Ông Mike Boehm với cây đàn vĩ cầm đã gắn bó 25 năm với Sơn Mỹ - Ảnh: TRẦN MAI
Suốt 25 năm qua, năm nào cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm cũng về Quảng Ngãi kéo vĩ cầm bên chân tượng đài tưởng niệm chứng tích Sơn Mỹ cầu siêu cho nạn nhân vụ thảm sát và gửi thông điệp tình yêu hòa bình. Ông và tiếng đàn của mình vẫn lặng lẽ làm cầu nối kêu gọi bạn bè quốc tế tình nguyện đến với Quảng Ngãi chung tay hàn gắn nỗi đau chiến tranh.
Ngoài ra, ông Mike còn lặng lẽ quyên góp, vận động tổng số tiền hàng tỉ đồng tạo điều kiện cho hàng ngàn phụ nữ vùng nông thôn, miền núi Quảng Ngãi vay vốn chăn nuôi, trồng trọt; xây tặng hàng trăm nhà tình thương tặng phụ nữ nghèo.
Ông cũng quyên góp xây nhà tình thương tặng nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh và thanh thiếu niên nghèo ở Quảng Ngãi.
Ông vừa được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng kỷ niệm chương sau thời gian dài làm bạn với Sơn Mỹ.
Cựu binh Mỹ Kelly trao 504 đóa hoa hồng gửi đến những thường dân vô tội chết trong vụ thảm sát - Ảnh: TRẦN MAI
Gần 15 năm qua, vào ngày 16-3 hàng năm, cựu binh Mỹ Billy Kelly đều mang 504 đóa hồng đến nguyện cầu cho các thường dân vô tội trong vụ thảm sát được siêu thoát. Ông Kelly đã trở thành một người bạn thân thiết của người dân Sơn Mỹ. Mỗi lần đến đây, ông lại dùng xe đạp đi khắp làng Tư Cung để trò chuyện cùng người dân và sẻ chia những tổn thương tinh thần.
"Tôi đến chia buồn với các bạn. Tôi đã nhìn thấy cả thế giới đồng cảm, chia sẻ mất mát cùng các bạn trong nỗi đau này", Billy Kelly tâm tình.
Ronald Haeberle (phải) là người chụp toàn bộ những bức ảnh và cũng là nhân chứng tố cáo tội ác của lính Mỹ - Ảnh: TRẦN MAI
Ronald Haeberle là phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, là người đã chụp những bức ảnh của vụ thảm sát chấn động 50 năm về trước. Cũng chính ông đã đứng ra tố cáo tội ác, biến những người hùng của quân đội Mỹ thành những sát nhân không ghê tay. Ông trở thành nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra và kết tội những quân nhân Mỹ tham gia vụ thảm sát.
Mỗi lần Ronald đến Sơn Mỹ, ông lại nhận được những cái bắt tay thân tình của người dân nơi này. Kỷ niệm 50 năm, Ronald cùng với con và cháu mình trở lại vùng đất đau thương.
Khi trò chuyện với những chứng nhân còn sống sót, ông Ronald bảo: "Đó là tội ác man rợ và tôi muốn nói rằng, người Mỹ chúng tôi cũng yêu chuộng hòa bình. Chỉ có một vài người làm nên tội ác này thôi".
Bruno Cerignat (trái) đã ở lại và làm rể Sơn Mỹ - Ảnh: TRẦN MAI
Là một cựu binh người Pháp, Bruno Cerignat đã đi đến nhiều chiến trường ở Trung Đông. Chán ghét chiến tranh, Bruno bắt đầu thong dong ở nhiều nơi trên thế giới và khi đến Sơn Mỹ, chứng kiến được nỗi đau của người dân vùng đất này, Bruno đã quyết định chọn mảnh đất này để sinh sống.
Mỗi ngày, Bruno lại rong ruổi gặp những đứa trẻ Sơn Mỹ để dạy tiếng Anh miễn phí. Bây giờ Bruno cũng có một gia đình nhỏ và định cư ở đây.
Kỷ niệm 50 năm thảm sát Sơn Mỹ, Bruno là một trong những nhân vật trong phóng sự phát tại buổi lễ. Ông chia sẻ: "Tôi yêu mảnh đất này, tôi muốn làm gì đó cho trẻ em ở đây. Hi vọng người dân và bọn trẻ luôn yêu quý tôi".
Trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay, còn có rất nhiều người Mỹ yêu chuộng hòa bình đến dâng hoa cầu mong cho linh hồn của 504 thường dân an nghỉ. Tất cả đều có khuôn mặt buồn khi câu chuyện về Sơn Mỹ được kể lại tại buổi lễ, dù họ biết đó là phần nhắc nhớ, cầu mong cho một thế giới không còn xảy ra cảnh tượng tương tự.
Khuôn mặt xúc động của những người Mỹ yêu chuộng hòa bình đến dự lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát - Ảnh: TRẦN MAI
Ánh mắt buồn của một người Mỹ dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát - Ảnh: TRẦN MAI
Những du khách nước ngoài cầm trên tay đóa sen hồng cầu mong cho thế giới hòa bình - Ảnh: TRẦN MAI
Chứng nhân Đỗ Ba, người may mắn sống sót sau vụ thảm sát trong vòng tay yêu thương của những người bạn nước ngoài - Ảnh: TRẦN MAI
Cái nắm tay khép lại quá khứ - Ảnh: TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận