26/09/2013 03:10 GMT+7

Những người thầy của trẻ em nghèo

NGỌC TRƯỜNG
NGỌC TRƯỜNG

TT - Lớp học đặc biệt dành cho trẻ nhập cư khu phố Long Bửu, P.Long Bình (Q.9, TP.HCM) học lúc 6g chiều hằng ngày.

mKo9D3AX.jpgPhóng to
Cô Ngọc Linh kiên nhẫn rèn chữ cho từng học trò - Ảnh: N.Trường

Hơn ba năm qua, đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, lớp học vẫn đến hẹn sáng đèn với chừng 30 học sinh và... bảy thầy cô.

Người thầy đầu tiên

Anh Trần Lâm Thắng là người thầy đầu tiên của các em. “Mình làm bảo vệ khu phố, mỗi lần mấy đứa nhỏ đánh nhau người dân lại kêu mình xuống. Bảo các em viết tường trình sự việc, không em nào biết chữ để viết, thấy mà thương các em quá. Vậy là vận động Đoàn phường thành lập lớp học để dạy chữ cho các em” - anh Thắng kể.

Phần lớn học sinh của lớp là con em gia đình nhập cư từ các tỉnh lên TP kiếm sống. Các em bỏ học từ sớm hay chưa từng đến trường do cuộc sống nay đây mai đó của cha mẹ. Ban ngày đôi khi chính các em phụ cha mẹ bán báo, bán vé số... để kiếm thêm thu nhập.

Những ngày đầu, anh Thắng phải xuống tận nhà các em nhiều lần, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Lớp mở ra năm 2010, có hơn 30 học sinh. Anh Thắng làm việc ở Đồng Nai, chiều tan việc đã 17g, phải vội vã chạy về để kịp giờ dạy. “Đôi lúc cũng đuối, nhưng lên nghe các em líu lo hỏi cái này cái kia thì quên mệt luôn” - anh Thắng cười.

Dần dà các thầy cô tình nguyện cũng đông hơn, các buổi dạy của anh Thắng cũng thưa lại. Nhưng “có những buổi không dạy vẫn quen chân ghé qua lớp thăm các em” - anh tâm sự.

“Giúp các em một chút...”

Phạm Ngọc Linh - sinh viên năm thứ nhất Trường cao đẳng Nghề TP.HCM, đã gắn bó với lớp học nhập cư từ khi còn học lớp 10. Linh dạy lớp 1, hôm nào cũng mất cả giờ đồng hồ để dạy cho các em một chữ mới. “Đa số các em học chậm môn tiếng Việt. Đôi khi mới dạy hôm trước, hôm sau đến lớp các em đã không nhận ra mặt chữ. Nhưng các em chịu học, ít khi nghỉ học buổi nào” - Linh nhận xét. Gần ba năm gắn bó với lớp, niềm vui của Linh là thấy những học trò của mình biết đọc, biết viết. “Tuổi còn nhỏ nhưng các em đã phải cực khổ đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Mình chỉ muốn giúp các em một chút để các em sau này hiểu biết hơn, đỡ vất vả hơn” - Linh tâm sự.

Còn Phạm Nguyễn Xây Dựng - sinh viên năm thứ hai Trường cao đẳng Xây dựng, mới trở thành thầy giáo lớp 2 của các em sáu tháng nay. Ngoài giờ dạy, Xây Dựng còn tranh thủ biểu diễn các trò ảo thuật nho nhỏ cho các em xem. Những tiết mục như rút đúng quân bài bị giấu hay đâm bút xuyên giấy bạc không bị rách... làm cả lớp háo hức thưởng thức...

Thầy của các em còn là Trần Anh Tú - sinh viên Trường đại học SPKT, bày cho các em tập vẽ hình cún con, thỏ con, gấu con... Hay Nguyễn Anh Sơn - sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, dạy lớp 3 đã gần hai năm nay.

Có những ngày mưa học trò đến lớp 1-2 em, lớp học có nhiều thầy cô hơn trò. Cũng có những ngày lớp chỉ có một thầy vất vả với mấy chục học trò. Lúc này lúc khác, nhưng các thầy cô của lớp đều tự nhủ sẽ giữ lớp để các em có cơ hội được học tập. Còn phần thưởng của công việc, như Anh Sơn nói: “Nghe các em gọi một tiếng “thầy ơi” là đã vui lắm rồi”.

NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp