27/05/2019 12:12 GMT+7

Những người trẻ của đảo Lý Sơn - Kỳ 5: Hợp tác xã của những người trẻ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Nòng cốt là những người trẻ từ 18-40 tuổi lấy cách làm dịch vụ chuyên nghiệp thay phương thức cạnh tranh lộn xộn, trục lợi du khách.

Những người trẻ của đảo Lý Sơn - Kỳ 5: Hợp tác xã của những người trẻ - Ảnh 1.

Mỗi ngày, hợp tác xã xe chở khách tập hợp trước cầu cảng để chở khách theo lượt quy định, cuối ngày chia tiền đều cho nhau - Ảnh: TRẦN MAI

Những chàng trai trẻ tuổi ở đảo Bé đã biến đội xe chở du khách tham quan và đội chèo thuyền thúng lặn ngắm san hô từ chỗ manh mún, cạnh tranh thành một hoạt động bài bản, lịch sự văn minh, nhận được nhiều lời khen của du khách.

Chiến thắng của những người trẻ

Nơi cầu cảng đảo Bé, chàng trai Võ Tấn Phương (23 tuổi) đang túc trực đón khách lặn ngắm san hô. Lời mời chào chuyên nghiệp, giới thiệu đến du khách về vẻ đẹp dưới đáy đại dương ở được trình bày hấp dẫn.

Khi khách đến, Nguyễn Văn Duyên (22 tuổi) vội kéo chiếc thúng sặc sỡ màu sắc ra đón. Nhóm khách tới bảy người nên đội phải điều hai chiếc thúng. Cung cách hoạt động chuyên nghiệp này khác xa hình ảnh hai năm trước.

Thời điểm ấy, người dân đảo Bé chung nghề chở du khách lặn ngắm san hô nhưng mạnh ai nấy làm. "Chèo kéo khách, rồi cự cãi khi người này cho rằng người kia cướp khách của mình. Khi ấy chén cơm làm thay đổi tình làng nghĩa xóm" - Phương nói.

Khi những chiếc canô đầu tiên chở khách từ đảo Lớn sang tới cầu cảng cũng là lúc cuộc cãi vã nổ ra. Không chỉ đội thuyền thúng mà đội xe chở du khách dạo quanh đảo cũng rơi vào tình cảnh tương tự. "May mà giọng Lý Sơn khó nghe, du khách không hiểu là mình đang cãi nhau chuyện gì, chớ không họ cười chết" - Duyên cho biết.

Phải thay đổi trước khi du khách ngán ngẩm. Và hai năm trước, một cuộc họp diễn ra trong đêm, những chàng trai đất đảo, lớn lên thành ngư dân nay ngồi với nhau bàn chuyện làm du lịch. Buổi họp lúc đầu chỉ có hơn chục người dần trở nên đông đúc khi cả trăm con người kéo đến. Những người lớn tuổi cũng được mời cho ý kiến.

Đại diện những người trẻ tuổi là Bùi Văn Thiện đứng ra phát biểu: "Dân mình nổi tiếng tình cảm, du khách đến đây cũng vì mình thân thiện, nhưng lâu nay anh em làm mất hình ảnh quá, tôi đề nghị làm chung ăn chung".

Phương án đưa ra lập tức bị những người lớn tuổi phản đối. Phải đả thông tư tưởng người già bằng một phương án hợp lý hơn. Anh Thiện tiếp tục đề nghị tất cả góp ý. Mỗi người một đề xuất khiến không khí khá căng thẳng.

Chừng 20 người tuổi ngoài 50 ở đội chèo thúng lẫn đội lái xe chở khách chỉ muốn làm ăn riêng nên yêu cầu tụi trẻ giải trình. Sau nhiều tranh cãi ồn ào, cuối cùng những người lớn tuổi phải "đầu hàng" bọn trẻ sau đó vài tháng khi thấy cuộc cạnh tranh không có lợi cho mình vì bọn trẻ biết dùng mạng xã hội để lấy hết khách từ trước khi khách đặt chân đến Lý Sơn.

"Thắng lợi của những người trẻ giúp cả hai đội lái xe, thuyền thúng hoạt động theo phương thức hợp tác xã từ đó" - Nguyễn Văn Duyên nói.

Dân mình nổi tiếng tình cảm, du khách đến đây cũng vì mình thân thiện, nhưng lâu nay anh em làm mất hình ảnh quá, tôi đề nghị làm chung ăn chung.

Bùi Văn Thiện phát biểu về tình trạng cạnh tranh làm ăn không lành mạnh trước đây trong lĩnh vực dịch vụ thuyền thúng và lái xe chở khách

Những người trẻ của đảo Lý Sơn - Kỳ 5: Hợp tác xã của những người trẻ - Ảnh 3.

Hợp tác xã thuyền thúng lặn ngắm san hô làm việc rất chuyên nghiệp - Ảnh: TRẦN MAI

Làm ăn với ý thức bảo tồn

Khác với những hình thức kinh doanh khác, hai loại hình dịch vụ ở đảo Bé chiếm phần lớn là những ngư dân trẻ tuổi, từng bám biển mưu sinh. Không có nhiều kiến thức kinh doanh nhưng họ biết cách làm ăn với luật lệ rõ ràng.

Mỗi du khách đi lặn ngắm san hô sẽ trả 80.000-120.000 đồng tùy lựa chọn điểm lặn san hô xa hay gần. Còn xe du lịch thì 30.000 đồng/người. Đó là giá chung đã được niêm yết mà các thành viên hai đội thuyền thúng và lái xe buộc phải chấp hành.

Khi hoạt động dịch vụ đi vào quy củ, các chàng trai trẻ liền xách gói đi học tập thực tế ở những hòn đảo đã làm du lịch thành công. Lý Sơn học tập cách làm du lịch cộng đồng ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hai đội dịch vụ thuyền thúng và lái xe chở du khách được chuyển dần thành hai hợp tác xã dịch vụ và đang xúc tiến làm hồ sơ thủ tục trình cơ quan chức năng.

"Sau hai năm, chúng tôi nghĩ đã đến lúc đưa hoạt động vào quy củ và chuyên nghiệp hơn, tiến đến hoạt động đa ngành nghề" - anh Nguyễn Thanh Khuân (25 tuổi) nói.

Trong "Chương trình hành động" của họ có đề cập đến trách nhiệm bảo vệ đảo như giữ rạn san hô, hệ địa chất như thế nào để thu hút du khách. "Chúng tôi muốn bảo vệ đảo Bé hoang sơ như thuở hồng hoang. Mọi tác động đều phải thông qua cộng đồng. Đã đến lúc chúng tôi tham gia vào công tác bảo tồn" - anh Khuân chia sẻ thêm.

Anh Huỳnh Ngọc Tiên (29 tuổi) chở đoàn du khách 10 người đi thăm thú quanh đảo cho biết: "Tụi tui vừa lái xe vừa thuyết minh cho du khách biết về đảo từ văn hóa đến địa chất, biển, san hô... Thông tin này do anh em tự tìm hiểu, soạn thảo và dạy cho nhau. Giờ ai cũng thành thạo cả".

Các thành viên hai hợp tác xã đều có trách nhiệm giám sát và trực tiếp tham gia ngăn chặn những chiếc tàu cá vào khu vực bảo tồn đã được lắp phao cảnh giới.

Mới đây, khi phát hiện có tàu đánh cá Khánh Hòa vào trong khu bảo tồn, lập tức tín hiệu cảnh báo phát đi, họ trình báo biên phòng và lao thúng ra biển truy đuổi. "Không ai được phép xâm phạm vùng biển của cộng đồng, nơi chúng tôi giữ gìn" - anh Bùi Viễn, thành viên đội lái xe, chia sẻ.

"Vì Lý Sơn phát triển bền vững"

ly son 3

Trang Facebook “Vì Lý Sơn phát triển bền vững” đã được người trẻ Lý Sơn và cả du khách hưởng ứng để làm sạch đảo - Ảnh: TR.MAI

Bốn năm trước, những con đường ven biển Lý Sơn ngập ngụa trong rác thải. Từ chai nhựa, lọ thủy tinh đến túi nilông... Chính quyền đau đầu tìm cách giải quyết, còn du khách thì ngán ngẩm. Nhưng giờ rác thải ít dần theo thời gian. Chỉ cần vào trang Facebook "Vì Lý Sơn phát triển bền vững" sẽ hiểu vì sao.

Những lời kêu gọi dọn rác thải thường trực xuất hiện mỗi tuần. Chẳng ai bảo ai, mỗi khi đọc thấy thanh niên trên đảo liền chủ động ra bờ biển dọn rác. Mỗi khi có rác là có hình ảnh trên Facebook.

Mới đây, khi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chuẩn bị tổ chức thì khu vực biển trước đình làng An Vĩnh (nơi tổ chức lễ) ngập trong rác. Hình ảnh túi nilông, chai nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt biển được chụp lại gửi lên trang Facebook Lý Sơn. Ngay sau đó, thanh niên với sự hỗ trợ của du khách ra tay dọn sạch.

Kỳ tới: "Củ tỏi Lý Sơn"

Những người trẻ của đảo Lý Sơn - Kỳ 1: Chàng kỹ sư đi bán cá

TTO - 5 năm qua, đảo Lý Sơn đón nhận một làn sóng những người trẻ từng rời đảo mưu sinh ở các thành phố lớn trở về. Họ mang về đảo kiến thức và nhận thức mới mẻ để góp phần phát triển đảo với sức trẻ của mình...

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp