27/09/2013 02:32 GMT+7

Những người thầm lặng bên lề đường piste

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG
TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG

TT - Dù tiền công không bao nhiêu cho một ngày dầm mưa dãi nắng với trách nhiệm nặng nề nhưng những trọng tài điền kinh vẫn lặng lẽ gắn bó với các giải đấu.

Tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2013 vừa kết thúc trên sân Thống Nhất, cứ sau mỗi đợt thi đấu, trọng tài Đặng Thanh Hải phải tranh thủ dùng điện thoại điều phối công việc ở Trung tâm TDTT quận 4, nơi ông làm trưởng bộ môn điền kinh.

Có tấm bằng trọng tài điền kinh quốc tế nên ông Hải nhiều lần được mời đi nước ngoài làm việc. Dù vậy nghề trọng tài điền kinh đối với người đàn ông 49 tuổi này chỉ để “cho vui” chứ chưa được xem là nghề tay trái.

Ông Hải cho biết: “Sau khi giã từ thi đấu (ông Hải từng đoạt HCV toàn quốc môn đi bộ 10km), tôi học làm trọng tài để tiếp tục được sống trong bầu không khí điền kinh sôi động. Dù phải học nhiều khóa của Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) mới lấy được bằng trọng tài quốc tế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Tại VN, chẳng ai sống được bằng nghề này cả”. Thật vậy, thù lao cho một ngày làm việc từ sáng đến chiều tại giải vô địch quốc gia của ông Hải chỉ vỏn vẹn 150.000 đồng. Và mỗi năm, VN cũng chỉ có khoảng ba giải điền kinh toàn quốc.

Theo ông Hải, trọng tài điền kinh cũng phải “tinh nghề” để nhìn ra tiểu xảo của VĐV trong thi đấu như chen lấn, đánh chỏ... Nhưng căng nhất chính là việc xác định thành tích ở những cự ly nước rút. Hiện nay, camera đã gánh phần việc quan trọng này nhưng từ năm 2003 trở về trước, việc phân định phải nhờ vào mắt của trọng tài là chính. Ông Hải kể: “Dù căng mắt ở mức đến nhưng nhiều lần chúng tôi cũng không thể phân định được thắng thua ở cự ly 100m nam nên phải trao đồng hạng nhất cho các VĐV”.

Trên sân Thống Nhất, trọng tài Đinh Văn Phúc gây ấn tượng với mái đầu đã bạc trắng. 70 tuổi, 45 năm làm trong ngành điền kinh (từng là HLV nhảy sào), có lẽ ông là trọng tài điền kinh cao tuổi nhất ở TP.HCM. Hiện nay, không chỉ làm nhiệm vụ đào tạo VĐV trẻ ở sân Thống Nhất, ông kiêm luôn cả công việc trọng tài, thậm chí là của cả... bảo vệ mỗi khi các giải đấu diễn ra. Các HLV, VĐV điền kinh TP.HCM mỗi khi nhắc đến ông Phúc đều nhắc đến lòng nhiệt huyết của ông - người không hề quản ngại mang vác các thiết bị nặng nề tại những giải đấu mà ông xem như máu thịt của mình.

Đó còn là trọng tài Trần Văn Đạo. Về hưu đã bảy năm sau hơn 30 năm đứng trên bục giảng của Đại học TDTT TP.HCM, nhưng ông Đạo vẫn gắn chặt với nghiệp giám sát đường piste ở các giải điền kinh. Ông đi làm không phải vì tiền mà vì đam mê và cả xem đó như một trách nhiệm với các học trò của mình.

Nói về chuyện nghề, ông Hải chia sẻ: “Điền kinh ở VN không lôi cuốn khán giả nên không có nhà tài trợ. Vì vậy, việc thu nhập của chúng tôi thấp cũng là chuyện đương nhiên. Chỉ mong sao tương lai có nhiều khán giả đến xem giải để tôi lại được sống trong bầu không khí sôi động thuở nào của điền kinh”.

Với các trọng tài điền kinh, việc đông khán giả cũng đồng nghĩa với việc càng nhiều sức ép và dễ có sai sót hơn. Nhưng họ vẫn mơ ước điều đó xảy ra bởi chỉ có vậy mới đủ để “trả công” cho nhiệt huyết và niềm đam mê lặng thầm của họ bên lề đường pitch.

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp