31/10/2023 13:36 GMT+7

Những người không biết chữ mà 'bắn' tiếng Anh ào ào

Lý Thị Cở, Thào Thị Tra... "bắn" tiếng Anh như gió. Đã hơn chục năm làm hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa, thế nhưng họ chỉ biết viết tên mình, nhận mặt chữ số và chưa từng được cắp sách tới trường.

Lý Thị Cở vui vẻ hướng dẫn du khách bằng tiếng Anh làu làu - Ảnh: V.TUẤN

Lý Thị Cở vui vẻ hướng dẫn du khách bằng tiếng Anh làu làu - Ảnh: V.TUẤN

Lý Thị Cở ở bản Sả Xéng (xã Trung Chải, Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đi làm nói tiếng Anh, về nhà nói tiếng Mông. Vốn tiếng Việt của cô chỉ đủ diễn tả vài việc lặt vặt. Tìm hiểu chuyện của Cở, tôi phải nhờ thêm người phiên dịch vì nhiều câu cô chỉ hiểu được bằng tiếng Mông và diễn đạt bằng tiếng Anh.

Hướng dẫn viên đặc biệt

Cở đi taxi đón hai vị khách Thụy Điển về Sả Xéng. Con đường cô chọn lần này không phải đường rải bê tông mà là đường mòn. Họ xuống xe bên quốc lộ 4, băng qua thung lũng hoa cải và những ngôi nhà mái phủ rêu ẩn hiện trong sương núi.

Họ đi bộ hơn ba tiếng đồng hồ, Cở kể với họ cả chục câu chuyện gặp trên đường đi. Từ chuyện người Mông ở Sa Pa vỡ sườn núi làm ruộng bậc thang, hết mùa lúa thì trồng cải. Chuyện những người phụ nữ bên đường luôn tay se những cuộn dây đay để dệt áo.

Chuyện đôi tay của người phụ nữ lớn tuổi ám màu thuốc nhuộm... Bố Cở là thầy cúng, mẹ cô biết lấy cây trên núi làm thuốc. Hai vị khách còn được nghe hàng trăm chuyện người Mông sống bên cạnh dãy Hoàng Liên Sơn cao chót vót.

Và những câu chuyện đó hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cô gái Mông đã có kinh nghiệm hơn 15 năm dẫn du khách ở Sa Pa. Ngày bé, cô cũng là đứa trẻ bán hàng rong khắp các con phố để nồi cơm không phải độn thêm mèn mén.

Không biết đọc tiếng Việt, nhưng Lý Thị Cở nói làu làu tiếng Anh để thuyết trình cho du khách nước ngoài hiểu về nghề đan thổ cẩm của đồng bào mình Ảnh VŨ TUẤN

Không biết đọc tiếng Việt, nhưng Lý Thị Cở nói làu làu tiếng Anh để thuyết trình cho du khách nước ngoài hiểu về nghề đan thổ cẩm của đồng bào mình Ảnh VŨ TUẤN

Nhà Cở ở bản Lao Chải, cách trung tâm Sa Pa chừng hai giờ đi bộ. Cở không được đi học vì nhà quá nghèo. Ngày bé, Cở lũn cũn theo mẹ ra nương. Mẹ cắm một cái ô, rải cái địu bên bờ ruộng bậc thang, đặt đứa em vào đó cho Cở trông. Đến khi bản có người được lên Sa Pa học chữ thì bố Cở giao cho Cở hai con trâu ngày ngày dắt ra rừng ăn cỏ.

Đến khi mẹ Cở theo mấy người trong bản lên thị trấn Sa Pa bán hàng rong thì bữa ăn có chút gạo. Mấy chị em cô được ăn cơm, mẹ với bà vẫn ăn mèn mén.

Cô đòi theo mẹ đi bán hàng. Ở Sa Pa có nhiều nhà là chủ hàng, họ cho lấy hàng trước, cuối ngày bán được mới quay lại trả vốn. Cở nhận mấy cái túi thổ cẩm bé bé, vài cái móc treo chìa khóa lê la khắp thị trấn để bán hàng.

Thế rồi, cô thấy những chị lớn hơn biết mời khách bằng tiếng Anh bán được nhiều hàng hơn. Nhiều chị cũng người Mông, nói tiếng Anh giỏi chỉ dẫn khách du lịch đi chơi cũng được tiền, không phải bán hàng rong nữa. Cô bắt đầu học tiếng từ đó, lúc ấy cô chưa đầy 10 tuổi.

Cô bám theo các chị biết tiếng trước rồi cứ đợi ở cửa khách sạn, có khách nước ngoài là mời mua hàng rồi đi theo họ để học tiếng. Khách nước ngoài ở Sa Pa cả tuần, cả tháng. Họ thích đi bộ, leo núi, thích vào các bản, ngắm những thửa ruộng mờ mờ ảo ảo trong sương. Có nhóm đi theo Cở cả ngày để hỏi chuyện về người Mông, về bản Lao Chải...

Hồi Cở lên 14 tuổi, cô không ở nhà chờ người ta đến hỏi về làm vợ như nhiều cô gái khác mà ở hẳn trên thị trấn Sa Pa.

Cô đã nói tiếng Anh trôi chảy, một vài người quản lý khách sạn muốn thuê cô dẫn khách đi chơi. Hôm thì leo núi, đi cắm trại, hôm lại đi chụp ảnh, hôm về bản...

Ngày công đầu tiên Cở nhận là 70.000 đồng. Lúc ấy, một ngày đi bán hàng rong của Cở còn được vài trăm nghìn đồng. Thế nhưng cô quyết định rẽ ngang. Cô thành hướng dẫn viên du lịch từ đó. Đến giờ đã hơn 15 năm.

Lý Thị Cha đã biết tiếng Anh, hướng dẫn du khách nhưng vẫn quyết đi học thêm chuyên ngành du lịch - Ảnh: V.TUẤN

Lý Thị Cha đã biết tiếng Anh, hướng dẫn du khách nhưng vẫn quyết đi học thêm chuyên ngành du lịch - Ảnh: V.TUẤN

Em đi dẫn khách rồi, nhưng em vẫn gắng học ngành du lịch. Có kiến thức, được đào tạo bài bản vẫn tốt hơn. Em vừa học vừa làm, ước mơ của em sau này là giúp các em trong bản không phải đi bán hàng rong hay không phải vất vả đi làm nương nữa.
Lý Thị Cha

Học mới thoát nghèo

Cùng bản Lao Chải với Lý Thị Cở có hơn chục chị em đổi đời từ nghề hướng dẫn viên. Lao Chải bây giờ cũng là một bản được khách nước ngoài đến nhiều, nhiều nhà mở homestay và làm du lịch.

Thế nhưng ít ai biết hơn chục năm trước, bản này rất nghèo. Phần lớn dân bản không được đi học, vất vả quanh năm với mảnh nương không đủ ăn.

Ngày ấy, nhà nào nhiều ruộng, nhiều trâu lắm mới cho con cái đi học, phần lớn là con trai. Con gái nhà nghèo chỉ có vài việc: biết đi thì ở nhà trông gà trông lợn, không cho chúng vào nhà phá phách. Lớn hơn một chút theo mẹ ra nương để trông em, lớn chút nữa thì đi chăn trâu. 13 tuổi biết làm nương, dệt vải đã đi lấy chồng.

Thào Thị Tra năm nay đã là bà của sáu đứa cháu nhỏ. Chị cũng lấy chồng sớm, có bốn đứa con. Từ ngày chị làm hướng dẫn viên du lịch, cả nhà mới không phải ăn cơm độn, mấy đứa con được đi học.

Rồi nhà chị cũng làm homestay, có thêm nhiều tiền từ làm du lịch. Chồng chị sáng lấy xe máy đưa chị lên phố rồi quay về đi chợ, chuẩn bị làm cơm đón khách. Mỗi lần có đoàn khách về nhà, cả chồng chị, cả mấy đứa con hộ làm bếp, vui đáo để!

"Ngày xưa muốn được đi học lắm! Nhưng trường ở xa, với nhà nghèo phải đi nương để lấy cái ăn, không được đi học đâu!", chị Tra kể. Ngày bé, chị cũng đi bộ từ mờ sáng lên chợ Sa Pa để bán hàng rong. Chị cũng bám theo, bắt chuyện với những người khách tóc vàng, đeo ba lô để học tiếng Anh, để bán hàng.

Dần dần, chị nói chuyện bằng tiếng Anh với khách cũng rõ ràng như người trong bản nói chuyện tiếng Mông với nhau.

"Mới đầu, mình nghĩ biết tiếng Anh để bán được nhiều hàng hơn. Nhưng nói chuyện nhiều, mình có những người bạn nước ngoài, mình lại thích đi làm hướng dẫn viên để kể được nhiều chuyện ở bản mình", chị tâm sự.

May mắn hơn chị Tra, cô bé Lý Thị Cha, cũng người ở Lao Chải, vui mừng khoe mới đỗ vào khoa du lịch một trường cao đẳng. Cha cũng từng có những ngày tháng sống trong tuyệt vọng.

Bố cô nghiện rượu, rồi nghiện thuốc phiện. Ông đánh mẹ Cha gãy cả xương hàm. Có người biết chuyện đưa mẹ Cha trốn ở nhà an toàn Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai.

Đến khi lành, mẹ em trốn sang Trung Quốc, đến giờ chưa có tin tức gì. Bố Cha đi ở với vợ hai tại xã khác, bỏ ba chị em Cha nheo nhóc ở nhà. Hồi ấy Cha mới học lớp 5, một chị học lớp 7, chị cả phải bỏ học để giúp mẹ làm việc nhà từ lâu.

Thế rồi Cha đi bán hàng rong, định bỏ hẳn học để đi bán hàng kiếm sống. May mắn, em được bố mẹ nuôi đón về cho ăn học.

Cô tự học rồi nói tiếng Anh rất giỏi. Mới học cấp III đã nhận làm những phần dự án cho một số tổ chức nước ngoài về vệ sinh răng miệng, rửa tay bằng xà phòng hay vệ sinh môi trường ở những bản Mông xa xôi...

Chị Thào Thị Tra nay đã 45 tuổi, nói chuyện tiếng Anh làu làu nhưng... không biết đọc chữ tiếng Anh. Tiếng Việt chị cũng chỉ biết viết tên mình, biết nhận mặt số. Nói chuyện với người Kinh chị hiểu được một nửa. "Nhiều câu chỉ nghe ù ù thôi, chứ mình không biết đâu", chị cười.

Ngày bé, chị cũng ước mơ được đến trường nhưng nhà nghèo nên không được đi. Đến giờ, nhà chị đã khấm khá hơn, cái ăn cái mặc không phải lo nữa nhưng chị lại chẳng còn thời gian để học.

Những phận người bị bỏ quên bên dự án du lịch 5 saoNhững phận người bị bỏ quên bên dự án du lịch 5 sao

Sau 20 năm, có những làng chài ở Quảng Nam năm xưa đã thành khu du lịch sầm uất. Ở đó, có những mái nhà gần như bị lãng quên, nơi có những con người buộc lòng bám trụ lại trong những căn nhà cũ dột nát, gió lùa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp