Chị Lò Thị Tím bên đàn con - Ảnh: Ban Thi đua khen thưởng trung ương
Từ những chiến sĩ quả cảm phục kích trong rừng núi 2-3 tháng chiến đấu với tội phạm, tới những công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, doanh nhân đều là những tấm gương chói sáng. Tất cả đều rất thực chất chứ không có ai phải khoác lên mình chiếc áo hào nhoáng để trở thành chiến sĩ thi đua.
Ông Nguyễn Thế Kỷ (giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam)
Hàng nghìn bông hoa đẹp nhất đã tụ hội trong ngày hội lớn của đất nước, mang đến một niềm cảm hứng lớn cho tất cả người dân Việt Nam tiếp tục thi đua hăng say lao động, sáng tạo.
Đại hội có sự góp mặt của tất cả các ủy viên Bộ Chính trị cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo bộ ngành, địa phương. Còn các nhân vật chính là 2.020 đại biểu, là đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, các lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực, ngành, nghề, dân tộc, tôn giáo...
Nhiều câu chuyện cảm động
Rất nhiều câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng từ những chiến sĩ thi đua toàn quốc đã truyền đi một năng lượng tích cực, lan tỏa một niềm hứng khởi trong xã hội.
Đó là câu chuyện của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, "anh hùng của đồng ruộng", cha đẻ của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25 sau 40 năm dầm mình trong bùn đất cùng cây lúa và người nông dân. Hay câu chuyện của "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô, người chưa học hết lớp 5 nhưng đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương, được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Câu chuyện của cô giáo 9X Hà Ánh Phượng cũng mang đến niềm tự hào sâu sắc cho người dân Việt Nam khi cô từ bỏ công việc với mức lương ngàn USD ở thành phố để trở về quê hương, một huyện miền núi ở Phú Thọ dạy học, mở ra những lớp học tiếng Anh không biên giới cho các trẻ em miền núi, trở thành người Việt Nam duy nhất đến nay lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu.
Hay tấm gương xả thân cứu người của ông Lê Văn Quyết (48 tuổi, chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cùng cậu cháu ngoại mới 14 tuổi. Hai người trong cơn lũ lịch sử vừa qua ở Quảng Bình đã nhịn đói, bất chấp hiểm nguy rình rập, dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân được an toàn, trong khi bản thân gia đình mình cũng đang gặp nạn.
Dự Đại hội Thi đua yêu nước lần này còn có mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đấu - người con của quê hương Bến Tre anh hùng. Mẹ Đấu có người con trai duy nhất hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1994.
Nhưng mẹ không chỉ là người mẹ anh hùng trong kháng chiến mà còn tiếp tục dựng xây đất nước trong thời bình. Mẹ hầu như đã mang cả gia sản của cả đời mình, cả tiền mặt lẫn đất đai, để đóng góp xây dựng quê hương, nhất là trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới.
Cùng với các mẹ Việt Nam anh hùng, đại hội lần này còn đón rất nhiều các em học sinh trung học có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc, thậm chí có cả học sinh tiểu học. Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A Trường tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, "cậu bé vàng" của cờ vua tỉnh Tây Ninh, chính là đại biểu nhỏ tuổi nhất dự đại hội năm nay.
Vượt qua giới hạn bản thân
Lẫn giữa những gương mặt sáng bừng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, chị Lò Thị Tím nổi bật với gương mặt chất phác của một người con núi rừng. Chị là "người mẹ" của 16 trẻ ngoan ngoãn, học giỏi ở làng trẻ SOS Điện Biên Phủ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại thị xã Lai Châu cũ, mẹ mất sớm khi chị mới lên 10, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên chị Lò Thị Tím rất thấu cảm với sự thiệt thòi của những đứa trẻ trong làng SOS.
Năm 2009, sau một thời gian đấu tranh giữa việc sẽ lập gia đình riêng như bao người phụ nữ khác hoặc trở thành mẹ của những đứa trẻ không do mình sinh ra, chị Tím đã quyết định cúi xuống với những đứa trẻ bất hạnh. Vào làm mẹ ở làng SOS Điện Biên Phủ từ bấy đến nay, chị đang có tới 16 người con từ 7-15 tuổi.
Chưa có kinh nghiệm nuôi con, chăm sóc trẻ, nhưng bằng tình thương vô hạn của một người phụ nữ lớn lên từ núi rừng, chị Tím đã cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân, tìm đọc, học, tham gia tập huấn rất nhiều về kỹ năng làm mẹ. Các con của chị năm nào cũng đạt thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, học sinh khá, giỏi cấp trường.
Dự đại hội lần này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - cho biết ông từng nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng ba, nhưng lần này ông đặc biệt tự hào về danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Là người làm công tác lãnh đạo trong nhiều năm, từ ở địa phương, cơ sở cho tới các cơ quan trung ương, ông Kỷ có nhiều đóng góp lớn cho tập thể, nhiều lần được đề xuất là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhưng ông đều có ý "nhường" lại cho các anh em lao động trực tiếp. Lần này, ông vui vẻ nhận danh hiệu cao quý với niềm tự hào sâu sắc.
Nhiều năm nay, ông không chỉ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, mà còn cống hiến như một người trực tiếp lao động, với rất nhiều tác phẩm báo chí, sách, tiểu thuyết.
Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, ông Kỷ đã viết 7 vở kịch, trong đó 2 vở được 2 giải bạc quốc tế, 2 tiểu thuyết, 2 tập lý luận phê bình nghệ thuật và vài bộ sách giáo trình giảng dạy báo chí. Ban ngày dành cho công việc quản lý, đêm đêm ông Kỷ lại say sưa với những trang viết tới quá nửa đêm.
Trào dâng xúc động vì Trúc Nhi, Diệu Nhi
Hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi lẫm chẫm bước trên những bậc thềm tại hội trường trong cái nắm tay của cha mẹ sau ca mổ tách của các giáo sư, bác sĩ, y tá Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - Ảnh: VIỆT DŨNG
Không phải là chiến sĩ thi đua yêu nước, nhưng sự xuất hiện của Trúc Nhi, Diệu Nhi trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X lại trở thành những khoảnh khắc đẹp của đại hội. Trúc Nhi, Diệu Nhi xuất hiện sau câu chuyện như kỳ tích về những bác sĩ thực hiện ca mổ tách rời cặp song sinh này được mang tới đại hội.
Hình ảnh Trúc Nhi, Diệu Nhi lẫm chẫm bước trên những bậc thềm trong hội trường cùng cái nắm tay dìu dắt của cha mẹ khiến cả hội trường và cả những người xem trực tiếp trên truyền hình đều trào dâng niềm xúc động về một câu chuyện đẹp, không chỉ về những thành tựu tuyệt vời của ngành y Việt Nam mà còn là vẻ đẹp của tình yêu thương được cả nước dõi theo câu chuyện kỳ diệu của hai bé thời gian qua.
* Anh Lò Văn Sâu (dân tộc Lự, chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu):
Là cán bộ đứng đầu xã, tôi luôn cố gắng vận động cán bộ công chức, nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động cán bộ công chức thực hiện tốt văn hóa công sở khi dân đến gặp gỡ, trao đổi công việc phải cố gắng niềm nở, làm việc hiệu quả.
Với đồng bào mình, để bà con học tập noi theo, người đứng đầu phải làm thế nào để dân tin bằng hành động, nói đi đôi với làm. Cụ thể, các ngày hành chính đi làm ở công sở, cuối tuần mình sẵn sàng giúp đỡ bà con, đi làm cùng bà con, lên nương rẫy cùng bà con. Mình là người am hiểu, mình cố gắng tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa cây giống, con giống có giá trị để phát triển hiệu quả địa phương.
* Ông Nguyễn Văn Rô ("kỹ sư" của nông dân với sáng chế máy cày siêu nhẹ, tỉnh Cà Mau):
Thấy nông dân cực khổ, khó khăn quá, tôi có suy nghĩ tạo ra cái máy cày siêu nhẹ, cho cô bác nông dân xài dễ dàng vì thấy máy cày trước đây mua về chạy không được, nhất là vùng đất Cà Mau.
Tôi có ý tưởng làm ra cái máy để làm vụ lúa trên đất nuôi tôm, cô bác cần gì là tôi sản xuất đúng theo yêu cầu của cô bác. Khi thành công, tôi đặt tên chiếc máy là "Ước mơ nhà nông" để cày được, nhờ đó năng suất tăng lên.
Sáng chế thành công rồi, tôi không thu tiền mua máy cày của bà con ngay lập tức bởi thấy cô bác khổ quá. Tôi bán máy cày 17 triệu đồng nhưng cho bà con chỉ trả trước 5-6 triệu đồng, khi nào trúng vụ mùa thì trả nốt phần còn lại.
* Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, Bệnh viện Nhi trung ương):
Trong giai đoạn mới với mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều áp lực về sức khỏe, con người, lượng công việc cũng nhiều, đội ngũ y bác sĩ phải có tinh thần đoàn kết với nhân dân. Khi chăm sóc bệnh nhân phải có tình yêu thương với người bệnh như yêu thương gia đình mình, khi có tình yêu thương thì sẽ có động lực để phấn đấu, cố gắng, phát triển y đức.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong quản lý, chẩn đoán và điều trị người bệnh. Bởi lẽ có rất nhiều thủ tục hành chính, quản lý bằng thủ công thì công việc không xuể. Thực sự dù có làm việc 12, 20 tiếng cũng không thể hết được lượng công việc, do đó phải áp dụng công nghệ quản lý y tế trong công việc.
Bản thân tôi mỗi ngày dậy sớm rèn luyện thể dục thể thao, giúp mình có sức khỏe cống hiến, nhờ đó duy trì lối sống lành mạnh, tránh yếu tố có hại cho sức khỏe. Có sức khỏe, bản thân sẽ giúp đỡ, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân theo lời dạy của Bác.
HÀ THANH ghi
Gói muối trắng và ớt xanh
Đại tá Mai Hoàng - Ảnh: VIỆT DŨNG
"Côn trùng, vắt cắn rất nhiều, đặc biệt khi chân mình cả tuần không rửa khiến chuột đến cắn chảy máu đầu ngón chân. Nhưng với tinh thần đấu tranh tội phạm đến cùng, chúng tôi nghĩ không thể để tội phạm ngang nhiên, xâm phạm lãnh thổ Tổ quốc và buôn bán trái phép chất ma túy" - đại tá Mai Hoàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, xúc động nhớ lại những ngày cùng anh em đồng chí đồng đội chiến đấu ở biên giới huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La).
Trưởng thành từ lính trinh sát hình sự Công an huyện Mộc Châu, đại tá Hoàng đã trải qua nhiều cương vị khác nhau trong công tác đấu tranh với tội phạm ở "vùng đất nóng". Tại đại hội, câu chuyện về những năm tháng gian khổ anh cùng đồng đội chiến đấu nơi phên giậu khiến cả khán phòng lặng đi.
Cầm trên tay món quà nhỏ là gói muối trắng, ớt xanh, đại tá Mai Hoàng nhớ lại ngày còn là trưởng Công an huyện Mộc Châu cùng đồng đội trong tổ công tác đặc biệt Công an tỉnh Sơn La và tiểu đoàn đặc nhiệm số 1, Bộ Công an đằng đẵng 3 năm trời chiến đấu ở biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Nhận nhiệm vụ, di chuyển quãng đường dài, có những lần ở trong rừng từ 10 - 15 ngày, lương khô chỉ đủ ăn được vài ngày, các anh thường ăn cơm nắm cùng với muối trắng và ớt xanh.
Anh nhớ một ngày tháng 4-2016, tổ công tác gồm 10 người trong đó có anh đã phục kích ở khu vực cách biên giới 4km. Bốn ngày liền chưa phát hiện các toán, nhóm đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy vượt biên vào nội địa, nhưng đến ngày thứ 5 trinh sát báo về có 30 đối tượng. Lúc đó trời mưa rất to, 10 cán bộ chiến sĩ chia thành 2 tổ, trong đó 4 người ở tổ xạ thủ và 6 người sử dụng tiểu liên AK. Chỉ cách đường đi của đối tượng khoảng 15m, để đảm bảo bí mật phải bỏ hết công cụ, trang thiết bị cần thiết như mũ sắt, áo giáp không mặc vào người mà gấp đôi lại che vào phần thân.
"Trinh sát báo về xin ý kiến 30 đối tượng nhưng chỉ có 10 anh em, tôi nói 30 đối tượng hay 300 đối tượng cũng đánh", đại tá Mai Hoàng quả quyết. Đêm đó, các anh đấu tranh với tội phạm hơn 3 giờ. Phát hiện tổ trinh sát sử dụng súng tiểu liên AK, các đối tượng đã co cụm lại, gọi đồng bọn đến giải cứu, sử dụng lựu đạn tấn công lại tổ công tác.
"Trong lúc cam go như vậy, ai cũng biết vị trí của mình, nhưng với tinh thần đấu tranh với tội phạm đến cùng, bản lĩnh của công an nhân dân, chúng tôi tiến lại gần nhau, tiếp tục chiến đấu 2 tiếng nữa, tội phạm dạt ra và về bên kia biên giới. Đêm hôm đó, 10 người chúng tôi ăn nắm cơm chấm muối, ớt xanh, là kỷ niệm không bao giờ quên trong lòng cán bộ chiến sĩ công an chúng tôi", Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân kể lại đầy xúc động.
Có lẽ nhớ hơn cả là những ngày cận kề Tết Nguyên đán, khi nhà nhà người người sum vầy bên mâm cơm đoàn viên thì các anh - những cán bộ, chiến sĩ vẫn chiến đấu trong rừng sâu, chỉ biết động viên nhau giữ vững tinh thần chiến đấu.
Anh quả quyết: "Rất nhiều thách thức với lực lượng vũ trang, lực lượng công an nhân dân cũng như các ngành nghề khác, nhưng quan điểm của tôi là hãy cứ giữ bản lĩnh, danh dự của mình".
HÀ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận