23/12/2018 10:36 GMT+7

Những người thầy vượt khó gieo chữ

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Trong 153 tác phẩm tham gia dự thi thể loại phóng sự tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 (vừa bế mạc vào tối 22-12 tại Đà Lạt), có khá nhiều phóng sự về thầy cô giáo. Trong đó có hai phóng sự đoạt huy chương vàng.

Những người thầy vượt khó gieo chữ - Ảnh 1.

Các thầy giáo ở Yên Bái trên đường cõng lương thực cho học trò trong phóng sự Đường của thầy - Ảnh: YTV

Giữa những chuyện buồn gây ngao ngán trong xã hội về môi trường giáo dục, ở nhiều góc núi, bản làng vẫn còn đó hình ảnh những người thầy vượt khó khăn để gieo chữ cho học trò.

Cõng lương thực đến trường

Không chỉ nhiệt tình gieo con chữ, có những người thầy phải làm thêm nhiệm vụ mới là gùi những bao hàng lương thực - thực phẩm trĩu nặng mang đến trường để các học sinh nội trú có cái ăn. Đó cũng là câu chuyện được truyền tải trong phóng sự Đường của thầy do Đài Phát thanh và truyền hình Yên Bái thực hiện.

Cơn bão số 3 năm 2018 ập đến Yên Bái đúng thời điểm gần vào năm học mới. Sự tàn phá của cơn bão hết sức khủng khiếp, tuyến đường vào xã An Lương, huyện Văn Chấn sình lầy, nhiều đoạn bị đứt gãy vô cùng nguy hiểm. 

Và trên đoạn đường dài 17km vừa chạy xe vừa đi bộ, người thầy với quần áo lấm lem bùn đất cõng những gùi hàng 30kg (gồm mì gói, muối, bột ngọt...) cứ lầm lũi mang thực phẩm đến với các em.

12 thầy giáo thay nhau gùi mỗi ngày hai chuyến hàng. Liên tục trong 10 ngày, các thầy vận chuyển 2,7 tấn lương thực đến trường. Thầy Nguyễn Quang Diên - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương, huyện Văn Chấn - chia sẻ một cách giản dị: "Đó là cái nghiệp và cái duyên, chúng tôi đã chọn nghề giáo thì cống hiến cho nghề mình đã chọn".

Cũng sau trận bão ở Yên Bái, trên đường đến các gia đình thăm hỏi động viên các em đi học, cô Đinh Thị Chung (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương, huyện Văn Chấn) đã bị té dẫn đến sẩy thai. Dù buồn, dù đối diện khó khăn nhưng các thầy cô vẫn bám trường bằng trách nhiệm và tình yêu thế hệ trẻ...

Những hình ảnh đẹp sẽ được lan tỏa

Còn trong phóng sự Người thầy của Đài Truyền hình TP.HCM, thầy Phạm Đông Phương - giáo viên vật lý Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11 - lại cho thấy nghị lực của một người thầy vượt qua khó khăn, đau ốm để luôn tận tụy với nghề.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, sau khi trải qua nhiều nghề như đạp xích lô, phụ hồ, phụ bán quần áo..., thầy Phương quyết tâm thực hiện ước mơ thời còn trẻ của mình, thi đỗ vào khoa vật lý Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM khi đã 34 tuổi. Bước vào nghề dạy khi tuổi đã 40, đang nhiệt tình hăng say với công việc thì không may thầy bị ung thư gan. Chịu nhiều đau đớn, thầy vẫn cố gắng bám trụ với nghề...

Nhà báo Trần Thị Huyền - trưởng phòng Thời sự Đài PT-TH Nghệ An, thành viên ban giám khảo thể loại phóng sự - nhận định: "Trong liên hoan năm nay, các phóng sự dự thi nghiêng về ba xu hướng: phóng sự điều tra có tính chiến đấu, phóng sự đề cập đến những bất cập trong các vấn đề chủ trương chính sách của Nhà nước và những phóng sự về người tốt việc tốt, trong đó hình ảnh người thầy khá xúc động. Tất nhiên trong thời gian vừa qua xảy ra một số việc làm xấu đi hình ảnh người thầy nhưng vẫn còn có rất nhiều thầy cô giáo khắp mọi nơi trong cả nước luôn tâm huyết và yêu nghề... Những hình ảnh đẹp ấy sẽ được lan tỏa".

Phóng sự của báo Tuổi Trẻ đoạt huy chương bạc

Rác thế giới đổ bộ vào Việt Nam, phóng sự khá kỳ công do nhóm phóng viên Vân Trường - Lê Nam - Vy Chiến - Mai Huyền của báo Tuổi Trẻ thực hiện đoạt huy chương bạc. Các phóng viên Tuổi Trẻ đã lần theo đường dây nhập rác, đến Hàn Quốc, Singapore để ghi nhận một thực trạng đáng báo động.

Theo ban giám khảo, các phóng sự điều tra luôn là thế mạnh của các đài truyền hình. Trong liên hoan đã có nhiều tác phẩm có đề tài mang tính phát hiện, thể hiện sự dấn thân của các nhà báo.

Cụ thể như phóng sự Phức tạp hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên; phóng sự Lựa chọn nghiệt ngã điều tra công phu về nạn buôn bán thận trái phép, phóng sự Tour du lịch 0 đồng lật tẩy chiêu trò kinh doanh gây sốc của các doanh nghiệp... Các tác phẩm này đều của Đài Truyền hình Việt Nam và đã đoạt huy chương vàng.

H.LÊ - M.VINH

Phim truyện kịch bản nước ngoài đại thắng

30 giải vàng, 56 giải bạc và 128 bằng khen đã được trao cho các tác phẩm dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38.

Bên cạnh đó, ban tổ chức còn trao thêm 3 giải cá nhân cho đạo diễn, diễn viên xuất sắc trong phim truyện: Đạo diễn hình ảnh xuất sắc (Dương Tuấn Anh, phim Ngày ấy mình đã yêu), Nữ diễn viên chính xuất sắc (Lê Phương, phim Gạo nếp gạo tẻ phần 1), Nam diễn viên chính xuất sắc (Nhan Phúc Vinh, phim Ngày ấy mình đã yêu).

Lần đầu tiên phim làm lại từ kịch bản nước ngoài được tham dự liên hoan truyền hình toàn quốc. Và cả hai bộ phim Ngày ấy mình đã yêuGạo nếp gạo tẻ đều đoạt huy chương vàng. Đây là kết quả không nằm ngoài dự đoán của nhiều người bởi hai bộ phim này được nhà làm phim đầu tư nghiêm túc, chỉn chu và được nhiều khán giả yêu thích.

Lê Phương, Nhan Phúc Vinh ẵm giải nhờ Gạo nếp gạo tẻ và Ngày ấy mình đã yêu

TTO - Sau khi đoạt giải nữ, nam xuất sắc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38, diễn viên Lê Phương và Nhan Phúc Vinh không giấu sự vui mừng khi chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp