Networking and mentoring program (SME), hoạt động phi lợi nhuận từ năm 2012, là một tổ chức như thế.
Chị Phạm Thị Mỹ Lệ trong một buổi “tư vấn cà phê” cùng anh Nguyễn Xuân Thời và Nguyễn Hữu Quang - Ảnh: V.H.Q. |
SME quy tụ các “đàn anh đàn chị” là doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia ở các lĩnh vực. Mỗi tuần họ dành ra 1-2 giờ để chia sẻ, hướng dẫn “đàn em” đang khởi nghiệp theo kiểu “một kèm một”.
Ngoài ra, hằng tháng họ tổ chức hội thảo, sự kiện để cùng nhau trao đổi về vai trò, định hướng phát triển của nền kinh tế đất nước, trong đó có sự tồn tại của bản thân mỗi doanh nghiệp.
Từ dự án 18.000 USD
Năm 2007, chị Phạm Thị Mỹ Lệ là nữ doanh nhân duy nhất của VN được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chọn tham dự khóa học “Phát triển kỹ năng lãnh đạo phụ nữ toàn cầu” cùng với 33 người khác trên toàn thế giới.
Trở về sau khóa học với những kinh nghiệm học hỏi được, chị Lệ và một số người bạn “thai nghén” dự án SME với mục đích chia sẻ, trao đổi lại những kinh nghiệm trong kinh doanh cho các bạn trẻ mới bước vào con đường khởi nghiệp.
Năm 2012, dự án được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ 18.000 USD để triển khai thực hiện. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được thành lập một đến hai năm là đối tượng ưu tiên tham gia dự án.
Mỗi năm tuyển chọn một lần, năm đầu tiên có 150 bạn trẻ đăng ký nhưng chọn lọc ra 52 bạn được hướng dẫn trực tiếp (một kèm một), còn lại có thể tham gia các hội thảo định kỳ hằng tháng.
“Chúng tôi tư vấn, trao đổi những thực tế khó khăn mà các bạn đang gặp, chẳng hạn như cách tuyển nhân viên thế nào, tuyển chọn nhân sự ra sao, yếu tố nào cần cho công việc và làm việc một cách khoa học, hợp lý...
Thay vì nói lý thuyết, chúng tôi đưa ra tình huống và cùng chọn giải pháp thích hợp nhất” - anh Ted Nguyễn, một doanh nhân Mỹ gốc Việt đang tham gia dự án, cho biết. “Các bạn trẻ mới lập nghiệp rất bỡ ngỡ và chúng tôi thì từng trải, nhiều kinh nghiệm. Vậy tại sao không thể ngồi lại với nhau để chia sẻ? Trở thành một người đỡ đầu, bắc một nhịp cầu cho các bạn trẻ vươn tới cũng là công việc cộng đồng ý nghĩa của doanh nghiệp” - anh Ted tâm sự.
“Nhưng phải thật sự có tâm huyết và mong muốn có một lớp doanh nhân trẻ đến một lúc nào đó có thể thay thế mình mới có thể tham gia được, bởi doanh nhân thì công việc vốn dĩ rất bận rộn” - chị Lệ nói.
Theo chị Lệ, từ năm 2015 để tiếp tục phát triển mô hình này cần có thêm nhiều doanh nghiệp “đàn anh” tham gia hướng dẫn các bạn trẻ, cần có thêm một ít vốn đóng góp từ các “anh chị” để có thể hỗ trợ ban đầu cho những doanh nghiệp mới “ra ràng”...
“Đôi khi chỉ một lời khuyên thôi, đối với ông chủ trẻ nào đó đang gặp khó khăn cũng giúp họ đứng dậy được” - chị Nguyễn Thu Hà, một tư vấn độc lập tham gia dự án, nói.
Quả ngọt
Một buổi sáng trung tuần tháng 11, chúng tôi tham gia buổi “tư vấn cà phê” cùng hai doanh nhân trẻ với chị Phạm Thị Mỹ Lệ. Anh Nguyễn Xuân Thời, giám đốc hệ thống Trường mầm non quốc tế World Kids - một trong hai doanh nhân trẻ, kể: “Học đại học sư phạm nhưng lại rẽ lối sang kinh doanh, lúc đầu tôi thật sự lúng túng. May mắn cho tôi là đã được tham gia dự án, được tư vấn từ đường đi nước bước cho việc hình thành một doanh nghiệp đến chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững”.
Chị Lệ chen vào: “Rút ruột rút gan để nói nhưng nỗ lực vẫn là phải từ hai phía mới thành công được”. Từ một trường mầm non ban đầu, đến nay doanh nghiệp của anh Thời đã phát triển thêm một trường khác ở ngoại thành, cùng với đó là việc đầu tư khu vui chơi trẻ em, cung cấp thiết bị, đồ chơi giáo dục...
“Có những điều được chia sẻ thật sự chưa bao giờ chúng tôi được học trong trường đại học” - anh Nguyễn Hữu Quang, giám đốc Công ty Personify, văn phòng ở VN - nói thêm. Khác với anh Thời, tốt nghiệp đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Quang nhận học bổng VEF của Hoa Kỳ sang học thạc sĩ về quản trị kinh doanh.
Quang cho biết lúc về nước nghe có dự án SME lúc đầu cũng ngần ngại, nhưng cứ thử xem sao. Thế rồi một năm trôi qua, công ty của Quang đã có những bước phát triển nhảy vọt, doanh thu năm sau cao hơn năm trước.
Mới đây một số quỹ đầu tư quốc tế đã quyết định đầu tư vào công ty hơn 7 triệu USD để mở rộng kinh doanh. Quang và Thời thổ lộ lòng biết ơn những người đỡ đầu là các anh chị trong dự án, đồng thời mong muốn quay trở lại nhận đỡ đầu cho các em đi sau.
Cô chủ trẻ cửa hàng hữu cơ Organica Phạm Phương Thảo mà mục Khởi nghiệp từng giới thiệu (“Từ bữa rau sạch cho bà bầu”, Tuổi Trẻ 22-7) tham gia dự án trong vai trò người được cố vấn, cho biết chỉ một tiếng đồng hồ cà phê trò chuyện thôi, nhưng Thảo học hỏi được nhiều điều cho thực tiễn kinh doanh.
“Cách anh ấy (anh Ted Nguyễn) chia sẻ luôn đi ngay vào giải quyết tình huống cụ thể mà tôi đang gặp khó khăn, trở nên dễ hiểu và có thể áp dụng được vào công ty” - Thảo nói.
Cửa hàng thực phẩm hữu cơ của Phương Thảo hiện đang ăn nên làm ra nhưng theo Thảo, để có thể phát triển lâu dài, vững bền thì những buổi “tư vấn cà phê” thật sự cần thiết. Đây thật sự là những quả ngọt đầu mùa của dự án.
Không phải hơn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia dự án của SME trong hơn hai năm qua đều thành công, nhưng những quả ngọt đầu mùa mà dự án đem lại đã cho thấy vai trò người đỡ đầu cho những doanh nhân trẻ là thật sự cần thiết và cần được nhân rộng trong xã hội.
Nhận đỡ đầu các nhân vật của khởi nghiệp Anh Ted, chị Lệ cho biết rất quan tâm đến các nhân vật được Tuổi Trẻ tìm kiếm và giới thiệu trên mục Khởi nghiệp. Đó đều là những bạn trẻ mới bước chân vào con đường khởi nghiệp, rất năng động, ham học hỏi và những người điều hành dự án SME sẵn sàng nhận đỡ đầu các bạn trẻ này tham gia để được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình kinh doanh. Theo kế hoạch, năm 2015 ngoài tư vấn theo kiểu “một kèm một”, dự án sẽ hợp tác với các hội, nhóm doanh nghiệp để có thêm những người hướng dẫn, mở các khóa tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận