Cầu Thuận Phước nối đôi bờ sông Hàn - Ảnh: PHAN MẠNH HÂN/GO SEE DO
Theo ông Guillaume, có những cây kiến trúc đẹp và lạ, tiền đề để "xây dựng" thêm những nhịp cầu của văn hóa và hội nhập.
Ông Guillaume đã nói đúng khi chỉ mới vài năm thôi, những cây cầu Đà Nẵng đã vượt qua ý nghĩa đơn thuần là giao thông mà còn là văn hóa, trở thành để Đà Nẵng được biết đến nhiều hơn...
Những cây cầu lần lượt ra đời trên sông như một điều kỳ diệu giúp lột bỏ được nét quê mùa bên kia sông để tiến thẳng đến không gian đô thị đẳng cấp khu vực.
Ông HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN
Khát vọng của "kiến trúc sư trưởng"
Là người dân Đà Nẵng, ai cũng biết những cây cầu mang kiến trúc lạ và đẹp bắc qua sông Hàn đều ít nhiều mang dấu ấn cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Ông Thanh không cầm bút vẽ bất cứ chi tiết nào nhưng chính là vị "kiến trúc sư trưởng" làm nên những cây cầu bởi sự sốt sắng, quyết đoán trong quyết sách biến đôi bờ sông Hàn thành mặt tiền thành phố.
Không biết ông Thanh đã bao lần suy nghĩ về quan điểm hướng mặt ra biển, để thành phố phát triển cân xứng đôi bờ bằng "đòn gánh" là những cây cầu.
Ngày 28-4-2014, khi ông Thanh đã nhận chức trưởng Ban Nội chính trung ương, cử tri Đà Nẵng đã chất vấn ông chuyện thành phố dự định xây cầu đi bộ tốn kém, không mang lại hiệu quả, hơn nữa trước giờ người dân thành phố này không có thói quen đi bộ.
Ông Thanh đã thẳng thắn trả lời: "Hồi trước, khi xây dựng cầu Sông Hàn tui cũng bị phản ứng thế đó. Mấy người nói có cầu Nguyễn Văn Trỗi rồi, sông Hàn cần thêm cầu chi cho tốn kém. Có ông lại bảo xây cầu rồi thì còn đâu hình ảnh người phụ nữ dáng liễu liêu xiêu chèo đò... Nhưng khi xây xong rồi thấy cũng được thì không ông nào có ý kiến gì nữa!".
Ông Thanh tâm sự khi qua Hàn Quốc thấy riêng con sông Hán (người Việt hay nhầm sông Hàn) bên đó đã có hơn 30 cây cầu. Còn Đà Nẵng giải phóng hơn 30 năm mà chỉ có cây cầu Nguyễn Văn Trỗi được Mỹ xây để chuyển vũ khí đánh đất nước mình. Do vậy khát vọng của ông là làm nên một kỳ tích sông Hàn.
"Bà con phải hiểu việc xây cầu đi bộ là để đưa du lịch thành phố phát triển chứ không đơn thuần là dùng để đi bộ" - ông Thanh nói trước những người dân quận Ba thuở nào nay đã được đổi đời.
Hoàng hôn trên Đà Nẵng - Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN/GO SEE DO
Đổi thay nhờ cầu
Trong phòng làm việc của ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, có một tấm ảnh lớn chụp toàn cảnh thành phố từ núi Sơn Trà. Trong tấm ảnh đó, con nước sông Hàn màu vàng đục xuôi về vịnh Đà Nẵng chia đôi không gian thành phố.
Tấm ảnh được chụp mới cách đây vài năm nhưng ông Thiện nói "lạc hậu" rồi, bởi thành phố đã "thay da đổi thịt" từng ngày kể từ khi hướng mặt ra biển.
Không đổi thay sao được khi nhìn vào bản đồ du lịch, khách quốc tế đến Đà Nẵng đã tăng trưởng gấp 10 lần chỉ trong 10 năm qua (năm 2018 là 3 triệu lượt khách).
Không phát triển sao được khi gần như hằng quý, sân bay Đà Nẵng lại có những đường bay mới kết nối đô thị thủ phủ miền Trung với các điểm đến khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Thiện, về cơ bản, sau 20 năm thống nhất đất nước, không gian đô thị Đà Nẵng vẫn "quay lưng" với biển. Một vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng đã không phát huy được giá trị bởi thiếu những sợi dây liên kết là hạ tầng giao thông. Vì thế chính sách hướng biển với những cây cầu ra đời như làn gió đổi thay, khiến lòng dân tin tưởng vào khát vọng Đà Nẵng trở thành thủ phủ miền Trung.
Sau gần 20 năm từ khi xây cầu để hướng mặt ra biển, vùng đất quận Ba quê mùa ngày nào đang là nơi có "bãi biển đẹp nhất hành tinh", là nơi sở hữu những chuỗi khách sạn đẹp và đẳng cấp quốc tế.
Chỉ cần nhìn vào những vị trí cao nhất trên bảng khung giá đất thành phố thì có thể thấy giá trị của những cây cầu.
Du lịch ngắm "bộ sưu tập" cầu
Có thể nói, không đô thị nào trên đất nước Việt Nam lại có "bộ sưu tập" cầu độc đáo như Đà Nẵng. Từng nhịp bắc qua sông Hàn đều phong phú "mỗi cầu một vẻ" đến mức Đà Nẵng phải xây dựng cho mỗi cây cầu một bộ quy trình vận hành, bảo trì riêng.
Hiếm có nơi nào mà những chiếc cầu bắc qua sông trở thành thương hiệu nhận diện của thành phố trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo ông Trần Từ Hải - trưởng phòng kỹ thuật Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng, chỉ có trên sông Hàn (nơi đầu tiên trong cả nước) mới xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để quản lý vận hành những cây cầu. Bởi ngoài ý nghĩa giao thông mang lại, những cây cầu trên sông Hàn còn gánh thêm nhiệm vụ làm mãn nhãn đôi mắt ngắm nhìn của du khách.
Nếu cầu Rồng phun nước, phun lửa thì cầu Sông Hàn quay nhịp giữa sông; cầu Trần Thị Lý, Thuận Phước với hệ thống chiếu sáng nhiều màu sắc có số bóng đèn LED hiện đại lên tới hàng ngàn; cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi là nơi để ngồi đọc sách, câu cá...
Chúng tạo nên không gian thơ mộng để hằng đêm 23 chiếc tàu du lịch qua lại ngắm nhìn.
Đầu tháng 4-2019, TP Đà Nẵng đã ban hành một đề án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch trên 8 tuyến đường thủy nội địa, trong đó một nửa số tuyến nằm trên sông Hàn.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp các cảng chính và phụ ven sông, những điểm mua sắm và giải trí sẽ hình thành để phục vụ riêng những hành khách thưởng ngoạn sông Hàn, các điểm cầu cũng trở thành điểm đến du lịch vào cuối năm 2019.
Rồi đây, du khách đến với Đà Nẵng, hành trang mang về không chỉ là những bức ảnh đô thị hiện đại mến khách mà còn những câu chuyện về những chiếc cầu làm đổi thay sông Hàn.
Ý tưởng tái hiện không gian bờ sông trước đây
Du thuyền trên sông Hàn trong đêm bắn pháo hoa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo ông Bùi Hồng Trung - phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, trước thời điểm khánh thành hai cây cầu sau cùng (cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng), ông Nguyễn Bá Thanh có ý tưởng hình thành hai khu vực công cộng ở hai đầu cầu Trần Thị Lý.
Khu bờ đông sẽ thể hiện hình ảnh "quận Ba quê mùa, xanh xanh tàu lá", còn bờ tây là khung cảnh "phố xá thênh thang" trước thời kỳ có những cây cầu nối nhịp đôi bờ.
Đây là một hình thức bảo tàng để giới thiệu với du khách sự đổi thay thần kỳ của đôi bờ sông Hàn nhờ những nhịp cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận