12/12/2023 12:24 GMT+7

Những người từ chối thành phố - Kỳ 6: Ngậm ngùi chia tay giấc mơ núi rừng

Một vùng rừng núi lảng bảng trong mây mù giữa rừng thông già ở Kon Tum nhiều năm nay là tâm điểm của giấc mơ làm nông. Thế nhưng, trái ngược với khấp khởi ban đầu, nhiều người phải rời bỏ cuộc rong chơi trong cảnh tay trắng.

Khách tới thăm nhà của ông Yên giữa núi rừng Măng Đen - Ảnh: H.Y.

Khách tới thăm nhà của ông Yên giữa núi rừng Măng Đen - Ảnh: H.Y.

Từ nuôi gà tới mở trang trại thất bại

Sáu năm trước, ông Huỳnh Ngọc Yên (nhà ở Tam Kỳ, Quảng Nam) dọn đồ đạc lên thị trấn Măng Đen để đầu tư trang trại kết hợp du lịch.

Nhưng giấc mơ ấy sớm tan tành vì những rào cản không lường. Trái ngược với sự khấp khởi của ngày lên núi trồng cây, ông Yên giờ đã về lại quê nhà chọn cách sống đơn giản hơn.

Ông nói vẫn liên lạc với bạn bè ở Măng Đen, sau thất bại của ông thì có một số người trẻ lên và có hướng đi khác hơn, khả quan hơn.

Ông Huỳnh Ngọc Yên năm nay 56 tuổi, từng tốt nghiệp đại học tại TP.HCM. Năm 2007, ông dứt công việc phát hành sách rồi gọi mấy người bạn dồn tiền thuê 3ha đất ở vùng cát xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) mở trang trại nuôi gà.

Làm nông nghiệp giai đoạn này khá dễ. Thấy có lời, ông Yên cùng bạn đầu tư thêm một trang trại thứ hai ở vùng phía Nam Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Trang trại nhập thêm nhiều giống gà ngoại lai, nguồn hàng xuất ra được phân phối và đem lại nguồn thu khá tốt.

Tuy nhiên khi qua năm thứ ba, lúc mà trang trại đang ăn nên làm ra thì đơn thư của bà con dội tới tấp lên xã.

Nhiều người dân còn tập trung vây trại gà, yêu cầu phải ngừng hoạt động do ô nhiễm, nhiều thời điểm trang trại còn bị người lạ đột nhập vào phá làm gà chết từng dãy.

"Chính quyền xã xuống làm việc, dù biết chúng tôi đã đầu tư rất lớn, nhưng cũng buộc phải yêu cầu tháo dỡ trại, số tiền thu lại còn chưa bõ một phần đầu tư ban đầu", ông Yên nói.

Sau đổ bể này, một lần nữa ông Huỳnh Ngọc Yên lại cùng bạn về quê nhà ở huyện Phú Ninh thuê 3ha đất mở trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi cá. Nhưng một lần nữa, sự khắc nghiệt của thời tiết, đầu ra sồi sụt khiến trang trại sớm phải dỡ bỏ.

Qua nhiều năm theo đuổi nông nghiệp, tôi nghĩ rằng một khi đã làm nông thì nhất định phải nghiêm túc và chỉ có sống chết với nghề thì mới tồn tại được. Nhà đầu tư ngoài vốn rất lớn, kiến thức nông nghiệp, thị trường dày dạn thì cần phải lường hết mọi rủi ro sẽ đến. Phải giữ cho mình một đường lùi để trở về khi món đầu tư vào cây cối, trang trại đã không đem lại kết quả gì.

Ông HUỲNH NGỌC YÊN

"Rừng đã cháy và rừng đã héo..."

Trong những ngày buồn chán vì đầu tư vào nông nghiệp chỉ toàn nhận trái đắng, ông Yên rủ bạn bè đi lên Măng Đen để nghỉ ngơi, thăm thú, lấy lại thăng bằng. Nhưng chuyến đi đó lại một lần nữa dẫn cả nhóm vào một quyết định mạo hiểm khác: tiếp tục đầu tư.

"Lúc đó mình thấy vùng Măng Đen se se lạnh, mọi thứ cứ lảng bảng và chầm chậm y hệt như vùng khí hậu Đà Lạt. Ai cũng bảo "quá tam ba bận", ba lần lận đận rồi không lẽ tới lần thứ tư cũng thất bại.

Rồi chúng tôi tiếp tục dốc những đồng xu còn sót lại trong túi, quyết định mở hợp tác xã nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch.

Ông Yên cho biết cả nhóm quyết định lấy cái tên D.A. làm tên cho hợp tác xã cũng bởi có niềm tin vào tương lai. Chọn cách bắt tay với nông dân để làm nông nghiệp sạch, Hợp tác xã D.A. được sự hỗ trợ hết mức của chính quyền địa phương.

Lúc đó, Măng Đen đang trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư mở các doanh nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao, nguồn đất được cấp gần như biếu không để khích lệ nhà đầu tư.

Chính quyền cũng đứng ra chọn các nông hộ tích cực nhất để gặp mặt lãnh đạo hợp tác xã. Gần 10ha đất trồng sắn (mì) được nhổ bỏ, bà con gật đầu bước chân theo lời mời gọi gom đất chuyển sang trồng các giống chuối được khuyến nông đưa về.

Cuối 2016, hơn 10ha chuối giống được trồng. Ông Yên kết nối với các hãng lữ hành rồi dẫn khách về Măng Đen.

Căn nhà gỗ của ông cũng được tổ chức lại để biến thành homestay quy mô nhỏ phục vụ khách. Ông còn đóng chuồng trại nuôi thử nghiệm thêm dê, hươu, kỳ đà, thậm chí cả nuôi trăn.

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, đầu năm 2016 ông cùng bà con thu hoạch lứa chuối trái đầu tiên. Chuối phát triển tốt, dù ngoại hình trái chưa bắt mắt nhưng cũng được xem là thành công, ông đem biếu tặng bè bạn, dạm mối và nhận được đồng ý từ các siêu thị.

Khi vừa thu hoạch được lứa chuối đầu tiên, những sáng ra vườn của ông Yên cùng bà con trở thành những khoảng thời gian bi kịch.

Chuối đa số không lên mầm con, hoặc mầm nào lên đều vươn khỏi mặt đất thì thui chột, mầm quắt queo. Đào xuống bộ rễ, ông và bà con hoảng hốt khi thấy gần như cả 10ha chuối thối rễ sạch.

"Tôi chạy vạy tìm chuyên gia, thuê kỹ sư chuyên về xử lý. Mất một đống tiền nhưng chuối cứ èo uột, những quả đồi mới um tùm ngút ngàn cây trái nay xác xơ, héo hắt trong màu lá khô.

Tôi tìm hiểu và được cho biết rằng không thể trồng chuối trên vùng Măng Đen này bởi khí hậu quá ẩm, mưa dày đặc quanh năm, cây và trái thiếu ánh sáng cùng với sương muối quá nhiều", ông Yên chua chát cho biết thêm không chỉ chuối thất bại, mà đàn hươu, kỳ đà, trăn ông nuôi cũng không cánh mà bay.

Hươu, nai thì chết vì lạnh, kỳ đà nuôi được thời gian thì đục lỗ xuống đất lủi vào rừng, còn trăn thì bò lên cây gỗ lớn chuồn đi mất. Chỉ có ông là còn ở lại.

Từ 2020, đại dịch COVID-19 ập đến khiến Măng Đen không một bóng người. Toàn bộ tiền đầu tư của Hợp tác xã D.A. coi như mất trắng. Những người nông dân từng nhổ mì theo ông Yên trồng chuối nay mỗi người một nơi, người quay về rẫy dặm lại mì, người đi làm thuê cho các trang trại khác.

Giấc mơ trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch tan tành khi chuối nhiễmbệnh và chết dày đặc - Ảnh: H.Y.

Giấc mơ trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch tan tành khi chuối nhiễmbệnh và chết dày đặc - Ảnh: H.Y.

Tan vỡ giấc mơ đẹp

Cú sốc ở Măng Đen đã khiến ông Yên gần như ẩn mình, ông ít liên lạc với bạn bè. Ngày 10-12, chúng tôi gọi hỏi thăm sức khỏe thì ông Yên nói đã chuyển về quê nhà ở Tam Kỳ, Quảng Nam để "làm đôi thứ lặt vặt kiếm sống qua ngày".

Hỏi có nhớ về Măng Đen không, ông Yên nói rằng nhớ nhưng kỷ niệm chỉ toàn nỗi buồn. "Tuổi này khó mà liều lĩnh, mơ mộng như xưa nữa. Tôi quyết định dừng lại và chọn một con đường bền vững, đơn giản để sống chứ không dám theo trào lưu bởi càng làm càng thất bại", ông nói.

Ông chủ hợp tác xã này đưa cho chúng tôi những dòng tin nhắn qua lại giữa ông và những người bạn, phần lớn là người trẻ cũng đã lên Măng Đen làm nông nghiệp nhưng giờ phải sa lầy.

Từ giấc mơ sẽ trở thành một "làng châu Âu" với những nông trại bạt ngàn, nhiều người trong nhóm bạn ông Yên đã mất liên lạc.

Trùng với câu chuyện buồn của ông Yên, cuối tháng 10 khi có mặt ở Măng Đen này chúng tôi thấy mọi thứ đã khác xa so với 10 năm về trước.

Măng Đen ít rừng hơn, người ta vẫn nói về những siêu dự án bất động sản trong câu chuyện với khách phương xa. Một nhóm bạn trẻ có người ở miền Tây, có người ở Đà Nẵng... cùng ý chí rồi đem vợ con, gia đình dắt díu lên Măng Đen trong trào lưu "chạy trốn khỏi thành phố".

Họ hội ngộ cùng nhau nhưng trong câu chuyện của họ hầu hết đều nói rằng đầu tư làm lưu trú, du lịch, dịch vụ, chứ không nhiều người trụ nổi với cảnh lãng mạn làm vườn rừng. Bởi thực tế khác xa với trên mạng, sách vở, nhất là với những người thiếu kinh nghiệm và không đủ điều kiện bền vững.

--------------------------

Nhiều người gặp khó khăn khi bỏ phố về quê, nhưng cũng có những người kiên trì bước tới. Bên sông Thu Bồn xinh đẹp, có một ngôi trường quê rất lạ với đám trẻ tràn ngập niềm vui.

Kỳ cuối: Đưa con về chốn an vui

Những người từ chối thành phố - Kỳ 5: Về vườn đâu chỉ có hoa thơm và trái ngọtNhững người từ chối thành phố - Kỳ 5: Về vườn đâu chỉ có hoa thơm và trái ngọt

Nhiều người Mỹ đã bị thu hút bởi ý tưởng về cuộc sống tự cung tự cấp ở những vùng thôn quê tách biệt với thành phố đông đúc, nhưng điều này luôn tiềm ẩn những mối khó khăn và nguy hiểm khôn lường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp