trong câu lạc bộ đờn ca tài tử và cho đến nay là gương mặt nhỏ tuổi nhất liên tiếp giành được nhiều giải cao tại không ít liên hoan đờn ca tài tử.

Lặng lẽ hơn, cô bạn vận động viên khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư (Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) lại đóng góp cho thể thao thành phố những chiếc huy chương quý giá của môn cờ vua.

Tại Para Games 2014 ở Myanmar, Thư là chủ nhân của hai huy chương bạc, một huy chương đồng. Đó là chưa kể nhiều huy chương vàng quý giá từ các giải đấu khác nhiều năm qua cả trong và ngoài nước. Với Thư, nỗ lực học tốt, chơi cờ hay còn là cách để chứng minh “người khuyết tật vẫn luôn có ích trong đời”.

Làm chú ong chăm chỉ

Gia đình, họ hàng có nhiều người theo nghề y nhưng y học cổ truyền thì Nguyễn Lê Việt Hùng lại là người tiên phong. “Hồi đó thi răng hàm mặt nhưng thiếu điểm, cơ duyên đưa đến với y học cổ truyền và bây giờ càng làm càng yêu” - Việt Hùng kể.

“Người Việt hay dùng thuốc bừa bãi, uống rượu bia nhiều làm ảnh hưởng đến gan” là lý do thôi thúc bác sĩ Hùng nghiên cứu chữa bệnh lý về gan từ việc kết hợp đông và tây y.

Giải thưởng Quả cầu vàng lĩnh vực y học cũng vinh danh một công trình nghiên cứu chữa bệnh về gan từ bài thuốc cổ phương do Hùng tìm tòi trong hơn một năm trời. Hành trình làm nghiên cứu sinh mới bắt đầu được ba tháng là điều mới nhất được cập nhật trong lý lịch khoa học của chàng trai tuổi 29 ấy.

Từ vị trí của mình, mỗi ứng viên có những cách đóng góp và làm giàu thêm hành trang đời mình với nỗ lực không mệt mỏi. Tổ trưởng tổ bảo trì phân xưởng mì Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương Trần Quốc Tuyên mỗi ngày lại tự mày mò sáng chế tiết kiệm cho công ty số tiền tính bằng tiền tỉ. Xe đẩy hấp bún, khuôn đùn bún, dàn chén mì vắt vuông, dây chuyền cháo công nghệ mới... là những sản phẩm được cải tiến, tăng năng suất gắn liền với tên tác giả Quốc Tuyên.

“Tất cả những cải tiến đó mình đều tìm thấy trong chính quy trình sản xuất mỗi ngày, chỉ cần năng suất tăng, anh em có thêm thu nhập thì còn gì vui bằng” - Tuyên cười.

Trong khi đó, nữ nhân viên Lê Thị Thanh Vân (Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM) từ đầu năm đến nay lặng lẽ cùng đồng nghiệp “góp cây thành rừng” với số tiền, quà tặng vận động từ nhiều nguồn dành cho học viên khuyết tật tại trung tâm gần 890 triệu đồng.

Để gắn kết học viên, cô bí thư chi đoàn trung tâm còn cùng anh em làm bộ sách ảnh điện tử về những tấm gương khuyết tật vượt khó vào đời để truyền nghị lực, làm gương cho các thế hệ học viên vào sau. “Chơi với học viên như người bạn để hiểu và kịp thời chia sẻ sự vất vả, kém may mắn của họ” là niềm vui trong công việc của Vân mỗi ngày.

Sẽ là thiếu sót nếu không biết rằng trinh sát đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm Nguyễn Thế Tiến (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM) đã trực tiếp và cùng đồng đội phá số vụ án tính đến hàng trăm. Thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình, Thế Tiến còn được “tiếp lửa” bằng tấm gương của cha mình vốn là một chiến sĩ công an nay đã về hưu.

Những chuyên án bị phá, những băng nhóm bị triệt hạ, hàng ngàn đối tượng phạm pháp bị bắt giữ rồi cũng qua, điều còn lại chính là cuộc sống bình yên của bà con. Đó cũng là tâm niệm trong công tác hằng ngày của những trinh sát khắc tinh của tội phạm, trong đó có Nguyễn Thế Tiến.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp