Kelly Hearsey (giữa) - Ảnh: superrecognisersinternational.com
Kelly đến gần và nói: "Amber, tôi không thể tin được, dạo này cô khỏe không?". Người phụ nữ ấy ngước nhìn với ánh mắt vô hồn vì tưởng Kelly là người lạ. Chuyện như vậy xảy ra thường xuyên đến nỗi Kelly tự hào mình có trí nhớ tốt và rất giỏi nhận dạng khuôn mặt.
Khi tôi nhìn một gương mặt, chỉ trong một phần giây tôi sẽ biết đó có phải là gương mặt tôi đang tìm kiếm hay không.
KELLY HEARSEY
Đi thi chơi, rốt cuộc đạt điểm cao nhất
Một ngày năm 2018, Kelly Hearsey đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám của nhà văn nổi tiếng Peter James.
Trong truyện, sĩ quan thanh tra Mike Neville của Sở Cảnh sát London đã đề cử một chuyên viên nhận dạng siêu cấp đến nhận dạng một đối tượng được nhìn thấy trên camera giám sát.
Cô chưa từng nghe đến thuật ngữ "chuyên viên nhận dạng siêu cấp" nên tra cứu Google, từ đó một thế giới hoàn toàn mới mở ra.
Trong quá trình tìm kiếm trên Google, cô tình cờ biết Đại học Greenwich ở London (Anh) đăng bài kiểm tra nhằm tìm kiếm những người có kỹ năng siêu nhận dạng.
Sau một thời gian chần chừ vì sợ rớt, cô quyết định làm bài kiểm tra. Kết quả cô đạt điểm tối đa trong bài kiểm tra đầu tiên và được hướng dẫn tiếp tục làm các bài tiếp theo. Thời gian làm các bài kiểm tra kéo dài bảy ngày.
Cuối cùng cô là người đạt điểm kiểm tra kỹ năng siêu nhận dạng cao nhất trong 7 triệu ứng viên nên được mời gửi lý lịch đến người mà cô không ngờ tới, đó chính là cựu chánh thanh tra cảnh sát Mike Neville.
Ông là người thành lập đơn vị siêu nhận dạng đầu tiên của cảnh sát Anh và trên thế giới vào năm 2012 và đã giữ chức tổng giám đốc Công ty TNHH Super Recognisers International từ năm 2018.
Mike Neville mời Kelly đến kiểm tra trực tiếp tại phòng thí nghiệm Đại học Greenwich. Kết quả kiểm tra rất tốt. Một tuần sau, cô tham dự khóa đào tạo.
Trong khóa học, cô đã học được nhiều cách nâng cao kỹ năng nhận dạng bẩm sinh như kỹ năng phân tích và phát hiện hành vi, công tác theo dõi người và phương tiện, cách thức hoạt động ngầm, pháp luật về dữ liệu và hình ảnh cá nhân, cách bí mật sử dụng thiết bị vô tuyến.
Cô lần lượt vượt qua các vòng thi. Cuối khóa học, các học viên tham gia trò chơi nhập vai thú vị. Họ phải bí mật phát hiện một số người đóng giả kẻ xấu trà trộn trong một khu chợ sầm uất ở London.
Họ được cung cấp các bức ảnh đã cũ liên quan đến kẻ xấu. Cuối cùng họ đã nhận diện kẻ xấu thành công dù kẻ xấu đã già đi rất nhiều so với ảnh.
Kelly ký hợp đồng làm việc cho Super Recognizers International, một công ty có hợp đồng dịch vụ với nhiều cơ quan cảnh sát ở Anh. Trong lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên, cô được cử đến Jersey tham gia điều tra án giết người.
Cô xem đi xem lại hình ảnh nghi phạm trên camera giám sát rồi tìm kiếm chứng cứ mới và cùng đội điều tra phá án thành công. Lần khác, cô đã phát hiện thủ phạm trong giờ nghỉ uống trà. Nghi phạm bị kết tội giết người và bị kết án 19 năm tù. Đây thực sự là kinh nghiệm khó quên đối với cô.
Trong một vụ án khác, cảnh sát bắt được hung thủ tại hiện trường nhưng không rõ hắn lên kế hoạch giết người trước hay chỉ ra tay tình cờ. Kelly phân tích băng ghi hình ngoài phố bốn ngày trước vụ án, video tạm giữ và giấy tờ tùy thân có ảnh của hung thủ.
Cuối cùng cô xác định có 83 hình ảnh chứng minh địa điểm hung thủ giấu vũ khí gây án mà các điều tra viên không tìm ra. Đây là vụ có công phá án của Kelly được nói đến nhiều nhất trên truyền hình.
Hiện nay, cô được coi là phụ nữ dân sự có kỹ năng siêu nhận dạng giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Cô đang giữ chức quản lý hoạt động siêu nhận dạng của Super Recognizers International. Công việc của cô rất đa dạng, từ điều tra án giết người, tìm kiếm người mất tích cho đến nhận dạng các fan cuồng và bọn móc túi trong các sự kiện.
Sĩ quan cảnh sát Andy Pope ở Anh nhận dạng hơn 2.000 người bị truy nã hơn 10 năm qua - Ảnh: SWNS
Kỹ năng siêu nhận dạng do gene di truyền
Theo tạp chí Legal Desire (Ấn Độ), thuật ngữ "kỹ năng siêu nhận dạng" đã được Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học London (Anh) đưa ra năm 2009 để chỉ những người có khả năng nhớ hơn 80% khuôn mặt họ từng gặp (người bình thường chỉ nhớ trung bình 20%).
Một nghiên cứu của Đại học York (Canada) ghi nhận bộ não con người có khả năng nhớ trung bình 10.000 khuôn mặt trong suốt đời người và một người bình thường có thể nhớ khoảng 5.000 khuôn mặt.
Một nghiên cứu khác của Đại học Bournemouth xác định chỉ từ 1 - 2% trên thế giới đạt được kỹ năng siêu nhận dạng mà Kelly Hearsey là một trong số đó.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trong não có một vùng não nhận dạng khuôn mặt liên quan đến các đường dẫn thần kinh về nhận dạng. GS.TS Josh P. Davis ở Đại học Greenwich (Anh) giải thích: "Nếu vùng này bị tổn thương, con người sẽ mất khả năng nhận dạng hoàn toàn (bệnh mù mặt).
Ngược lại, vùng não này rất có thể là nguồn gốc phát sinh khả năng nhận dạng đặc biệt ở một số người". Song đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được cơ chế thần kinh dẫn đến khả năng siêu nhận dạng.
Theo nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tâm lý pháp y thuộc Đại học New South Wales (Úc) công bố trên tạp chí PLOS One tháng 11-2020, khó có thể đào tạo kỹ năng siêu nhận dạng vì khả năng này được mã hóa trong gene di truyền và có thể thay đổi tự nhiên như chỉ số thông minh (IQ).
Ngoài kỹ năng siêu nhận dạng, những người có khả năng này không có nhiều điểm chung nào khác. Họ có thể xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội và có cùng mức độ thông minh như mọi người.
Trả lời tạp chí VICE (Canada), Kelly Hearsey khẳng định mình không chỉ nhận dạng được khuôn mặt mà còn liên tưởng ngay người đó là ai và quen biết trong hoàn cảnh nào. Cô không mất thời gian suy nghĩ các đặc điểm trên khuôn mặt, thậm chí nhận dạng khi chỉ nhìn từ sau đầu.
Cô giải thích: "Có thể tôi khác với các chuyên viên siêu nhận dạng khác, tôi chỉ quan sát tổng thể. Dường như não của tôi nhận dạng hình dạng chứ không phải riêng biệt mắt, tai hoặc mũi".
Cô luôn nghĩ con người nhận dạng tốt hơn phần mềm nhận dạng mới nhất bởi con người có thể xử lý hình ảnh có chất lượng thấp nhất hoặc thậm chí hình ảnh chỉ ghi lại một phần khuôn mặt, ví dụ cô có thể nhận dạng dù đối tượng đeo khẩu trang ngừa COVID-19.
Theo cô, phần mềm nhận dạng chỉ thực sự đạt hiệu quả cao khi do một nhà phân tích có kỹ năng siêu nhận dạng sử dụng. Nếu như phối hợp giữa kỹ năng siêu nhận dạng với phần mềm nhận dạng thì quá tuyệt vời!
Hiện nay, nhiều ngành đang tìm kiếm những người có kỹ năng siêu nhận dạng, ngoài cảnh sát còn có các cơ quan chính phủ và thương mại như cơ quan nhập cư, cơ quan tình báo, cơ quan an ninh, các tổ chức tài chính và thậm chí là sòng bạc.
Hiệp hội Những người siêu nhận dạng ở Blackwater (Anh) là tổ chức nghề nghiệp quy tụ các chuyên gia siêu nhận dạng từ khắp nơi trên thế giới.
Tương tự Anh, một số quốc gia như Đức, Nhật, Úc đã thành lập các đơn vị siêu nhận dạng. Tại Đức, Cục Cảnh sát hình sự bang Bavaria (LKA) đã tuyển 25 sĩ quan có kỹ năng siêu nhận dạng.
Đại học Cảnh sát bang Baden - Württemberg thường xuyên sàng lọc tìm kiếm các cảnh sát có kỹ năng hiếm có này. Tại Ấn Độ ngày 7-7-2021, Đại học Khoa học pháp y quốc gia của Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ độc quyền với Công ty Super Recognizers International của Anh về đào tạo những người có kỹ năng siêu nhận dạng.
----------------
Săn băng trôi là đam mê của thuyền trưởng Barry Rogers từ thuở bé. Từ băng trôi 10.000 năm tuổi, nhà máy có thể pha chế thành rượu vodka tinh khiết.
Kỳ tới: Thợ săn băng trôi và rượu vodka 10.000 năm tuổi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận