Chủ nhân giải thưởng chính, từ trái qua: GS Pieter Rutter Cullis, GS Katalin Kariko và GS Drew Weissman
Giáo sư (GS) Katalin Kariko là phó chủ tịch cấp cao của BioNTech, GS thỉnh giảng về phẫu thuật thần kinh tại ĐH Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà nổi tiếng nhất với những đóng góp đặt nền móng cho công nghệ mRNA để làm nên các loại vắc xin thế hệ mới do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất.
Trước giải thưởng VinFuture, bà đã được vinh danh với giải thưởng Princess of Asturias, giải thưởng Vilcek cho sự xuất sắc trong công nghệ sinh học, giải thưởng Breakthrough trong khoa học đời sống, giải thưởng Lewis S. Roenstiel cho công trình xuất sắc trong nghiên cứu y học cơ bản.
Hành trình đến với công nghệ mRNA của GS Katalin Kariko là câu chuyện của một người đã dành cả đời để theo đuổi nghiên cứu, bất chấp những thách thức, trở ngại cũng như thất bại. Đó là một hành trình của niềm đam mê, nghị lực và quyết tâm phi thường.
Bà là con gái một người bán thịt ở thị trấn nhỏ Kisujszallas, Hungary. Bà mơ ước trở thành một nhà khoa học. Năng lực và say mê nghiên cứu đưa bà cùng chồng và con đến Mỹ với tài sản duy nhất là một chiếc ôtô cũ.
Với niềm đam mê nghiên cứu, trong toàn bộ sự nghiệp, tiến sĩ Kariko tập trung vào ARN thông tin (mRNA), vật liệu di truyền mang chỉ thị ADN cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Bà tin chắc mRNA có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, bao gồm vắc xin. Nhưng trong nhiều năm liền, sự nghiệp của bà ở ĐH Pennsylvania rất bấp bênh. Kariko phải chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác. Ý tưởng về việc chèn đoạn RNA thông tin (mRNA) vào tế bào đã được bà cùng cộng sự đưa ra nhưng không nhận được sự quan tâm.
Vào lúc gặp khó khăn nhất trong công việc nghiên cứu, bị buộc phải rời khỏi ĐH Pennsylvania vì kết quả nghiên cứu không tốt, Kariko còn phải vượt qua những khó khăn lớn nhất của đời người khi bị chẩn đoán mắc ung thư.
Sau khi gặp được người đồng nghiệp có cùng hướng nghiên cứu là GS chuyên ngành miễn dịch học Drew Weissman tại Trường ĐH Pennsylvania, Kariko tiếp tục nghiên cứu về công nghệ mRNA. Khi đạt được những kết quả nghiên cứu khả quan, cả hai đã cùng đi kêu gọi tài trợ nhưng liên tiếp thất bại. Chỉ tới năm 2005, công nghệ mRNA mới được thừa nhận và đưa vào ứng dụng để sản xuất vắc xin.
Thực tế, công nghệ mRNA do bà và các cộng sự phát triển đã được ứng dụng nhiều trong y khoa, nhiều loại vắc xin phòng bệnh, chứ không chỉ vắc xin phòng chống COVID-19 nhưng đại dịch khiến mọi người biết nhiều đến công nghệ này qua hai loại vắc xin của Pfizer và Moderna.
GS Drew Weissman là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Ông hiện làm việc tại Trường Y thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Trong sự nghiệp của mình, ông đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về mRNA nhằm sản xuất vắc xin với một niềm tin lớn vào khả năng chữa bệnh dường như vô tận của mRNA tùy chỉnh. Cùng với GS Katalin Kariko, ông đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu những ứng dụng của công nghệ mRNA để nó trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vắc xin phòng chống COVID-19 dựa trên mRNA hiện đang được phát triển ở giai đoạn cuối.
GS Pieter R. Cullis là giám đốc Viện Khoa học sự sống, đồng thời là GS tại khoa hóa sinh và sinh học phân tử và trưởng nhóm nghiên cứu Nano Medicines tại ĐH British Columbia, Canada.
GS Cullis và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA). Công trình này góp phần tạo ra ba loại thuốc đã được các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu phê chuẩn để điều trị ung thư và các biến chứng liên quan.
Đặc biệt, GS Cullis đã tạo ra đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid cần thiết để bao bọc và bảo vệ mRNA hoạt động. Điều này đã mở ra một ngành khoa học mới và các phương pháp mới trong sản xuất vắc xin mRNA Covid-19 giúp cải thiện cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận