29/03/2021 14:15 GMT+7

Những người 'bao đồng' tử tế

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Một nhóm thợ mộc không ai khá giả gì đã cùng nhau làm chuyện "bao đồng" tử tế: mở trại cưa, cất nhà tặng người nghèo. Hàng trăm hộ dân nghèo vùng biên giới An Giang đã có mái ấm nhờ tấm lòng của những người này.

Những người bao đồng tử tế - Ảnh 1.

Ông Tư Hiền (giữa), Sáu Hôn vẫn năng nổ làm mộc, dựng nhà giúp người dù cả hai đều đã rất cao tuổi - Ảnh TIẾN TRÌNH

Chết rồi bỏ của bơ vơ. Chi bằng làm được chuyện thơ ghi đời...

Nghe tâm sự muốn giúp người của Nhạn, ông Tư Hiền vuốt râu và ngâm nga đạo lý ở đời.

Trưa, biên giới trở nên nhộn nhịp khi có mặt nhóm người được chỉ huy bởi một ông lão quắc thước. Họ nói năng từ tốn, làm việc một cách chuyên nghiệp theo trại trưởng Tư Hiền (Trần Văn Hiền, 81 tuổi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang). Ông Tư Hiền nổi tiếng khắp vùng với biệt danh "ông Tư từ thiện".

"Ông Tư từ thiện" ở vùng biên

Hôm nay, các thợ mộc trại Tư Hiền sẽ góp sức cùng chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Hữu cất chốt trông giữ biên cương. Đây là chốt thứ tư trong số 5 chốt mà những người ở trại cùng làm với bộ đội biên phòng. 

Trại chủ Tư Hiền nói bất cứ khi nào bộ đội lên tiếng là nhóm của ông cũng sẽ sẵn sàng giúp sức: "Ra biên giới thấy sắp nhỏ cực vô phương. Mùa dịch giã canh giữ biên giới nghiêm ngặt mà chốt canh thì tạm bợ, không đủ che nắng mưa. Thương lắm!".

Thấy đông người ở bên đây đường biên, lực lượng bảo vệ biên giới của bạn từ bên kia cũng nhìn sang. Thấy ông Tư Hiền cùng nhóm thợ lui cui dựng chốt, người chỉ huy phía bạn vui vẻ: "Tưởng ai, ông Tư từ thiện đây mà!".

Ông Tư Hiền chia sẻ: "Mấy bận chưa dịch, tui hay qua lại bên kia biên giới cất nhà giúp dân bên đó, nên bên bạn cũng biết mặt tui bộn à. Thấy mình làm việc không vụ lợi, dân bên kia cũng hay nhờ giúp những gia đình khó khăn. Có khi họ gọi chúng tôi qua bển cho cây đem về cất nhà cho các gia đình khác".

Không phải ngẫu nhiên mà nhóm thợ ông Tư Hiền lại được quý mến khắp vùng. Là vì mỗi năm hàng chục gia đình khó khăn nhà ở đã được nhóm ông giúp dựng nhà. Làng quê có đoạn nào đi lại khó khăn, biết được là nhóm ông lại xin phép chính quyền địa phương sửa đường, dựng lên những chiếc cầu. Khi có người nghèo khó qua đời, nhóm ông cũng giúp họ an táng...

Người nghèo giúp người khó

Đi "bao đồng" khắp nơi nhưng gia cảnh ông Tư Hiền không khá giả gì. Thậm chí có lúc gia đình ông phải chật vật lo cái ăn, cái mặc cho các con. Nhưng khi gặp ai rơi vào cảnh khó thì ông lại quên hoàn cảnh của mình.

Như lần thấy gia đình một người họ Cao ở bên Phú Thành có người yểu mệnh, bỏ lại vợ con nheo nhóc, mẹ con góa phụ phải tá túc dưới sàn nhà hàng xóm, vậy là ông kêu gọi thợ mộc, trai tráng gần xa đến nhà ông chặt cây để cất nhà cho mấy mẹ con tội nghiệp có nơi nương náu. Đó là số cây ông chuẩn bị để cất lại căn nhà mình vốn đã xập xệ, sợ không qua được mùa mưa.

Cất xong, thấy nhà trống huơ trống hoác, ông Tư Hiền lại cùng nhóm thợ đi xin cây, đóng thêm cái bàn thờ để người vợ nhang khói cho chồng vừa mất. Xong bàn thờ, thấy nhà không bếp, không nồi niêu, gạo mắm, nhóm thợ lại bỏ tiền túi ra giúp chị để có thể tiếp tục cuộc sống.

Sau gia đình chị họ Cao, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được giới thiệu đến ông Tư Hiền. Họ quên là ông không hề giàu có. Vậy mà ai đến kể khổ, ông đều ghi sổ rồi âm thầm đến thăm từng gia đình. Nếu nhà nào thật sự khó khăn, ông và nhóm thợ lại lên kế hoạch cụ thể nên giúp cái gì trước cái gì sau... Tối thiểu, họ cũng được giúp nơi ở.

Cách ông làm là rủ những người cùng tấm lòng đi xin cây cối của vườn nhà gần xa. Cây tốt dùng dựng nhà, cây xấu thì cưa làm củi bán lấy tiền mua tôn lợp mái. Nếu nơi làm xa nhà, ông Tư Hiền và thợ thầy phải mang theo gạo để hùn nấu cơm.

Những người bao đồng tử tế - Ảnh 3.

Bữa cơm chay đạm bạc của các thợ mộc tử tế tại trại Tư Hiền - Ảnh TIẾN TRÌNH

Cứ vậy mà hàng chục căn nhà gỗ đã được dựng lên mỗi năm, hàng chục gia đình có nơi nương náu mưa nắng. Đặc biệt, nhóm thợ mộc này cũng không chỉ cất nhà. Ai gặp khó gì, khả năng họ có thể giúp được là họ sẵn sàng, nên có thợ mộc chuyên làm nhà, có thợ chuyên làm cầu và có thợ chuyên... đóng hòm.

Thành viên nhóm bận về bón phân ruộng nhà thì người vừa đào đất đắp bờ xin thế vào, người bận nuôi vợ sanh thì người mới đi làm xa về xin vô thay. Nhờ vậy mà nhóm thợ ông Tư Hiền lúc nào cũng được gần 20 người làm thiện nguyện.

Họ rong ruổi giúp người nghèo khắp nơi. Năm 2008, ba anh em thợ mộc Trần Công Hạnh, Trần Văn Gài, Trần Công Long mời ông Tư Hiền đến uống trà rồi mở lời là kinh tế gia đình đã dần tốt lên, nhà họ có mảnh đất trống trước sân hay là dựng trại mộc để tiện lợi giúp được nhiều hoàn cảnh hơn. 

Ba anh em họ Trần góp đất và một số tiền bán khoai năm đó. Họ tin tưởng mời ông Tư Hiền làm trại chủ. Ông không có tiền để góp, chỉ góp cái đạo đức, cái uy tín. Rồi họ cùng nhau đi xin cây để cưa bán củi. Mỗi mét khối củi bán được 150.000 đồng. Ròng rã hàng tháng trời, nhóm thợ mộc mua được máy cưa - tài sản đầu tiên của trại.

Nhiều thành viên trong nhóm từng có cuộc sống nghèo khó, không nhà cửa đã được nhóm thợ mộc cất cho căn nhà. Đến khi ổn định hơn, họ lại xin gia nhập trại Tư Hiền để "trả ơn đời". Nhưng cũng có người trong nhóm đến giờ vẫn chưa có được căn nhà như ý muốn. 

Như ông Sáu Hôn (Nguyễn Văn Hôn, 91 tuổi) mười mấy năm cùng thợ mộc của trại giúp hàng trăm gia đình có nhà ở nhưng bản thân ông lại chưa thể có một căn nhà tươm tất. Hằng ngày từ biên giới, ông đạp xe vào làm việc không công tại trại cưa, ăn hai bữa cơm chay rồi đạp xe về biên giới.

"Tui cao tuổi nhưng may không bịnh tật gì, nên ngày nào cũng đến trại cưa làm việc. Thương là thương thằng Nhạn, nó trai trẻ mà bị tật nguyền!" - ông lão tâm sự. Nhạn từng là người trẻ khỏe nhất trại, hiền lành, chăm chỉ. Cứ ngơi việc nhà, Nhạn lại đến trại lái xe ba gác giúp chở cây. 

Năm trước, có lẽ chở nặng quá, không may xe lật, Nhạn bị cây đè gãy chân, đi đứng không được như xưa. Bị thương tật, nhưng từ khi Nhạn gặp nạn lại có cô gái thương và chăm sóc cho anh. Cả trại vui mừng khi thấy đôi trẻ cưới nhau. Họ thương nhau cũng từ cái tình, cái nghĩa.

Nhạn giờ vẫn chạy xe chở cây giúp trại, vẫn cười đôn hậu như không hề bị tật nguyền. "Em nói với vợ em rồi. Các ông, các bác ở đây nhiều người cũng cao tuổi vẫn đóng góp hết mình. Em cố gắng làm việc để kinh tế gia đình sớm ổn. Lúc ấy, em sẽ bỏ hết thời gian cho trại để giúp người khó khăn hơn mình".

Chưa từ chối cảnh khó nào

Ông Tư Hiền râu tóc bạc phơ, nước da hồng hào, nói cười sang sảng. Tuy ở tuổi "xưa nay hiếm", ông vẫn làm việc như trai tráng. Ông dành hết thời gian tổ chức nhóm thợ mộc đi dựng nhà tặng những gia đình gặp khó. Riết rồi người gần xa hễ thấy ai không nhà là họ chỉ đến ông, và hầu như ông chưa từ chối hoàn cảnh ngặt nghèo nào tìm đến nhờ giúp.

Cả làng cùng chăm 3.000 ngôi mộ Cả làng cùng chăm 3.000 ngôi mộ

TTO - Câu chuyện đẹp về tình người ấy đã được viết nên bởi dân làng An Thiện, xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Gần ba năm qua, đã có hơn 3.000 ngôi mộ vô danh ở làng này được dân làng góp sức tu sửa, xây mới đẹp đẽ.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp