Không ít trẻ hiện nay hầu như chỉ có “bạn” là chiếc điện thoại và màn hình máy tính - Ảnh: MẠNH DŨNG
"Hôm cậu học sinh một trường nổi tiếng ở Hà Nội bất ngờ nhảy xuống chung cư ngay trong lúc đang học bài khiến vợ chồng tôi sốc và lo lắm. Trước đó, con tôi cũng bị áp lực học hành, cũng hay bị đòi hỏi này nọ và cháu có dấu hiệu trầm cảm...", chị N.T.H., mẹ một nữ học sinh ở ngôi trường nổi tiếng tại quận 3, TP.HCM, trải lòng.
Không nhớ con nói chuyện với mình khi nào
Phải qua nhiều tâm sự và rõ ràng mục đích bài viết, chị H. mới chịu kể chuyện con mình. N.T.Q. là con gái đầu của chị, năm nay đã là sinh viên năm nhất. Hồi học cấp I, II, Q. là cô bé vui vẻ, quấn quýt với cha mẹ, nhưng lên cấp III lại tách rời ra và dần khép kín một cách kỳ lạ. Ban đầu, chị tưởng con mình tuổi dậy thì, dấu hiệu "trái tính trái nết" cũng là bình thường của giai đoạn chuyển tiếp sang tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, Q. càng ngày càng khép kín, y như cái bóng im lìm trong gia đình. Lúc đầu, người cha chưa phát hiện vấn đề nghiêm trọng, còn ghẹo con: "Hôm nào mở miệng thì nhớ nói ba mua vé số nhe. Ở chung nhà, ăn chung mâm, mà nghe tiếng con còn khó như trúng vé số vậy?".
"Thật sự, thời gian đầu vợ chồng tôi chỉ nghĩ đó là dấu hiệu tuổi mới lớn, cũng không quan tâm nhiều đến con. May nhờ sự tư vấn của người bạn là bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược, chúng tôi mới giật mình, xem xét lại vấn đề bất thường của con", anh N.T.T., cha em Q., tâm sự.
Bác sĩ là người bạn của anh khuyên vợ chồng nên quan tâm thật kỹ tình trạng không muốn giao tiếp, không muốn nói chuyện với ai của cô học sinh lúc đó mới sang tuổi 16, học lớp 11. Stress, trầm cảm thường có dấu hiệu ban đầu như thế này - thu mình lại, không thích, thậm chí ghét, sợ hãi tiếp xúc người khác.
Nhờ bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị H. thay nhau chú ý đến con nhiều hơn và giật mình phát hiện có khi cả 3, 4 ngày con họ không nói bất cứ một lời nào. Cha mẹ gọi gì đó như kêu xuống ăn cơm, kêu chuẩn bị đi học, Q. chỉ im lặng, thực hiện, hiếm hoi lắm cô mới gật đầu là cách giao tiếp duy nhất ngay với chính cha mẹ mình.
Nhà có đứa em gái 8 tuổi, rất muốn chơi với chị, nhưng cô chị chỉ đẩy ra khỏi phòng, rồi đóng sầm cửa ngay trước mặt em mình. Vợ chồng chị H. thử nói con mời bạn học cuối tuần đến nhà chơi, điều lẽ ra rất hấp dẫn và vui vẻ với tuổi mới lớn, nhưng con gái họ lắc đầu, không tỏ dấu hiệu quan tâm, thích thú gì.
Ngoài giờ học trên lớp (mà giáo viên cũng cho biết Q. hầu như không có bạn bè, không nói chuyện với ai), "bạn" của cô nữ sinh này chỉ có chiếc điện thoại và màn hình máy tính mà cô được cha mẹ mua cho từ hồi học trực tuyến đợt dịch. Ngoài lúc xuống tầng dưới ăn cơm và ra xe đi học, Q. chỉ quanh quẩn trong phòng của mình. Nếu không học bài, em chỉ cầm điện thoại hoặc chìm đắm màn hình máy tính, thậm chí còn giảm đèn phòng tối om om.
Một hôm, cha Q. thử nói: "Hết học trực tuyến rồi, con cho ba mượn lại cái điện thoại để ba đi làm cần số điện thoại thứ hai. Con có thể liên lạc với bạn bè qua kết nối máy tính hoặc xuống nhà xài điện thoại bàn". "Không!", Q. hét ầm lên làm cha mẹ cô giật cả mình. Đây cũng là lần hiếm hoi mà cô lên tiếng.
Sau đó xảy ra chuyện bi thảm cậu học trò nhảy chung cư, tự tử ở Hà Nội. Mặc dù cha mẹ Q. rất ý thức giấu kín, không hề nói năng gì chuyện buồn này trong nhà mình, nhưng Q. đã xem được trên các trang mạng. Rồi nửa đêm, cô gõ cửa phòng cha mẹ, nói cụt lủn: "Đó, cậu đó nhảy lầu rồi đó, cho vừa lòng các vị ba mẹ".
"Tôi lạnh toát người, còn chồng tôi hình như cũng cứng người, không biết trả lời con thế nào. Cảm giác hoảng hốt, sợ hãi, bất lực bao trùm chúng tôi", chị N.T.H. chùng giọng tâm sự. Sau đó, chị phải qua phòng con ngủ, mà cũng phải nói mãi cô bé mới chịu. Nhưng Q. nằm thu mình ở góc giường, quay lưng với mẹ và không chịu nói lời nào dù mẹ cố gắng gợi chuyện.
Hãy quan tâm, gần gũi giúp trẻ có lối sống tích cực, tự tin
Chỉ phát hiện bất ổn của con khi đã nặng
Trường hợp của Q. sau đó được bác sĩ chuyên khoa chẩn bệnh là khá nặng, phải tìm gốc rễ nguyên nhân để điều trị liệu pháp tâm lý. Thực tế đang có không ít trẻ bị giống như cô nữ sinh này ở các cấp độ bệnh khác nhau.
Trong đó, câu chuyện của nam học sinh lớp 12 T.V.B. ở một ngôi trường nổi tiếng của quận Tân Bình, TP.HCM, cũng đang là nỗi lo lắng nghiêm trọng của cha mẹ. Là một học sinh giỏi và sống khép kín như Q., nhưng B. còn có vài người bạn chung nhóm chơi game online. Chỉ có những game thủ này cậu mới giao tiếp dù qua mạng, còn lại cậu không chơi, không nói chuyện với ai, kể cả cha mẹ và anh chị trong nhà...
Thấy B. học hành vẫn tốt, cha mẹ cậu không để ý, nhưng sau đó chính cô giáo đã phát hiện ra B. bất thường, "vào lớp học cứ như pho tượng người". Cô giáo đã gọi điện trao đổi với cha mẹ cậu, đề nghị quan tâm hơn dấu hiệu này. Ban đầu, cha B. cho rằng cậu "lậm game mới ra nông nỗi". Anh cấm cậu chơi game nhưng không được, cuối cùng phải đồng ý cho con chơi hai ngày cuối tuần và mỗi ngày một tiếng rưỡi để "thư giãn sau giờ học".
"Con dọa nếu tôi dẹp hẳn máy tính và điện thoại sẽ bỏ nhà đi. Vợ chồng tôi hoảng quá, phải chọn giải pháp điều độ này. Tôi nói con phải cam kết với ba mẹ là vẫn bảo đảm học tốt mới cho chơi cuối tuần. Con gật đầu mà trong lòng tôi vẫn rất bất an. Không biết sao nữa, năm nay lớp 12 rất quan trọng", anh T.T.L., cha B., tâm sự. Người đàn ông 51 tuổi này kể mình đã trải nhiều chuyện đời, chuyện khó trong làm ăn, nhưng chưa bao giờ bị lo lắng như vấn đề của cậu con hiện nay.
Anh kể thêm có bạn bè cũng than vãn con cái đang bị cùng vấn đề như vậy. Những đứa trẻ chỉ im lìm như chiếc bóng, không muốn quan hệ, giao tiếp, trò chuyện với ai, dù là chính cha mẹ hay anh em ruột của mình. Thậm chí có cô cậu còn trở nên bực bội, gắt gỏng khi cha mẹ cố gắng gần gũi với con.
Nguyên nhân của tình trạng này là sự tổng hợp của nhiều vấn đề, vừa là lỗi của cha mẹ thiếu gần gũi, quan tâm con kéo dài, vừa là những áp lực học hành, kể cả những chuyện "trời ơi đất hỡi" trên không gian mạng mà các cô cậu này đắm chìm mỗi ngày. Tâm sự vấn đề bất ổn của con, cả chị H. lẫn anh L. đều thừa nhận phần lớn là trách nhiệm của mình khi để con cái đến mức như vậy.
Như để chia sẻ kinh nghiệm buồn với các bậc cha mẹ khác, chị H. tâm sự: "Hồi cấp I, cấp II, con gái tôi vẫn hồn nhiên, vui vẻ vì được cha mẹ quan tâm, gần gũi. Nhưng đúng là thời gian gần đây, tụi tôi đã lo lắng cho cuộc sống kinh tế mà bỏ bê con gần như hoàn toàn. Tụi tôi chỉ nhìn điểm số con học, mà không quan tâm tới tinh thần con".
Chị H. kể đầu năm 2020, họ đổi căn nhà về gần trung tâm thành phố và vay mượn gần 3 tỉ đồng. Dịch giã, làm ăn khó khăn, khiến vợ chồng quay quắt kiếm tiền trả nợ, chưa kể nhiều ngày họ còn đem nỗi căng thẳng tiền bạc về cãi nhau trong nhà và ầm ĩ cả chuyện ly dị. Con gái họ đã đủ tuổi hiểu biết nên sợ hãi, buồn bã, rồi dần thu mình, tránh xa cha mẹ. Vấn đề không giải quyết sớm nên "tâm bệnh" cô ngày càng trầm trọng hơn...
Cha mẹ cần "chữa bệnh" cho mình trước
Để chữa bệnh cho nữ sinh N.T.Q., bác sĩ khuyên đầu tiên là... "chữa bệnh" cho cha mẹ trước. Vợ chồng chị H. được bác sĩ tư vấn đừng trút nỗi buồn bã, căng thẳng, mâu thuẫn của cha mẹ lên đầu con. Con cái đang sống chung với cha mẹ, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ. Với những trẻ bình thường, cha mẹ sống vui vẻ, tích cực, con cái cũng như thế, và ngược lại...
Cha mẹ nên "chữa bệnh" cho mình trước, sau đó sẽ chữa trị cho con và lúc này cần đến bác sĩ chuyên khoa, tâm lý học, đặc biệt là tình thương yêu của cha mẹ. Chị H. cho biết hiện nay Q. đã đỡ hẳn, cô đang là nữ sinh năm nhất, tuy vẫn trầm tính nhưng không thu mình nữa.
*************
>> Kỳ tới: Hãy gọi lại cho chúng mình vào ngày mai
Trước khi kết thúc trò chuyện, tình nguyện viên trực đường dây nóng hỗ trợ tâm lý luôn "bắt" người đầu dây bên kia hứa là sẽ liên lạc vào ngày hôm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận