15/08/2023 10:59 GMT+7

Những nghệ sĩ đường phố triệu view - Kỳ 1: 'Bà nội' Lệ Hằng hát tình ca

Đêm mưa bụi trên bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Những bản tình ca được một người phụ nữ tóc hoa râm ngân vút lên cùng tiếng đàn thanh thoát của nhạc sĩ mù tài ba Thanh Điền đã làm ngất ngây người nghe.

Ca sĩ Lệ Hằng hát bài Thu ca cùng cây guitar mù Thanh Điền trên bến Ninh Kiều đã gây bão mạng - Ảnh: NVCC

Ca sĩ Lệ Hằng hát bài Thu ca cùng cây guitar mù Thanh Điền trên bến Ninh Kiều đã gây bão mạng - Ảnh: NVCC

Ngoài đôi diễn ăn ý này, nhiều nghệ sĩ đường phố khác cũng gặt hái triệu view từ trái tim người xem.

Cây guitar mù Thanh Điền với tiếng đàn như "thoát ra từ cõi khác" đã lấy quá nhiều cảm xúc của người xem trên mạng. Nhưng người phụ nữ tóc hoa râm với chất giọng khàn, ngọt, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp trong một đêm ngẫu hứng với những bản tình ca trên bến Ninh Kiều khiến nhiều người rất tò mò.

Ca sĩ Lệ Hằng và cây guitar mù Thanh Điền gây bão mạng - Nguồn Video: Guitar Thanh Điền

Cô hàng nước trên xứ đảo Phú Quốc

Có người phát hiện ra bà chính là "bà nội" của các bạn trẻ nổi danh trong những cuộc thi hát dành cho trẻ em, như Huyền Trân, Quỳnh Hoa, Chấn Quốc... Ở những cuộc thi đó, các bé có phong thái biểu diễn sân khấu chuẩn chạc, lớp lang, đẳng cấp của con nhà nghề và mang dấu ấn đậm nét của người dạy dỗ...

Rồi, cũng có người phát hiện ra bà chính là nữ ca sĩ tài sắc, gắn liền với ký ức người miền Tây ở những thập niên 1980, 1990... Gần đây bước ra cánh cửa ẩn danh từ bao năm bà vẫn với giọng ca, phong thái chất lừ của một người gạo cội với du ca. 

Trên trang TikTok "bà nội mì - mốc", những tiết mục đàn, hát của bà đã được lan truyền nhanh chóng. Tên tuổi ca sĩ Lệ Hằng được tìm kiếm, và càng tìm thì người ta càng ngạc nhiên về một "giọng ca thứ thiệt" cùng nhiều truân chuyên của một hồng nhan.

Những người hiểu biết ca sĩ Lệ Hằng (Nguyễn Thị Tuyết Hằng) hay nói bà "có lỗi với nghệ thuật", khi những lần đứng trước ngưỡng cửa có thể tiến thân trong sự nghiệp ca hát, thì bà lại chọn lui về với gia đình.

Những năm 70 của thế kỷ trước, thời điểm ca sĩ Mai Lệ Huyền nổi như cồn ở đất Sài Gòn, cô gái Tuyết Hằng với chất giọng trời phú sớm được dự đoán sẽ là tên tuổi nổi danh. Lệ Hằng cũng được gia đình cho đi học nhạc bài bản tại lớp nhạc của nhạc sĩ Minh Đức. Từ tuổi thiếu nhi, Lệ Hằng đã xuất hiện trong chương trình văn nghệ của các chương trình tạp lục hay những sự kiện lớn nhỏ trong thành phố.

Vậy rồi, năm 12 tuổi, cô bé theo gia đình ra định cư tận xứ đảo Phú Quốc. Khi bước đôi mươi, cô nghe lời người lớn lấy chồng, sinh con như bao cô gái bình thường khác ở xóm làng Nam Bộ. Nhưng chuyện hôn nhân gãy đổ. Lệ Hằng mở quán cà phê ở thị trấn An Thới. 

Có sắc đẹp, hát hay, Lệ Hằng trở thành cây văn nghệ của xã. Nét đẹp của cô đã đốn tim bao trai trẻ hay lui tới quán đến khi cô phải lòng chân tình của một cán bộ vùng 5 hải quân. Cô hàng gãy gánh, anh cũng một lần đò. Họ đến với nhau trong sự hoài nghi của cả gia đình lẫn đơn vị mà anh đóng quân.

Năm 1979, khi đoàn ca múa nhạc Kiên Giang (đoàn Tiếng Biển) ra Phú Quốc phục vụ quân dân trên đảo, giọng ca "cây nhà lá vườn" Lệ Hằng được xã cử ra hát giao lưu. Nhiều người trong đoàn quá ngạc nhiên, vì cô gái bán cà phê quá đẹp, ca lại rất hay. Phải "bắt" cô gái này, đêm đó, những ý kiến từ đoàn hát chuyên nghiệp đã thống nhất. Cô gái lạ ở An Thới là nhân tố mà đoàn đang cần.

Ngay sáng hôm sau, trưởng đoàn đã tìm cô đề nghị ký hợp đồng hát chuyên nghiệp. Lệ Hằng không ngạc nhiên, vì cô biết khả năng của mình có thể hát chuyên nghiệp. Đang buồn chuyện tình cảm, lại được lời mời về với nghiệp hát, Lệ Hằng gật đầu ngay. Cô gái bán cà phê xứ đảo một bước trở thành vơ đét của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

 Tiếng Biển đình đám khắp miền Tây, với những đêm diễn "đông khách nứt rạp". Ca sĩ Lệ Hằng được yêu cầu "bao sân khấu". Mỗi đêm diễn, cô phải hát tám đến chục bài. "Lúc đó hát vui, không biết năng lượng đâu mình sung dữ vậy. Hát nhiều, nhưng cũng phải luôn làm mới mình...", bà nhớ lại.

Đó là khoảng thời gian Lệ Hằng tận hưởng hạnh phúc với nghề hát. Đoàn đi rong diễn. Nơi bà con nghèo khó, thiếu thốn mọi thứ, thì những gánh hát về xóm là sự kiện vui khôn xiết của dân. Những ánh mắt cụ già, em nhỏ háo hức khi ca sĩ bước ra sân khấu là món quà lớn của đời nghệ sĩ du ca.

Nhưng, những chuyến lưu diễn trên đất Campuchia phục vụ bộ đội tình nguyện mới làm bà khắc sâu. 

"Có lần, anh lính trẻ đang trọng thương yêu cầu tôi hát để anh ấy quên đau đớn. Tôi hát trong nước mắt. Anh lính mỉm cười rồi lịm luôn, không thức dậy. Những ngày hát trên chiến trường lửa đạn đã cho tôi thấy rõ hơn giá trị đóng góp của lời ca tiếng hát cho đời. Với tôi, hát ở đâu không quan trọng bằng người nghe thế nào", bà Lệ Hằng trải lòng.

Về hưu, bà Lệ Hằng mở lớp luyện thanh cho trẻ ở Cần Thơ và rất mát tay đào tạo các ngôi sao nhí đi thi hát - Ảnh: NVCC

Về hưu, bà Lệ Hằng mở lớp luyện thanh cho trẻ ở Cần Thơ và rất mát tay đào tạo các ngôi sao nhí đi thi hát - Ảnh: NVCC

Bước tiếp sự nghiệp hay chọn chồng con?

Khi đầu quân cho đoàn Tiếng Biển, cô ca sĩ tài sắc Lệ Hằng cũng được tạo điều kiện cho đi học để có bằng cấp tiến thân. Bà kể ông Bảy Lam (Trần Lam, nguyên phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang) dặn dò: "Bây bị gãy gánh một lần rồi. Giờ thì dẹp yêu đương nhăng nhít một bên mà lo phát triển sự nghiệp". Người lớn nói thì bà chỉ biết dạ. 

Vậy nhưng khi anh cán bộ hải quân theo tàu công tác vào Rạch Giá tìm lại thì tình yêu cũng thức dậy trong bà. Đến khi biết mình có thai, bà viết thư tay gửi báo cho ông. Không ngờ, thư chưa đến tay ông thì tổ chức đã đọc. Ông thừa nhận tình yêu cùng ca sĩ Lệ Hằng với cấp trên và xin xuất ngũ. Bà cũng phải tạm rời đoàn.

Khi bà sinh con, ông cũng rời đảo về ở bên vợ, cùng sống những tháng ngày chật vật kinh tế ở Nha Mân (Đồng Tháp). Nhưng duyên với nghiệp hát chưa dứt. Khi nghe đoàn Tiếng Biển về diễn ngay Nha Mân, bà mừng rỡ mượn xe đạp lên thăm đồng nghiệp cũ. 

Lần thứ hai, lãnh đạo đoàn "bắt" bà lại, tiếp tục trở lại biểu diễn. Lần này, họ nhận cả ông chồng. Vì ông là cựu sĩ quan, có trình độ nên được bố trí làm "ngoại vụ", chăm lo chuyện quan hệ với địa phương, giấy tờ pháp lý cho đoàn.

Bà kể, khi về lại đoàn, bà sớm trở lại vị trí ca sĩ chính như trước. Nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất khi xem bà diễn đã gợi ý bà phải lên Sài Gòn, nếu muốn bước tiếp nấc thang sự nghiệp. Nghe rủ, bà cũng động lòng, về hỏi ý kiến chồng. Tưởng chồng sẽ ngăn cản để bà có lý do ở lại. Không ngờ, người chồng hiền lành lại động viên: "Em cứ đi, con để nhà anh lo. Khi nào sự nghiệp đạt thành, em quay về, cha con anh vẫn chờ".

Bà thú thật rằng bà rất, rất muốn về Sài Gòn, nơi có công nghiệp thu âm và lăng xê để có thể trở thành ca sĩ nổi tiếng. Còn ở tỉnh lẻ, dù được thương mến, giúp đỡ, nhưng tên tuổi cũng chỉ quẩn quanh ở đó. Người chồng cũng hiểu ước mơ của vợ. Nghe chồng nói tiếng lòng cảm thông, bà thấu cảm giá trị cuộc sống của mình ở đâu. Bà ôm chồng, khóc vì hạnh phúc, để rồi xếp lại ước mơ trở thành ca sĩ hàng đầu để được gần chồng con.

Ca sĩ Lệ Hằng tiếp tục trở thành giọng ca quen thuộc của không chỉ Kiên Giang, mà ở nhiều tỉnh miền Tây. Bà tiếp tục vừa hát, vừa theo học để có bằng cấp đứng lớp giảng dạy, đến 2015 thì về hưu.

Ở nhà, bà mở lớp luyện thanh cho trẻ nhỏ. Mục tiêu không phải đào tạo ca sĩ, mà giúp các bé không may bị ngọng, phát âm không chuẩn có khả năng diễn đạt tốt hơn. Các bé hay gọi bà là "bà nội", thậm chí "bà cố", gửi gắm cho bà những ước mơ cổ tích.

Đến giờ, Lệ Hằng vẫn đi hát khi có lời mời, nhưng hát để vui chứ không phải cát sê. Những lúc rảnh rỗi, bà lại đàn, hát, rồi đăng lên mạng xã hội. Không ngờ, người xem lại cổ vũ nồng nhiệt. Lượng view cao vút cũng làm chính bà đầy bất ngờ.

Tuy ngoài 70 tuổi, nhưng bà vẫn giữ chất giọng khỏe, biểu diễn linh hoạt, không khác gì thời trẻ. Chỉ có khác là mái tóc hoa râm, đã khiến người xem không khỏi ngạc nhiên và ngất ngây với "bà nội" hát tình ca này.

************

>> Kỳ tới: Ngất ngây cùng cây guitar mù Thanh Điền

Cây guitar vào tay ông như thành dàn hợp xướng, người nghệ sĩ mù cứ hồn nhiên tuôn ra những giai điệu làm ngất ngây người nghe.

Cuối tuần nghe nghệ sĩ đường phố hát boleroCuối tuần nghe nghệ sĩ đường phố hát bolero

TTO - Ngày đi làm công nhân may, đêm đi hát rong mưu sinh. Công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng Trương Văn Thắng (quê Ninh Thuận) không nghỉ đêm nào. Bởi ngoài có thêm thu nhập, ca hát còn mang lại cho anh niềm vui.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp