27/03/2015 11:53 GMT+7

Quyết chí làm giàu

KHOA NAM - NHƯ NGỌC
KHOA NAM - NHƯ NGỌC

TT - “Chỉ khoảng hai tháng nữa thôi, bán 10 con bò này tui sẽ thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí cũng lời hơn 150 triệu đồng”.

Chỉ hai tháng nữa anh Huỳnh Quốc Tuấn sẽ bán đàn bò 10 con, dự kiến lời trên 150 triệu đồng - Ảnh: K.Nam

Tháng 3, đường về ấp Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) rộn ràng vào mùa thu hoạch lúa đông xuân.

Trên tay vẫn ôm bó cỏ vừa cắt ngoài đồng về cho đàn bò ăn, anh Huỳnh Quốc Tuấn, xã viên Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, hồ hởi nói: “Chỉ khoảng hai tháng nữa thôi, bán 10 con bò này tui sẽ thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí cũng lời hơn 150 triệu đồng”.

Ham vì thu nhập khá

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, chủ nhiệm HTX Phú Hòa, cho biết HTX thành lập hơn hai năm nay và hiện có 13 xã viên. Máy móc phục vụ sản xuất xã viên đã sắm được gồm: 20 máy bơm, 9 máy cày, 3 máy gặt đập liên hợp, 6 lò sấy lúa, 6 thiết bị phun thuốc trừ sâu.

Theo anh Huỳnh, không chỉ nuôi bò, HTX còn triển khai cho hội viên tận dụng đất trống quanh nhà để nuôi gà thả vườn, trồng hoa màu, sản xuất lúa giống, cung ứng dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...

“Trước đây thời gian rảnh rỗi anh em chủ yếu dành để gặp gỡ bạn bè, lai rai vài ly rượu. Từ khi vô HTX thanh niên làm kinh tế phụ tới nay gần như không lúc nào rảnh. Tuy bận rộn suốt ngày và vất vả, nhưng thu nhập cũng khá nên tụi tôi ham lắm” - anh Tuấn tâm sự.

Liên kết để phát triển mạnh hơn

Anh Huỳnh Công Thiện, giám đốc HTX thanh niên Thiện Trung, cho biết lợi ích của HTX là rất lớn.

Theo anh Thiện, vào HTX mọi người sẽ dễ giúp nhau hơn trong sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể là khi mua thức ăn, con giống số lượng lớn sẽ được giảm giá. Bán sản phẩm số lượng lớn cũng dễ hơn và có giá hơn so với bán riêng lẻ từng hộ gia đình.

Không chỉ có vậy, thông qua HTX các xã viên sẽ có thêm cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, từ đó tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra còn thuận lợi trong việc vay vốn ngân hàng.

Anh Huỳnh Công Thiện - giám đốc HTX thanh niên Thiện Trung ở ấp Phước Hiệp, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao - cho biết khoảng năm 2000 hầu hết hộ dân ở đây đều rất nghèo, gia đình trẻ của anh cũng vậy.

Anh Thiện kể anh làm giáo viên tiểu học lương bổng không đủ nuôi vợ con. Trồng khóm bán không ai mua, nuôi heo thì heo bệnh thua lỗ liên tục ba năm liền.

Lúc đó, Huyện đoàn Gò Quao tìm đến hướng dẫn mô hình nuôi ba ba giống và ba ba thịt, đồng thời vận động thành lập tổ hợp tác kinh tế thanh niên.

Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình trẻ tham gia, dần dần vài năm sau thấy có hiệu quả kinh tế nên anh em tự nguyện gia nhập nhiều.

Năm 2014, được sự hỗ trợ của UBND huyện, tổ hợp tác được nâng lên thành HTX thanh niên với 20 xã viên. “Nói chung làm cái gì cũng có thu nhập kha khá hết.

Hiện tại HTX triển khai nhiều mô hình sản xuất tận dụng đất trống quanh nhà như nuôi ba ba, nuôi ếch, rắn ri voi, cua đinh, càng đước, tận dụng khóm không bán được làm kẹo, mứt...

Từ những mô hình kinh tế nho nhỏ này, tính bình quân hằng năm mỗi xã viên cũng thu nhập thêm được khoảng 100 triệu đồng” - anh Thiện nói.

Dùng kinh tế để thu hút thanh niên

Anh Lê Trung Hồ - phó bí thư Tỉnh đoàn, chủ tịch Hội LHTN tỉnh Kiên Giang - cho biết thời gian qua Tỉnh đoàn đã xác định kinh tế là trọng tâm trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Từ đó đã xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế thanh niên bằng những mô hình sản xuất, chăn nuôi sử dụng ít đất, ít vốn, ưu tiên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với từng địa phương.

Anh Chương Hoàng Tha - phó bí thư Huyện đoàn Gò Quao - cho hay thời gian đầu việc vận động để thanh niên chịu tham gia các tổ hợp tác làm kinh tế hộ gia đình là cả một vấn đề.

“Biết là khó nên lúc đầu chúng tôi không đặt nặng số lượng, chỉ tập trung vào tính hiệu quả. Chúng tôi biết chỉ cần một, hai gia đình thanh niên trẻ vươn lên thoát nghèo thành công thì những người khác sẽ làm theo” - anh Tha bộc bạch.

Anh Huỳnh Công Thiện xác nhận nếu không có tổ chức Đoàn đứng ra vận động, hướng dẫn thanh niên làm kinh tế thì có lẽ đến giờ này gia đình anh vẫn còn nghèo. Nhưng nhờ được hướng dẫn kịp thời, nhờ có sự động viên, giúp đỡ cả về vốn, kỹ thuật mà gia đình anh Thiện nay đã cất nhà tường khang trang, tiện nghi đầy đủ, con cái học hành chăm ngoan.

Trong những ngày đi viết bài này, chúng tôi nhận thấy ở những nơi mà các tổ hợp tác, HTX thanh niên làm kinh tế có hiệu quả, bộ mặt và đời sống nông thôn không kém gì thành thị.

Đường đi nếu không tráng nhựa thì cũng đổ bêtông bằng phẳng, điện nước và cả Internet được dẫn tới từng nhà. Những vùng quê nghèo đã thật sự thay da đổi thịt với đời sống cư dân khấm khá, nhưng vẫn giữ được vẻ xanh mát vốn có từ những vườn cây, ao cá ven những con kênh hiền hòa.

Đến nay toàn tỉnh Kiên Giang đã có 125 tổ hợp tác, tám HTX thanh niên làm kinh tế với hàng chục mô hình sản xuất khác nhau, thu hút được 2.128 cán bộ đoàn và Đoàn viên thanh niên tham gia.

“Đây mới chỉ là những bước đi ban đầu, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng chúng tôi biết mình đã đi đúng hướng và sẽ đi tiếp bằng cách tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học kỹ thuật, các ngân hàng... để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa” - anh Lê Trung Hồ khẳng định.

Đưa Đoàn thanh niên vào vận hành HTX nông nghiệp

Chiều 26-3, tới thăm chúc mừng và làm việc với Trung ương Đoàn nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tổ chức Đoàn với nhiều giai đoạn lịch sử, tuổi trẻ cả nước và cán bộ Đoàn các thế hệ đã có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngoài sứ mệnh của tổ chức mình như vẫn đảm trách, tới đây Đoàn sẽ có thêm nhiệm vụ mới đó là góp phần quan trọng để phát triển kinh tế thị trường, đưa nền nông nghiệp của đất nước đi lên.

Theo ông Nhân, hiện Ủy ban MTTQ Việt Nam đang bàn bạc với Ban Kinh tế trung ương, Liên minh HTX Việt Nam để nghiên cứu và vận dụng mô hình đưa Đoàn thanh niên vào tham gia vận hành các HTX nông nghiệp.

“Cụ thể với mỗi HTX sẽ có hai đoàn viên hoặc cán bộ Đoàn tham gia, một người phụ trách kinh tế, một kỹ sư phụ trách về chuyên môn kỹ thuật” - ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Ông Nhân dẫn chứng hiện nay có tới 62% chủ nhiệm HTX nông nghiệp trên cả nước chỉ có trình độ lớp 9, trình độ chưa cao sẽ dẫn tới hiệu quả thấp.

Tiếp thu, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết Trung ương Đoàn cũng đã nghiên cứu về mô hình HTX thanh niên. Ban Bí thư cũng đã xem xét thực tế tại một số mô hình thanh niên thành lập HTX để phát triển kinh tế trên cả nước và nhận thấy hiệu quả ban đầu. Tới đây sẽ sơ kết và rút kinh nghiệm trước khi triển khai và nhân rộng tiếp. (LÂM HOÀI)

KHOA NAM - NHƯ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp