14/12/2017 08:41 GMT+7

Những người rất trẻ biến phòng thiết kế đạn - ngòi thành 'ngôi sao'

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Thành viên trẻ nhất của Phòng thiết kế đạn - ngòi của Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) sinh năm 1992.

Những người rất trẻ biến phòng thiết kế đạn - ngòi thành ngôi sao - Ảnh 1.

Kỹ sư của Phòng thiết kế đạn - ngòi thảo luận phương án cho một loại vũ khí lần đầu do Việt Nam sản xuất - Ảnh: MY LĂNG

Ở Viện Vũ khí, Phòng thiết kế đạn - ngòi như một "ngôi sao", khi luôn là lá cờ đầu của đơn vị. Năm 2007, Viện Vũ khí được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, thì trước đó bảy năm, Phòng thiết kế đạn - ngòi đã vinh dự nhận được danh hiệu này.

Nghiên cứu vũ khí luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nhưng niềm tự hào nghề nghiệp đã kích thích tình yêu công việc, giúp chúng tôi quên đi những mệt mỏi, áp lực

Trung tá NGUYỄN THANH TÙNG

"Ngôi sao" của Viện Vũ khí

Tại Viện Vũ khí, Phòng thiết kế đạn - ngòi là nơi nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới để thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại đạn súng bộ binh, các loại đạn pháo, đạn cối, đạn phản lực, phương tiện phóng và các sản phẩm đồng bộ, phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu của Viện Vũ khí và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Nơi làm việc của các kỹ sư, nhà khoa học quân sự trẻ trong Phòng thiết kế đạn - ngòi trên một tòa nhà cao, vách bằng kính cường lực, có tầm nhìn thoáng ra thành phố. Ấn tượng hơn cả là ở nơi tập trung chất xám này, đa số kỹ sư là những người trẻ và rất trẻ.

Thành viên trẻ nhất sinh năm 1992. Đại úy, thạc sĩ Trần Hoàng Minh, chủ nhiệm đề tài súng cối 82mm mẫu mới, sinh năm 1984, là một trong những chủ nhiệm đề tài trẻ nhất của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Khá nhiều cán bộ, kỹ sư của phòng từng được đào tạo ở nước ngoài.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng (phó Phòng thiết kế đạn - ngòi) cho biết ngoài ba nghiên cứu sinh trong nước, phòng có một tiến sĩ sinh năm 1981 vừa học ở Nga về, một thạc sĩ trẻ nhất phòng được đào tạo ở CH Czech vừa về, một kỹ sư trẻ sinh năm 1983 mới đi Nga làm nghiên cứu sinh...

Trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, có trình độ và niềm đam mê lớn với lĩnh vực vũ khí, từ năm 2005 - 2016 các nhà khoa học, kỹ sư của Phòng thiết kế đạn - ngòi đã thực hiện 37 đề tài và nhiệm vụ các cấp, trong đó có một đề tài cấp Nhà nước; 16 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng; 16 đề tài cấp Tổng cục Công nghiệp quốc phòng... 

Đến nay, đã có ba loại đạn pháo chiến dịch và một số loại đạn phục vụ huấn luyện được sản xuất để trang bị cho quân đội. 

Phòng thiết kế đạn - ngòi đã tổ chức nhiều cuộc thử nghiệm cho nghiên cứu và đảm bảo sản xuất với các mức độ phức tạp và khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm. 

Đây cũng là đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất quốc phòng của Viện Vũ khí cho các nhà máy quốc phòng.

Không gì bằng tự chủ

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng nói: "Chương trình cải tiến hiện đại hóa các loại vũ khí bộ binh giai đoạn 1 có 10 đề tài triển khai thì riêng phòng đạn của Viện Vũ khí đã thực hiện bốn đề tài: đạn cối 82mm mẫu mới, đạn 30mm của hải quân, tổ hợp vũ khí chống tăng SCT7 với kính ngắm ngày đêm; chế tạo hệ vũ khí SCT29 gồm súng SCT29, đạn chống tăng, chống giáp phản ứng nổ DCT29 và đồng bộ kính ngắm ngày đêm".

Vừa là phó trưởng phòng đạn, trung tá Nguyễn Thanh Tùng còn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo hệ vũ khí SCT29 gồm súng SCT29, đạn chống tăng, chống giáp phản ứng nổ DCT29.

Giáp phản ứng nổ được ví như chiếc áo bảo vệ xe tăng tránh bị tiêu diệt bởi các loại đạn chống tăng. Trong tác chiến, khi đối phương sử dụng xe tăng có giáp phản ứng nổ, cần phải có các loại đạn đủ sức mạnh xuyên giáp, triệt tiêu sức sống của xe tăng. Và nhiệm vụ của phòng đạn là nghiên cứu ra loại đạn này.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng cho hay trong tác chiến hiện đại, xe tăng được trang bị giáp phản ứng nổ và đạn chống tăng thông thường không bắn được giáp này. Đây là loại đạn mới, trong nước chưa từng sản xuất, nhất là bộ ngòi đạn và đạn có chiều sâu xuyên lớn. 

Súng một nửa là composit, một nửa là kim loại, trong nước chưa từng làm. 

Vật liệu để chế tạo tìm cũng rất gian nan. Có những vật liệu trong nước không có, nhóm mày mò tìm các vật liệu thay thế mà vẫn phải đảm bảo tính năng như sản phẩm của nước ngoài. Thêm nữa, công nghệ chế tạo hiện nay của Việt Nam là công nghệ chế tạo truyền thống nhưng loại đạn này có một số chi tiết yêu cầu công nghệ chế tạo hiện đại, cao cấp hơn.

"Đến khi thử nghiệm để đánh giá sản phẩm cũng không hề dễ dàng. Vì Việt Nam chưa từng sản xuất loại đạn này nên chưa có chuẩn để đánh giá. Chúng tôi phải xây dựng những điều kiện thử nghiệm. Chúng ta không thể cứ mang tiền đi mua mãi, phải dần dần làm chủ. Không gì bằng tự chủ" - trung tá Nguyễn Thanh Tùng nói.

1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam

Nhóm thực hiện đề tài có bốn người: ba người thế hệ 7X và một kỹ sư trẻ sinh năm 1990.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng kể: "Có thời điểm nhóm không biết phải làm gì. Vì lúc bắn thử thì được nhưng khi bắn báo cáo hội đồng thì... tịt. Cái này là do độ ổn định của bộ ngòi chưa đạt.

Lúc đó anh em liều, ra nhặt viên đạn mang về tìm hiểu tại sao, bất chấp tình huống đạn nổ bất cứ lúc nào! Làm vũ khí đã xác định là nguy hiểm. Nhưng cứ sợ thì không ai dám làm".

Sau khi vượt qua các thử thách ngay cả đến khâu thử nghiệm đạn cũng không đơn giản. Sau 30 cuộc thử bắn xuyên động (có giáp phản ứng nổ) và hàng trăm cuộc bắn thử nghiệm, cuối cùng sau ba năm, sự kiên trì của nhóm đã được đền đáp.

Hệ vũ khí SCT29 gồm súng SCT29, đạn chống tăng, chống giáp phản ứng nổ DCT29 là loại vũ khí chống tăng hiện đại đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Loại đạn này từng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp