TTO - Trong số 80 kỹ sư vận hành Nhà máy Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), có một tiểu đội gồm 24 kỹ sư chuyên quản lý, vận hành toàn bộ các "". Ngay cả dân trong nghề cũng ví họ là... "người nhện".

Biển chiều lồng lộng cuốn 62 tuabin điện gió vận hành trơn tru theo chiều gió, bỗng bên trong phòng điều hành nhận cảnh báo "đỏ". Màn hình máy tính hiện lên lỗi khẩn cấp 054.

Ngay lập tức, các kỹ sư phân tích lỗi và thấy vận tốc gió trên biển đang ở mức 6m/s nhưng tuabin số 10 lại báo về chỉ số quá bất thường, chỉ 1,5m/s.

"Lỗi này chỉ có hư hoặc đứt dây cảm biến trên nóc tuabin" - vị phó giám đốc nhận định và ngay lập tức lệnh cho hai kỹ sư sửa chữa leo "lên trời" ở độ cao gần 100m thay thế thiết bị.

Ít phút sau, cảnh báo "đỏ" biến mất, máy báo "hệ thống ok".

Đó là một trong số hàng tá công việc thường nhật của những kỹ sư vận hành cánh đồng điện gió đầu tiên trên thềm lục địa Việt Nam đặt tại tỉnh Bạc Liêu.


Những người canh cối xay gió - Ảnh 2.
Những người canh cối xay gió - Ảnh 3.

Trong số 80 kỹ sư vận hành Nhà máy điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), có một tiểu đội gồm 24 kỹ sư chuyên quản lý, vận hành toàn bộ các "cối xay gió". Trong đó, những kỹ sư đảm trách việc sửa chữa các lỗi phát sinh được xem như đội cấp cứu 115 của các tuabin điện gió.

Họ leo trèo bằng thang bộ trong lòng những tháp điện gió này đều như cơm bữa. Mỗi tháp có chiều cao 82m, tức bằng 1/3 chiều cao tòa nhà từng giữ vị trí cao nhất TP.HCM, Bitexco (258m). Có hôm, các kỹ sư phải leo lên các tháp cao chót vót này đến 2-3 lần nên dân trong nghề thường ví họ là... "người nhện".

Những người canh cối xay gió - Ảnh 4.

Quá trưa, một nhóm kỹ sư băng ra biển chuẩn bị leo lên tuabin số 28 cách bờ hơn 1,5km đang gặp sự cố. Biển trưa oi bức, cánh cửa chân tháp vừa bật ra đã phả thẳng vào mặt chúng tôi luồng khí hầm hập, ngột ngạt.

Ngồi bên ngoài tháp, kỹ sư Trần Thanh Lâm (29 tuổi, tổ phó tổ vận hành tuabin) cho biết do kết cấu đặc biệt nên bên trong các tháp luôn kín mít, các kỹ sư thường phải chờ khoảng 15 phút sau khi mở cửa để không khí lưu thông.

Trước khi leo lên "cối xay gió", các thông số thời tiết về mưa, gió và sấm sét được đo đếm kỹ lưỡng. Nếu trời sắp mưa, sức gió trên 12m/s hay máy báo sét cảnh báo sắp có sấm sét thì tuyệt đối không một ai được leo lên tuabin.

Khoác bộ đai an toàn chắc nịch tựa như dân leo nút chuyên nghiệp, kỹ sư Lâm cùng đồng nghiệp Nguyễn Văn Út (28 tuổi) móc khóa đai vào sợi dây cáp dài 82m. Nếu chẳng may trượt chân, sợi cáp này sẽ níu các kỹ sư lại để tránh rơi tự do ở độ cao hàng chục mét.

"Toàn bộ dụng cụ sửa chữa phải kéo lên bằng tời có tải trọng 4 tạ, còn bản thân chúng tôi phải leo tay không mới đủ sức rướn lên tới đỉnh trụ" - kỹ sư Lâm nói.

Leo theo phương thẳng đứng, sức rướn dồn vào đôi tay nên dù đã quen với công việc nhưng leo được nửa chặng đường, những "người nhện" cũng thấm mệt, toát mồ hôi hột.

Leo nối gót các kỹ sư, chúng tôi cảm nhận rõ những giọt mồ hôi của họ rớt ngay trên đầu mình. Lúc đuối sức, các anh phải dừng lại nghỉ mệt ở 3 trạm nghỉ ở trong lòng tháp có đường kính 4m.

Cứ vài chục giây, tháp lại phát ra những tiếng bùm bùm vang vọng như đang ở trong lòng chiếc trống da trâu.

Theo kỹ sư Lâm, đó là tiếng khởi động môtơ để xoay tuabin theo chiều gió. Với những ai mới leo, âm thanh này cộng với sự dao động của đỉnh tháp khi gió lớn cũng đủ khiến bao lần hú hồn.

Mất gần 20 phút với 3 chặng nghỉ, cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua hàng trăm bậc thang để chạm tay tới tuabin trên đỉnh tháp với bộ đồ đẫm mồ hôi. Tính ra, công việc của người leo lên trời sửa điện gió và người chui xuống lòng đất đào giếng cũng tựa như nhau.

Cả hai đều làm việc trong môi trường ngột ngạt, nóng bức, áo quần ướt đẫm, ngước lên, ngó xuống cũng đều là những giếng trời sâu hun hút.

Những người canh cối xay gió - Ảnh 5.
Những người canh cối xay gió - Ảnh 6.

Mở toang cánh cửa trên nóc tuabin, những làn gió mát rượi thổi bay sự mệt mỏi trong chúng tôi. Tứ phía của miệt biển hiện lên lạ lẫm ở độ cao gần 100m như thể đang du ngoạn trên một chiếc khinh khí cầu để chiêm ngưỡng cánh đồng "cối xay gió".

Những người canh cối xay gió - Ảnh 7.

Kỹ sư Út kể "khoái nhất" là những lúc được nghỉ ngơi trên nóc tuabin buổi chiều tà. Vừa có cảm giác mình nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên nhưng cũng có chút "phê phê" khi chế ngự được gió trời.

Nhưng mệt mỏi nhất với các kỹ sư là phải xử lý nhanh các sự cố bên trong tuabin như hỏng cầu chì, mất tín hiệu, pin sụt áp... Có những sự cố phải leo hẳn ra bên ngoài, làm việc lơ lửng giữa không trung, thậm chí có lúc phải chúi đầu xuống biển khiến ai cũng rợn người.

"Nôn mửa là chuyện thường, gió lớn quá sẽ làm chao đảo trụ, cảm giác cứ chao đảo như say sóng nên ai không ổn định là say ngay" - kỹ sư Lâm nói.

Chính vì thế, vừa phải căng não xử lý sự cố, vừa phải bình tình để giữ sức khỏe khiến mỗi một lần làm việc trên không trung là một cuộc đấu trí căng thẳng. Có những sự cố khó khắc phục, các công nhân phải ăn cơm, tranh thủ chợp mắt luôn trên "cối xay gió".

Công việc khắc nghiệt khiến không ít kỹ sư phải giã từ nghề leo tuabin này. Có thạc sĩ mới nhận việc, vừa leo được một lần hôm sau đã vội vàng... xin nghỉ. Có kỹ sư leo được vài lần rồi cũng bặt vô âm tính.

Những người canh cối xay gió - Ảnh 8.

"Nghề này kén lắm, cứ chục người thì hết 3 người xin nghỉ rồi, đâu phải ai cũng dễ dàng leo được đều đặn như thế" - kỹ sư Lâm nói.

Những ngày đầu, phải mất 30 phút Lâm mới leo lên được tuabin nhưng bây giờ đã thạo nghề, những kỹ sư như anh chỉ mất chừng 10 phút là đã leo hết các bậc thang.

Dù đã làm công việc này hơn 6 năm nhưng gần đây má anh mới biết công việc thực tế của con trai là leo trèo ở độ cao chót vót như thế.

"Mấy dạo má khuyên nghỉ vì lo con theo nghề này vất vả. Nhưng công việc mà, mình đã chọn thì cứ vậy 'mần' thôi, nghề nào cũng có cái gian nan của nó cả" - anh Lâm bộc bạch.

Những người canh cối xay gió - Ảnh 9.
Những người canh cối xay gió - Ảnh 10.

Nghề sửa chữa, vận hành tuabin điện gió ở Việt Nam khá mới mẻ và chỉ bắt đầu phát triển những năm gần đây khi làn sóng đầu tư phong điện phát triển rầm rộ.

Thời điểm nhà máy này mới đi vào vận hành năm 2013, việc đào tạo người canh "cối xay gió" phải bắt đầu từ con số 0.

Những người canh cối xay gió - Ảnh 11.

Khi đó, kỹ sư Hồ Minh Chánh - phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của nhà máy - cùng các đồng nghiệp khác phải sang Mỹ học nghề rồi về tiếp quản cánh đồng điện gió.

Người đi trước đào tạo người đi sau, nhưng cũng phải mất 1-2 năm các nhân sự này mới có thể thuần thục các công việc để leo lên sửa chữa các tuabin.

Theo ông Chánh, những cánh quạt "xay gió" thành điện nhìn rất hiền hòa nhưng bên trong cũng ẩn chứa khá nhiều "bệnh" đến rất bất ngờ, cần phải… cấp cứu.

Phổ biến nhất là vào mùa mưa dông, do thiết kế hút sét nên các tháp điện gió rất dễ bị sét đánh làm hỏng cầu chì. Cứ hỏng là lại phải leo lên thay vì mỗi tuabin có hàng trăm chiếc cầu chì bên trong.

Có những sự cố đầu đỉnh cánh quạt, kỹ sư phải khóa đến 3 lớp bằng cả khóa điện tử, cơ học lẫn thủy lực để cố định cánh quạt mới có thể chui ra bên ngoài sửa chữa.

Theo ông Chánh, đến mùa bảo trì thiết bị, các kỹ sư phải leo liên tục để kịp tiến độ. Tuy nhiên, ngán nhất là leo vào mùa hè bởi thời tiết rất oi bức, ngột ngạt khiến người leo rất dễ đuối sức, mệt mỏi.

"Nghề này có đặc thù là ngoài trình độ, anh em phải có sức khỏe ổn định bởi việc đưa một người từ trên cao xuống bằng thang cực kỳ khó khăn. Dù công việc căng thẳng, áp lực nhưng ai cũng phải chủ động sức khỏe, đảm bảo an toàn mới canh được 'cối xay gió' lâu dài" - ông Chánh nói.

Những người canh cối xay gió - Ảnh 12.

NGỌC HIỂN - TIẾN TRÌNH
NGỌC HIỂN - PHAN THANH CƯỜNG - CHÍ QUỐC
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp