Anh Đ.T. cùng con gái nỗ lực vượt qua bệnh tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: HÀ THANH
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn thoát khỏi điều đó. Khoảng trống sức khỏe tâm thần người trẻ cần được quan tâm hơn.
Trầm cảm, thay đổi tính cách, lo lắng, kích động, đập phá đồ đạc, sử dụng chất kích thích, làm những việc mạo hiểm hoặc tự hủy hoại bản thân... là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự hại bản thân của thanh thiếu niên hiện nay. Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc đau lòng đã xảy ra.
Tìm người trút giận
Suốt tuần qua, anh Đ.T. (quê Bình Định) cùng con gái nỗ lực vượt qua bệnh tật tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bệnh Mai. Vy Yến (11 tuổi) - con gái anh T. - được bác sĩ chẩn đoán rối loạn cảm xúc, hiện đang được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp trị liệu tâm lý.
Mải miết làm ăn, thường xuyên xa nhà, anh T. không để tâm đến sự thay đổi trong tính cách con gái đầu lòng. Yến thường xuyên nóng giận, không thể chờ đợi, hễ nhờ ai làm việc gì thì người đó phải làm ngay nếu không em sẽ hét lên, gào thét dữ dội. Anh cũng bỏ qua cả những "lời tố" của con gái về việc mẹ chỉ tập trung lo lắng cho em gái mà bỏ quên những đòi hỏi của Yến.
"Cho đến lúc con bột phát, thường tìm em gái để "xả", bắt em làm theo ý con thì tôi mới nhận ra con mình đang gặp vấn đề, không thể điều khiển được bản thân", anh T. nhớ lại. Một "phi vụ" được người bố lên kế hoạch, anh đưa con gái ra Hà Nội du lịch, nhưng thực chất là đến gõ cửa Viện Sức khỏe tâm thần để tiếp nhận điều trị.
Sau một tuần điều trị, Yến bình tâm trở lại, có thể thoải mái trò chuyện với người mới quen. Trên giường bệnh, người bố nhẹ nhàng đưa tay chải chuốt lại mái tóc con gái, chốc chốc cả hai bố con đập tay đồng tình khi người bố đưa ra gợi ý hợp lý để giúp cho việc điều trị của Yến trở nên tốt hơn.
"Con vẫn nhận thức được hành vi của mình, nhưng bị người khác chọc thì mình tức giận. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ nhặt thôi, không đáng để đánh người chút nào nhưng con lại đánh người, con chọn đánh em gái, đánh bạn bè", Yến giãi bày.
Cố gắng tìm lời giải thích cho hành vi của mình, cô bé học sinh lớp 6 nói có lẽ nguyên nhân xuất phát từ lúc mẹ sinh em bé. "Từ lúc có em gái, mẹ phân biệt đối xử giữa hai chị em, không thương hai đứa bằng nhau, cứ la con. Bé khóc là mẹ la con cho nên con khó chịu, hễ không có ai là con sẽ đánh em, đánh nó đau lắm, đỏ hết cả người", ánh mắt Yến sụp xuống như hối lỗi.
Một trong những nguyên nhân khác khiến cô bé "bùng nổ cảm xúc" chính là trong giai đoạn dịch COVID-19 không được đến trường, không được ra ngoài vui chơi, Yến chỉ biết làm bạn với điện thoại. Em kể mỗi lần cầm điện thoại lên là bị cuốn vào đó, thời gian lướt video trên TikTok phải trên 3 giờ đồng hồ, chẳng ai có thể khiến cô bé dừng lại được cảm giác "nghiện" màn hình điện thoại.
Điều con mong muốn nhất chính là bản thân kiềm chế được cảm xúc, không đánh người nữa. Mong các bạn đang gặp tình trạng giống con nếu bản thân mình đau thì đừng làm đau người khác, làm như vậy các bạn cũng sẽ tổn thương giống mình.
VY YẾN
Sau cái tát của cha
Diệu Hương (15 tuổi) chẳng thể nào quên được cú tát trời giáng của người cha mà em hết mực yêu thương. Là học sinh giỏi, đứng nhất nhì lớp suốt nhiều năm liền, nhưng đến năm lớp 9, thứ hạng trong lớp của Hương tụt xuống thứ 9. Mỗi ngày, Hương đều đối mặt với hàng loạt câu hỏi của mẹ "vì sao điểm thấp?", "vì sao không được điểm 9, điểm 10?". Áp lực điểm số, cộng thêm lời chỉ trích của mẹ khiến nữ sinh này đối mặt với lo âu, căng thẳng.
Tất cả cảm xúc dồn nén bấy lâu đã bùng nổ sau một cuộc họp phụ huynh. Cô giáo thông báo Hương là đầu têu trong nhóm học sinh chỉ trích, tẩy chay bạn trên mạng xã hội. Không chỉ điểm số tụt dốc, xếp hạnh kiểm cũng bị tụt hạng, về đến nhà, ngay lập tức hai mẹ con to tiếng cãi vã. Khi thấy con gái hỗn láo "cãi tay đôi" với mẹ, người cha tức giận thẳng tay tát vào mặt con gái. Đó là lần đầu tiên ba đánh Diệu Hương.
"Sau cái tát của ba, em như rơi xuống hố tuyệt vọng, cô đơn vì chẳng ai chịu lắng nghe mình. Em đã học ngày học đêm, đã nỗ lực nhưng ngày nào mẹ cũng so đo đứng nhất - nhì khiến em không chịu nổi", Hương nói.
Sau lần cãi vã đó, nữ sinh thu mình lại, hễ đi học về là đóng sập cửa thật mạnh, đóng chốt cửa để tránh bị làm phiền, chỉ đến giờ ăn mới chịu bước ra ngoài. Hương không muốn chia sẻ cùng ai, em chọn đi ngủ hoặc đọc truyện để quên hết mệt mỏi.
Trẻ em rất cần được cha mẹ quan tâm, yêu thương - Ảnh: HÀ THANH
Nhìn bi kịch của bạn mà lo con mình
Đến tối 1-4-2022, chị N.T.D. (35 tuổi) bàng hoàng vì không thể xem hết đoạn video ghi lại cảnh nam sinh lớp 10 ở Hà Nội tự tử bằng cách nhảy từ tầng 28 của một tòa nhà chung cư kèm theo lá thư tuyệt mệnh đang lan truyền trên mạng xã hội. Tức tốc, chị bỏ hết mọi công việc ở xưởng, xin nghỉ ca đêm để về với hai con.
"Ánh mắt cụp xuống, thường xuyên bỏ tay vào túi quần, con cũng đi đi lại lại trong nhà như vậy mỗi khi căng thẳng việc học hay bị bố mẹ hỏi han điểm số. Bất giác như nhìn thấy hình ảnh con trai trong video, tôi đau lòng vì thời gian qua đã bỏ bê con rất nhiều", chị D. không giấu được xúc động.
Công việc thường xuyên đi sớm về khuya, buổi tối về đến nhà chị D. đều thấy Bi (11 tuổi, con trai chị D.) hay ngồi lì trong phòng đóng kín cửa, ít trò chuyện cùng cha mẹ và em gái. Quan sát thấy lịch sử trình duyệt web của con có hiện lên các trò chơi điện tử, nhưng khi mẹ gặng hỏi thì con nói dối là không chơi game hoặc phản kháng lại bằng cách gập mạnh màn hình máy tính.
Chị D. tâm sự chính hình ảnh trong video lan truyền đã cảnh tỉnh vợ chồng chị phải luôn theo sát con, ngồi xuống trò chuyện và lên ý tưởng cho sự hợp tác giữa cha mẹ và con cái. Thay vì cấm cản con chơi game, người mẹ gợi ý cho Bi được thoải mái chơi hai buổi trò chơi trong tuần nhưng phải đảm bảo sắp xếp được việc học. Vào dịp cuối tuần, vợ chồng chị đưa các con đi dã ngoại hoặc mỗi lần con học bài xong là cả gia đình sẽ rủ nhau đi ăn kem, đi dạo, chị cũng đăng ký cho con trai học bóng đá.
"Nhờ vậy con dần dần cai được màn hình máy tính, ánh mắt con tươi vui và hòa đồng hơn với bố mẹ, em gái, biết chủ động chia sẻ câu chuyện ở trường lớp cho bố mẹ nghe", chị D. bày tỏ.
Các dấu hiệu cảnh báo
Lời nói thường xuyên đề cập đến cái chết, nói hoặc viết về vấn đề tự tử hoặc đưa ra những tuyên bố "Tôi sẽ tự sát" hoặc "Tôi sẽ không còn là vấn đề với bạn nữa".
Thay đổi tâm trạng buồn bã, ủ rũ kéo dài, tính cách thất thường, dễ kích động, nổi giận bất ngờ.
Thay đổi hành vi, thói quen bình thường.
Làm những việc mạo hiểm hoặc tự hủy hoại bản thân.
Tăng việc sử dụng rượu, ma túy hoặc chất kích thích.
* Ngày 2-3-2022, WHO công bố trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỉ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu tăng lên 25%. Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF cũng cho thấy trên toàn cầu, cứ bảy thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi thì có một người được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử.
--------------
Kỳ tới: Dại dột hút chất gây nghiện để "bớt stress"
Mệt mỏi, cáu gắt, đối mặt với áp lực học tập, áp lực gia đình, nhiều bạn trẻ đã tìm đến chất gây nghiện để giải tỏa stress.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận