17/04/2017 09:34 GMT+7

Những nguyên tắc quan trọng khi thi trắc nghiệm môn hóa

PHAN TRỌNG QUÝ (Giáo viên môn hóa, Trường trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM)
PHAN TRỌNG QUÝ (Giáo viên môn hóa, Trường trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM)

TTO - Đọc thật kỹ đề thi, làm các câu hỏi lý thuyết trước, làm câu định lượng sau... là những lưu ý dành cho thí sinh khi thi trắc nghiệm môn hóa năm nay.

Thí sinh sau giờ thi môn Hóa, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 (ảnh chụp tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Thí sinh sau giờ thi môn Hóa, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 (ảnh chụp tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Phân tích kỹ đề thi minh họa 2017 có thể nhận ra xu hướng đề năm nay có khác những năm trước. 

Những vấn đề cần lưu ý

- Số lượng câu hỏi “đúng - sai” xuất hiện nhiều hơn, điều này làm cho yêu cầu kiến thức của đề thi sẽ cao hơn do có thể phủ rộng nhiều vấn đề trong một câu hỏi; với câu hỏi “số câu đúng” yêu cầu phải nắm vững vấn đề để trả lời chính xác mà không thể dùng “phương pháp loại trừ” được nữa.

- Các câu hỏi lý thuyết đã mang tính “vận dụng” hoặc “vận dụng cao” chứ không chỉ hỏi đơn giản ở mức độ “nhận biết” và “thông hiểu” nữa.

- Đặc biệt, có những kiến thức chỉ được rút ra trong quá trình tự luyện bài tập định lượng, hãy xét câu 27 đề thi minh họa : ”Cho bột Fe vào dung dịch hỗn hợp NaNO3 và HCl đến khi các phản ứng kết thúc, thu được dung dịch X, hỗn hợp khí NO, H2 và chất rắn không tan. Các muối trong dung dịch X là

A. FeCl3, NaCl.                                                                B. Fe(NO3)3, FeCl3, NaNO3, NaCl.

C. FeCl2, Fe(NO3)2, NaCl, NaNO3.                                 D. FeCl2, NaCl.”

Các em dễ thấy chất rắn không tan là Fe dư, nên chỉ thu được muối Fe(II), nhưng lập luận do có H2 thoát ra nên NO3 đã phản ứng hết, muối thu được chỉ là muối clorua để chọn đáp án đúng là D, thì sách giáo khoa không hề nêu trật tự: H+ + NO3  + 3e ® NO + H2O xảy ra trước 2H+ + 2e ® H2.

Ôn tập lý thuyết bằng cách nào để có hiệu quả cao?

Cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách quy nạp để ghi nhớ và khi làm bài chỉ là diễn dịch.

Với lý thuyết hữu cơ, chúng ta hãy xét khả năng phản ứng của một chất dựa trên đặc điểm cấu tạo của nó bằng cách đặt câu hỏi để tổng kết, thí dụ:

Chất hữu cơ nào có khả năng tham gia phản ứng hiđro hóa ? Thay vì nêu anken, ankin anđehit,…ta chỉ cần nhớ đó là hợp chất có ít nhất một trong các dấu hiệu: với mạch cacbon thì có liên kết p, có vòng 3 hay vòng 4; với nhóm chức thì chứa chức anđehit –CH=O, xeton (dĩ nhiên là có bỏ qua một vài trường hợp đặc biệt như axit fomic và dẫn xuất của nó).

Với lý thuyết vô cơ, quan trọng nhất là chính xác hóa phản ứng sẽ xảy ra ở điều kiện nào (nhiệt độ thường hay cần đun nóng, đặc hay loãng, trạng thái rắn hay khí...). Trong tình huống này, SGK là người bạn đồng hành tin cậy nhất; hãy giở SGK để lượm nhặt các phản ứng. Cần tổng kết các tính chất hóa học quan trọng và sự khác biệt giữa chúng có điểm đặc biệt gì.

Dù lý thuyết vô cơ hay hữu cơ, các em cũng đừng quên lập bảng tổng kết về các ứng dụng của những hóa chất quen thuộc, cách điều chế chúng trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp. Với kiến thức này, hãy giở SGK của cả 3 lớp 10, 11 và 12 để tổng hợp lại. Cũng đừng quên học thuộc công thức hoặc thành phần của các loại quặng, khoáng chất có trong SGK và tên các hợp chất hữu cơ nữa.

Xử lý bài toán định lượng thế nào?

Toán định lượng hóa học thường được thiết kế trên cơ sở hai loại “bẫy cài”: (1) bẫy lý thuyết thuộc về phản ứng hóa học, phân tích thuật ngữ, và cả trạng thái tồn tại của các chất; (2) bẫy về kỹ thuật xử lý số liệu là các phương pháp tính toán theo: bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, tăng - giảm khối lượng, bảo toàn electron, tính chất trung hòa điện của dung dịch, bán phản ứng, quy tắc hóa trị tương đương, phương pháp quy đổi, phương pháp trị số trung bình…

Bản chất của phương pháp và bài toán đơn cho mỗi phương pháp tương đối đơn giản, các em chỉ cần đọc mươi thí dụ cho mỗi loại là đã nắm vững. Với các bài toán thuộc loại dễ, chỉ cần dùng dùng quan hệ mol ở phản ứng hoặc một trong những phương pháp trên là giải ra kết quả, và như thế các em đã giải được đa số các câu định lượng.

Với bài toán khó hơn (số lượng không nhiều) thì cần phối hợp nhiều phương pháp, điều này không phải một sớm một chiều mà có được, nên nếu lâu nay chưa tích lũy được nhiều về các phương pháp thì cần tránh những câu có dấu hiệu: Đề dài (5-7 dòng), đọc qua thấy quá nhiều phản ứng xuất hiện, mù mờ vì không biết có những phản ứng nào có thể xảy ra (phải biện luận chất dư)…

Đặc biệt, khi tính toán theo H+, dùng bán phản ứng oxi hóa - khử, các em đừng quên phản ứng của H+ theo phản ứng axit - bazơ và quên lượng H+ được tạo thêm khi có liên quan tới chất khử có chứa S; với bài toán tổng hợp hữu cơ nên dùng phản ứng của nhóm chức mà không nên đặt nặng về công thức.

Kỹ thuật làm bài trắc nghiệm hiệu quả?

Nguyên tắc quan trọng khi thi trắc nghiệm cần lưu ý là:

- Các câu hỏi đều có điểm số như nhau, không phân biệt câu hay, dở, dễ, khó... nên đừng mang tính “chinh phục” vào việc làm bài thi như khi học. Do đó hãy làm các câu hỏi lý thuyết trước, làm câu định lượng sau.

- Phải đọc thật kỹ đề thi, tránh những sai sót không đáng có. Sai sót thường thấy nhất là:

1) Nhầm lẫn “tan” với “phản ứng”, thí dụ: Trong số các chất Al2O3, KNO3, Cu(OH)2, AgCl, NaOH, số chất tan trong dung dịch amoniac dư là bao nhiêu? thì câu trả lời đúng là 4 chất mà không phải là 2 chất. Nếu xét phản ứng thì có 2 chất Cu(OH)2, AgCl bị hòa tan do phản ứng tạo phức chất tan, còn 2 chất KNO3 và NaOH dù không có phản ứng nhưng đây lại là những chất tan tốt trong H2O (có trong dung dịch NH3).

2) Nhầm lẫn “Số chất” hữu cơ hay “số đồng phân” và “số công thức cấu tạo”, “số đồng phân cấu tạo”: Nên nhớ rằng, đồng phân bao gồm cả hai loại đồng phân cấu tạo và đồng phân hình học, nên nếu xét “đồng phân cấu tạo” hay CTCT thì sẽ bỏ qua đồng phân  hình học (cis - trans).

3) Nhầm lẫn “hợp chất đa chức”, “hợp chất tạp chức” và “hợp chất nhiều nhóm chức”.

4) Nhầm lẫn yếu tố “Trong phòng thí nghiệm” và “trong công nghiệp” hay “thực tế”: Thí dụ, xử lý sơ bộ nước thải chứa ion kim loại nặng về nguyên tắc có thể dùng kiềm, nhưng thực tế sẽ không dùng NaOH hay KOH mà dùng Ca(OH)2 do Ca(OH)2 dễ sản xuất, giá thành rẻ; hoặc để xử lý không khí trong phòng bị ô nhiễm bởi khí Cl2, người ta phun amoniac vào mà không làm ngược lại là dùng Cl2 để xử lý ô nhiễm NH3 do Cl2 có độc tính cao hơn nhiều.v.v...

5) Lầm lẫn thuật ngữ “lưỡng tính” với “vừa tác dụng với HCl vừa tác dụng với NaOH”: Chất lưỡng tính thì đương nhiên tác dụng với cả hai dung dịch HCl và NaOH, nhưng tác dụng với cả 2 dung dịch này thì chưa chắc đã là chất lưỡng tính (chẳng hạn các kim loại Al, Zn, Sn...).

- Với các câu hỏi “Đúng - Sai” nếu không chắc chắn ý nào chính xác thì nên dùng phương pháp loại trừ trên các đáp án.

- Việc xử lý số liệu thô nên thực hiện ngay trên tờ đề thi, trong khi sơ đồ định hướng cách giải nên ghi rõ ràng trên nháp để đủ chỗ theo dõi, và nếu khi bị bế tắc hay sai lầm ở công đoạn nào cũng dễ dò ra.

- Không dành cho câu định lượng nào quá 5-6 phút; đọc lướt các câu định lượng để chọn nhanh dạng quen thuộc, nếu thấy được bẫy cài phản ứng trên cơ sở lý thuyết và định hướng được cách xử lý thì hãy bắt tay làm cụ thể.

PHAN TRỌNG QUÝ (Giáo viên môn hóa, Trường trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp