29/05/2014 00:00 GMT+7

Những người "tự cứu"

NGUYỄN THỊ THANH TÂM
NGUYỄN THỊ THANH TÂM

TT - Trước quá nhiều bất cập của việc lập hồ sơ, công nhận, quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay, nhiều người cảm thấy thật sự chán nản, họ bàn nhau tìm cách tự cứu di tích quê mình theo kiểu “còn nước còn tát”.

Kỳ 1: Kỳ 2:

7T34yXkP.jpg
Bà con lao đao đứng ra bảo vệ di tích trước nạn thiếu tiền, rồi trước cả cái nạn... nhiều tiền. Trong ảnh: Trùng tu nhà cổ tiền tỉ gây dư luận xấu ở Đường Lâm - Ảnh: Thanh Tâm

Tiêu biểu cho câu chuyện này là “sự kiện” phản ứng “lạ” của một số chủ các ngôi nhà cổ tuyệt đẹp ở làng cổ Đường Lâm - một di tích quốc gia nổi tiếng và quan trọng ở ngay thủ đô Hà Nội.

Từ chối 1 tỉ đồng để “tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước”

Nhà ông Hà X. ở thôn Mông Phụ đã thẳng thừng từ chối việc ban quản lý dùng tiền nhà nước đầu tư 1 tỉ đồng vào ngôi nhà cổ đón rất đông du khách trong và ngoài nước của mình. Ông X. tỏ ý lo lắng về việc người ta dỡ các hạng mục bằng gỗ cổ kính ra: họ làm gỗ gì vào đó, làm có đúng kỹ thuật không, làm mất bao lâu thì xong, nếu thời gian thi công kéo dài thì gia đình mình sẽ sống ra sao trong thời gian “vô gia cư” đó?

Theo nhiều người, đây là phản ứng dễ hiểu của dân thôn từ việc nhãn tiền: trùng tu cẩu thả, tiền tỉ đổ vào di tích nhưng số tiền thực chi vào công trình chẳng đáng là bao... Nhiều chủ nhà cổ phản ứng dữ dội khi gặp gỡ các nhà báo. Họ bảo 1 tỉ đồng mà thay, sửa có vài cục gỗ nhỏ, đảo lại mấy viên ngói thôi ư? Đấy là chưa kể nhiều nhà được thay cột lim bằng cột gỗ xoan non, vừa thay xong đã mối mọt. Thời gian thi công kéo dài, nhà che bạt bỏ đó, mưa nắng dãi dầu, người dân trăm bề khổ sở. Khoảng 10 ngôi nhà cổ được “trùng tu” gần đây với kinh phí gần 10 tỉ đồng đã khiến bà con than vãn.

Nhiều công trình đến giờ vẫn chưa quyết toán được, vì bà con lên tiếng không chịu ký xác nhận. Giữa bối cảnh đó, việc ông Hà X. từ chối nhận kinh phí trùng tu nhà mình để “tiết kiệm kinh phí cho quốc gia” khiến nhiều người cảm thông và cảm phục ông là người am tường lẽ đời.

Bảo vệ di sản trước nạn... nhiều tiền

Cũng chuyện làng cổ Đường Lâm, vừa rồi cán bộ phụ nữ, rồi chi bộ thôn ở mấy xóm cùng lên tiếng trong các cuộc họp về việc người ta tiếp tục bóc bỏ bêtông của con đường vừa làm hết 5 tỉ đồng ngân sách nhà nước ra để... lát gạch. Họ bảo làm như vậy như trò hề, tốn kém. Vả lại đường làng như mạch máu chính của cuộc sống và tâm linh cả làng, việc phá ra, đào đi làm lại liên tục như thế ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hằng ngày của bà con. Con đường kéo dài từ cổng làng ra đến chợ (chùa Mía) khá dài. Nó vốn là đường đất, rồi đổ bêtông, rồi Nhà nước công nhận di tích nhà nước, lập dự án lát gạch cho con đường theo đúng phong cách và văn hóa làng cổ cấp quốc gia.

Đùng một cái, người ta đem máy móc về ầm ầm, “tiền trảm hậu tấu”, đổ bêtông lần nữa cả con đường khổng lồ. Mất oan 5 tỉ đồng, lại phá vỡ cả cảnh quan và quy hoạch làng cổ. Cục Di sản kêu ca, cán bộ nhận lỗi, nhưng rồi nói vài câu là xong. Nhiều người ví con đường như con dao chọc tiết di sản (“Đường bêtông... xiên vùng lõi di sản”, Tuổi Trẻ ngày 15-11-2011).

Đến bây giờ tưởng yên chuyện, lại có dự án nữa, họ muốn bóc đường bêtông lên lát gạch. Rồi không biết người ta còn bóc lên bao nhiêu lần nữa? Chỉ biết làng giờ không còn một cây cổ thụ, không còn một bụi tre nào. Đường nhựa thì thỉnh thoảng lại trải thêm một lớp, vài hôm đã hỏng, lại nâng cấp, có khi đường cao hơn nhà dân đến 50-70cm, hễ mưa là nước chảy hết vào nhà dân. Cái nạn “đầu tư” nhiều quá, càng phá cũ xây mới ào ào dân càng khổ!

Cuối cùng, sau bao nhiêu bi hài, vẫn là câu chuyện của nhà quản lý khi cứ công nhận di tích ào ào, “vinh danh” rồi bỏ đó. Không quản lý thì dân lấn chiếm vì mục đích ngoài bảo tồn. Không xử lý thì nhờn luật. Nhờn luật thì phá di tích A được người ta cũng phá cả di tích B, cuối cùng thì “hòa cả làng”. Đến lúc chăm chút một di tích kỹ quá, nhiều kinh phí rót về, cộng thêm việc quản lý kém, thế là thành phá hoại. Bà con lại lao đao đứng ra bảo vệ di tích trước nạn thiếu tiền, rồi trước cả cái nạn... nhiều tiền. Cái sai nọ gọi cái sai kia về, chung quy vẫn từ những bất cập “sống chết mặc bay” trong quản lý mà ra.

Đề xuất xã hội hóa để cứu thành cổ Biên Hòa

Nhằm cứu lấy di tích quốc gia độc đáo ở phía Nam - thành cổ Biên Hòa (Đồng Nai) trước khi quá muộn là sập đổ, Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Nai một mặt xin ngân sách UBND tỉnh, đồng thời đề xuất cho phép “xã hội hóa, tìm đối tác đầu tư” để có vốn sửa chữa, bảo tồn.

Thành cổ Biên Hòa được xây dựng đầu thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn dựa trên một thành lũy đắp bằng đất đã có sẵn từ thế kỷ 15, vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích quốc gia năm 2013. Đây là một công trình kiến trúc quân sự có vị thế chiến lược quan trọng trong chính sách trị an và chống giặc ngoại xâm của nhà Nguyễn ở phía Nam. Hiện nay thành cổ Biên Hòa còn lại có diện tích 10.080m2 với ba mặt tường thành bằng đá ong, hai nhà cổ phía tây và phía đông, một lô cốt còn nguyên vẹn, một lô cốt bị đổ sập. Trong đó khu nhà cổ phía tây có nhiều hạng mục đã hư hỏng, xập xệ, trời mưa thì nước dột ướt sũng cả bên trong, chuột, dơi, côn trùng, mạng nhện bủa vây...rất nhếch nhác và nguy hiểm. Trước tình thế cấp bách, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định ứng trước 5 tỉ đồng (dự án có tổng vốn đầu tư 42 tỉ đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt - PV) để sửa chữa cấp bách một số hạng mục đã xuống cấp.

N.T.PHÚC

zD5qFvRB.jpgPhóng to Quần thể tượng voi, ngựa, lính và bia đá với những nét chạm khắc tinh xảo cùng cây duối hơn 200 tuổi ở Thái Bình - Ảnh: Hải Dương

Dòng họ bảo tồn một di tích ở Thái Bình

Một quần thể di tích toàn bằng đá độc đáo ở tỉnh Thái Bình đã từng bị bỏ quên hàng trăm năm. Nếu không có công cuộc bảo tồn đầy thăng trầm, vất vả của dòng họ Phạm kéo dài hơn mười năm thì di tích ấy đã thành phế tích.

Đó là quần thể lăng mộ với những hàng voi, ngựa, lính và văn bia bằng đá của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh (1726-1775). Người ta vẫn gọi chung đây là khu sinh từ Thiều quận công.

Trong căn nhà nhỏ, ông Phạm Minh Trâm - người có công lớn nhất bảo tồn khu di tích này - nhớ lại: “Đầu những năm 1990, sau khi nghỉ hưu tôi bắt đầu có thời gian tìm hiểu về di tích ở quê mình”. Ngay từ thời chăn trâu cắt cỏ, ông Trâm và các thế hệ trước ông đã thấy khu di tích Thiều quận công bị bỏ hoang, không ai quan tâm. Trong kháng chiến cả nước lo đánh giặc, di tích càng bị quên lãng. Sau kháng chiến, chính quyền địa phương cho rằng ông Phạm Huy Đĩnh không có công lao gì nên khu sinh từ coi như bỏ đó.

Cho mãi đến năm 1992, ông Phạm Minh Trâm bắt đầu công cuộc đi tìm lại giá trị của khu sinh từ cũng như công lao của Phạm Huy Đĩnh. Ông đã viết một loạt sách mang tính khảo cứu lịch sử, khẳng định giá trị nghệ thuật đăng trên tạp chí Xưa & Nay, Văn Hóa Thái Bình. Đến năm 1995, đại diện bảy phái của họ Phạm ở Cao Mỗ họp mặt và bầu ban vận động trùng tu sinh từ Thiều quận công. Sau một quá trình, theo ông Trâm kể là “nhiều rắc rối và phức tạp”, cuối năm 1999 Bảo tàng tỉnh Thái Bình mới về khảo sát và cử người lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xem xét.

Cơ quan quản lý đến rồi đi, mọi thứ ở khu sinh từ lúc đó đều đổ nát, hoang tàn. Vậy là, một thân một mình ông lão Phạm Minh Trâm khi đó đã 65 tuổi đón xe hơn 100km lên Hà Nội với hi vọng có được tiền cứu di tích. “Khi đi tôi cũng chưa biết bất kỳ thông tin gì về các tổ chức văn hóa xã hội có thể tài trợ giúp đỡ trùng tu di tích cả. Nhưng dòng họ ở quê làm nông cả, nghèo lắm không thể có tiền trùng tu cả một khu di tích đồ sộ như vậy được. Chính vì vậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải lên Hà Nội để thử vận may xem sao”. Ông lên Hà Nội và dành hẳn hai ngày liền để cùng cháu mình đi hỏi thăm xem tổ chức nào có thể tài trợ công trình như vậy. Sau khi bỏ nhiều công sức tìm kiếm, ông đã tới được địa chỉ Quỹ hỗ trợ hoạt động văn hóa Việt Nam - Thụy Điển ở số 46 Trần Hưng Đạo. Ông đã gặp và được nhà văn hóa Hữu Ngọc, khi đó làm trưởng ban của quỹ này, giúp đỡ.

Ông Trâm tâm sự: “Được sự tư vấn của ông Hữu Ngọc, tôi đã phải sang tận chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh để tìm gặp một ông họa sĩ là ủy viên của hội đồng quỹ hỗ trợ hoạt động văn hóa này nhằm được tiến cử, giúp đỡ. Sau khi quỹ cho người về tận Cao Mỗ xác minh và gửi tờ trình sang Thụy Điển thì họ đã đồng ý trợ cấp 3.000 USD“.

Số tiền 3.000 USD vào thời điểm đó khá giá trị, nhưng ông Trâm cho biết họ chỉ cấp để bảo vệ hai tấm bia hình trụ tròn chứ không phải trùng tu toàn bộ quần thể di tích. Họ cho rằng không đâu ở Việt Nam có bia hình trụ mà lại do hai con người nổi tiếng viết, đó là: Báo Ân phường bi ký của nhà bác học Lê Quý Đôn và Từ Vũ bi ký do Xuân quận công Nguyễn Nghiễm - thân phụ đại thi hào Nguyễn Du - cùng đề từ năm Cảnh Hưng 33 (1772). Tiền không đủ nhưng số tiền ấy là động lực để ông Trâm tiếp tục đi kêu gọi vận động các nhà tài trợ.

Sau nhiều tháng liền đi kêu gọi tài trợ cộng với sự đóng góp của các gia đình trong dòng tộc, khu sinh từ bắt đầu được khởi công trùng tu, xây dựng mới một số mục. Sau gần hai năm, đến ngày 9-10-2002, khi di tích đã được quan tâm, bảo vệ thì UBND tỉnh Thái Bình tại quyết định số 74/2002/QĐ mới công nhận sinh từ với quần thể tượng, bia đá là di tích lịch sử văn hóa và cho rước bằng về đây.

H.DƯƠNG - N.HƯỜNG

Kỳ cuối: Khi sự vinh danh bị lạm phát

NGUYỄN THỊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp