09/10/2021 09:26 GMT+7

Những người hùng thầm lặng hy sinh vì chống dịch: Hẻm nhỏ vẫn nhớ họ

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Từ ngày chồng mất, chị Phạm Thị Việt không thể ngủ sâu giấc, cứ giật mình dậy lúc 3h sáng. Chính vào giờ đó ngày 4-9, chồng chị đột ngột trở nặng do nhiễm bệnh và cũng là giây phút cuối cùng chị được nhìn thấy chồng.

Những người hùng thầm lặng hy sinh vì chống dịch: Hẻm nhỏ vẫn nhớ họ - Ảnh 1.

Từ ngày chồng mất, chị Việt luôn giật mình, nhớ chồng lúc nửa đêm - Ảnh: NVCC

Đến giờ nhắc lại, chị vẫn không thể tin chồng mình - anh Trần Văn Kỳ (50 tuổi) - đã rời xa ba mẹ con mãi mãi. 

Đã đi làm trở lại được mấy hôm, mỗi ngày về nhà vào giờ tan tầm, chị Việt (quê Thanh Hóa, ngụ phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bần thần nhìn bàn thờ chồng nghi ngút khói hương rồi lặng lẽ quẹt nước mắt.

"Bố lên trời rồi, con ở nhà phải ngoan!"

Chị Việt kể anh Kỳ công tác tại văn phòng Đảng ủy phường 21, quận Bình Thạnh từ tháng 3-2021. Đợt phường 21 bùng dịch, anh vẫn đi làm mà không nghỉ ngày nào, kể cả chủ nhật, mặc vợ khuyên nên nghỉ ngơi vài hôm. 

Gần cuối tháng 8, anh Kỳ ho, sốt cao liên tiếp 2 - 3 ngày, rồi hai con anh cũng sốt. "Test nhanh, tôi và hai con bị dương tính, trong khi anh Kỳ sốt cao mà lại âm tính. Sau đó anh test PCR mới cho kết quả nhiễm COVID-19" - chị Việt cho biết cả nhà tự cách ly 10 ngày với sức khỏe khá ổn.

Rạng sáng 30-8, huyết áp anh Kỳ đột ngột lên cao, anh bắt đầu khó thở và được đưa vào Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định. Sau khi chồng vào cấp cứu, chị Việt được yêu cầu quay về chờ điện thoại từ BV. Ba mẹ con tiếp tục cách ly tại nhà khi sức khỏe đã khá hơn.

Mỗi ngày người vợ 44 tuổi thấp thỏm nhìn điện thoại, hy vọng chồng sẽ sớm gọi về báo bình an, dù biết anh Kỳ hôn mê và đang đặt nội khí quản. Sau 5 ngày điều trị, điện thoại từ BV gọi về báo tin dữ, chị Việt suy sụp.

Sau 9 ngày mất, tro cốt của anh được giao về cho gia đình. Từ hôm đó, chị Việt ngủ chập chờn và thường giật mình vào thời khắc mà chồng trở nặng trong lần cuối cùng được ở nhà. 

"Trước mắt ba mẹ con tôi vẫn ở đây, tôi sẽ cố gắng đi làm để nuôi nấng hai con và động viên các cháu ráng học. Lúc chồng mới mất, tôi định về quê nhưng sợ thay đổi môi trường sống nhanh quá con sẽ khó chịu vì chưa quen, nên tôi để con ở đây yên tâm học hành" - người phụ nữ làm việc tại bưu điện tâm sự.

Ông Trịnh Quang Linh - bí thư Đảng ủy phường 21 (quận Bình Thạnh) - cho biết cơ quan rất tiếc thương anh Kỳ mất. "Chúng tôi đang thu thập hồ sơ để làm công văn công nhận liệt sĩ cho anh Kỳ" - ông Linh nói. 

Bố mất, cậu con trai lớn 18 tuổi vốn đã trầm tính giờ càng ít nói hơn. Còn cô con gái út 6 tuổi chỉ nghĩ bố đang đi đâu đó và tin vào lời mẹ: "Bố đi lên trời rồi, con ở nhà phải ngoan cho bố thấy".

Những người hùng thầm lặng hy sinh vì chống dịch: Hẻm nhỏ vẫn nhớ họ - Ảnh 2.

Anh Bình lúc còn sống rất nhiệt tình phục vụ bà con - Ảnh: UBND phường 7, quận Phú Nhuận cung cấp

Chàng trai tận tụy vì bà con

Anh Lê Thanh Bình (35 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng không may qua đời khi mắc COVID-19 trong quá trình công tác phụ trách kinh tế tại UBND phường 7. 

Nói về đồng nghiệp nhiệt tình, một lãnh đạo phường 7 cho biết: "Dù biết mình có nguy cơ trở nặng nếu chẳng may bị nhiễm (anh Bình mới tiêm vắc xin mũi 1 và có nhiều bệnh nền - PV), nhưng Bình đã làm việc với tinh thần tận tụy, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Một trong những hình ảnh đẹp nhất của anh Bình cuối đời là biết một cụ bà tuổi cao ở nhà một mình, anh đã chủ động đón bà đi BV tiêm vắc xin, ngồi đợi hơn 30 phút và đưa về nhà. "Nghĩa cử rất đẹp của Bình là anh luôn vì bà con" - vị này nói.

Chiều 6-10, chúng tôi thăm nhà anh Bình. Đứng trước ngôi nhà nằm trong hẻm nhỏ nhìn ra là một cụ bà tóc bạc phơ - mẹ anh Bình. 

Bà đã khóc rất nhiều lần kể từ khi đứa con út qua đời. Trò chuyện với chị Bùi Thị Kim Loan - chị dâu thứ bảy của anh Bình, chúng tôi phải đứng cách nhà 30m vì sợ bà cụ sẽ xúc động, đau đớn khi nghe nhắc về con trai mình.

Anh Bình mắc COVID-19 ngày 24-8 sau khi có triệu chứng mệt mỏi, sốt cao 2 ngày, không rõ nguồn lây. Tự cách ly tại nhà, anh dặn các anh chị giấu mẹ. Sau ba ngày, sức khỏe trở nặng, chàng trai 35 tuổi được đưa vào BV Phạm Ngọc Thạch. 

Sáng 8-9, BV gọi báo tin anh Bình không qua khỏi do viêm phổi mức độ nguy kịch. Khi anh mất, UBND phường 7 đã đứng ra chọn tấm hình đẹp nhất của anh để rửa hai cỡ ảnh cho hình thờ và hình dán trên hũ tro cốt.

Biết tin anh Bình mất sau một thời gian vì các con giấu, người mẹ 73 tuổi đã ngất xỉu. "Từ đó đến giờ, mỗi lần có người tới hỏi thăm, thắp nhang cho Bình là mẹ lại khóc" - chị Loan nghẹn giọng cho hay.

Mất ba mẹ cùng một ngày

Ngôi nhà nằm trong con hẻm tại đường Thống Nhất (phường 11, quận Gò Vấp), bàn thờ mới lập được đặt giữa nhà với hai tấm ảnh thờ khiến người ngoài nhìn vào không khỏi xót xa. 

Đó là ba và mẹ anh Đỗ Minh Trí, hai người vừa mới qua đời do dịch. Trong đó, ba anh Trí - ông Đỗ Văn Út - vừa được nhận quyết định truy tặng bằng khen của Thủ tướng.

Ông Út là bảo vệ dân phố, trong đợt dịch này ông tham gia trực chốt ở nhiều điểm. Thời gian đầu ông trực nguyên đêm nên ban ngày chỉ làm thêm hai tiếng, về sau ông chuyển qua trực ngày, dao động mỗi ca 4 - 6 tiếng/ngày. 

Cuối tháng 7, trong đội trực tại một điểm mà ông Út tham gia có nhiều ca mắc COVID-19. Ông được test nhanh kết quả dương tính, không biết bị nhiễm khi nào. Ông tự cách ly một mình trên lầu.

"Khi ba tôi mắc bệnh chừng 3 ngày, y tế phường đến test cho gia đình ngày 31-7, kết quả cả nhà đều dương tính, cách ly tại nhà. Bữa đó chỉ có mẹ bệnh nhiều nên được đưa đi BV Gò Vấp, qua ngày sau tới lượt ba cũng trở nặng" - anh Trí nhớ lại. 

Ông Út bệnh tim nhiều năm, trước ngày nhập viện sức khỏe ông yếu hẳn, đi lại phải có người dìu, thở cũng khó khăn.

Sáng 1-8, ông Út được đưa vào cùng BV với vợ. "Ba vô đó trở nặng, nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt nên không có cách nào liên lạc được. Tôi chỉ đưa số điện thoại của mình cho BV để khi cần hoặc có sự cố gì thì báo về giùm" - anh Trí cho biết. 

Đợi hoài không thấy BV gọi (sau này mới biết do BV ghi nhầm số điện thoại nên không gọi được), anh Trí được người quen cho số liên hệ của người đàn ông canh giữ nhà xác BV Gò Vấp để gọi xác minh thì người này cho biết mẹ anh đã mất.

"Chúng tôi sốc, đau đớn lắm nhưng nghĩ vẫn còn ba. Rồi tới chiều lại tiếp tục nhận giấy báo tử của BV thì mới hay ba mất lúc 3h sáng 3-8, chỉ trước mẹ vài tiếng. Và đã mất được một ngày trước khi tôi biết tin" - người con 37 tuổi đau đớn kể lại.

Lúc đưa ba mẹ đi, người con trai này vẫn tin ba mẹ sẽ lại về với mình, nào ngờ...

Con cháu sẽ hãnh diện vì ông

Với anh Trí, tấm bằng khen mà ba anh được Thủ tướng truy tặng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19 như một niềm an ủi đối với gia đình.

"Ba mẹ mất rồi, không có gì bù đắp nổi nhưng bằng khen này như xoa dịu mất mát cho gia đình tôi. Sau này con cháu cũng thấy hãnh diện vì ông đã được ghi nhận công lao trong cuộc chiến chống dịch vô cùng gian nguy này. Ông đã hết lòng tận tụy vì bà con" - anh Trí chia sẻ.

Lời hát thay ngàn lời yêu gửi đến y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Lời hát thay ngàn lời yêu gửi đến y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

TTO - Mở màn với bản mashup da diết 'Về phía mưa - Mưa', ca sĩ Trung Quân Idol, Phạm Quỳnh Anh, Erik, LyLy đã gửi đến ngàn lời yêu thương trong đêm tình ca Sing for Life - Sing for Love.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp