21/10/2024 11:31 GMT+7

Những người tù không số

Những ngày cuối tháng 10, khi cả nước tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) thì lần đầu tiên tại TP.HCM có một cuộc gặp mặt rất đặc biệt đã diễn ra - cuộc gặp mặt của những người tù không số.

Những người tù không số - Ảnh 1.

Chị Xuân Hạnh và bức tranh mẹ Mười Đào thêu tại nhà tù Côn Đảo - Ảnh: THẢO LÊ

Sở dĩ có cái tên "người tù không số" bởi họ là máu mủ của những nữ tù chính trị, được sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ rồi lớn lên trong tù. Họ không có án tù, không có số tù, nhưng họ vẫn ở tù, chịu số phận của người tù và kiên cường cùng mẹ vượt qua bao khó khăn.

Nhiều người không biết rằng trong cuộc kháng chiến của dân tộc, không chỉ có những người tù chính trị - tù binh mà còn có cả những đứa trẻ là người tù không số.
Bà Hoàng Thị Khánh

Những ngày ám ảnh

Được trò chuyện với chị Bùi Thị Xuân Hạnh (con của nữ tù chính trị Lê Thị Tâm, bí danh Lê Thị Đố, hay được gọi thân thương là dì Mười Đào), chúng tôi mới thấu hết được sự kiên cường, hy sinh của người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Lần theo những câu chuyện được mẹ kể lại, chị Hạnh cho biết tháng 8-1966, khi đang hoạt động cho Biệt động Sài Gòn, Mười Đào bị bắt tại chợ Bà Chiểu và bị nhốt tại nhà lao Thủ Đức. Khi bị bắt, cô mới biết mình đang mang thai một tháng.

Trong những câu chuyện mà mẹ kể lại, chị Hạnh không khỏi ám ảnh về những chiếc roi điện, những trận tra tấn, những chén cơm thừa canh cặn ăn không đủ no, nước không đủ uống.

"Mẹ mang thai, thay vì cho nhiều cơm hơn, họ cắt bớt phần cơm của mẹ, bắt mẹ khai thông tin thì mới cho ăn. Nước uống thì mỗi người chỉ được một lon Guigoz vừa uống vừa vệ sinh cá nhân", chị Hạnh kể.

Nhưng rồi chính nơi ngục tù, người mẹ này vẫn sống, vẫn giữ được đứa con bằng sự bao bọc của những nữ tù chính trị khác.

Mẹ Mười Đào thường nhắc đi nhắc lại với con những tháng ngày trong tù, các dì đã nhịn lại một phần ăn và nhường cho mẹ một chút cơm, một chút cháo, một chút bánh. Nhờ đó, mẹ được ăn no hơn, có sức nuôi đứa con trong bụng.

Và rồi đến tháng 3-1967, con gái của mẹ Mười Đào đã chào đời ngay trong tù.

Chị Hạnh sinh ra chỉ nhỏ như một con chuột đặt trong lòng bàn tay, đen sì. Lúc đó, mấy dì không ai dám ẵm vì nhỏ quá.

Nhưng rồi các dì ai cũng thương, hễ bên ngoài có đồ tiếp tế vào là đưa qua cho mẹ Mười Đào chăm em bé. Không có sữa cho con bú, mẹ Mười Đào chỉ biết nhai nhỏ từng mẩu bánh, từng miếng cơm mớm cho con ăn với hy vọng đứa bé kiên cường mà sống.

"Sau này gặp lại, các dì hay ghẹo tôi là sao mà con lì thế, chịu bao nhiêu cực khổ mà vẫn sống. Nhưng tôi biết, tôi sống được chính là nhờ sự kiên cường của mẹ và tình yêu thương, chở che của các dì", chị Hạnh ngậm ngùi.

Người giao liên nhí

Những người tù không số - Ảnh 2.

Bà Mười Đào khi mới từ Côn Đảo về đất liền - Ảnh: NVCC

Cũng nhờ tình yêu thương đó, nên dù lớn lên trong tù, chị Hạnh vẫn khỏe mạnh và bụ bẫm. Đến năm 3 tuổi, chị được giao cho nhiệm vụ đầu tiên - làm "giao liên nhí".

Trong tù, mẹ Mười Đào được phân công giấu một chiếc radio. Cứ đêm tới, mẹ sẽ chui vào góc, các dì che lại để nghe thông tin chiến sự bên ngoài, sau đó truyền tải thông tin cho người tù khác.

Thời điểm đó chị Hạnh được các dì may cho bộ bà ba đen từ vải vụn, vừa giúp chị giữ ấm vừa là công cụ truyền thông tin.

"Lúc đó tôi không biết gì đâu. Khi được thả ra đi chơi, mẹ với các dì dặn đến phòng giam số 1, 2, 3 đi.

Tới đó các cô, các chú có cái kẹo, cái bánh, có cục đường cho con, con đem về đây ăn nha. Thế là tôi đi, chứ đâu biết đang làm giao liên", chị Hạnh kể.

Đi nhiều thì cũng bị nghi, có lần chị đụng cai ngục hét vào mặt chị. Lúc đó chỉ là đứa nhỏ 3 tuổi, chị Hạnh không biết giao liên là gì, nên khi bị đe dọa, chị chỉ biết khóc rồi chuyện cũng qua.

Cứ như vậy, chị Hạnh làm giao liên bất đắc dĩ đến khi mẹ Mười Đào bị kết án tù và đưa ra nhà tù Côn Đảo. Trước khi đi, mẹ Mười Đào tìm mọi cách đưa chị Hạnh ra ngoài. Sau đó, chị Hạnh được đưa ra khỏi nhà tù và về sống với bà ngoại ở Phú Yên.

Ngày mẹ Mười Đào ở tù Côn Đảo, những đòn tra tấn cũng không đau đớn bằng nỗi nhớ con da diết. Cầm trên tay bức tranh của mẹ, chị Hạnh nhắc nhớ:

"Lúc đó mẹ thêu một bức tranh. Ở đó có mẹ đứng trong song sắt hướng về đứa bé mặc bộ bà ba đen với dòng chữ "thương nhớ gửi về con". Bên cạnh là chiếc thuyền hướng về phía mặt trời mọc với hy vọng ngày đất nước được giải phóng là mẹ lên thuyền về thăm con".

Và giấc mơ ấy đã thành hiện thực, năm 1975 đất nước thống nhất, những người tù chính trị lên tàu trở về Sài Gòn. Khi đó, chị Hạnh đã được 8 tuổi theo ngoại vào Sài Gòn để đoàn tụ cùng mẹ.

Chị còn nhớ như in khoảnh khắc bước vào Trường Trưng Vương (nơi tập hợp các người tù chính trị trở về từ Côn Đảo), thấy ai ai cũng mặc đồ đen, người thì ốm nhom.

"Khi chiếc loa gọi tên bà Lê Thị Đố có người nhà gặp, từ phía trong, một người phụ nữ gầy nhom, đen đúa chạy lại phía tôi. Tôi òa khóc lên. Lúc đó, bà ngoại nói đây là mẹ con và dặn dò tôi ở lại với mẹ", chị Hạnh kể.

Những người tù không số - Ảnh 3.

Xuân Hạnh khi còn là cô bé ở tù cùng mẹ - Ảnh: NVCC

Bước ra từ ngục tối, những người phụ nữ bất khuất ấy hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do.

Trở về từ nhà tù Côn Đảo, mẹ Mười Đào được phân công giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị tại phường Đông Ba (nay là phường 7, quận Phú Nhuận).

Năm ngoái, vì tuổi cao sức yếu, mẹ Mười Đào đã qua đời trong vòng tay yêu thương của gia đình, khép lại cuộc đời của một nữ chiến sĩ gian lao mà oanh liệt.

Còn người tù không số Bùi Thị Xuân Hạnh năm ấy giờ đã ngoài 50, sống khỏe mạnh. Nhìn gương mặt phúc hậu của chị Hạnh, chắc không ai nghĩ người phụ nữ này từng được sinh ra trong tù.

Những bữa cơm gia đình, chị vẫn thường kể cho các con nghe về bà ngoại Mười Đào và câu chuyện của những người tù không số. Chị dặn các con sống vững vàng, có lý tưởng và phải là người có ích.

Những người tù không số tiếp tục cống hiến cho đất nước

Bà Hoàng Thị Khánh, trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, cho rằng với những nữ chiến sĩ khi sa vào tay đối phương chẳng may có con nhỏ bị bắt theo mẹ hoặc đang thai nghén thì đau đớn nhất là kẻ thù dùng bào thai, dùng đứa trẻ để uy hiếp, lung lạc người mẹ.

Đó là câu chuyện của nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hường (bí danh Năm Châu) lúc nào cũng như gà mái mẹ, xù lông dang cánh bảo vệ con gái bé bỏng không cho kẻ thù bắt đưa vào viện Dục Anh - nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi.

Hay câu chuyện của dì Ba (vợ anh hùng Đoàn Văn Bơ) khi sinh con trong tù cũng là lúc nghe tin chồng bị tra tấn đến chết.

Nỗi đau ấy tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng vì con, dì Ba vẫn chiến đấu. Khi ra tù, cô con gái gầy nhom, ghẻ chốc đầy mình nhưng đứa trẻ ấy vẫn sống, trở thành đảng viên ưu tú...

Và những người tù không số ấy luôn lấy cha mẹ làm gương, tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Những người tù không số - Ảnh 4.50 năm Hiệp định Paris - Những cuộc trao trả tù binh: Những người giám sát đặc biệt

Đi ngang qua những người mặc quân phục, nữ tù nổi tiếng Võ Thị Thắng đã nở nụ cười tươi. Và các sĩ quan giám sát quốc tế cũng nở nụ cười thật tươi lại với chị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp