04/05/2016 12:30 GMT+7

Những người rà phá bom mìn - Kỳ 4: Những trái bom khủng

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TTO - Hành trình những trái bom khủng nằm trong lòng đất được khai quật và đưa về xử lý công phu ngoài sức tưởng tượng.

Xử lý vất vả trái bom ở đèo Hải Vân (Đà Nẵng) 
- Ảnh: Thanh Trung
Xử lý vất vả trái bom ở đèo Hải Vân (Đà Nẵng) - Ảnh: Thanh Trung

Kỹ thuật dùng chất nổ đánh rách vỏ trái bom để lấy thuốc bom ra ngoài không phải ai cũng làm được. Ăn ở, thao thức cùng bom là việc của người lính và cũng nhờ những trái bom mà họ tìm thấy người bạn đời.

Năm đó tôi đã 34 tuổi, suốt ngày sống rừng này qua suối nọ. Ngày đêm đối diện toàn bom đạn mìn bẫy. Không có một mảnh tình rách vác vai. Đứng trước Hiền, tôi mới thấy chuyện tán tỉnh phụ nữ còn khó hơn chuyện gỡ bom

Trung tá MAI VĂN LẬP

Canh bom bốn tháng, chờ xử lý

Trước trụ sở của Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường (Quân khu 5, TP Đà Nẵng) có sáu quả bom thuộc hàng khủng nhất được thu gom, sơn sửa, đánh bóng và dựng đứng trưng bày ở tiền sảnh. Có quả bom cao quá đầu người, to đến hai người ôm không xuể, nặng 13.000 pound Anh (gần 5,9 tấn).

Trung tá Mai Văn Lập, phó giám đốc trung tâm, nói trong chiến tranh Việt Nam nhiều loại bom khủng đã được Mỹ thả xuống. Năm 2006, Bộ Tư lệnh công binh khi rà phá bom mìn tại An Lão (Bình Định) đã phát hiện một quả bom nặng 13.000 pound, mang trong mình từ 3-4 tấn thuốc.

Còn loại bom nặng từ 250 - 3.000 pound Anh (150 - 1.400kg) được tìm thấy và xử lý khá nhiều.

“Những loại bom này có sức tàn phá khủng khiếp, còn gọi là bom phát quang. Nó có thể phá hủy các công trình, rừng núi trên một diện tích rộng với đường kính từ 1-4km. Chỉ cần 10 quả bom như thế này có thể san bằng một thành phố” - trung tá Lập nói.

Ông Lập và đồng đội nhớ như in và đau đầu hàng tháng trời khi các đơn vị thi công thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) năm 2010 phát hiện hai quả bom loại này, rất to nhưng chưa biết loại bom gì, sử dụng loại ngòi nổ nào, làm sao xử lý.

Các chiến sĩ công binh thay nhau chia ca ngày đêm canh giữ quả bom đến bốn tháng trời. Sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu, ban giám đốc trung tâm quyết định xử lý theo công nghệ mới vô cùng tốn kém.

Ông Lập không cho biết công nghệ mới của việc tháo bom này là gì, ông chỉ tiết lộ nếu như trước đây tháo bom bằng cách cưa, dùng thuốc nổ đánh rách vỏ thì nay chỉ dùng cát và nước. Cát và nước được đưa vào trong hai đường ống, trái bom đặt cách xa khoảng 1km so với nơi người xử lý, và các công đoạn xử lý này đều qua camera điều khiển từ xa.

Quả bom phát nổ khi có nhiệt hoặc bị tác động ngoại lực mạnh thì nay hai yếu tố đó bị triệt tiêu bởi nước xịt bằng áp lực và cát bắn vào vỏ thép của quả bom làm chúng bị bào mòn và quả bom dù nguy hiểm cỡ nào cũng tháo ra an toàn gần như 100%.

“Công nghệ mới này chỉ có ở các nước tiên tiến. Cát đặc chủng này phải nhập khẩu” - ông Lập nói với giọng đầy bí ẩn.

Ông Lập kể trong chiến tranh trước đây, ta lấy thuốc nổ trong bom để chế tạo vũ khí đánh giặc bằng cách cưa bom và hiện người dân cũng hay làm vậy, nhưng ít ai hiểu rằng trong quả bom có rất nhiều ngòi nổ phụ chạm đến là bom sẽ nổ.

Ngoài ra, những quả bom chứa đầy thuốc chỉ cần bén tia lửa từ lưỡi cưa bom cũng sẽ phát nổ. Và nhiều vụ nổ thương tâm đã xảy ra là vậy.

Riêng với công binh trước kia, có lúc, có thời điểm, điều kiện hoàn cảnh cũng phải dùng cưa để cắt nhưng được tính toán khoa học, đặt lưỡi cưa cắt ở vị trí an toàn.

“Nói thật là khi làm không thấy sợ, nhưng khi nghĩ lại thấy công binh mình liều thật” - ông Lập chia sẻ.

Việc tháo bom, xác suất nổ từ 1-3%. Việc phải dùng thuốc nổ để “đánh rách” bom, lấy thuốc ra ngoài vô cùng tỉ mỉ. Việc tính toán một lượng thuốc nổ sao cho vừa đủ để đánh rách vỏ trái bom mà không làm quả bom phát nổ là bài toán hóc búa chỉ dành cho những sĩ quan công binh có kinh nghiệm.

“Khó nhất là phá bom có chứa phốt pho. Những quả bom mang đầy phốt pho trong mình lỡ chạm nhiệt sẽ phát nổ” - trung tá Lập cho biết.

Một quả bom lớn được các chiến sĩ công binh đưa lên xe vận chuyển đến nơi xử lý - Ảnh: Thanh Trung
Một quả bom lớn được các chiến sĩ công binh đưa lên xe vận chuyển đến nơi xử lý - Ảnh: Thanh Trung

Giải cứu... bom trên đèo Hải Vân

Năm 2015, một quả bom rất lớn được người dân phát hiện ngay trên một mỏm đá cheo leo ở đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận TP Đà Nẵng. Các đầu nổ phụ đều đã lòi ra ngoài, chỉ cần quả bom chạm nhẹ vào vách đá lập tức sẽ có thảm họa.

Cái khó nhất của quả bom là nằm ở vị trí hiểm trở, rất khó vận chuyển đi nơi khác để hủy, cũng không thể vận chuyển các trang thiết bị từ dưới lên để xử lý an toàn.

Nếu hủy bom tại chỗ sẽ ảnh hưởng đến hầm Hải Vân và tạm dừng giao thông trên quốc lộ 1. Các phương tiện vận chuyển, máy cẩu hay tời quay đều không thể vận dụng ở địa hình hiểm trở núi Hải Vân.

Ông Lập đang công tác ở Tây nguyên được điều động về ngay trong đêm để nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo xử lý. Sau khi khảo sát, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Lập cho công binh đi đào đất, nhồi đất với nước thành một thứ đất bùn sền sệt như đất đúc gạch hay làm gốm.

Thứ đất sền sệt này bện cùng quần áo cũ và bao tời quấn chặt vào hai đầu của quả bom để bảo vệ ngòi nổ an toàn.

Bom được buộc kỹ, dùng những sợi dây thừng, những khúc cây làm đòn lăn, bao cát làm hòn kê, sau gần một ngày đêm ròng rã, các chiến sĩ công binh của trung tâm vận chuyển thành công trái bom trên từ độ cao hơn 300m xuống lề đường để xử lý.

Tốt nghiệp sĩ quan công binh năm 1998, có hơn 17 năm rà phá bom mìn, ông Lập kể rằng hơn 100 quả bom, hàng trăm tấn mìn, đạn pháo đã qua tay mình tháo gỡ và cũng nhờ bom mà ông cưới được vợ.

Năm 2006, con đường Azích-Lăng-A Xan (huyện Tây Giang, Quảng Nam) xây dựng, lúc đó ông còn công tác tại Lữ đoàn công binh 270 (Quân khu 5) được giao nhiệm vụ xử lý bom mìn ở đó.

Một người lính của ông đột ngột bị sốt rét hành hạ, bệnh ngày một nặng, đường trơn trượt, đi lại gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông phải huy động anh em thay nhau khiêng đồng đội mình ra thị trấn để tìm xe đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 17 Đà Nẵng.

Đêm đó bệnh viện ít bệnh nhân và vắng người. Sau khi người lính qua cơn nguy kịch thì một “cơn nguy kịch” khác lại đến với ông, lần này là cô y sĩ nhỏ nhắn Võ Thị Hiền của bệnh viện. Dù đã xử lý hàng trăm quả bom mìn không chút bối rối nhưng khi nhìn thấy cô y sĩ xinh xắn thì tay chân ông vụng về, miệng lưỡi cứng lại.

“Năm đó tôi đã 34 tuổi, suốt ngày sống rừng này qua suối nọ. Ngày đêm đối diện toàn bom đạn mìn bẫy. Không có một mảnh tình rách vác vai. Đứng trước Hiền, tôi mới thấy chuyện tán tỉnh phụ nữ còn khó hơn chuyện gỡ bom. Nếu đồng đội tôi không sốt rét thì có thể giờ này tôi vẫn chưa cưới được vợ.

Anh ấy nằm ở đó một tháng ra viện thì tháng sau tôi với y sĩ Hiền cưới nhau, hiện cô công tác điều dưỡng tại Bệnh viện Lao Đà Nẵng” - ông Lập nói.

___________

Kỳ tới: Hủy bom cùng đại sứ Mỹ

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp