13/04/2019 16:32 GMT+7

Những người nhặt vàng tử tế: 'Vẫn đau đáu lo cho người mất'

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Không tìm được chủ nhân của hộp vàng trong bao lúa, được chia phần theo quy định pháp luật nhưng những người nhặt được vàng đã có những hành động đẹp đến bất ngờ.

Những người nhặt vàng tử tế: Vẫn đau đáu lo cho người mất  - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Thắng, chủ nhà máy xay xát, một trong 4 người đã phát hiện hộp vàng trong bao lúa - Ảnh: DUY THANH

Trưa 13-4, một ngày sau khi số vàng được Công an xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) xử lý theo quy định pháp luật, gặp lại chúng tôi, ông Lê Quang Thắng, 50 tuổi, chủ nhà máy xay xát gạo ở thôn Quảng Nghiệp, mới nở nụ cười thoải mái.

Vẫn còn đau đáu

Ông Thắng tâm sự: "Tôi vẫn còn đau đáu vì mong ước lớn nhất của chúng tôi không thành, đó là tìm ra chủ nhân thật sự của số vàng để trả lại".

Hơn 1 năm trước, vào một ngày đầu tháng 1-2018, trong lúc đổ các bao lúa đã mua của nông dân khắp nơi để xay xát, ông Thắng cùng 3 nhân công là ông Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi) và các bà Bùi Thị Thu Hằng (31 tuổi), Nguyễn Thị Thảo (43 tuổi) phát hiện chiếc hộp lạ lẫn trong một bao lúa.

Ban đầu tưởng là người bán lúa bỏ vật lạ vào để làm nặng bao lúa. Nhưng khi mở nắp hộp, cả chủ nhà máy lẫn ba người làm công nghèo khó ngỡ ngàng khi thấy một chiếc còng và hàng chục nhẫn vàng.

"Tụi tôi ban đầu cũng không tin đó là vàng thật, tưởng người ta giỡn. Nhưng coi kỹ lại trên từng chiếc nhẫn đều có khắc dấu hiệu vàng, ghi rõ trọng lượng, chắc chắn đó là vàng thật" - bà Hằng nói.

Lúc đó, cũng có người đề nghị nên "đóng cửa chia nhau" nhưng ông Thắng bàn với cả 3 người làm công nên giữ nguyên để tìm người mất trả lại và tất cả đều "thống nhất cao".

"Chúng tôi ai cũng là nông dân. Vàng này chắc chắn là của nông dân vì để trong bao lúa. Mà nông dân thì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm sống, lo cho con ăn học. Dành dụm được gần 3 lượng vàng thế này có khi là cả đời người nông dân, người mất hẳn sẽ rất đau khổ" - ông Thắng bộc bạch.

Vậy là ngay ngày hôm sau, ông Thắng bận việc nhà máy nên nhờ vợ đến Đài truyền thanh xã Phước Hưng, rồi đến báo Bình Định đăng tin "tìm người mất vàng".

Do công khai số điện thoại nên mỗi ngày ông Thắng nhận được cả trăm cuộc gọi từ khắp nơi hỏi thăm về số vàng đã mất. Họ gọi cả giờ nghỉ trưa, cả đêm đang ngủ nhưng ông Thắng vẫn nhẫn nại lắng nghe, hỏi han kỹ lưỡng mong tìm chính xác người mất của. 

Thậm chí có không ít dư luận còn xầm xì đây là việc làm "đánh bóng tên tuổi" của chủ nhà máy xay xát.

Suốt mấy tháng như thế, những người tìm thấy vàng vẫn không tìm được chủ nhân đã đánh mất số vàng. Do vậy, ngày 15-3-2018, những người nhặt được vàng đã quyết định bàn giao số vàng này cho Công an xã Phước Hưng, thông báo tìm người mất tài sản để trả lại theo luật định.

Nhân lên nhiều câu chuyện đẹp

Ông Nguyễn Thành Nhân - trưởng Công an xã Phước Hưng, một trong những người đầu tiên đại diện cơ quan chức năng đến nhà máy xay xát của ông Thắng để xem số vàng nhặt được sau khi dư luận râm ran, nói: "khi thấy số vàng và biết hành động của những người nhặt được, tôi vô cùng cảm kích".

Những người nhặt vàng tử tế: Vẫn đau đáu lo cho người mất  - Ảnh 2.

Ông Thắng và những người làm công bàn giao vàng cho Công an xã Phước Hưng truy tìm người mất để trả lại - Ảnh: DUY THANH

"Ngoại trừ ông Thắng, cả ba người làm công đều có gia cảnh khó khăn nhưng họ không tham của người khác đánh rơi dù giá trị khá lớn, mà thống nhất tìm người mất để trả lại. Chỉ có những người có tấm lòng nhân ái, sống đẹp mới hành động như thế" - ông Nhân nhận xét.

Hành động đẹp ấy càng được nhân lên khi ngày 12-4 vừa rồi, sau hơn 1 năm thông báo tìm người mất mà không tìm được, chính quyền xã Phước Hưng xử lý số vàng trong bao lúa theo luật định. 

Theo đó, 4 người tìm thấy vàng được chia gần 56 triệu đồng trong tổng số hơn 97 triệu đồng giá trị số vàng. 

Ông Thắng - chủ nhà máy xay xát nói rằng từ khi nhặt được số vàng trên, ông chỉ mong muốn tìm được người mất để trả lại, nay không tìm được thì ông xin không nhận phần của mình mà để cho 3 người làm công có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Thật bất ngờ, bà Hằng và bà Thảo cũng bày tỏ "hiến" số tiền mình được chia để làm việc công đức. 

Bà Thảo nói: "Toàn bộ số tiền hôm nay nhận được, tôi sẽ gửi hết vào chùa để chia sẻ cho những mảnh đời kém may mắn hơn".

Còn bà Hằng trải lòng rằng gia đình rất khó khăn, 3 con nhỏ đang ăn học, rất cần tiền để trang trải. Nhưng bà cho biết sẽ trích một phần tiền nhận được để gởi lên chùa làm công đức, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Ông Dương Minh Tân - chủ tịch UBND xã Phước Hưng nói rằng ông rất tự hào khi ở địa phương có những người sống đẹp như vậy.

"Hành động đẹp của chủ nhà máy xay xát và những người làm công chính là tấm gương "người thật, việc thật" về câu chuyện tử tế trong cuộc sống. Tôi tin từ câu chuyện nhặt vàng trong bao lúa, xã hội sẽ có thêm nhiều "câu chuyện cổ tích" đẹp đẽ như vậy" - ông Tân nói.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp