Lòng chảo sa mạc Danakil - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Trang National Geographic vừa giới thiệu những nơi độc lạ nhất Trái đất mà thoạt đầu giới khoa học tưởng là từ hành tinh khác.
Lòng chảo sa mạc Danakil
Lòng chảo Danakil - thuộc vùng Afar, Ethiopia - nằm dưới mực nước biển 125m, nhiệt độ trung bình 34,5 độ C. Những dòng chảy lưu huỳnh với màu vàng đặc trưng xen lẫn các hồ khoáng chất nhiều màu sắc trong khu vực núi lửa tạo nên khung cảnh có một không hai mà nhiều nhà khoa học ví von là "địa ngục" trên Trái đất.
Hang tinh thể
Do điều kiện khắc nghiệt, hang vẫn chưa thể đón số lượng lớn du khách - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Năm 2000, hang tinh thể được phát hiện lần đầu tại Chihuahua, Mexico. Hang nằm sâu trong lòng đất 300m, chứa nhiều khoáng chất selenite khổng lồ, trong đó tinh thể lớn nhất dài hơn 12m, đường kính 4m và nặng đến 55 tấn.
Tuy nhiên, do nhiệt độ trung bình trong hang lúc nào cũng hơn 55 độ C, độ ẩm đến 95% và nồng độ oxy rất thấp nên khu vực này gần như chưa phổ biến với khách du lịch.
Theo các nhà khoa học, nếu không có dụng cụ hỗ trợ, con người không thể chịu được quá 10 phút trong hang tinh thể.
Thung lũng Mặt trăng
Trông Wadi Rum không khác gì trên các hành tinh khác trong hệ Mặt trời - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Wadi Rum trong tiếng Ả Rập nghĩa là thung lũng Mặt trăng. Quả thật vùng đất này với cát, đá sa thạch, đá granit ở miền nam Jordan trông giống như khung cảnh ở một hành tinh khác trong hệ Mặt trời.
Đây cũng là nơi được chọn làm bối cảnh mô phỏng sao Hỏa cho nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood, điển hình là phim The Martian (2015). Một số trung tâm vũ trụ trên thế giới cũng đến nơi này tạo môi trường giả lập cho các bài huấn luyện phục vụ khám phá sao Hỏa.
Salar de Uyuni - Tấm gương khổng lồ của thế giới
Cánh đồng muối này có thể được nhìn thấy từ không gian - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Thực chất đây là cánh đồng muối lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 10.582km2. Tọa lạc tại Bolivia, Salar de Uyuni chứa hơn 5 tỉ tấn muối, hằng năm được khai thác khoảng 25.000 tấn.
Bề mặt của cánh đồng quá trắng sáng đến nỗi các phi hành gia cho biết có thể nhìn thấy từ không gian, trông như một tấm gương phẳng khổng lồ.
Thế giới bên dưới Nam Cực
Các sinh vật lạ lẫm bên dưới Nam Cực - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Nam Cực là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà khoa học và những người ưa khám phá. Những lớp băng dày ở Nam Cực luôn che giấu một hệ sinh thái dưới nước lạ kỳ, với những sinh vật độc đáo thích nghi môi trường sống lạnh lẽo.
Để tìm kiếm sự sống dưới biển Nam Cực, các nhà khoa học thường sử dụng những loại thiết bị tự hành có khả năng lặn sâu dưới đại dương và tốn không ít thời gian.
Hồ Mono - sao Hỏa 4 tỉ năm trước
Các nhà khoa học xem hồ Mono là khung cảnh của sao Hỏa 4 tỉ năm trước - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Đây là một hồ muối nông, rộng khoảng 182km2 ở California (Mỹ). Các nhà khoa học cho rằng khung cảnh của hồ giống như trên sao Hỏa 4 tỉ năm trước khi hành tinh này chưa mất sạch nước. Tại hồ Mono, nhiều nơi nước muối bốc hơi để lại các vật thể khoáng chất hình tháp lạ mắt.
Nhiều nghiên cứu được mô phỏng ở hồ Mono để thử nghiệm giới hạn chịu đựng trên môi trường sao Hỏa. Không ít nhà sinh vật học cũng chọn hồ này làm nơi tìm hiểu các loài vi khuẩn sống trong nước muối kiềm.
Quần đảo Svalbard (Na Uy)
Địa hình băng lồi lõm có một không hai ở quần đảo Svalbard - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Năm 2003, quần đảo Svalbard, Na Uy cũng được dùng làm địa điểm cho các thí nghiệm về kỹ thuật trên môi trường sao Hỏa. Svalbard có khí hậu lạnh lẽo, địa hình lồi lõm được tạo thành qua các kỷ băng hà, có cả các con sông qua những vịnh hẹp hay thung lũng… gần giống môi trường ở 2 cực sao Hỏa.
Fjord Borup (Canada)
Những tảng băng với màu vàng đặc trưng của lưu huỳnh - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Borup là một fjord (loại địa hình vịnh nhỏ, dài, hẹp, nhiều dốc đứng) đặc trưng với những lớp băng có bề mặt vàng óng, do xung quanh có nhiều dòng nước muối lưu huỳnh đổ vào. Lớp màu vàng đó làm Borup trông giống mặt Trăng Europa quay quanh sao Mộc.
Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu thung lũng băng này phát hiện số lượng vi khuẩn đặc trưng rất nhiều.
Vùng khô cằn nhất thế giới
Khu cảnh huyền ảo ở hoang mạc Atacama về đêm - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Hoang mạc Atacama (Chile) là khu vực khô hạn nhất thế giới, khi lượng mưa hằng năm ở mức cực thấp. Thậm chí từ năm 1570-1971, hoang mạc này được ghi nhận gần như không có mưa.
Khí hậu khắc nghiệt cùng không gian chỉ toàn đất, đá và cát khiến sa mạc này như thuộc về một hành tinh khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận