15/04/2015 10:29 GMT+7

​Nhũng nhiễu có xu hướng gia tăng ở một số lĩnh vực

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014 cho biết mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh ở một số lĩnh vực trong khu vực công có xu hướng tăng.

Phát biểu tại lễ công bố chỉ số PAPI, bà Pratibha Mehta - điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc - cho biết nếu hạn chế được hiện trạng “quen, thân” trong tuyển dụng nhân lực vào các cơ quan công quyền, đơn vị sự nghiệp công, Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng của hệ thống công vụ.

“Chỉ số PAPI cho thấy các yếu tố tác động mạnh tới mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công đó là “kỹ năng mềm”, ví dụ như tinh thần vì dân phục vụ, thái độ tôn trọng, kỹ năng giao tiếp và năng lực thực thi nhiệm vụ chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức. Quy trình tuyển dụng mở, minh bạch và mô tả vị trí việc làm cụ thể, cùng với việc lựa chọn dựa vào năng lực thật sự và các tiêu chí lên ngạch, bậc cụ thể sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công” - bà Pratibha Mehta nói.

Theo kết quả khảo sát, 12% bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế ở bệnh viện công lập tuyến huyện để được phục vụ tốt hơn. 30% phụ huynh phải “bồi dưỡng thêm” cho giáo viên để con em nhận được sự quan tâm ở trường tiểu học công lập.

24% số người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014. Chỉ có khoảng 30% hộ gia đình bị thu hồi đất cho biết số tiền đền bù sát với giá thị trường, có tới 1/5 số hộ bị thu hồi đất chưa nhận được bồi thường.

PAPI 2014 cũng khảo sát ý kiến người dân về những vấn đề kinh tế - xã hội đáng lo ngại nhất. Kết quả, ô nhiễm môi trường, tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, tham nhũng, chất lượng y tế... khiến người dân lo lắng nhất.

Bà Pratibha Mehta cũng cho hay ít nhất 16 tỉnh thành đã ra các văn bản chỉ đạo, điều hành hoặc kế hoạch hành động nhằm tìm ra các giải pháp cải thiện những điểm còn yếu kém do người dân phản ảnh qua chỉ số PAPI.

Hơn nửa số tỉnh thành trên toàn quốc chủ trì tổ chức các cuộc trao đổi, chia sẻ kết quả chỉ số PAPI để tìm hiểu sâu hơn về đánh giá của người dân về hiệu quả quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công ở địa phương.

Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh chỉ số PAPI là tấm gương phản chiếu, từ đó các cấp chính quyền soi rọi lại để tìm biện pháp duy trì hoặc cải thiện hình ảnh của mình trước dân chúng.

Trong phần trình bày của mình, ông Jairo Acuna-Alfro - đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - cho biết chỉ số PAPI không nhằm mục đích chỉ trích ai, mục tiêu duy nhất là cung cấp dữ liệu thực để các cấp chính quyền “soi lại” và điều chỉnh phương thức điều hành, quản lý nhà nước cũng như cung ứng dịch vụ.

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Từ năm 2009-2014, chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh đánh giá của gần 61.000 lượt người dân ở 63 tỉnh thành. Riêng năm 2014, PAPI phỏng vấn gần 14.000 công dân được lựa chọn ngẫu nhiên.

Chỉ số PAPI là kết quả nghiên cứu chung của MTTQ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và UNDP.

 

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp